Người lính lê dương Hy Lạp thành Bộ đội Cụ Hồ

Tổng hợpThứ Ba, 28/12/2010 03:48:00 +07:00

Một người gốc Âu, đứng trong hàng ngũ của đội quân viễn chinh Pháp lại trở thành anh Bộ đội Cụ Hồ ngay từ những ngày đầu toàn quốc kháng chiến. Ông là ai?

Mới đây, tại Hy Lạp, một cuốn sách bằng tiếng bản địa được xuất bản với tựa đề "Một người Hy Lạp ở quân đội lê dương, tại sao theo Việt Minh?" đã gây chú ý không chỉ với người dân ở một quốc gia chỉ vỏn vẹn hơn 10 triệu dân nằm trên phía Nam bán đảo Balkan, mà ngay ở Việt Nam, dù chưa được dịch ra tiếng Việt nhưng cuốn sách đã gây không ít tò mò đối với nhiều người.

Cũng phải thôi, bởi một người gốc Âu, đứng trong hàng ngũ của đội quân viễn chinh Pháp lại trở thành anh Bộ đội Cụ Hồ ngay từ những ngày đầu toàn quốc kháng chiến. Và từ thời điểm ấy, đất nước hình chữ S đã ngấm vào máu thịt của ông. Cũng như bao người con đất Việt, ông đã trải qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. 20 năm sống và hoạt động ở Việt Nam vào những thời khắc đặc biệt, ông đã vinh dự nhiều lần được gặp Bác Hồ, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhiều nhà cách mạng tiền bối của Đảng và Nhà nước ta. Cùng với những tấm Huân chương do Đảng và Nhà nước trao tặng, ông là đại biểu Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII.

Tình yêu Việt Nam bắt đầu từ tình yêu lẽ phải

Câu chuyện giữa chúng tôi bắt đầu ngay trong khuôn viên của nhà khách Chính phủ tại số 2 Lê Thạch. Tiết trời Hà Nội hôm đó se se lạnh, dịu dàng và tươi mới của một ngày đầu đông. Kosta Sarantidis, một ông già châu Âu với những nét điển hình của người dân vùng Địa Trung Hải dù đã trên 83 tuổi vẫn có những bước chân rắn rỏi và vững chãi trên con đường dạo trải đầy sỏi. Mặc dù trước đó, chúng tôi đã được nghe các đồng chí bên Bộ Ngoại giao đi đón ông tại sân bay Nội Bài kể rằng, khi thấy ông, mọi người chào đón và nói chuyện bằng tiếng Anh, song Kosta Sarantidis đã đề nghị với thái độ hài hước: "Nói tiếng Việt đê" nhưng quả thực, vốn tiếng Việt của ông khiến chúng tôi kính nể vì không chỉ dùng từ chuẩn xác, ông còn nói với ngữ điệu như người sinh ra và lớn lên tại Việt Nam. Và tại cuộc tiếp xúc, ông cũng đề nghị chúng tôi gọi ông bằng cái tên Việt đã được ông dùng và được công nhận là tên chính thức: Nguyễn Văn Lập.
 

Ông Kostar Sarantidis - Nguyễn Văn Lập cùng Đại tá Lưu Vinh, Phó TBT Báo CAND tại nhà khách Chính phủ (Hà Nội, 25/12/2010). Ảnh: Vũ Hân. 
 
Sinh ra trong một gia đình công nhân ở Thessaloniks, một TP miền Bắc Hy Lạp, thời niên thiếu, cậu bé Kosta Sarantidis đã phải nếm trải cảm giác là người dân của một đất nước bị phát xít Đức xâm lược. Năm 1943, mới 16 tuổi, ông và nhiều thiếu niên Hy Lạp khác bị bắt đi lính và bị đưa sang Đức. Ròng rã đi bộ 3 tháng từ Hy Lạp sang Áo, đến biên giới Nam Tư, ông đã quyết định trốn ở lại sống vật vờ hơn 1 năm trên những chuyến tàu xuôi ngược dọc biên giới.

Chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc, không giấy tờ tuỳ thân, không có đường trở về Hy Lạp, tuyến đường sắt trở về đã bị tàn phá, ông đã bị nhà cầm quyền đưa vào trại tập trung ở Italia và gia nhập quân đội lê dương theo lời rủ rê của bạn bè. Ngày ấy, chàng trai Kosta Sarantidis không thể ngờ, cuộc đời đã hoàn toàn ngoặt sang hướng khác khi ông và hàng nghìn người lính lê dương khác được điều sang Việt Nam để phục vụ cho dã tâm đen tối của chế độ thực dân. Năm 1946, sau 3 tháng huấn luyện xuất phát từ châu Phi, con tàu chở đoàn quân lính lê dương trong đó có Kosta Sarantidis lênh đênh trên biển 25 ngày mới cập cảng Sài Gòn. Trong suốt thời gian ấy, Kosta Sarantidis vẫn còn chưa hiểu gì về đất nước xa xôi có tên Việt Nam.

Qua những bức ảnh tuyên truyền trên tàu, ông hình dung, người Việt Nam giống như một bộ tộc với hàm răng đen kỳ quái vẫn còn ở thời kỳ "đồ đá". Nhưng, bước chân xuống đất liền, Kosta Sarantidis hoàn toàn bất ngờ trước hình ảnh các cô gái Sài Gòn xinh đẹp như mộng mị với những tà áo dài tha thướt. Chưa hết ngạc nhiên, ông lại sững sờ trước hành vi thô bạo của một sỹ quan Pháp đến từ nơi vẫn được coi là văn minh. Ông kể bằng tiếng Việt trôi chảy hơi pha ngữ điệu miền Nam: "Tôi chưa được ăn dừa bao giờ, chỉ thấy dừa trên phim Tarzan hồi bé được xem. Ở nhà ga, dừa được bày bán rất nhiều. Đang định mua dừa của một chú bé, tôi thấy một sỹ quan Pháp tiến đến gần và đá thằng bé rất đau. Quá bất ngờ, tôi hỏi: "Tại sao ngài làm thế? Tôi tưởng nước Pháp là nước dân chủ, văn minh?". Câu trả lời ông nhận được là: "Ở đây vài năm rồi mày cũng sẽ làm như thế?".

Ngay lúc ấy, trong đầu tôi đã đinh ninh một điều, tôi không thể trở thành một người tàn bạo như thế. Và một cách tự nhiên, so sánh với người dân nước tôi khi bị phát xít Đức chiếm đóng, tôi tự hỏi, tại sao mình lại phải biến thành một thằng lính Đức trên đất nước xinh đẹp này?". Kosta dần thấy mình gần với phe kháng chiến hơn là những người đồng hành đủ các quốc tịch đang cùng chiến tuyến với mình. Hơn nữa, vừa chân ướt chân ráo bước xuống cảng Sài Gòn, Kosta đã chứng kiến 2 người lính lê dương thiệt mạng trong một cuộc tập kích của Việt Minh. Ông lờ mờ nhận ra, nơi đây đang có một sự chống cự mãnh liệt chống lại quân xâm lược.

Dừng câu chuyện, Kosta Sarantidis mỉm cười rất tươi. "Từ suy nghĩ đến hành động là một quá trình rất dài bởi lẽ để những người cộng sản tin mình, một thằng lính đánh thuê mũi lõ "tây" từ tóc đến chân không dễ dàng gì", ông tâm sự. Ngay cả trong con người ông, sự đấu tranh giằng dai giữa việc ở trong quân đội Pháp, được trang bị súng ống đầy đủ và được ăn uống no đủ và việc bước sang hàng ngũ cộng sản chịu đói khổ, ẩn nấp trong rừng rú không phải là điều dễ dàng. Nhưng, có thể coi là số phận khi ông gặp gỡ một người con gái xinh đẹp có tên Ly Ly. Trong suốt thời gian 4 tháng đi lính lê dương, đơn vị của ông dịch chuyển liên tục, từ Đà Lạt, Phan Rang, Phan Thiết đến Mũi Né. Chính ông cũng không ngờ, cuộc gặp gỡ định mệnh ấy đã dẫn đến quyết định trở thành chiến sỹ cộng sản, đấu tranh vì độc lập của một quốc gia vẫn còn khá xa lạ với mình.

Câu chuyện tình giữa anh chàng "gà" và cô gái điệp báo xinh đẹp

Ly Ly, cô gái Việt Nam có khuôn mặt xinh đẹp và tính cách mạnh mẽ đã thực sự làm anh chàng "gà" (Kosta tiếng Hy Lạp có nghĩa là gà) mê mẩn say đắm. Nhưng lúc đó, Kosta chợt phát hiện Ly Ly là vợ hai của một quan hai Pháp. Một chút chạnh lòng khi nghĩ Ly Ly là gái làm tiền, Kosta đã mang cả 300 quan tiền được quân đội Pháp cấp phát khi sang Việt Nam đưa cho cô chỉ để trao đổi coi như chuyện "ăn bánh trả tiền". Không ngờ, Ly Ly đã từ chối ông và trả lại số tiền đó. Biết Kosta mê Ly Ly, một người Tây Ban Nha cũng là lính lê dương (sau này cũng gia nhập Việt Minh với cái tên Nguyễn Văn Vỹ) đã nhắc nhở ông cẩn thận vì theo Vỹ, Ly Ly có điều gì đó không bình thường. Nhưng anh chàng Kosta ngây thơ mới 18 tuổi vẫn ngày ngày mộng tưởng và tìm mọi cách theo sát Ly Ly.
 

 Kostar (bên phải) - anh Bộ đội Cụ Hồ và đồng đội ngày tập kết ra Bắc năm 1954.

Cũng chính vì theo dõi, Kosta sững sờ khi phát hiện, Ly Ly ăn cắp tài liệu của viên quan Pháp. Dần dần, Kosta không chỉ si tình vì vẻ đẹp của Ly Ly, ông còn cảm phục người con gái bé nhỏ nhưng có lòng quả cảm, dám hy sinh vì lý tưởng, tự nguyện chuốc tiếng xấu làm me Tây để hoạt động cách mạng. Kosta với bản tính thật thà, tuổi trẻ sôi nổi cũng đã khiến Ly Ly động lòng. Họ đã có những ngày tháng bên nhau, hiểu nhau và dần nảy sinh tình cảm trong sáng.

"Có một hôm, tôi xin phép quan hai về Phan Thiết, cách nơi đóng quân 60 cây số chơi. Ly Ly lúc đó cũng có ở đó. Cô ấy giả vờ không biết tiếng Pháp, nhưng nhìn thấy tờ đơn của tôi viết xin nghỉ, cô gọi đòi đi theo để mua cá tươi. Hai chúng tôi cùng đi. Tôi rất vui và hạnh phúc khi được đưa Ly Ly đi và sóng bước với cô ấy trên đường phố", Kosta hồi tưởng. Có điều lạ, khi đến Phan Thiết, Ly Ly lại không mua gì cả. Kosta thật thà kể với chúng tôi, là lính lê dương, lại là thanh niên hừng hực sức sống, đám lính trẻ như ông ngày ấy có phần sống buông thả. Vì vậy, ông bảo Ly Ly mỗi người sẽ rẽ một ngả, làm việc riêng và đến chiều sẽ hẹn nhau tại một điểm. Nhưng Ly Ly tinh ranh đã đoán ra ý đồ đen tối của Kosta, cô chỉ nhìn chăm chú vào mắt ông và buông một câu vừa tinh nghịch vừa dò xét thái độ: "Đừng hòng!". Kosta nghe câu nói ấy của Ly Ly bỗng thấy như cả bầu trời trước mặt bỗng rộng thênh thang và bừng nắng vàng. "Hoá ra cô ấy cũng thích tôi", ông hào hứng. Ly Ly dẫn Kosta đến một quán bán đồ đặc sản Phan Thiết và cô giới thiệu đó là nhà cô.

Quán gọi là quán bà béo, bán đặc sản Phan Thiết, Ly Ly giới thiệu đó là nhà mình. Cũng đã đến giờ nghỉ trưa, Ly Ly tiến dần lại phía Kosta và trong lúc vắng vẻ, cô đã đồng ý để anh chàng "gà" hôn mình. Chỉ dừng lại ở một nụ hôn nhưng Kosta cho đến khi trở thành một ông già tóc bạc phơ vẫn nhớ như in và giữ nguyên vẹn trong trái tim hình ảnh người con gái Phan Thiết. Ông kể, đời ông biết ơn Ly Ly, và cháu gái của ông cũng được Kosta đặt tên là Ly để nhớ về cô gái tình báo bé nhỏ mà kiên cường. "Tôi biết ơn vì cô ấy đã dạy cho "gà" Kostar một bài học về đức hy sinh. Cô ấy chỉ mới 17, 18 tuổi đầu nhưng đã chấp nhận làm vợ hờ cho sỹ quan Pháp để hoạt động tình báo. Cô ấy đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân của mình vì lý tưởng, điều mà tôi không làm được", Kosta bần thần nhớ lại.

Trước khi gặp Ly Ly, ông không hiểu thế nào là Việt Minh. Chính Ly Ly đã cắt nghĩa cho ông hiểu, Việt Minh cũng giống như đội quân kháng chiến ở Hy Lạp, sẵn sàng hi sinh bản thân mình để giành lại độc lập cho đất nước. Đến tháng 3/1946, đơn vị của Kosta được lệnh chuyển đi, viên quan hai Pháp cũng được điều chuyển sang đơn vị khác. Kosta phải chia tay Ly Ly từ đó. Trước khi đi theo viên quan hai, Ly Ly đã lén nhét vào tay Kosta một mẩu giấy lúc bắt tay tạm biệt, dặn Kosta nếu ra Phan Thiết thì đến nhà mẹ của cô và hai người sẽ gặp nhau ở đó. Tiếc thay, đơn vị của Kosta lại hành quân ngược vào Mũi Né, và Kosta nên mất liên lạc với Ly Ly từ đó. Câu chuyện tình của ông với Ly Ly đã khiến Kosta thêm nung nấu quyết tâm trở thành người lính Việt Minh thực sự.

Cơ may đã đến khi đóng quân ở Mũi Né, Kosta để ý đến một người tù binh Việt Minh tên là Lê Trung Biển. Ông nhận thấy ý chí quật cường của người lính cộng sản này khi bị đánh đập, tra tấn tàn bạo nhưng nhất định không khai. Ông đã lựa cơ hội đến gặp và nói với Lê Trung Biển: "Tôi là người Hy Lạp yêu cộng sản, tôi muốn theo Việt Minh. Nếu anh tin tôi, chúng ta sẽ cùng trốn đi với nhau". "Anh Biển nói với tôi, nếu thế thì giải phóng cho tôi và các tù binh, tôi sẽ đưa anh đến gặp các đồng chí của tôi". Đêm 2/6/1946, Kosta đã giải thoát cho Lê Trung Biển cùng 25 tù binh khác cùng với 1 khẩu súng máy và 2 súng trường. Cùng với Kosta, còn có người bạn Tây Ban Nha có tên Santo Merino (sau này được đặt tên là Nguyễn Văn Vỹ và hy sinh tại chiến trường Lào). Sau hai ngày chạy trốn, họ đã gặp được bộ đội Liên khu V và Kosta chính thức gia nhập Bộ đội Cụ Hồ ngày 4/6/1946 với tên Việt Nam là Nguyễn Văn Lập.

Còn tiếp...

Lưu Vinh - Ngọc Yến - Vũ Hân
(Theo Công an nhân dân)

 

Bình luận
vtcnews.vn