Người Mỹ mua sắm dịp cuối năm 2019 tốn kém nhất lịch sử

Kinh tếThứ Năm, 26/12/2019 16:38:00 +07:00
(VTC News) -

Dẫn báo cáo công bố ngày 26/12 của công ty thẻ tín dụng Mastercard, Financial Times cho biết, tổng doanh thu bán lẻ ở Mỹ từ ngày 1/11 đến đêm Giáng sinh tăng 3,4% so với cùng kỳ 2018, đạt khoảng 880 tỷ USD.

Người Mỹ mua sắm dịp cuối năm 2019 tốn kém nhất lịch sử - 1

Người Mỹ chi 880 tỷ USD mua sắm dịp cuối năm 2019. (Ảnh: The New York Times)

Ngay sau khi số liệu này được công bố, Tổng thống Donald Trump lập tức viết trên Twitter: “Chúc mừng nước Mỹ!”...Ông Trump cho rằng đây là mức chi tiêu cuối năm lớn nhất lịch sử Mỹ.

Dữ liệu vừa được công bố là bằng chứng mới nhất cho thấy tỷ lệ thất nghiệp thấp và tiền lương tăng khiến người Mỹ mở hầu bao mua sắm. Tuy nhiên, ở mặt khác, những con số này nêu rõ thách thức mà các nhà bán lẻ truyền thống phải đối mặt khi người tiêu dùng chuyển sang mua sắm trực tuyến ngày càng nhiều.

Trong kỳ báo cáo, doanh thu bán lẻ trực tuyến chiếm 15% tổng số và tăng 18,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu tại các cửa hiệu bán lẻ truyền thống chỉ tăng 1,2%.

Theo dữ liệu từ Coresight, các nhà bán lẻ ở Mỹ đóng cửa tổng cộng 9.300 cửa hàng trong năm 2019, nhiều nhất kể từ khi công ty nghiên cứu này bắt đầu theo dõi dữ liệu tương ứng vào năm 2012. Số cửa hàng bán lẻ Mỹ đóng cửa năm 2019 nhiều gấp hơn 2 lần so với số cửa hiệu mới mở, đồng thời tăng mạnh so với 5.844 cửa hiệu đóng cửa trong 2018.

Dữ liệu từ Mastercard cũng cho thấy các bách hóa tổng hợp ở Mỹ kén khách trong mùa mua sắm cuối năm, với doanh thu giảm 1,8%. Quần áo có mức tăng trưởng doanh thu kém hơn cả, chỉ tăng 1%.

Trong khi đó, người Mỹ chi mạnh vào các sản phẩm điện tử và thiết bị gia dụng, đưa doanh thu của các mặt hàng này tăng 4,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cổ phiếu của các nhà bán lẻ Mỹ cũng biến động trong năm 2019 khi Phố Wall đánh giá hiệu quả tài chính của các công ty trong lĩnh vực này.

Để thích ứng với sự nổi lên ngày càng mạnh của thương mại điện tử, một số hãng bán lẻ như Target và Walmart đã thúc đẩy mảng bán lẻ trực tuyến và bắt đầu thành công. Trái lại, một số hãng như Forever 21 và Barneys New York rơi vào cảnh phá sản trong năm nay.

Bằng Lăng(Nguồn: FT)
Bình luận
vtcnews.vn