Người lính Trường Sa ôm cờ hy sinh trong lòng biển

Thời sựThứ Tư, 27/07/2011 06:45:00 +07:00

(VTC News) - Đại úy Chương trong giờ phút sinh tử ấy vẫn bình tĩnh thu xếp tài liệu, cuốn lá cờ đỏ sao vàng vào lòng rồi rời nhà giàn sau cùng...

(VTC News) - Đại úy Vũ Quang Chương trong giờ phút sinh tử ấy vẫn bình tĩnh chỉ huy anh em rời nhà giàn, thu xếp tài liệu, cuốn lá cờ đỏ sao vàng vào lòng rồi ra sau cùng...

Gia đình Cách mạng

Liệt sĩ Vũ Quang Chương sinh ra ở thôn Tri Chỉ, xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, trong gia đình giàu truyền thống cách mạng. Trong dòng họ của anh Chương có nhiều người tham gia cách mạng từ trước năm 1945. Ông cố của anh mất sớm, em ông cố là ông Vũ Quang Ngãi, du kích xã Thụy Trường đã động viên ông nội của anh lên Việt Bắc tòng quân đánh giặc.
Liệt sĩ, Đại úy Vũ Quang Chương  
Thật không may trên đường đi ông nội bị chết vì ngã bệnh, để lại người vợ trẻ và đứa con thơ dại mới lên 2 tuổi. Vợ chồng ông Ngãi không có con, nên nhận 2 mẹ con ông Vũ Quang Dương để nuôi nấng. Năm 1950, giặc Pháp càn vào Thái Bình, ông Vũ Quang Ngãi tham gia chống càn, bị trúng đạn địch hy sinh. Liệt sĩ Vũ Quang Ngãi đã là tấm gương cho ông Vũ Quang Dương, cha của liệt sĩ Vũ Quang Chương noi theo.

Tháng 1 năm 1968, ông Vũ Quang Dương lên đường tòng quân, sau một thời gian huấn luyện, được điều về đơn vị đặc công 429. Tháng 7 năm 1968, ông cùng đơn vị vào Nam chiến đấu, để lại người vợ hiền đang mang thai. Bà Tám vừa ở nhà nuôi mẹ chồng, vừa tham gia du kích xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. 

Năm 1986, anh Chương học hết lớp 10 và xin phép bố mẹ thi vào trường sĩ quan lục quân 1. Tiễn con vào quân đội, bà Tám căn dặn: “Con mong hòa bình để được gặp bố, nay con đủ cánh bay đi, mang nặng tình thương gia đình với tình yêu Tổ quốc, con cần rèn luyện xứng đáng người lính Cụ Hồ".

Người trạm trưởng gương mẫu

Chúng tôi đã tìm gặp Thiếu tá Nguyễn Hữu Tôn, và Trung úy Hoàng Văn Thủy, hai người đã sống sót trong vụ đổ nhà giàn 2A/ DK1-6 Phúc Nguyên cách đây hơn 10 năm để các anh kể lại câu chuyện.

Nhà giàn DK1 

Anh Tôn cho biết, tháng 7/1998, anh Tôn, anh Chương cùng chiến sĩ thông tin Hoàng Văn Thủy, sinh năm 1977, quê ở Đô Lương, Nghệ An cùng ra công tác tại nhà giàn Phúc Nguyên 2A.

Với cương vị trạm trưởng, anh Chương đã thể hiện tính quyết đoán trong công việc, Trong sinh hoạt thì phê bình thẳng thắn, trong cuộc sống thì chan hòa, gần gũi và được anh em rất tôn trọng, yêu quý.

Đêm cuối cùng trước ngày nhà giàn đổ, anh Thủy còn nằm cùng giường với anh Chương. Ngoài trời mưa to, sóng lớn, hai anh em nằm tâm sự kể chuyện quê nhà, anh Chương còn hứa với anh Thủy: Kỳ này về phép, nhất định anh sẽ đến nhà em chơi, cũng là để thăm quê hương Bác Hồ, sau đó em lên nhà anh ở Tây Nguyên nhé. Anh sẽ giới thiệu cho em làm quen cô em gái đang học sư phạm, đẹp người mà ngoan ngoãn…”.

Nhớ lại những giây phút đó, anh Thủy xúc động không cầm được nước mắt: “Anh Chương là người chỉ huy chín chắn, điềm đạm, anh như có sức hút kỳ lạ, khiến anh em trong trạm vừa phục tùng mệnh lệnh của anh vừa coi anh như người  anh thân thiết, hình ảnh của anh luôn theo tôi động viên tôi trên bước đường sự nghiệp”.

Hy sinh ở nhà dàn DK1

Những ngày đầu tháng 12 năm 1998, mặt biển bãi đá cạn Phúc Nguyên trở nên mịt mù, gió rít từng cơn, sóng bạc đầu tung bọt trắng xóa. Cơn bão số 8 tràn qua, Nhà giàn 2A/ DK1-6 Phúc Nguyên trở nên bé nhỏ, cô đơn trước thiên nhiên hung dữ. Mấy đêm liền, anh em trên nhà giàn chập chờn không ngủ được.

Đêm 12/12, những đợt sóng tựa như những quả núi đánh vào chân nhà giàn, khiến nhà giàn rung lên bần bật. Các cửa nhà được đóng kín, lúc đó đi ra ngoài các anh phải bám chặt vào thành lan can, gió mạnh như muốn hất tung người xuống biển.

Trên nhà giàn lúc ấy có 9 anh em tất cả: Trạm trưởng Vũ Quang Chương, trạm phó Dương Văn Hoan, y sĩ Nguyễn Hữu Tôn, nhân viên cơ yếu Hà Công Dụng, nhân viên thông tin Hoàng Văn Thủy, nhân viên báo vụ Phí Ngọc Thuật, pháo thủ Nguyễn Văn Thơ, nhân viên ra đa Lê Đức Hồng, nhân viên cơ điện Nguyễn Hữu An.

Khoảng 22 giờ 50 phút, một cơn sóng to tràn qua nhà giàn, nhà bị nghiêng đi. Đồ đạc trong nhà bị đổ tung tóe, chiếc tivi trên bàn rơi xuống, ấm chén bay loảng xoảng, toàn bộ giá gạo trong kho đổ sập, giường tủ bàn ghế chạy đi, chạy lại.

Trưởng trạm Chương ra lệnh anh Thủy báo cáo tình nhà bị nghiêng về đất liền. Chỉ huy từ đất liền động viên anh em bám trụ, sẽ cử tàu ra đón người. Anh Chương triệu tập cuộc họp toàn trạm động viên tinh thần anh em: “Đây là giờ phút nguy nan, thử thách lòng can đảm của những chiến sĩ hải quân nhân dân Việt Nam. Chúng ta quyết tâm bám giữ trạm đến cùng. Trường hợp nguy cấp, có lệnh của tôi mới được rời vị trí”. 

Đến lúc sóng mỗi lúc một to, anh Chương ra lệnh cho anh em mặc áo phao sẵn sàng thoát khỏi nhà giàn. Mọi người lấy dây mồi buộc vào tay nhau để khi nhà đổ xuống biển vẫn tìm thấy nhau. Mỗi khi có cơn sóng to ào đến trước mặt, họ lại nhắm mắt nín thở cầu mong nhà không đổ.

Nhà giàn càng lắc lư chao đảo mạnh theo từng cơn sóng dữ. Chiến sĩ Hoàng Văn Thủy năm ấy mới 21 tuổi đời, anh gọi điện đàm về đất liền: “Chị Vân ơi! Nhà em sắp bị đổ rồi, em nhờ chị viết thư báo tin cho bố mẹ em. Nhà giàn đổ, chúng em trôi trên biển, xác định là chết…” .

Lúc 3 giờ 30 phút, một cơn sóng lớn tràn qua, máy phát điện bị đổ, đèn phụt tắt. Sau khi nhận được lệnh cuối cùng từ sở chỉ huy, Đại úy Chương hô lớn: “Tất cả chuẩn bị rời trạm, khi xuống biển nhanh chóng bám chặt vào phao”. Dù được lệnh như vậy nhưng những người lính nhà giàn DK1 vẫn kiên cường không rời nhà giàn, quyết bám trụ đến phút cuối cùng.

Rồi một cơn sóng kinh hoàng, dựng đứng như vách núi, đập mạnh vào nhà giàn, trùm lên đầu họ. Nhà giàn không trụ được nữa. Lúc đó khoảng 4 giờ kém 10 ngày 13/12/1998.

Đại úy Vũ Quang Chương trong giờ phút sinh tử ấy vẫn bình tĩnh chỉ huy anh em rời nhà giàn, đồng thời anh thu xếp tài liệu, cuốn lá cờ đỏ sao vàng vào lòng rồi rời nhà giàn sau cùng. Nhưng những cơn sóng dữ dội đã cướp đi sinh mạng của của anh và 2 đồng đội là nhân viên cơ điện Nguyễn Hữu An và nhân viên rađa Lê Đức Hồng.

Sáu anh em còn lại, vật lộn với sóng suốt 14 tiếng trên biển. Mãi đến gần 6 giờ tối ngày 13/12/1998, họ mới được tàu 606 phát hiện và vớt lên tàu.

Sự hy sinh của liệt sĩ Vũ Quang Chương cùng các liệt sĩ trên vùng biển thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc đã trở thành biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong thời kỳ mới. Hình ảnh liệt sĩ Vũ Quang Chương ôm cờ Tổ quốc thanh thản đi vào lòng biển đã trở thành cột mốc chủ quyền bất tử, hiên ngang giữa biển khơi, tạo thành mạch nguồn sức mạnh to lớn, cổ vũ, động viên, thôi thúc thế hệ trẻ hôm nay tiếp tục trân trọng, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng biển đảo của Tổ quốc Việt Nam.

Đoàn Hoài Trung

Tra cứu kết quả tuyển sinh Đại học – Cao đẳng 2011 nhanh nhất tại: http://diemthi.vtc.vn

Bình luận
vtcnews.vn