Người nghiện ma túy nhan nhản: Quản lý cách nào?

Thời sựThứ Sáu, 07/11/2014 07:57:00 +07:00

(VTC News) – Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng cần nhanh chóng chỉnh sửa các quy định không phù hợp trong quản lý người nghiện ma túy.

(VTC News) – Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai cho rằng cần coi người nghiện ma túy là “người bệnh đặc biệt” để có quy định "cứu chữa" kịp thời, phù hợp.

Trước những vướng mắc trong việc đưa người nghiện đi cai nghiện tập trung kể từ khi triển khai Luật Xử lý vi phạm hành chính khiến số lượng người nghiện gia tăng, khó kiểm soát, mới đây TP.HCM đã kiến nghị lên Quốc hội, xin cơ chế riêng về cai nghiện ma túy.

Trả lời phỏng vấn báo chí xung quanh vấn đề này, bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, từ kiến nghị của TP.HCM, Quốc hội nên xem xét vấn đề này trong tình hình chung của cả nước để tháo gỡ các khó khăn về quy định hiện hành trong việc đưa người đi cai nghiện bắt buộc.

 Người nghiện ma túy vô gia cư ngày càng gia tăng ở TP.HCM.  Ảnh minh họa

- Hiện nay việc đưa người đi cai nghiện tập trung theo quy định mới tại Luật xử lý vi phạm hành chính được đánh giá là quá bất cập, không khả thi. Theo bà, chúng ta phải sửa đổi luật như thế nào để giải quyết vấn đề này hiệu quả hơn?

Bà Trương Thị Mai  (Ảnh HL) 
Về hướng xử lý thì Chính phủ chưa chính thức có văn bản gửi qua cho Quốc hội. Tuy nhiên tôi thấy rằng cần phải khẩn trương hướng dẫn, tổ chức thực hiện các điều luật liên quan đến việc đưa người đi cai nghiện vào các cơ sở bắt buộc, đặc biệt là đối với những người không có nơi cư trú.

Như thông báo của TP.HCM thì có khoảng 60% người nghiện ở TP.HCM là không có nơi cư trú.Vì vậy mà phải khẩn trương có văn bản hướng dẫn việc thực thi đối với những quy định trong việc xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực này. Đặc biệt là điều 131 của Luật xử lý vi phạm hành chính đang là điều rất vướng mắc hiện nay, cần điều chỉnh phù hợp. 

Thực tế, quan điểm của chúng ta vẫn nhất quán và quan điểm này được thảo luận rất kỹ trong quá trình triển khai Luật xử lý hành chính, là Luật phải đồng bộ với Hiến pháp năm 2013, tức là ở điều 14, quyền công dân chỉ bị hạn chế bằng luật định trong những trường hợp cần thiết, như quốc phòng an ninh, vấn đề sức khỏe cộng đồng, vấn đề đạo đức xã hội…

Vì vậy Luật xử lý vi phạm hành chính vừa rồi cũng được làm trên quan điểm này và việc hạn chế quyền công dân trong trường hợp cai nghiện bắt buộc là phải thông qua một quyết định của tòa án. Tôi nghĩ quy định này rất là tiến bộ. 

Tuy nhiên, do thực tiễn khi chúng ta chuyển từ chính sách cũ, tức là giao cho cơ quan hành chính ra quyết định sang một cơ quan tòa án ra quyết định, thì chúng ta chưa chuẩn bị đồng bộ nên quá trình thực hiện bị vướng mắc. 

Thực tế, để chuyển qua tòa án thì chắc chắn phải thay đổi nhận thức của toàn bộ bộ máy, đặc biệt là cái hệ thống trực tiếp tham gia vào công việc này.

Ngoài ra phải thay đổi nhận thức của xã hội, thay đổi nhận thức của chính bản thân gia đình và của bản thân người nghiện ma túy, để người ta nhận thức được cái quy trình, chính sách bây giờ nó thay đổi ra sao.

Khi chuẩn bị xong các điều kiện đó thì tôi nghĩ là chúng ta mới có thể tổ chức thực hiện nó, đảm bảo nó không có vướng mắc như hiện nay. 

- Rõ ràng, đây cũng là hậu quả của việc soạn luật không cụ thể, không xuất phát từ thực tiễn đời sống?

Tôi thì cũng nghĩ đây là một kinh nghiệm trong quá trình lập pháp. Có thể là trong lúc làm thì chúng ta có nhiều mong muốn và chúng ta cũng thấy rằng những quy định như thế cũng rất chặt chẽ rồi. Chặt chẽ để đảm bảo hạn chế quyền tự do của công dân theo đúng luật định và việc này nó cũng cần được xem xét một cách rất thận trọng. 

Nhưng bây giờ đi vào thực tế mới thấy tầng tầng nấc nấc quy trình thủ tục như thế này rõ ràng là vướng mắc. Ví dụ quy định thời gian từ khi bắt được một đối tượng nghiện ma túy đến khi đưa vào trại tập trung có quy trình 37-72 ngày thì rõ ràng nó không phù hợp với thực tiễn.

Chúng ta cần có quan điểm coi người nghiện như đối với người bệnh, nhưng người bệnh này không phải người bệnh bình thường. Họ có thể bước sang vi phạm pháp luật, cái ranh giới đó rất mong manh.

Ngay tức khắc họ có thể xâm phạm đến lợi ích của người dân, an toàn trật tự đời sống của người dân tại địa bàn đô thị lớn, hoặc là bản thân gia đình họ sẽ không an toàn. Vì vậy đối với những người bệnh đặc biệt như thế này thì đối với nó phải thực tế hơn.

- Thực ra không riêng TP.HCM mà ở các tỉnh thành phố khác cũng có tình trạng đó người nghiện ngày càng gia tăng, cần có cơ chế quản lý phù hợp hơn, thưa bà?

Tôi nghĩ là đúng vậy. Chỉ một mình TP.HCM phản ánh và xin cơ chế riêng, có thể do TP.HCM căng thẳng hơn các tỉnh thành khác.

 

Chúng ta cần coi người nghiện như người bệnh nhưng người bệnh này không phải bình thường, họ có thể bước sang vi phạm pháp luật, cái ranh giới đó rất mong manh. Vì vậy đối với những người bệnh đặc biệt này cần phải có quy định thực tế hơn.
 
Chúng ta thấy tất cả những người nghiện họ đổ về TP.HCM là chính vì nơi đây họ có cơ hội để mà làm ăn lặt vặt, để kiếm tiền chích thuốc, để giải quyết việc nghiện của mình thuận lợi hơn so với các địa bàn khác.

Nói như thế không có nghĩa là các tỉnh, thành phố khác không căng thẳng. Ví dụ như Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai… cũng có thể là địa bàn căng thẳng nhưng không đến nỗi như TP.HCM.

Tôi nghĩ là tới đây, nếu Quốc hội xem xét thì sẽ xem xét chung, chứ không phải xem xét riêng cho TP.HCM. Quốc hội sẽ xem xét một thực tế chung của quá trình thực thi Luật xử lý vi phạm hành chính, đặc biệt ở các điều 103, 106, 131, để chúng ta tìm ra một giải pháp khả thi nhất.

- Theo bà thì việc tháo gỡ các quy định ‘bất khả thi’ như thế cần thực hiện thế nào để giải quyết hiệu quả tình trạng gia tăng người nghiện ma túy hiện nay?

Quan điểm cá nhân tôi là muốn giải pháp này hướng đến đời sống an toàn cho người dân TP.HCM và các địa bàn có liên quan. Hai nữa là hướng tới tốt hơn việc giúp đỡ cho người nghiện ma túy. 

Xem video: Trung tâm 80 người quản lý... 7 người nghiện

VTV

Khi mà mình đã phát hiện ra, và đã biết chắc chắn họ là người bị đưa vào diện cai nghiện bắt buộc rồi nhưng nếu mình không có động tác gì, ngoài việc mình đi qua một quy trình 37 ngày để lập hồ sơ, thì đến lúc đó, tôi nói thật cũng không biết họ đã đi đâu mất rồi, cũng không biết họ đi đâu để mà đưa họ về cho tòa án tuyên. Thậm chí, lúc tòa án ra quyết định cũng chưa chắc họ có mặt tại tòa nữa. 

Quy định này đưa ra là mong muốn sẽ bảo vệ quyền công dân nhưng ngược lại thực tế nó không xảy ra như thế. Thực tế nó xảy ra hoàn toàn khác đối với nhóm nghiện ma túy nên cần có cơ chế khác.

Mới đây chúng tôi có bàn đến một việc là không phải đi qua cái ông tư pháp 5 ngày, ông lao động 5 ngày rồi lại qua ông tòa án 5 ngày… mà mình có thể gom lại cùng một lần, tập trung lại phối hợp làm hồ sơ được không? 

Rõ ràng, chúng ta có thể thay đổi cách thức làm. Quy định 37 ngày chỉ là tối đa, mình có thể làm tối thiếu vài ngày, 3 ngày, 4  ngày, 5 ngày… Quan trọng là cách thức tổ chức như thế nào cho hợp lý nhất.

Lan Uyên
Bình luận
vtcnews.vn