Người ta đã hồ hởi phá tan nát Sapa ra sao?

Thời sựThứ Bảy, 30/11/2019 06:40:00 +07:00

Sự yếu kém trong quản lý là nguyên nhân hàng đầu và gốc rễ cho cái sự nát tươm của Sapa hiện tại và có thể tương lai còn nát bét thêm nữa.

Mới đây, blog chia sẻ kinh nghiệm du lịch gia đình Family Globetrotters, xếp Sapa cùng với 9 địa điểm du lịch trên toàn thế giới, là điểm đến gây thất vọng.

Có thể, nhiều người chưa hình dung nổi, vì sao những du khách nước ngoài lại đánh giá như vậy, bởi Sapa hiện lên trên báo chí, trên trang cá nhân của du khách với những hình ảnh núi rừng lung linh, mây bay huyền ảo, ruộng bậc thang hùng vĩ, bản làng nên thơ. Nhưng có một thực tế là những khoảnh khắc đẹp đẽ đó đang lùi xa mỗi ngày khỏi thị trấn, thậm chí, những bản làng nên thơ cũng đang biến mất từng ngày.

Cách đây độ 15 năm, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng có một bài ký sự rất dài trên báo An ninh thế giới, đại loại “100 năm Sapa vẫn ngủ”. Tức là 100 tuổi mà vẫn đìu hiu trong mây mù, chẳng nơi ăn, chốn ngủ. Hình ảnh Sapa khi đó hiện ra trong màn mây mờ một vài con phố nhỏ, vài ông Tây ba lô lang thang ngó nghiêng dăm cửa hàng quà lưu niệm cũ kỹ.

Con đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai hoàn thành năm 2014 khiến Sapa – xứ sở xa xôi heo hút với cả đêm vạ vật trên tàu, cả ngày ô tô đánh vật với các con dốc, ổ voi, lầy lội trở nên gần hơn bao giờ hết. Từ Hà Nội lên Sapa chỉ còn 4 tiếng đồng hồ. Và ít ai hình dung nổi, Sapa lại trở mình một cách nhanh chóng như thế.

Thị trấn Sapa từng ngày trương phình lên, đông đúc, hỗn loạn, rác rưởi, nham nhở, tắc đường và nhung nhúc người xe. Quá trình đô thị hóa Sapa có lẽ nhanh đến nỗi tư duy những người quản lý ở vùng đất “ngủ yên” suốt trăm năm này không theo kịp.

sa-pa-bi-pha-nat

Một đoạn đường ở Sapa bị đào bới, hư hỏng do du khách nước ngoài chụp. (Ảnh:  Amy Chung)

Dăm năm nay, năm nào cũng dăm lần chục lượt đến Sapa, bởi nó là cửa ngõ đi vào tận cùng Tây Bắc – miền đất thi vị và hùng vĩ và có một thực tế là rất hiếm khi tôi dừng lại ở thị trấn Sapa. Nếu phải ở lại, tôi cũng ghé xuống nhà sàn của ông Hà Mèo ở chỗ Cầu Mây để mong tìm được giây phút yên tĩnh, thưởng chén trà bên bếp lửa ấm cúng giữa nhà.

Mùa mưa, Sapa bẩn thỉu nhớp nháp, cuối năm và đầu năm không khí khô ráo, thì bụi bặm khủng khiếp, bụi hơn cả thủ đô. Thị trấn như một cái công trường nhốn nháo lộn xộn từ mấy năm nay.

Nhưng rồi đường xuống thung lũng Mường Hoa thơ mộng của người Mông, Giáy, Dao cũng là thảm họa suốt từ năm 2015 đến nay. Con đường dẫn xuống thung lũng Mường Hoa chỉ dài cỡ chục km mà quanh năm suốt tháng thấy đục đẽo, đào bới, đắp sửa. Chẳng ai có thể tin nổi, con đường xuyên qua những thửa ruộng bậc thang, dẫn đến những bản làng hút khách lại nham nhở những “vũng trâu đằm”, những “ổ lợn đẻ”.

Tôi ngồi ở quán cafe Mường Hoa View ngay sườn núi dẫn vào Tả Van, ngắm thung lũng dưới chân tuyệt đẹp, nhưng chỉ một lúc là ngộp thở bởi bụi đường, cây lá, bàn ghế phủ bụi trắng xóa. Ngay cả những bản làng du lịch cộng đồng, cách xa thị trấn cả chục km, cũng đang từng ngày nát bươm. Đường sá toàn phân trâu, phân bò, xác xơ, rác rưởi.

Ngoài bản Cát Cát của người Mông giao cho một doanh nghiệp bảo tồn khai thác được quy hoạch bảo vệ tốt thì các bản làng dọc thung lũng Mường Hoa thuộc các xã Tả Van, Hầu Thào, Sử Pán... đang bị “tạp nham hóa”.

Khách du lịch đến các bản làng chẳng còn tìm thấy những nếp nhà sàn, những nếp nhà gỗ, những nếp nhà trình đất ấm áp với những cây đào già cỗi trước sân, không thấy cảnh cụ bà ngồi thêu bên bậu cửa, mà thay vào đó là những ngôi nhà kiên cố xây gạch, những “boongke khung sắt” ghép tạm đủ các dạng hình loi choi bên thửa ruộng bậc thang, mạnh ai nấy làm. Nơi những bản làng homestay chỉ thấy khắp nơi là cửa hàng bán vật liệu xây dựng.

sapa-bi-bam-nat

 Thị trấn Sa Pa nhìn từ đường xuống bản Cát Cát dày đặc các công trình xây dựng phủ kín khắp các sườn đồi. (Ảnh: Việt Linh/Dân Việt)

Hầu hết du khách, thậm chí các trí thức đến Sapa thấy nó nát như tương đều thốt lên chán nản, rồi thì tìm nguyên do đổ lỗi. Người đổ cho dân bản địa tham lam ít học chèo kéo du khách ăn xin bán hàng, người đổ cho doanh nghiệp đầu tư quá nhiều, người đổ lỗi cho cáp treo phá nát mọi thứ, người đổ cho khách quá đông...

Là người gắn với Sapa nhiều, nên tôi đổ thẳng cho chính quyền địa phương. Sự yếu kém trong quản lý là nguyên nhân hàng đầu và gốc rễ cho cái sự nát tươm của Sapa hiện tại và có thể tương lai còn nát bét thêm nữa.

 
Chẳng ai có thể tin nổi, con đường xuyên qua những thửa ruộng bậc thang, dẫn đến những bản làng hút khách lại nham nhở những “vũng trâu đằm”, những “ổ lợn đẻ”.

Lên Sapa, có thể thấy người già, trẻ nhỏ, phụ nữ... ăn mày, bán hàng rong khắp nơi, chèo kéo du khách từ sớm tinh mơ đến nửa đêm khuya khoắt. Đội ngũ chèo kéo bám đuôi du khách xuất hiện từ bản làng tít hút, đến mọi ngóc ngách thị trấn.

Có lẽ, chẳng có “thiên đường du lịch” nào trên thế giới này để tồn tại cảnh những đứa bé 5 - 6 tuổi ngồi ngủ gật nơi vỉa hè lúc nửa đêm để bán mấy món đồ lặt vặt nhập về từ Trung Quốc. Những hình ảnh đó thực sự quá phản cảm. Lỗi không ở chính quyền thì do ai?

Chuyện quy hoạch và xây dựng ở thị trấn Sapa có lẽ nhốn nháo không chốn nào bằng. Thị trấn chỉ có nhúm đất, nhưng bao năm rồi, tình trạng xây dựng lộn xộn vẫn diễn ra khắp nơi, chẳng theo quy hoạch thể thống nào cả, rác thải ngập ngụa, vật liệu ngập ngụa, xe chạy cuốn bụi mịt mù, đường sá bị băm nát... chẳng do chính quyền không biết quản lý thì do cái gì?

Có một cán bộ về hưu, sống cả đời ở Sapa, thốt lên với tôi thế này: “Cán bộ ở đây chỉ quan tâm đến việc thu tiền, thu phí cho đầy đủ thôi, chứ không đủ sức quan tâm đến chỉnh trang trật tự đô thị đâu. Thậm chí, mạnh ai nấy xây, lấn chiếm bừa bãi, nên đường sá dốc ngược mà cứ bé tí tị”.

sapa-bi-bam-nat1 3

 Những con đường ở Sapa giờ đây đầy ổ voi, ổ gà đọng lại thành từng vũng nước bẩn thỉu mỗi khi mưa xuống. (Ảnh: Việt Linh/Dân Việt)

Mấy năm trước, vị cán bộ về hưu nọ dẫn tôi đi xem một loạt công trình... “nhà tù” mọc lên ven thị trấn, view nhìn xuống thung lũng Mường Hoa rất đẹp. Chủ nhân của cả trăm công trình kỳ quái ấy là người đàn bà bí ẩn có tên Nguyễn Thị H.

Tôi tìm hiểu mãi, cũng chẳng biết bà H. kia là ai, ngoài mấy thông tin như ăn chay trường và chẳng có chút kiến thức nào về xây dựng. Có chuyện thật như đùa thế này: Bà H. xây nhà theo kiểu, cầm hòn đá ném một cái và chỉ chỗ đó đào cột. Thế là công nhân đào đất dựng cột, xây lên một cái nhà. Xây xong, thấy ngứa mắt thì nhảy lên máy ủi húc đổ. Bà cứ thế xây dựng và tạo ra một loạt “nhà tù”. Sở dĩ tôi gọi đó là “nhà tù” vì chúng đều chằn chặn rộng 4m, sâu 10-20m và chẳng có cửa sổ gì sất.

Suốt bao năm, người đàn bà này cứ húc núi dựng nhà, húc tung cả nghĩa địa, lấy đến tận mép trụ sở của Vườn Quốc gia Hoàng Liên để phân lô xây nhà. Tôi trò chuyện với một cán bộ VQG, thì anh lắc đầu ngao ngán, rằng VQG muốn có ít đất cạnh trụ sở để xây dựng trại bảo tồn nguồn gen quý thì mãi không được nhưng chính quyền lại cắt luôn chỗ đấy cho một người đàn bà lạ hoắc xây nhà để bán.

Chỉ đến khi, người đàn bà kỳ quặc, xây những công trình kỳ quái kia bị bắt, thì một loạt cán bộ mới lộ mặt tiếp tay dâng đất cho bà ta xây xướng bừa bãi, nhí nhố, chẳng ra thể thống gì.

Nhớ lại hồi năm 2016, khi mất cả nửa ngày lái xe leo dốc con đường toàn đá hộc, dài có hai chục cây số, đến bản Séo Mý Tỷ tuyệt đẹp, khi ngồi bên hồ nước cao nhất Đông Dương, “người rừng” Trần Ngọc Lâm kể cho tôi một chuyện mà ông coi đó là chuyện chẳng có gì ngạc nhiên ở cái xứ này.

Ông kể rằng, có cô kiến trúc sư người Pháp, yêu Sapa lắm, bỏ bao công sức, tiền bạc trị giá nhiều trăm ngàn đô, vẽ quy hoạch toàn bộ cho Sapa. Cô tuyên bố sẽ kêu gọi người Pháp bỏ hàng triệu đô quy hoạch chi tiết Sapa, bởi vùng đất này mang đậm dấu ấn của người Pháp. Thế nhưng, đề án quy hoạch đẳng cấp quốc tế của cô khi đem trình cán bộ ở đây thì chả ai thèm để ý, bởi cái bản quy hoạch chi tiết đó không phải là tiền tươi thóc thật.

Độc giả có đồng tình với quan điểm tác giả bài viết? Hãy bày tỏ ý kiến của mình TẠI ĐÂY hoặc gửi trong ô bình luận ở bên dưới.

 

Phạm Dương Ngọc
Bình luận
vtcnews.vn