Người lăn lộn đi tìm rùa khổng lồ ngoài Hồ Gươm

Phóng sự - Khám pháThứ Năm, 17/03/2011 06:00:00 +07:00

(VTC News) - Cả một khoảng trống hàng triệu km2 lọt giữa sông Dương Tử và sông Hồng của Việt Nam lại không hề có ghi nhận nào về loài rùa Hồ Gươm khổng lồ này.

(VTC News) - Cả một khoảng trống hàng triệu km2 lọt giữa sông Dương Tử và sông Hồng của Việt Nam lại không hề có ghi nhận nào về loài rùa Hồ Gươm khổng lồ này.


Ngay từ năm 2001, các cán bộ của Chương trình Bảo tồn rùa Châu Á đã bắt tay vào việc nghiên cứu về các loài rùa ở Việt Nam. Đến năm 2004, công việc tìm kiếm cá thể rùa khổng lồ ngoài Hồ Gươm bắt đầu. Người nhận nhiệm vụ trực tiếp, nặng nề nhất là anh Nguyễn Xuân Thuận, Điều phối viên của Chương trình Bảo tồn rùa Châu Á.

Hàng chục nhà khoa học của tổ chức nước ngoài đã lăn lộn nhiều năm nay chỉ với mong ước chụp được ảnh rùa khổng lồ. 

Anh Thuận và các cán bộ, gồm cả các nhà khoa học nước ngoài, bắt đầu công việc bằng cuộc điều tra quy mô cực lớn. Họ phân chia địa bàn, đi dọc sông Hồng, sông Đà, sông Mã, sông Lô, sông Gâm. Họ điền dã vào tất cả những ao hồ, đầm đìa ven sông để tìm kiếm thông tin về loài rùa khổng lồ.

Mấy năm trời lăn lộn vất vả tìm kiếm, song thông tin họ thu được chỉ là những câu chuyện kể săn rùa, cảnh giết rùa khổng lồ, những cái bẫy, những vũ khí để săn rùa người dân còn lưu giữ lại hoặc vài cái đầu, mai, vài mẩu xương rùa.

Pano giới thiệu về rùa Hồ Gươm của Chương trình Bảo tồn rùa Châu Á. 

Qua quá trình thực địa ngược thượng nguồn sông Đà, sông Hồng, sông Lô, rồi đi khắp Trung Quốc, các cán bộ của Chương trình Bảo tồn rùa Châu Á phát hiện một thông tin thú vị: Loài rùa mai mềm nước ngọt khổng lồ từng xuất hiện dày đặc ở các đầm hồ ven sông miền Bắc Việt Nam và cũng từng xuất hiện dọc sông Dương Tử (Trung Quốc). Điều đặc biệt là chỉ có hai khu vực này xuất hiện loài rùa mai mềm nước ngọt khổng lồ, mà ở Việt Nam gọi là rùa Hồ Gươm, còn người Trung Quốc gọi là giải Thượng Hải. Cả một khoảng trống hàng triệu km2 lọt giữa sông Dương Tử và sông Hồng của Việt Nam lại không hề có ghi nhận nào về loài rùa Hồ Gươm khổng lồ này.

Cả khu vực rộng lớn cả triệu km2 giữa sông Dương Tử và sông Hồng không hề có loài rùa Hồ Gươm khổng lồ. 

Các nhà khoa học đã chứng minh rùa Hồ Gươm và giải Thượng Hải cùng loài Rafetus Swinhoei, vậy tại sao lại có một khoảng không gian cực lớn lọt giữa sông Hồng và sông Dương Tử không có sự xuất hiện của chúng? Như vậy, cho đến nay, việc khẳng định rùa Hồ Gươm có nguồn gốc từ sông Dương Tử, hay giải Thượng Hải đến từ sông Hồng, sông Đà chưa thể khẳng định được. Các nhà khoa học của Chương trình Bảo tồn rùa Châu Á không đặt vấn đề quan trọng chúng đến từ đâu, vì so với rùa, sự xuất hiện của loài người trên trái đất này là quá muộn. Loài rùa khổng lồ đã có mặt trên trái đất cả trăm triệu năm nay, nên chúng đến từ đâu thì không nên bàn cãi làm gì, vì lúc đó đâu đã có con người, nói gì đến lãnh thổ.

Pano giới thiệu rùa Hồ Gươm mà anh Nguyễn Xuân Thuận phát cho người dân quanh đầm Minh Quân. 

Tôi đã có nhiều ngày điền dã quanh các hồ lớn dọc sông Hồng, sông Đà, sông Mã, sông Lô để tìm hiểu về rùa Hồ Gươm khổng lồ, và tôi thấy người dân ven những đầm phá, hồ ao dọc sông Hồng kể nhiều về anh chàng Nguyễn Xuân Thuận, làm cho cái tổ chức nghiên cứu rùa của thế giới. Người dân chẳng biết đấy là cái tổ chức gì, nhưng mặt mũi của anh Thuận thì họ nhớ rất rõ, với cặp kính cận dày cộp và nước da đen cháy nắng vì suốt ngày phơi nắng, dầm mưa bên hồ.

Đầm Minh Quân, nơi các nhà khoa học của Chương trình rùa Châu Á, trong đó có Nguyễn Xuân Thuận, đã bỏ nhiều năm nghiên cứu, tìm kiếm rùa khổng lồ. 

Ông Trần Trọng Dần, ngót 80 tuổi, sống cạnh đầm Minh Quân (Trấn Yên, Yên Bái), là người có tuổi thơ gắn bó với loài rùa khổng lồ này. Ông thường trêu các cụ rùa bằng cách, khi các cụ nổi, ông chèo bè nhẹ nhàng, rồi nhảy phóc lên lưng cụ. Cụ rùa to như cái nong tằm hoảng hốt trốn chạy mất hút. Đám trẻ con phá lên cười vì tính nhát chết của rùa. Ông Dần khẳng định đầm Minh Quân còn rùa. Ông bảo, vẫn nghe thấy tiếng ngáy pho pho của rùa hàng đêm, vẫn thấy chúng cào đá sỏi, đánh vũng như trâu đằm dưới đáy hồ cạnh các hòn đảo ở cái hồ mênh mông có 99 ngách này.

Học sinh ở những vùng nghi có rùa khổng lồ được Chương trình Bảo tồn rùa Châu Á giáo dục tình yêu với loài rùa. Ảnh: Chương trình Bảo tồn rùa Châu Á cung cấp.

Vì lời khẳng định của ông cụ Dần, mà anh chàng Nguyễn Xuân Thuận đã giành suốt một năm đời người ăn nằm bên cái đầm ấy. Hàng ngày, cứ 6 giờ sáng, Thuận đã có mặt bên đập Minh Quân, giương ống nhòm quét một lượt mặt hồ để truy tìm dấu vết tăm và xem có cụ rùa nào ngóc đầu lên khỏi mặt nước để thở không. Sau đó, Thuận xuống thuyền đi ra các đảo để quan sát, theo dõi, vạch từng bụi cỏ, đặt chân lên từng bãi cát, bãi sỏi, bãi lau sậy để tìm dấu vết rùa. Mỗi chuyến đi hết cái đầm rộng mấy trăm ha, với 99 ngách đó, cũng mất cả tuần. Người dân xã Minh Quân chả còn lạ gì anh chàng đen nhẻm ngồi trên đỉnh đồi cắm mặt vào cái ống nhòm dài ngoằng như ống phóng lựu, đen xì, trông như thể gián điệp trong phim Mỹ.

Ông Trần Trọng Dần kể, mấy năm trước ông chèo thuyền chở Thuận đến một cù lao giữa đầm, nơi ông thường xuyên gặp rùa. Lúc lội bì bõm lên bờ, anh Thuận bảo: “Sao lại có vũng trâu đằm ở giữa hồ thế này hả ông?”. Ông Dần tức tối mắng anh chàng chuyên gia rùa: “Mắt mũi anh thế nào mà lại bảo đây là vũng trâu đằm. Vết móng cào sắc lẹm, vết riềm nó miết vào đất nhẵn thín thế này là vết con giải đấy. Trâu đằm thì xung quanh phải có dấu chân chứ!”.

Hai cá thể rùa Hồ Gươm (giải Thượng Hải) ở Trung Quốc.  Ảnh: Chương trình Bảo tồn rùa Châu Á cung cấp.

Móng vuốt của rùa khổng lồ thì cực sắc và nó đào ổ cực khỏe. Có nhiều chỗ đất đá sỏi gan trâu, cứng như thép, cuốc bổ quằn lưỡi, thế nhưng rùa vẫn bò lên đào ổ tung tóe. Chiều rộng của ổ thường bằng thân rùa, chiều sâu chừng 40cm.

Phát hiện dấu vết rùa khổng lồ đánh ổ ở cù lao, anh Thuận và ông Dần đã làm một cái bẫy để tóm rùa. Cái bẫy như cái chuồng lợn tạm bợ của bà con miền núi, gồm nhiều cọc đóng xung quanh. Cá sống, cá chết bốc mùi tanh ngòm được thả vào bẫy để dụ rùa. Khi rùa vào ăn, cửa bẫy sẽ sập xuống, nhốt luôn rùa khổng lồ.

Tuy nhiên, khi báo cáo lãnh đạo tỉnh Yên Bái về “đề án” tóm sống rùa khổng lồ, lãnh đạo tỉnh đã từ chối. Họ chỉ cho phép theo dõi, chụp hình và giữ bí mật hoàn toàn chuyện rùa khổng lồ ở đầm Minh Quân. Thế là dự án tóm sống rùa của ông Dần và anh Thuận thất bại.

Ông Trần Trọng Dần là người thường xuyên chở anh Thuận đi tìm rùa ở đầm Minh Quân. 

Ngoài việc đi tìm dấu vết rùa, lúc rỗi rãi, anh đến từng nhà tuyên truyền, vận động nhân dân quanh hồ nâng cao ý thức bảo vệ loài rùa Hồ Gươm sắp tuyệt chủng này. Nhà nào ở Minh Quân cũng được anh Thuận tặng một bức tranh to tướng vẽ các loại rùa. Trẻ em, học sinh ở Minh Quân nhìn mấy chục con rùa trong tranh nói, tả vanh vách về tập tính của chúng. Kiến thức bọn trẻ có được là do “thầy Thuận” truyền đạt.

Chương trình rùa Châu Á còn cấp lương cho ông Thiện, nhà ở ngay cạnh đầm Minh Quân. Hàng ngày, ông Thiện cùng anh Thuận làm mỗi nhiệm vụ đi tìm dấu vết rùa. Hễ chụp được tấm ảnh, với cái đầu to như cái phích thò lên, thì coi như bõ công cả năm tìm kiếm, theo dõi.

Tuy nhiên, suốt một năm dầm dề nằm ở đầm theo dõi, rồi còn nhiều năm đi về thực địa theo giai đoạn nữa, anh chàng Nguyễn Xuân Thuận vẫn chưa chụp được hình ảnh rùa ở đầm Minh Quân. Từ bấy đến nay, khi Thuận đã rời bỏ công việc này, ông Thiện vẫn ăn lương của Chương trình Bảo tồn rùa Châu Á, và vẫn đều đặn thay công việc hàng ngày của Thuận là vác ống nhòm, máy ảnh đi tìm rùa. Họ trả lương mấy năm trời cho ông Thiện, chỉ với mong ước, một ngày nào đó, ông tặng họ một tấm hình rùa đang nổi.

Kể chuyện anh chàng Nguyễn Xuân Thuận đi thực địa tìm rùa Hồ Gươm, tôi chợt nghĩ đến những cái lắc đầu của “người rừng”, thầy thuốc Trần Ngọc Lâm (sống trong rừng Hoàng Liên Sơn, Lào Cai) khi nhắc đến các nhà khoa học Việt Nam. Ông Lâm kể, có đến cả chục giáo sư, tiến sĩ, nhà khoa học, nghiên cứu sinh đến gặp ông nhờ ông dẫn vào rừng tìm cây thuốc, mô tả, viết dự án, công trình khoa học… Nhưng các nhà dược học của chúng ta thường chỉ đi bộ đến bìa rừng là thở dốc, không đi nữa. Họ đưa máy ảnh cho ông Lâm, nhờ ông vào rừng chụp hộ, hoặc tả lại hình đáng cây lá để họ ghi chép. Ghi chép theo lời kể tạm đủ rồi, họ kéo về Sapa nghỉ dưỡng, hết thời gian đi công tác thì về Hà Nội. Thế mà, các công trình họ công bố, cứ y như thật.

Còn tiếp…

Phạm Ngọc Dương

 Các thí sinh quan tâm đến cơ hội học tập và nghề nghiệp hấp dẫn tại ĐH Văn Hiến có thể gửi câu hỏi tới địa chỉ [email protected].

Bình luận
vtcnews.vn