"Người nào chịu được tin chồng 'đi gái' tháng mấy lần?"

Thời sựChủ Nhật, 25/12/2011 07:30:00 +07:00

(VTC News) - Liệu có người phụ nữ nào chịu đựng được thông tin chồng mình trong một tháng “đi” gái bao nhiêu lần, chi bao nhiêu tiền cho gái bán dâm?

(VTC News) - Từ lâu mại dâm ở Việt Nam luôn được xem là một tệ nạn xã hội, nhưng gần đây có nhiều ý kiến cho rằng nên xem mại dâm như một nghề hợp pháp.

Gái mại dâm luôn bị coi là lớp người dưới đáy xã hội, họ đang sống trong bóng tối như những tên tội phạm, bị truy quét, bạo hành, bóc lột, khinh rẻ, không được bảo vệ dưới bất cứ một chế định nào của pháp luật.

Phòng chống mại dâm hiện nay như “bắt cóc bỏ đĩa”

LS. Nguyễn Minh Long – Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Minh Long cho biết, thực tiễn sinh động của đời sống đang đặt các cơ quan xây dựng và ban hành pháp luật trước nhiều thách thức.

Pháp luật về Phòng chống mại dâm không theo kịp diễn biến thực tế, ngày càng có nhiều biến tướng đa dạng khiến việc xử lý luôn bất cập, ví dụ cụ thể về xử lý đối tượng tội “chứa mại dâm”, luôn thiếu chứng cứ phạm tội.

Mặt khác, mại dâm đồng tính đang kéo theo nhiều hậu quả, lan truyền các căn bệnh xã hội và đại dịch HIV/AIDS không kém gì mại dâm khác giới nhưng luật vẫn chưa điều chỉnh bổ sung…

Phòng chống mại dâm hiện nay chỉ như “bắt cóc bỏ đĩa”, đã đến lúc cơ quan quản lý Nhà nước cần nhìn nhận lại để có chính sách đúng đắn về vấn đề này.

Nhiều ý kiến trái chiều trong việc coi mại dâm là một nghề ở Việt Nam.

Trước đó, nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân (nay là Phó Chủ tịch Quốc hội), tại Hội nghị Triển khai chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2011–2015, diễn ra ngày 28/6/2011, cho rằng, đã đến lúc không nên nhìn nhận mại dâm là một tệ nạn xã hội.

Đề nghị này của nguyên Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân lúc đó đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của rất nhiều người thể hiện qua các diễn đàn cộng đồng.


Tuy nhiên, không lâu sau đó, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội – Bộ Lao động – Thương binh và xã hội Lê Thị Hà nhấn mạnh, pháp luật Việt Nam không cho phép coi mại dâm là một nghề, cần tích cực phòng, chống tệ nạn này.

Bà Hà cũng “giải thích” lại phát biểu của nguyên Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân rằng: “Vì nhiều hoàn cảnh xô đẩy mà phụ nữ phải bước vào con đường mại dâm nên phải giúp đỡ để họ tiếp cận các dịch vụ xã hội và làm họ bớt tổn thương. Đấy là ý tưởng duy nhất mà Bộ trưởng nhấn mạnh chứ không có nghĩa coi mại dâm là một nghề".

Còn đại biểu Quốc hội - Chủ tịch Hội Nông dân Hà Nội – Trịnh Thế Khiết cho biết tại phiên thảo luận ở tổ của Quốc hội về dự án Luật xử lý vi phạm hành chính chiều 10/11, ông Khiết đã đưa ra ý kiến nên có quy định cho người bán dâm hành nghề.

Ông Khiết cho rằng với xã hội phát triển và hội nhập như ngày nay, Việt Nam cũng nên tính toán nghiên cứu cho người bán dâm những địa điểm hành nghề nhất định để quản lý vì thực tế nói cấm nhưng mại dâm vẫn phát triển mạnh.


Ông Phạm Ngọc Thạch - Trưởng ban tổ chức Đại học Quốc gia Hà Nội cũng nêu quan điểm nhất trí bỏ quy định đưa người bán dâm vào các cơ sở chữa bệnh bắt buộc nhưng đề nghị phải có cơ quan quản lý: “Cùng với sự phát triển, mại dâm ngày càng tăng, có lẽ phải công nhận nó tồn tại như một vấn đề xã hội để quản lý”.

Văn hóa của Việt Nam khó chấp nhận nghề mại dâm

Bạn Hoàng Trung Kiên (Quận Ba Đình, Hà Nội) cho rằng, hợp thức hóa mại dâm sẽ tạo ra nhiều thuận lợi trong công tác quản lý. Khi đã coi mại dâm là một nghề, các cơ quan chức năng sẽ có thể quản lý được hoạt động này, thậm chí còn có thể đánh thuế lên các cơ sở đăng ký kinh doanh dịch vụ này.

"Nên có cái nhìn nhân văn hơn đối với những phụ nữ hành nghề bán dâm, cho phép họ thành lập công đoàn, được bảo vệ, đảm bảo an toàn lao động, được đưa ra thỏa ước lao động, lương bổng, điều kiện lao động và được đóng thuế để thể hiện nghĩa vụ một công dân đối với xã hội. Điều đó chắc chắn sẽ làm giảm nguy cơ lây nhiễm các căn bệnh xã hội và số lượng các vụ cưỡng dâm vì ức chế nhu cầu tình dục cũng sẽ giảm", bạn Kiên nêu ý kiến.

Anh Trương Việt Thắng (Đống Đa, Hà Nội) nhận định: "Có lẽ hầu hết phụ nữ Việt Nam sẽ lên tiếng chỉ trích việc hợp pháp hóa mại dâm là việc làm băng hoại đạo đức, đi ngược lại thuần phong mỹ tục của dân tộc. Nhưng rõ ràng hợp pháp hóa mại dâm là việc làm cần thiết.

Với những người đàn ông đang trong thời gian thực hiện thủ tục ly hôn với vợ như tôi chẳng hạn, thẳng thắn mà nói thì nhu cầu sinh lý sẽ được giải quyết như thế nào nếu không bằng cách trả tiền để thỏa mãn?


Có đúng đạo đức, không vi phạm pháp luật không nếu trong hoàn cảnh đó tôi vờ tìm hiểu, yêu đương với những cô gái khác chỉ để lợi dụng họ hoặc lại đi hiếp dâm, cưỡng bức để thỏa mãn nhu cầu sinh lý?

Chắc chắn không có người phụ nữ nào muốn trở thành nạn nhân trong các tình huống trên. Vậy tại sao lại phản đối nghề mại dâm, coi đó là vi phạm đạo đức và pháp luật? Hay chẳng lẽ những người đàn ông khỏe mạnh chúng tôi phải bằng mọi cách trói buộc ham muốn của mình nếu không muốn bị coi là vô đạo đức hay phạm tội vì thiếu kiểm soát?
".

Bạn Nguyễn Thị Hoài (Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng, khi được công nhận là một nghề, những phụ nữ tham gia “nghề” đó sẽ được hoạt động trong khu vực quy định hành nghề, phải công khai danh tính của họ. Văn hóa và thuần phong mỹ tục của người Việt Nam khó chấp nhận quan điểm đưa mại dâm thành một nghề, bản thân họ sẽ khó chịu đựng sự lên án của dư luận khi phải lộ diện, công khai danh tính.

Còn ở góc độ gia đình, chuyện các ông chồng “đi” với gái mại dâm là chuyện “khuất mắt trông coi”, chỉ “ầm ĩ” khi bị lộ. Nhưng nếu công khai hóa hoạt động mại dâm, đưa vào khu vực hoạt động riêng, danh tính khách mua dâm cũng khó giữ, liệu có người phụ nữ nào chịu đựng được thông tin chồng mình trong một tháng “đi” gái bao nhiêu lần, chi bao nhiêu tiền cho gái bán dâm?

Hoàng Vân

Bình luận
vtcnews.vn