Người phụ nữ tật nguyền khóc thương vị ân nhân Sáu Khải

Thời sựThứ Năm, 22/03/2018 19:18:00 +07:00

Đoàn xe đưa linh cữu nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải vừa về đến tư gia thì có một phụ nữ tật nguyền xin vào bên trong đưa tiễn ông và bật khóc nức nở.

Vị ân nhân đặc biệt

Người phụ nữ đó tên là Huỳnh Thị Ngọc Hân, tuổi đã ngoài 30 nhưng dáng người nhỏ thó, ngây ngô và bước đi không vững.

Từ sáng sớm, trong hàng ngàn người đến ngồi chờ trước cửa nhà nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải để chờ đoàn xe đưa linh cữu ông về tư gia, chị Hân là một trong những người đến sớm nhất.

Theo người dân địa phường, chị Hân nhà ở ấp Tiền (xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TP.HCM) sinh ra trong một gia đình nghèo, lại mắc bệnh bẩm sinh từ nhỏ. Không có tiền chạy chữa, chị cứ lớn lên lơ ngơ, chậm chạp.

Khi những người đồng trang lứa đều có gia đình, con cái thì chị vẫn luẩn quẩn một mình, đi lang thang khắp nơi như một đứa trẻ ngây ngô.

Trong trí nhớ ít ỏi của mình, chị Hân cho biết lần đầu tiên gặp ông Sáu (tên thân mật người dân gọi nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải) là khi ông vừa thôi nhiệm kỳ lãnh đạo, về lại địa phương sinh sống.

12

 Chị Huỳnh Thị Ngọc Hân bật khóc vì không thể vào bên trong khu vực diễn ra lễ an táng nguyên Thủ tướng.

Một lần chị Hân đi ngang qua nhà ông Sáu ở ấp Chánh, ông gọi chị vào hỏi han về hoàn cảnh gia đình, tình trạng bệnh tật.

Chị Hân ngọng nghịu kể: “Ông Sáu bảo từ nay có khó khăn gì cứ nói ông, ông giúp cho. Ông cho tiền, lần thì 200.000 đồng, lần thì 500.000 đồng, có khi 1 triệu. Tết còn cho tiền mua đồ mới”.

Từ khi nghe tin ông Sáu mất, ngày nào chị cũng quanh quẩn xung quanh khu vực nhà của ông. Chị bảo hôm nay biết người ta đưa ông về, chị mặc bộ đồ và đôi dép mới mua được từ tiền ông Hai cho để đến lễ tang.

Lúc thấy quan tài ông Hai vào cổng, chị lao theo nhưng bị lực lượng làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh giữ lại.

“Tôi muốn vào bên trong tiễn ông Sáu lần cuối mà mấy chú lính không cho, đẩy ra”, nói rồi chị bật khóc nức nở khiến nhiều người xung quanh không khỏi thương cảm.

003

 Ông Nhuốc ôm di ảnh ngồi chờ linh cữu nguyên Thủ tướng từ sáng sớm.

Một người phụ nữ lớn tuổi ở địa phương kể lại, chiều hôm qua gặp chị Hân ở một quán nước ven đường, cứ thấy chị nói những lời lắp bắp về ông Sáu.

“Ông Sáu làm việc thiện ít khi cho ai biết lắm. Đến lúc thấy chị Hân ngồi lắp bắp một mình hỏi thì mới biết chuyện. Ông ấy gần gũi, giản dị nên ai cũng yêu quý hết”, người phụ nữ này cho biết.

Không chỉ chị Hân, một người đàn ông lớn tuổi khác cũng lặn lội hàng chục cây số từ xã khác của huyện Củ Chi, ôm theo di ảnh nguyên Thủ tướng ngồi đợi đoàn xe tang lễ từ sáng.

Ông tên Nguyễn Văn Nhuốc (SN 1933), là một cựu chiến binh và đã nhiều lần có cơ hội gặp nguyên Thủ tướng. Sau những câu chuyện đời thường, tình cảm quý mến, trân trọng dành cho vị lãnh đạo của ông Nhuốc lớn dần lên.

Từ sáng 22/3, ông đã ngồi đây đợi cho đến lúc được vào bên trong thắp nén nhang tiễn biệt vị lãnh đạo tài ba, có nhiều công trạng với đất nước và nhân dân.

03 4

 Người dân địa phương lập ban thờ nguyên Thủ tướng trước cửa nhà.

Người dân lập bàn thờ nguyên Thủ tướng

Ngay từ sáng sớm, bà Mai Thị Bé cùng nhiều bà con ở xã Tân Thông Hội (huyện Củ Chi) đã lập bàn thờ nguyên Thủ tướng trước cửa nhà mình để tưởng nhớ ông.

Bàn thờ chỉ bày biện một ít hoa quả, một bình hoa và di ảnh ông Sáu Khải nhưng nhang thì luôn được thắp đỏ.

Bà Bé chia sẻ: “Tôi có nhiều cơ hội được tiếp xúc với ông Sáu, nên khi nghe tin ông Sáu mất, tôi buồn như người thân mất đi vậy, cảm giác mất mát nhiều lắm”.

Chính từ tình cảm tiếc thương này, ngay sau khi quan tài của nguyên Thủ tướng vừa được hạ xuống huyệt, rất nhiều người phía bên ngoài đã bật khóc nức nở.

Bà Võ Thị Mô, nữ du kích trung đội Củ Chi ngày nào nức nở kể lại: “Ngày xưa khi gặp đội nữ du kích Củ Chi chúng tôi, nghe chúng tôi kể về những ngày tháng chiến đấu, sự hy sinh của chị em trong đội, ông Sáu nói rằng lực lượng này nhất định phải phong anh hùng.

001 5

Những giọt nước mắt của cựu nữ du kích Củ Chi. 

Rồi ông Sáu đề nghị phong anh hùng cho trung đội du kích chúng tôi. Ông còn cho tiền để chúng tôi tổ chức ngày giỗ cho những chị em đã hy sinh.

Tình cảm của ông dành cho trung đội du kích thật sự rất to lớn”. 

Đứng trong dòng người khóc thương nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải  trưa nay, chị chị Nguyễn Thị Thanh Hương nghẹn ngào nói: “Ông Sáu nuôi mấy con chim yến, bình thường nó bay đi kiếm ăn tối mới về, hôm nay tự nhiên nó ùa hết về đây như để đưa tiễn ông vậy.

Người như ông Sáu đến chim muông, cỏ cây còn thương tiếc, thì người dân Củ Chi chúng tôi còn đau buồn hơn nhiều lần”.

Video: Hàng ngàn người dự lễ truy điệu nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải

Nhật Linh
Bình luận
vtcnews.vn