Người nước ngoài tại Việt Nam được tham gia hội

Thời sựThứ Sáu, 13/11/2015 08:00:00 +07:00

Dự thảo luật đã quy định người nước ngoài sinh sống và làm việc hợp pháp tại Việt Nam được tham gia hội.

(VTC News) – Dự thảo luật đã quy định người nước ngoài sinh sống và làm việc hợp pháp tại Việt Nam được tham gia vào các hội.

Chiều 12/11, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày báo cáo thẩm tra dự Luật về Hội.
Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày báo cáo tại kỳ họp thứ 10. Ảnh: VPQH.
Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày báo cáo tại kỳ họp thứ 10. Ảnh: VPQH. 
Ông Phan Trung Lý cho biết qua thảo luận, nhiều ý kiến tán thành việc cho phép người có quốc tịch nước ngoài hoặc người không quốc tịch đang sinh sống và làm việc hợp pháp tại Việt Nam được tham gia hội trong một số trường hợp cụ thể .

Việc này nhằm bảo đảm việc triển khai thực hiện Công ước về quyền con người mà Nhà nước ta đã tham gia và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế trong tình hình hiện nay. Tuy nhiên, vấn đề này cần được quy định ngay trong Luật mà không giao Chính phủ quy định.

Một số ý kiến đại biểu cho rằng đây là vấn đề quan trọng, cần được nghiên cứu, cân nhắc kỹ, phải làm rõ người nước ngoài được tham gia hội của công dân Việt Nam hay chỉ tham gia hội của người nước ngoài được thành lập tại Việt Nam hoặc hội được thành lập ở nước ngoài và được phép hoạt động tại Việt Nam.

Vị Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết thêm về việc áp dụng Luật đối với hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam; tổ chức phi chính phủ nước ngoài đăng ký và hoạt động tại Việt Nam; tổ chức phi chính phủ trong nước (các khoản 2,3 và 4 Điều 34).

Ủy ban pháp luật nhận thấy, từ năm 1998 Chính phủ đã cho phép các doanh nghiệp nước ngoài đã được phép hoạt động thương mại, dịch vụ và đầu tư tại Việt Nam được thành lập hiệp hội doanh nghiệp hoặc Câu lạc bộ doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam.

Mặt khác, các tổ chức phi chính phủ, tổ chức phi lợi nhuận, các quỹ xã hội, quỹ từ thiện được thành lập theo pháp luật nước ngoài, có hoạt động hỗ trợ phát triển, viện trợ nhân đạo, không vì mục đích lợi nhuận cũng được phép hoạt động tại Việt Nam.

“Như vậy, trên thực tế, một số hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài và các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đã được Nhà nước cho phép thành lập và hoạt động ở Việt Nam. Tuy nhiên, việc có coi hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài và các tổ chức phi chính phủ nước ngoài như hội và được điều chỉnh trong Luật về hội hay không thì cần được cân nhắc kỹ”, ông Lý nêu ý kiến.

Các hội được điều chỉnh trong dự thảo Luật là hội có hội viên, nhưng thực tế có nhiều tổ chức xã hội không có hội viên như các viện nghiên cứu, quỹ xã hội, quỹ từ thiện, cơ sở bảo trợ xã hội… (gọi chung là các tổ chức phi chính phủ - NGO) được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thành lập, công nhận điều lệ, hoạt động nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi của bên thứ ba hoặc hoạt động vì mục đích của cộng đồng.

Theo ông Lý, thực tiễn cho thấy, có hội có hội viên nhưng vẫn được Nhà nước công nhận là tổ chức phi chính phủ như Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam; có hội có số lượng lớn thành viên là các tổ chức phi chính phủ, như Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam có hàng trăm tổ chức phi chính phủ thuộc trung ương Liên hiệp hội.

Vì vậy, Ủy ban pháp luật cho rằng, những vấn đề này cần được nghiên cứu trên cơ sở tổng kết thực tiễn để quy định chặt chẽ trong Luật.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn