Người phụ nữ trong ‘Đợi anh về” của Simonov là ai?

Văn hóa - Giải tríThứ Ba, 06/11/2012 06:30:00 +07:00

(VTC News) - Ít ai biết Valentina Serova, diễn viên nổi tiếng, người được Simonov dành tặng bài thơ bất hủ 'Đợi anh về' lại có số phận nghiệt ngã đến thế.

(VTC News) - Ít ai biết Valentina Serova, diễn viên nổi tiếng thành Matxcơva, người được Simonov dành tặng bài thơ bất hủ 'Đợi anh về' lại có số phận nghiệt ngã đến thế.

>> Chuyên đề: Cachiusa - Cơn giận dữ của Chúa trời

“Đợi anh về” – bài thơ bất hủ của Konstantin Simonov, nói hộ tình cảm của hàng triệu chiến sỹ Hồng quân Liên Xô trong thế chiến thứ hai, đã trở nên thân thuộc với bao thế hệ người Việt Nam qua bản dịch của Tổ Hữu, đặc biệt trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ thần thánh của dân tộc.

Tuy nhiên, ít ai biết rằng Valentina Serova, người phụ nữ được Simonov yêu đến kiệt sức, tạo cảm hứng để ông viết lên bài thơ Đợi anh về” bất hủ khi đang là chiến sỹ Hồng quân ở mặt trận lại có số phận nghiệt ngã đến thế.

VTC News xin giới thiệu bài viết của nhà thơ Hồng Thanh Quang về người đàn bà hồng nhan bạc mệnh Valentina Serova. Các bài thơ sử dụng trong bài viết là bản dịch của Hồng Thanh Quang.

 

Valentina Serova
Valentina đã là một trong những gương mặt nữ diễn viên sáng giá nhất của sân khấu thành Matxcơva những năm 30 của thế kỷ trước.

Cuộc đời nàng lúc ấy như mơ. Chồng nàng, phi công thử nghiệm, anh hùng Anatoly Serov, vừa tài năng vừa lãng mạn.

Hai người cưới nhau năm 1938. Anatoly thường thích làm vui lòng cô vợ trẻ bằng cách hành xử bất ngờ.

Đang đi công tác ở vùng sâu vùng xa, anh cố tranh thủ bay về Matxcơva chỉ trong vài ba giờ để được kề bên vợ.

Hôm trước, anh tiễn vợ đi Leningrad, hôm sau anh đã có mặt ở sân ga thủ đô với bó hoa rất to để đón vợ... Phụ nữ ai mà chẳng cảm thấy sung sướng với những âu yếm và nhiệt tình đến không hẹn trước như thế của chồng.

Nhưng ngày vui ngắn chẳng tày gang. Tháng 5/1939, Anatoly đã không may hy sinh trong lúc thử nghiệm một mẫu máy bay mới, bỏ lại người vợ đang ở độ tuổi 22, và có mang 6 tháng.

Nỗi đau quá lớn, tưởng chừng như không thể vượt qua được. Và chỉ có tình yêu mới làm nguôi ngoai được những nỗi đau tình yêu.

Cũng trong thời gian ấy, Konstantin Simonov, một cây bút trẻ nhiều triển vọng đang mặc áo quân nhân, đã phải lòng Valentina bằng những rung cảm của một người đàn ông, dù đã khá từng trải nhưng vẫn rất hào hoa và gượng nhẹ.

Konstantin Simonov khi là người lính Hồng quân ở mặt trận 
Hai người gắn bó với nhau trong mối quan hệ vừa nồng nàn vừa mong manh vì với một người đa nhân cách, sống bản năng như Valentina, khó ai có thể nói trước một điều gì.

Và đấy cũng lại là sự quyến rũ nhất ở nàng. Simonov cảm thấy phấn chấn tới thắt lòng lại trước những cử chỉ mê đắm của nàng nhưng nhà thơ không bao giờ hiểu được là nàng yêu ông như thế nào hay có yêu ông thực không.

Đó là vì, trạng thái tình cảm của Valentina luôn luôn thay đổi, khiến nàng gần đấy mà lại xa ngay đấy, chập chờn như ảo ảnh.

Đôi khi Simonov có cảm giác rằng nàng chỉ yêu ông khi thể xác ở thế thượng phong, còn khi hồi tâm rồi nàng lại cảm thấy ông như một món nợ đời.

Anh biết em, em không giả dối,

Em đã vô cùng muốn yêu anh

Em chỉ nói dối được khi đêm tới,

Lúc thân mình chi phối tâm linh...

Nàng tiếp nhận những sự dâng hiến, những vai diễn mà Simonov dành cho nàng trong các tác phẩm của ông nhưng nàng hầu như không bao giờ nói từ “yêu” một cách rành rẽ và tỉnh táo.

Đã có lúc Simonov tuyệt vọng tới mức muốn rời bỏ nàng, nhưng không nổi! Có lẽ đó cũng là một trong những bí ẩn lớn của tình yêu, càng khó nắm bắt càng khó rời bỏ.

Simonov đã có lúc phải thốt lên vừa đắng cay vừa phấn khích:

Tôi buồn và nhớ quá

Giá tìm được ai kia

Giống hệt như em ấy

Để khỏi quay trở về

 

Nhưng tìm đâu ra tay

Giống hệt đôi tay đó

Để trong cảnh chia ly

Tôi thấy buồn và nhớ?

 

Tìm đâu ra đôi mắt

Biết như em giận hờn

Chỉ vô cùng thi thoảng

Giọt lệ dâng nỗi buồn?

 

Tìm đâu ra cái miệng

Biết hát, cười như em,

Để suốt đời tôi lo

Nhỡ đâu nàng lỡ hẹn?

 

Tìm đâu người mà ta

Luôn thứ tha mọi nỗi

Để bên nàng vẫn sợ

Chỉ tạm thời vậy thôi...

Trong những dằn vặt thường xuyên như thế, Simonov phải ra chiến trường. Với những tâm sự riêng tư, đầy hoài nghi vào sự chung tình của ý trung nhân, trong một cơn hứng phấn gần như thiên khải, ông đã viết nên bài thơ “Đợi anh về”.

Đơn giản là nhà thơ muốn nêu bật tâm sự của người có thể ngày mai sẽ ngã xuống trên chiến trường đầy bi tráng và xin một ân huệ cuối cùng ở người mà ông yêu.

Ông đã đặt cược cả tính mạng mình vào tay người phụ nữ đa tình và nhẹ dạ mà ông yêu quý hơn mọi sự trên đời: Anh chỉ có thể sống sót trở về nếu em chung thủy.

Gia đình nhỏ Simonov - Serova và con gái
lúc mới cưới
Người lính nào ra trận mà không muốn tin vào sự vững chắc của hậu phương. Hàng triệu bản in bài thơ này (xuất hiện lần đầu trên báo Pravda (Sự thật) ngày 14/1/1942) đã trở thành cầu nối cho vô số những cặp tình nhân thời chiến.

Lời khẩn cầu bi thiết của riêng Simonov lại trở thành khúc tụng ca đức trung trinh của người phụ nữ cho tất cả thiên hạ. Trong cách cảm nhận của rất nhiều người, Valentina đã trở thành biểu tượng tuyệt vời của phụ nữ Xôviết, biết yêu và đợi chờ như không một ai khác có thể.

Xông pha vào những nơi hòn tên mũi đạn ác liệt nhất, Simonov luôn đau đáu nghĩ về Valentina như một nguồn yêu không thỏa. Những dòng thơ bi phẫn đã sinh ra trong những căn hầm dã chiến luôn bộc lộ những đau đớn của mối tình đơn phương:

Và Tết này em vẫn không cùng anh

Giá em thấu tận tường mọi nỗi

Giá em hiểu anh yêu em biết mấy

Hẳn tự lâu em tới với anh rồi!..

 

Anh ở đây không trò chuyện cùng ai

Và không nhắc tên em thành tiếng

Nhưng ngay cả khi anh không nói

Im lặng này vẫn hướng cả về em

 

Vô hình hỡi, nhìn xem anh viết,

Những lá thư vô nghĩa suốt đêm dài.

Đau đớn quá những từ anh chép

Vô nghĩa sao, em hãy xem này...


Đón đọc tiếp kỳ sau: Mối tình sét đánh với vị Nguyên soái và kết cục bi thảm


Hồng Thanh Quang

Bình luận
vtcnews.vn