"Người ta nhìn thấy tôi thì hét lên rồi bỏ chạy"

Sức khỏeThứ Hai, 05/05/2014 12:03:00 +07:00

Ông tên Lê Phúc năm nay 57 tuổi có một khuôn mặt mà ai nhìn cũng sợ.

Ông tên Lê Phúc năm nay 57 tuổi có một khuôn mặt mà ai nhìn cũng sợ.

Vợ chồng ông Phúc 
"Những người yếu bóng vía nhìn thấy tôi thì hét lên rồi bỏ chạy, tôi cũng tự nhủ rằng hạn chế tiếp xúc với mọi người, nhưng với cái nghề bán vé số hiện nay làm sao mà không tiếp xúc được, đôi khi tôi phải vừa lấy tay che mặt vừa mời khách mua…" - ông Phúc buồn rầu nói.

Cũng đã gần 40 năm từ cái ngày bà Trần Thị Bằng (SN 1958), trú tại tổ 12, An Khánh, phường Thủy Lương, TX Hương Thủy, TT Huế quyết định lấy ông Lê Phúc (SN 1957) một người từ khi lọt lòng đã có khuôn biến dạng “người không ra người, quỷ không ra quỷ”. Bị người thân ghét bỏ nhưng bà vẫn quyết định đến với ông, vẫn mong có ngày ông được trở thành “người”.
Người đàn ông có khuôn mặt "ma quái"
Chúng tôi về làng An Khánh, TX Hương Thủy hỏi về ông Phúc thì chẳng ai xa lạ gì với người đàn ông này, con đường vào nhà ông Phúc quanh co, vòng vèo, khó nhớ. Rất may có người dân tốt bụng trong làng đã dẫn chúng tôi đến tận căn nhà nhỏ của ông nằm sâu trong xóm. Ông tên Lê Phúc năm nay 57 tuổi có một khuôn mặt mà ai nhìn cũng phải khiếp.
Nhận thấy có người đến, ông Phúc đang nằm trên chiếc giường tre cũ kỹ, ông vịn tay vào cửa sổ gần giường từ từ trở dậy ồm ồm cất tiếng mời gọi chúng tôi vào nhà rồi khập khiễng đi bưng ghế để tiếp khách.
Ông không dám nhìn thẳng mà chỉ vu vơ nhìn đâu đó để trò chuyện, ông nói “tôi may mắn được vợ không chê về ở với tôi, nếu không cuộc đời tôi không biết bây giờ biết sống làm sao nữa”.
Căn nhà của ông Phúc 
Vào năm 1976 ông Phúc và bà Bằng đã vượt qua bao nhiêu ngăn cản để đến với nhau, sống với nhau có được 3 mặt con nhưng tại hoàn cảnh nghèo nàn không lo được cho con cái ăn học. Bây giờ tuy đã khôn lớn, do không được học hành nên các con ông phải lao động chân tay kiếm sống.

Nhưng do ảnh hưởng di truyền từ ông nên những người con tội nghiệp này không được khỏe mạnh như bao người, bởi vậy cũng không có ai thuê làm việc lâu dài mà chỉ thuê làm công tính từng ngày, từng bữa nên cuộc sống rất khó khăn.
Khi được hỏi về các con, ông Phúc than ngắn thở dài: “Các con tôi đang làm thuê ở ngoài Bắc lương năm cọc ba đồng không nuôi nổi bản thân, đến ngày tết cũng không có tiền để về thăm gia đình. Những ngày tết đối với vợ chồng tôi phải chăng chỉ là những ngày được ăn no hơn ngày thường thôi”.
Ông Nguyễn Tàu (83 tuổi, hàng xóm với ông Phúc) cho biết: “Ông Phúc có khuôn mặt dị dạng từ lúc sinh ra, tôi ở gần nhà ông Phúc cũng khá quen với khuôn mặt của ông ấy, vậy mà có lần phải “đứng tim” khi gặp ông ấy trong buổi tối.

Ông Phúc có sức khỏe yếu lắm, có làm được việc gì nặng đâu, còn vợ thì bị sỏi mật gần 10 năm nay không làm được việc gì nên hàng ngày phải ông đi bán vé số chạy vạy từng bữa ăn. Nghĩ cũng tội cho ông mà chúng tôi chẳng giúp được gì!”
Thấy chúng tôi có vẻ ái ngại khi trò chuyện, ông Phúc đưa tay sờ lên khuôn mặt bảo: “Cả cuộc đời tôi phải mang khuôn mặt quái quỷ này! Có lần, mời một phụ nữ mua vé số lúc bà ấy quay lại nhìn tôi bà hét lên rồi bỏ chạy, cứ như là gặp ma. Người lớn mà vậy huống gì trẻ con”.
Trước đây ông Phúc thường tìm đến những quán cà phê, quán nhậu hoặc tụ điểm có đông người trong thành phố Huế để chào bán vé số, nhưng tại hiện nay mỗi lần đi bộ nhiều ông thường chóng mặt, có lần đã ngất xỉu ngoài đường nên từ đó đến nay ông ngồi bán một chỗ ở cổng phụ của Bệnh viện Trung ương Huế.
Ước mong có được "mặt người"
Trong suốt cuộc trò chuyện, bà Bằng vợ ông Phúc không có một lời oán trách hay than vãn về phận mình. Bà luôn hy vọng và tin yêu vào cuộc sống vẫn mong có ngày ông Phúc có được khuôn mặt như bao người.

“Tôi và ông đã có duyên phận với nhau thì phải cùng nương tựa nhau mà sống, trước đây khi còn khỏe mạnh không ốm đau gì thì tôi làm nuôi ông. Nhưng bây giờ không làm gì được nữa, có ngày không có cái để ăn, mặc dù sức khỏe ông yếu ớt nhưng hàng ngày ông vẫn đi bán vé số kiếm được 30 – 40 ngàn có tiền mua gạo” - bà Bằng tâm sự.
Sống trong căn nhà dột nát ở xóm nhỏ cũng thuộc dạng nghèo nhất làng, tuổi thơ của ông Phúc là những tháng ngày bị chúng bạn chê cười, mọi người xa lánh. Vì nhà nghèo, bà Bằng với căn bệnh sỏi mật trong người cần phải chữa trị ấy vậy mà bà không cần quan tâm, để mặc cho số phận đưa đẩy, bởi phải chạy ăn từng bữa lấy đâu ra số tiền lớn mà chữa trị.
Chiếc giường tre cũ kĩ là nơi ông Phúc nghỉ ngơi sau mỗi ngày làm việc. 
Bà Bằng cho hay: “Tôi không lo lắng về sức khỏe của mình nhiều, vì có lo cũng chẳng làm gì được. Với bệnh tình của tôi muốn chữa trị phải tiêu tốn nhiều tiền, thôi “trời kêu ai thì nấy dạ” chứ biết phải làm sao”.
Ông nói xen vào: “Vợ tôi bị bệnh muốn chữa trị cũng phải cần số tiền lớn, tôi thương lắm nhưng tiền không có phải biết làm sao. Nhà nghèo, thôi thì đành cam chịu số phận ông trời đã an bài vậy!” - nói đến đây ông như cứng miệng, đôi mắt rưng rưng.
Khi nghe ông Phúc dứt lời, mọi người có mặt ở đây kể cả PV chúng tôi cũng dừng hẳn cuộc nói chuyện, vợ chồng ông Phúc mỗi người nhìn một hướng, tránh nhìn mặt nhau bởi lúc này nỗi tủi hờn đang in sâu lên đôi mắt họ. “Ông trời cho tôi sống chừng này cũng nhiều rồi, tôi chẳng mong ước gì thêm. Những đêm ngủ, tôi chỉ ước khi mở mắt ra sẽ được nhìn thấy chồng tôi khỏe mạnh khuôn mặt bình thường như bao người thì còn gì hạnh phúc hơn nữa” - bà Bằng nghẹn ngào.
Nghĩ đến việc bà Bằng vẫn ngày đêm mong ông có được khuôn mặt “người” , ông Phúc vò đầu, đôi mắt lim dim. Ông bảo: “Khuôn mặt tôi từ khi lọt lòng đã như thế, tôi cũng ước muốn mình có khuôn mặt bình thường lắm chứ, sung sướng gì đâu mỗi khi ra đường là mọi người khiếp sợ."

Ông Tàu – hàng xóm nhớ lại “nhiều lần sang nhà vợ chồng ông Phúc chơi nhìn bữa cơm của gia đình ông rất đạm bạc. Tôi vẫn hay nghĩ là ông bà ăn chay.

Bởi ngoài nồi cơm nhỏ, trên mâm chỉ toàn là rau tập tàng hoặc rau xanh trồng quanh nhà không có một miếng thịt, miếng cá nào. Nhiều lần nhìn thấy thế tôi gặng hỏi thì biết được vợ chồng ông ấy ăn như vậy bởi không có tiền nhiều để mua thịt, cá…”
Rời ngôi nhà khi bóng chiều đang dần tắt, hai ông bà đáng thương đứng cạnh nhau nắm tay tiễn biệt chúng tôi. Thoạt quay lại, nhìn thấy ông bà vẫn lạc quan, vẫn còn đâu đó một niềm tin vào điều kỳ diệu sẽ đến với ngôi nhà nhỏ. Có một cảm giác gì đó sao mà nhoi nhói. Bởi giữa cuộc sống hiện đại này vẫn còn có chuyện như trong cổ tích, vẫn còn tin ở phép nhiệm màu.
Ông Nguyễn Sinh - Tổ trưởng tổ 12, Thủy Lương, TX Hương Thủy, nơi vợ chồng ông Phúc sống cho biết “Gia đình ông Phúc là một hộ nghèo nhất trong tổ, hoàn cảnh của ông ông bà thật đáng thương.

 Ông Phúc thì bị sức khỏe yếu ớt, bà Bằng thì bệnh tật trong người không có tiền chữa trị, nằm viện một thời gian dài, nhà hết tiền nên trốn viện về nhà không điều trị nữa.

Hàng tháng chính quyền có hỗ trợ 270.000 đồng cộng với khoản tiền ít ỏi của ông Phúc kiếm được từ việc bán vé số hàng ngày không đủ trang trải, cuộc sống hết sức khó khăn, chật vật”.

Theo Petrotimes

Bình luận
vtcnews.vn