Người mẫu có... xấu như Vietnam’s Next Top Model?

Văn hóa - Giải tríThứ Năm, 17/11/2011 12:55:00 +07:00

(VTC News) - VN’s Nextop Model tạo ra cái nhìn sai lệch về giới người mẫu khi hầu hết các thí sinh ở mùa 2011 có hình thể quá thường, thậm chí… xấu khác thường.

(VTC News) - Chương trình truyền hình thực tế Vietnam’s Nextop Model mùa thứ 2 đã đi được một nửa chặng đường. Đây cũng là chương trình thực tế về nghề người mẫu, nghề đang là hot với rất nhiều bạn trẻ và cả với công chúng. Nhưng Vietnam’s Nextop Model cũng đang đưa ra những tiêu chí lựa chọn người mẫu không… biết đâu mà lần.

Vietnam’s Nextop Model 2011 đang vô hình chung khiến công chúng có cái nhìn sai lệch thậm chí méo mó về nghề người mẫu khi hầu hết các thí sinh ở mùa 2011 có cả hình thể lẫn gương mặt quá thường, thậm chí… xấu khác thường với tiêu chí của nghề người mẫu.
 

Trước những nghi ngại này của rất nhiều độc giả chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bà Thuý Nga – Giám đốc Công ty Người mẫu Elite, một đơn vị có tuổi đời lâu nhất tại Việt Nam trong lĩnh vực đào tạo người mẫu, để có được một cái nhìn đúng đắn nhất thế nào là một "giáo án" chuẩn cho một chương trình tìm kiếm lựa chọn và đào tạo người mẫu chuyện nghiệp.

Bà Thuý Nga – Giám đốc Công ty Người mẫu Elite. 

Hầu hết thí sinh "có vấn đề về hình thể"

- Vietnam’s Next Top Model hiện đang là chương trình truyền hình thực tế về nghề người mẫu nhận được rất nhiều quan tâm của công chúng. Là một người gắn bó với nghề này lâu năm, chị thấy việc lựa chọn thí sinh của Vietnam’s Next Top Model như hiện nay đã ổn chưa?

- Trước tiên chúng ta nên hiểu mỗi một chương trình đều có một tiêu chí riêng. Có những chương trình thật sự là tìm kiếm tài năng cho nghề, có những chương trình mang tính giải trí cho người xem, không đặt nặng chất lượng nghề. Ở đây tôi không biết tiêu chí của Vietnam’s Next Top Model là gì nên không bình luận về việc lựa chọn thí sinh như vậy có ổn hay không.

Bỏ qua vấn đề tiêu chí của cuộc thi, cá nhân tôi đánh giá chất lượng chương trình và thí sinh năm ngoáii tốt hơn năm nay đến thời điểm này. Các thí sinh vào đến vòng này của cuộc thi trong năm nay tôi thấy hầu hết đều có vấn đề về hình thể.

Đa số hình thể các em đều khá thô, không cân đối và khuôn mặt cũng chưa thấy có ai gây được ấn tượng. Tố chất người mẫu tôi cũng chưa thấy ở em nào sự nổi bật để có thể phát triển nghề về sau này. Tuy nhiên, như tôi đã nói mỗi chương trình đều có tiêu chí riêng nên có thể tiêu chí của Vietnam’s Next Top Model không quá chú trọng vào những tiêu chí của người mẫu.

- Một cuộc thi người mẫu mà lại không chú trọng vào các tiêu chuẩn của người mẫu. Đó có phải là điều đáng lo không, thưa chị?

- Tôi không thấy có gì lo bởi vì như tôi đã nói có thể cuộc thi Vietnam’s Next Top Model có tiêu chí riêng của họ. Đó như một sân chơi cho những cá nhân yêu thích nghề. Còn việc thị trường có chấp nhận sản phẩm của họ hay không lại là việc khác.
 
Hoa hậu thì có thể mỗi nơi có một cách nhìn nhận về cái đẹp khác nhau, tuy nhiên vẫn phải có tiêu chí chung nhất định nào đó, nhưng tiêu chí người mẫu ở khắp nơi trên thế giới từ châu Á tới châu Phi, châu Mỹ Latin… đều phải tuân thủ đúng nguyên tắc bất di bất dịch là: chiều cao, hình thể cân đối, thanh mảnh, gương mặt cá tính, ấn tượng và kỹ năng trình diễn.

 Các thí sinh của VN's Next Top Model năm nay.

- Xem Vietnam’s Next Top Model người ta nhận ra chương trình đang truyền tải thông điệp: người mẫu có thể khiếm khuyết về hình thể và nhan sắc, nhưng có ý chí vươn lên thì sẽ có thể trở thành một Top Model. Chị thấy cách đi này có phải là hướng đi đúng đắn với một chương trình tìm kiếm và đào tạo người mẫu?

- Ai cũng có quyền đưa ra tiêu chí cho cuộc chơi riêng của mình, ai phù hợp thì tham gia, không thích thì thôi. Nhưng nếu lấy là tiêu chí trên cho việc phát triển người mẫu thì tôi chưa thấy ở đâu có tiêu chí đó. Việc được gọi là Top Model là cực kỳ khó khăn. Chưa nói đến trình độ biểu diễn, chỉ riêng việc quy định chiếu cao tối thiểu cho siêu mẫu phải là 1m75 trở lên đã nói rõ tiêu chí của Top Model là gì.

Đã là người mẫu thì hình thể là tiêu chí quan trọng nhất. Lịch sử hình thành nghề người mẫu là khi các cửa hàng thời trang bế tắc trong việc quảng bá sản phẩm của họ với khách hàng. Để tiêu thụ sản phẩm được nhiều nhất, họ đã nghĩ ra việc thuê các cô gái có thể hình đẹp, cân đối mặc những bộ đồ của họ để khách mua hàng có thể tưởng tượng được luôn bộ đồ này khi mặc trên người sẽ thế nào.

Như vậy người mẫu luôn cần cơ thể đẹp và cân đối để có thể mặc bộ đồ đẹp nhất và trình diễn sao cho người xem phải chú ý tới bộ đồ cô ta mặc trên người.

Trong bất kể nghề nào cũng đều có những cá nhân bằng nỗ lực của mình đã vượt qua được những khiếm khuyết khác để khẳng định mình, như trong nghề người mẫu có Kate Moss đã vượt qua được cản trở là hình thể khá nhỏ bé so với đồng nghiệp để khẳng định mình. Nhưng đó chỉ là những cá nhân rất đặc biệt và không thể nào lấy những cá nhân đặc biệt đó để làm định hướng cho nghề.
 
Tôi nghĩ rằng nghề người mẫu đã là một nghề rất phát triển ở các nước tiên tiến, vì vậy chúng ta cứ đi theo đúng con đường mà họ đã đi một cách nghiêm túc và bài bản thì chúng ta đã thành công rồi.

- Như định hướng của nhà sản xuất chương trình này thì cái mà họ hướng tới là không chỉ đưa những gương mặt trưởng thành từ cuộc thi thành Top Model ở Việt Nam mà còn là đạt chuẩn của Top Model khu vực và thế giới. Chuyện này có phải là quá sức với thực tế hiện nay của nghề này ở Việt Nam không?

- Theo tôi được biết, tiêu chí của cuộc thi America’s Next Top Model và phiên bản tại các nước khác cũng là lựa chọn trong số các thí sinh tham gia cuộc thi để tìm ra người thắng cuộc và có thể phát triển trong nghề người mẫu. Tuy nhiên các chương trình này vẫn mang tính game show nhiều hơn là những cuộc thi tìm kiếm người mẫu thật sự trên Thế giới như: Elite Model Look, Look of the Year, hay các cuộc thi tìm kiếm người mẫu tại VN.

Tiêu chí hàng đầu quan trọng nhất của việc tìm kiếm người mẫu luôn luôn là hình thể chuẩn, khuôn mặt cá tính và khả năng trình diễn. Ở VN trong những năm gần đây ngày càng có thêm những gương mặt mẫu trẻ có hình thể tốt.

Tuy nhiên để vươn ra tầm khu vực (chưa nói đến tầm thế giới) trong nghề này theo tôi vẫn còn là vấn đề lớn đối với người mẫu Việt Nam. Hình thể trong nghề người mẫu đòi hỏi chiều cao và số đo 3 vòng hợp lý, đặc biệt là vòng 2, vòng 3 và chiều dài đôi chân. Tiếp theo là trình độ diễn xuất của người mẫu. Về khả năng trình diễn, độ chuyên nghiệp tôi cho rằng người mẫu trong khu vực như các nước Hongkong, Thượng Hải, Hàn quốc, Nhật bản… đã vượt xa chúng ta một khoảng cách lớn.

Trong khi từ lâu bài học đầu tiên của người mẫu ở các nước là làm cách nào trình diễn bộ đồ người mẫu mặc trên người một cách ấn tượng nhất để người xem quan tâm đến bộ đồ đó thì ở VN gần rất nhiều người mẫu lại tìm cách trình diễn, khoe cơ thể, số đo các vòng của mình chứ không phải là trình diễn bộ đồ đang mặc. Chỉ riêng việc đó thôi cũng đã là rào cản rất lớn cho người mẫu VN khi muốn tiến ra nước ngoài trình diễn, làm việc, chưa kể những yếu tố khác như chiều cao, khả năng trình diễn, sự chuyên nghiệp trong cách làm việc...

 

Thành Top Model sau 3 tháng là điều không tưởng

- Các thí sinh Vietnam’s Next Top Model đang cho công chúng thấy họ có một xuất phát điểm rất thấp: từ gu thẩm mỹ, hình thể cho đến nhận thức về nghề người mẫu. Để uốn nắn một thí sinh chưa biết gì về nghề người mẫu như các thí sinh Next Top Model hiện nay, thành một Top Model thực thụ thì theo chị với 3 tháng ở ngôi nhà chung, thời gian đó có đủ để họ "lột xác"?

- Tôi nghĩ ở đây ta nên nhìn nhận vấn đề theo hướng nếu đây là một game show thì mọi người chỉ nên nhìn nhận vào các tình tiết xảy ra trong mỗi tập phim, để từ đó nhìn nhận được sự thay đổi của các thí sinh qua mỗi chặng đường được BGK chỉ dẫn.

Còn nếu nhìn nhận theo việc đào tạo, uốn nắn các thí sinh từ số 0 để trở thành một Top Model sau 3 tháng thì là điều không tưởng. Chưa nói đến trình độ của người chỉ dẫn, chỉ nói đến thời gian học tập thì 3 tháng mới chỉ là sơ khai để các em có thể có những bước đi cơ bản cho việc học nghề sau này.

Để trở thành một Top Model theo tôi người mẫu ngoài những yếu tố về hình thể, tố chất... thì cá nhân đó cần nhiều thời gian học hỏi, những buổi diễn thực tế để nâng cao kỹ năng và quan trọng nhất là phải có cơ hội đứng trên sàn diễn với những người mẫu nước ngoài trong những cuộc thi người mẫu quốc tế hay những chương trình biểu diễn để có thể học hỏi kỹ năng trình diễn của họ. Những người mẫu chúng tôi đưa đến các cuộc thi người mẫu quốc tế, đặc biệt những cuộc thi lớn đều có cảm giác họ trưởng thành và hiểu thêm được rất nhiều điều trong nghề sau khi tham dự cuộc thi cùng các người mẫu thế giới.

- Là một người có làm việc lâu năm trong lĩnh vực đào tạo người mẫu, chị thấy những trải nghiệm mà chương trình Vietnam’s Next Top Model đặt ra cho các thí sinh để huấn luyện họ thành người mẫu có đủ để đưa họ từ một các thí sinh không biết gì về nghề mẫu, trở thành một Top Model, như mục tiêu của chương trình này?

- Thật ra đây là một câu hỏi rất khó trả lời một cách ngắn gọn vì liên quan đến vấn đề này là cả một câu chuyên dài. Nhưng ngay ở Mỹ, quê hương của cuộc thi nguyên bản America’s Next Top Model thì đây cũng là cuộc thi mang tính giải trí chứ không nặng vấn đề tìm ra người mẫu để phát triển trong nghề như các cuộc thi tìm kiếm người mẫu khác (có thể thấy gần như không có người mẫu nào trở thành nổi tiếng sau các cuộc thi America’s Next Top Model).

Vì vậy có lẽ người xem nên nhẹ nhàng vui vẻ hơn khi xem chương trình. Còn về việc những trải nghiệm trong chương trình Vietnam’s Next Top Model đã đủ hay chưa thì tôi nghĩ trong thực tế sẽ có hàng nghìn việc có thể xẩy ra mà không người mẫu nào hoặc cuộc thi nào dù chuyên nghiệp đến mấy có thể nghĩ ra trước được. Quan trọng nhất là bản lĩnh của người mẫu trước những việc đó và cách ứng xử sao cho có văn hóa và chuyên nghiệp.

Tôi đã từng chứng kiến việc hai người mẫu có danh hiệu cùng nhau cố tình đứng chắn trước mặt một người mẫu là Á hậu trong một chương trình thời trang, như là một cách dìm hàng cô á hậu kia. Đây rõ ràng cũng là một trong những trải nghiệm đã xẩy ra ở VN khá nhiều đối với những người mẫu thiếu chuyên nghiệp và chỉ có thể tạo tên tuổi bằng scandal hoặc chơi xấu người khác chứ không phải bằng năng lực của mình.

Tóm lại tôi thấy rằng để trở thành đẳng cấp trong nghề (ví dụ là Top Model trong nghề người mẫu) là không hề đơn giản, ngoài những yếu tố bắt buộc về hình thể nó đòi hỏi cá nhân đó rất nhiều nỗ lực, ý chí, sự tự trọng và sự phấn đấu nghiêm túc trong nghề .

 

- Gần đây nhất trong Tập 7 của Next Top Model. Ban giám khảo đã mắng mỏ thí sinh Lê Thị Thúy rất dữ, với những lời lẽ nặng nề và cho rằng việc đó là giúp ích cũng như cải thiện nhận thức về nghề người mẫu cho thí sinh. Chị thấy việc mắng mỏ như vậy giúp ích gì cho thí sinh trong công việc huấn luyện về nghề người mẫu?

- Việc đào tạo huấn luyện thì quan trọng nhất vẫn là kiến thức của người chỉ dẫn có tốt hay không, những kiến thức đó có chất lượng không, từ đó mới có thể chỉ dẫn cho thí sinh phát triển đúng được. Phương pháp chỉ là cách chuyển tải thông điệp từ người này đến người kia, có thể khô khan, nghiêm khắc, cũng có thể vui vẻ hài hước, nhưng yếu tố quan trọng nhất vẫn là chất lượng trong sự chỉ bảo, dẫn dắt.

- Với phiên bản Mỹ của chương trình này người ta chú trọng đến tính khốc liệt của nghề mẫu, với sự tập trung lột cả những cạnh tranh và những khó khăn khó tưởng của nghề. Nhưng với phiên bản Việt hiện nay, những mặt khốc liệt trong nghề mẫu không thấy đâu. Công chúng đang chỉ thấy những cách ăn nói không cần dè chừng của giám khảo. Và từ đó người xem có cái nhìn méo mó, người mẫu chắc văn hoá chỉ thấp đến vậy là cùng?

- Làm nghề này đã 10 năm, đã tiếp xúc, làm việc với rất nhiều người mẫu, Hoa hậu, điều tôi thấy là ngày càng có thêm nhiều em mẫu trẻ có trình độ cao, sự hiểu biết về xã hội, về nghề khá tốt.  Đây là tín hiệu rất mừng cho nghề người mẫu vì chúng tôi ngày càng mong muốn đưa được nhiều các em mẫu trẻ tham gia các chương trình thời trang với người mẫu các nước trong khu vực. 

Trình độ văn hóa, nhận thức của các em cao thì đó là một trong những yếu tố đầu tiên có thể giúp các em đạt được mơ ước này. Và điều tôi thấy đáng mừng nhất là ngày càng có nhiều người mẫu trẻ Việt Nam hiểu được họ là ai, đang ở đâu và phải học hỏi thêm rất nhiều nữa để có cơ hội bước ra các nước trong khu vực.

Quay lại với cuộc Vietnam’s Next Top Model thì như tôi đã nói, mỗi một chương trình đều có tiêu chí riêng và cũng không thể lấy chương trình đó ra làm tiêu chí, thước đo cho nghề. 

- Cảm ơn bà về cuộc trao đổi.
 
Chu Ngũ Nương
(thực hiện)

Bình luận
vtcnews.vn