'Người mua điện phải được chọn người bán và thỏa thuận về giá’

Thị trườngThứ Bảy, 07/03/2020 06:39:41 +07:00
(VTC News) -

Chuyên gia cho rằng chúng ta đang xây dựng thị trường điện cạnh tranh nên cần có lộ trình, tiến tới người mua điện được chọn người bán điện, được thoả thuận về giá.

Đồng tình với biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt ở mức 5 bậc thang mới được Bộ Công Thương đề xuất song các chuyên gia nhấn mạnh cần có lộ trình để xây dựng thị trường điện cạnh tranh.

“Hàng hoá đặc biệt”

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, điện là hàng hoá đặc biệt, do đó việc chia nhiều bậc để người sử dụng nhiều phải trả giá điện cao hơn nhằm khuyến khích người dân tiết kiệm điện. “Hầu hết các nước đều sử dụng giá điện bậc thang”, ông Tuấn nói tại Toạ đàm "Xây dựng biểu giá bán lẻ điện: Phù hợp với lộ trình phát triển thị trường điện Việt Nam" chiều 6/3.

'Người mua điện phải được chọn người bán và thỏa thuận về giá’ - 1

Các chuyên gia tham dự Tọa đàm “Xây dựng biểu giá bán lẻ điện: Phù hợp với lộ trình phát triển thị trường điện Việt Nam”. (Ảnh: VGP)

Theo ông Tuấn, việc cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện được thực hiện trên cơ sở chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ về xem xét đổi mới cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho khách hàng dùng vào mục đích sinh hoạt.

Với mỗi phương án đưa ra, Bộ Công Thương đều có tính toán, so sánh về số tiền khách hàng ở mỗi bậc thang phải chi trả so với phương án 6 bậc đang được áp dụng. Tất cả các phương án được đưa ra đều có ưu điểm là giảm số bậc thang so với quy định hiện hành.

“Tuy nhiên, các phương án 1 bậc, 3 bậc, 4 bậc đều có nhược điểm chung là các khách hàng ở mức thấp đều phải trả nhiều tiền hơn, còn khách hàng sử dụng nhiều điện lại phải trả ít đi”, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cho biết.

Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam Trần Đình Long cho biết, giá điện bậc thang được nhiều nước như Hàn Quốc, Nhật Bản áp dụng như một công cụ hữu hiệu để điều tiết nhu cầu sử dụng điện...

Theo ông Long, ưu điểm của phương án nhiều bậc thang là những hộ chính sách, hộ nghèo tiêu thụ ít được ưu đãi, còn người dùng quá nhiều điện, phần lớn là người có khả năng chi trả tốt thì nên hạn chế dùng điện. Nếu dùng quá mức cần thiết thì phải trả tiền một số điện đắt hơn.

“Trong tương lai, khi thị trường bán lẻ điện của Việt Nam đã hoàn tất, hạ tầng điện được đảm bảo thì Việt Nam có thể tiến đến phương án một giá điện duy nhất. Thời điểm hiện tại, chúng ta vẫn đang trong lộ trình thực hiện thị trường điện cạnh tranh, số bậc thang đang giảm dần từ 7 bậc xuống 6 hoặc 5 bậc...”, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam nhìn nhận.

Theo đánh giá của tiến sĩ Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá, các phương án mà Bộ Công Thương đề xuất đã tính toán kỹ nhằm mục tiêu cải tiến biểu giá bán lẻ điện. Bộ đã phân tích ưu nhược điểm từng phương án để chọn phương án khả thi nhất, hợp lý nhất.

“Tất nhiên, chúng ta khó kỳ vọng một biểu giá mà 100% người dân chấp nhận nhưng phải chấp nhận biểu giá nào mang lại lợi ích lớn, hài hòa nhất cho người tiêu dùng, ngành sản xuất điện và quản lý nhà nước. Bộ Công Thương hướng tới lựa chọn phương án 5 bậc, kịch bản 1, cá nhân tôi cho rằng đó là phương án khả thi”, ông Thỏa nói và cho rằng Việt Nam chưa có điều kiện để áp dụng đồng giá do chưa giải tốt bài toán nguồn cung ứng điện, buộc phải tạo áp lực về giá để khuyến khích tiết kiệm.

Vẫn còn bất cập

Đồng tình lựa chọn tính giá điện bậc thang song theo ông Trần Đình Long, hiện nay chúng ta xây dựng biểu giá bậc thang trên cơ sở từng hộ tiêu thụ nhưng như vậy chưa đảm bảo công bằng. Do đó với hộ càng đông thì càng thiệt. Bởi rõ ràng nếu 200 kWH nhưng nếu sống một mình thì có lợi hơn nhiều so với gia đình 6 người hoặc nhiều hơn. “Nên thực hiện với từng công dân, bởi có những hộ sống độc thân, cũng có những hộ 10 người hoặc hơn”, ông Long nói.

'Người mua điện phải được chọn người bán và thỏa thuận về giá’ - 2

Chuyên gia cho rằng cần có lộ trình để xây dựng thị trường điện cạnh tranh. (Ảnh: EVN)

Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam cũng cho rằng cách điều chỉnh giá điện hiện nay gây khó cho ngành điện. Bởi bản chất kinh tế thị trường mà ngành điện đang hướng đến là đầu vào đầu ra phải tương ứng. Khi đầu vào thay đổi thì đầu ra thay đổi theo.

“Giá năng lượng biến động rất nhiều. Khi điều chỉnh dễ bị nhảy sốc. Nếu đầu ra trì trệ, chậm chạp so với đầu vào thì mất tính linh hoạt. Nên nghiên cứu lại, có thể điều chỉnh 6 tháng/lần. Giá các ngành khác thay đổi liên tục, vì sao ngành điện thì không?”, ông Long nói.

Trong khi đó, TS.Nguyễn Tiến Thoả cho rằng cần có nghiên cứu thêm về các bước nhảy giữa các bậc thang trong biểu giá bán điện để tạo áp lực về giá ở những bậc cao, khuyến khích tiết kiệm điện.

“Bước nhảy thì đúng là phải xem xét lại. Khoảng cách giữa 2 bậc đầu tiên, bước nhảy còn cao, bước 2 so với 1 tăng 19,95%, bước 3 so với bước 2 tăng 25,94%. Chính con số này khiến việc điều chỉnh giá điện năm trước tạo ra sự nhảy vọt về tiêu thụ điện của đa số người dân”, ông Thoả nói và cho rằng Bộ Công Thương, ngành điện cần rà soát chính xác tỷ trọng tiêu dùng điện từng bậc, những vấn đề về giá các bậc làm sao xây dựng bước nhảy hợp lý hơn.

“Có thể giảm bước nhảy giá của 2 bậc đó và tăng mạnh tỷ lệ này ở 2 bậc cuối. Như vậy mới tạo áp lực khuyến khích tiết kiệm điện lớn hơn. Biểu giá vừa qua cũng chưa tạo áp lực mạnh”, ông Thỏa chỉ rõ.

Đặc biệt, ông Thoả cho rằng, chúng ta đang xây dựng thị trường điện cạnh tranh nên “phải có lộ trình, tiến tới người mua điện được chọn người bán điện, được thỏa thuận về giá”.

Hoà Bình
Bình luận
vtcnews.vn