Người làm ngành du lịch xoay xở đủ nghề giữa đại dịch COVID-19

Đời sốngThứ Tư, 11/08/2021 07:24:00 +07:00
(VTC News) -

Du lịch "đóng băng" vì đại dịch COVID-19, nhiều lao động từng sống dựa vào ngành "công nghiệp không khói" này phải xoay xở đủ thứ nghề để mưu sinh.

Hơn 1,5 năm dịch COVID-19 bùng phát và kéo một hơi dài chưa đến hồi kết, hết thảy nhà hàng, khách sạn, quầy lưu niệm...ở đô thị cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam - địa chỉ du lịch nổi tiếng thế giới, đồng loạt đóng cửa.

Từ ngày du lịch "đóng băng", nhiều lao động mất công ăn việc làm ổn định, phải bươn chải kiếm cơm bằng đủ thứ nghề. Thậm chí, không ít người lâm cảnh thất nghiệp triền miên.

Từ nhân viên khách sạn đến công nhân nhà máy

Tròn một tháng nay, chị Nguyễn Thị Sen, 28 tuổi, bắt đầu làm quen với công việc nhân viên văn phòng tại công ty đóng ở Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam. Trước khi rẽ hướng sang công việc hoàn toàn mới mẻ này, chị đã có thâm niên 5 năm hoạt động trong lĩnh vực du lịch.

Người làm ngành du lịch xoay xở đủ nghề giữa đại dịch COVID-19 - 1

Hơn 1,5 năm nay, du lịch Hội An rơi vào tình thế "đóng băng".

Chị Sen chia sẻ, năm 2015, chị tốt nghiệp khoa Du lịch - Đại học Huế. Với tấm bằng loại giỏi trong tay cùng kỹ năng giao tiếp ngoại ngữ lưu loát, chị được nhận vào làm nhân viên lễ tân ở một khách sạn nằm ngay trung tâm phố cổ Hội An. "Mức thu nhập của tôi trong nhiều năm đều trên mức 10 triệu đồng. Vì làm xoay ca, mỗi ca 8 tiếng, nên tôi sắp xếp thời gian và mở lớp dạy thêm tiếng Anh tại nhà. Với nguồn thu từ hai công việc mang lại, cuộc sống của tôi tương đối ổn định", chị Sen bộc bạch.

Nào ngờ, thời điểm đầu năm 2020, dịch COVID-19 bùng phát đã giáng một đòn chí mạng khiến ngành du lịch "đóng băng". Những lao động sống dựa vào ngành "công nghiệp không khói" như chị Sen cũng bắt đầu lao đao trong guồng quay của đại dịch. 

Theo chị Sen, sau 3 tháng cầm cự trong tình cảnh ngóng trông mỏi mắt không có lấy một khách tá túc, khách sạn của chị thông báo đóng cửa. Hầu hết nhân viên, trong đó có chị Sen, đột ngột mất đi công ăn việc làm ổn định bấy lâu. Nhắc đến đây, chị Sen kể tiếp: "5 năm gắn bó với nghề, tôi không nghĩ có ngày đô thị cổ Hội An lại vắng bóng du khách, buộc các khách sạn lớn nhỏ phải đóng cửa hàng loạt. So với nhiều đồng nghiệp, dù sao tôi cũng còn may mắn vì công việc dạy học tại nhà cũng giúp mình có nguồn thu nhập đủ để trang trải chi tiêu trong giai đoạn ngành du lịch gặp bế tắc".

Thời điểm năm học 2020-2021 sắp kết thúc, Quảng Nam trải qua đợt dịch thứ 4, công việc dạy thêm của chị Sen cũng bắt đầu "đứt gánh". Bất ngờ rơi vào cảnh thất nghiệp, chị chuẩn bị cả chục bộ hồ sơ và nộp đơn xin việc ở hàng loạt công ty, nhà máy tại khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc, cách nhà mình tầm 1 cây số.

"Sau nhiều ngày chờ đợi, đầu tháng 7 vừa qua, tôi được một công ty nhận vào thử việc ở phòng xuất nhập khẩu. Hằng ngày, tôi làm việc với đối tác nước ngoài qua email. Dù chưa quen với công việc mới nhưng tôi sẽ cố gắng bởi bây giờ tìm việc rất khó, đặc biệt là với những người rẽ hướng từ du lịch qua nghề khác như tôi", chị Sen tâm sự.

Người làm ngành du lịch xoay xở đủ nghề giữa đại dịch COVID-19 - 2

Khách sạn, nhà hàng đóng cửa, nhiều lao động ngành du lịch xin vào các nhà máy, xí nghiệp làm công nhân.

Cũng như chị Sen, Phan Thị Thủy (trú phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn) cũng đành chấp nhận từ bỏ công việc bên ngành du lịch. Lận đận hơn chị Sen, sau khi khách sạn đóng cửa, chị Thủy cùng chồng mở quán nhậu và lỗ nặng. 

Theo chị Thủy, quán khai trương thời điểm tháng 5/2020. Không bao lâu, dịch COVID-19 bùng phát mạnh khiến việc bán buôn ế ẩm. "Hàng chục triệu đồng tích cóp được hai vợ chồng dốc hết vào đầu tư quán nhậu. Dịch COVID-19 khiến công việc kinh doanh thua lỗ. Nhiều hôm chuẩn bị mồi sẵn nhưng không có khách, thế là cả nhà ăn đồ nhậu trừ cơm. Quán hoạt động cầm chừng được gần 2 tháng thì đóng cửa", chị Thủy nhớ lại.

Kinh doanh thất bát, chị Thủy và chồng quyết định nộp đơn xin vào làm công nhân trong nhà máy. Đồng lương dù không bao nhiêu nhưng nhiều tháng nay, nhờ chi tiêu tằn tiện, hai vợ chồng cũng đủ chạy cơm từng bữa cho cả nhà với 4 miệng ăn.

Thất nghiệp lần 2

Trải qua 4 đợt dịch COVID-19, bà Trần Phương Loan, trú phường Cẩm Nam, TP Hội An, chật vật trong bước đường kiếm kế sinh nhai.

Nhẩm tính trên đầu ngón tay, bà Loan cho hay, đến năm 2020 là tròn 15 năm bà gắn bó với công việc quản lý khách sạn và ăn nên làm ra nhờ sự phát triển của du lịch địa phương. Từ năm ngoái tới nay, khi mọi hoạt động của du lịch, trong đó có dịch vụ lưu trú gần như tê liệt, cuộc sống của gia đình bà bị đảo lộn.

Theo bà Loan, trước khi dịch COVID-19 xuất hiện, thu nhập của bà cũng trên dưới 30 triệu đồng/tháng. Còn chồng bà điều hành xe du lịch gồm 4 chiếc của gia đình cũng thu về không dưới 40 triệu đồng mỗi tháng.

Người làm ngành du lịch xoay xở đủ nghề giữa đại dịch COVID-19 - 3

Phố cổ Hội An vắng bóng du khách vì dịch COVID-19.

"Dịch bệnh quái ác khiến phút chốc cả hai vợ chồng phải nghỉ việc. Do đợt mua xe còn nợ ngân hàng nên gia đình đang phải gánh khoản lãi không nhỏ. Tôi bàn với chồng rồi, chúng tôi sẽ bán bớt 2 chiếc xe để thoát cảnh nợ nần", bà Loan nói và chia sẻ thêm, sau 2 tháng thất nghiệp, bà từng xin đi dạy ngoại ngữ tại một trung tâm trên địa bàn thành phố. Khoản lương dù chỉ bằng 1/4 so với công việc quản lý khách sạn trước đây, song cũng đủ để mua lương thực, thực phẩm nuôi cả gia đình.

Khổ nỗi, từ thời điểm cuối tháng 7/2021, dịch bệnh COVID-19 tái bùng phát với hàng loạt các ca bệnh trong cộng đồng khiến TP Hội An phải thực hiện giãn cách xã hội. Từ đó, bà Loan lâm cảnh thất nghiệp lần 2.

Mấy tháng nay, Nguyễn Văn Hùng, trú thị xã Điện Bàn, cũng "ăn không ngồi rồi" khi nghề chạy Grap gần như thất nghiệp.

Hùng cho biết, sau khi tốt nghiệp cao đẳng, anh trải qua khoảng thời gian 3 năm làm việc tại khách sạn ở phố cổ Hội An. "Khi dịch mới bùng phát, tôi nghỉ việc và chấp nhận thất nghiệp một thời gian. Sau nhiều đêm trăn trở, tôi quyết định dành toàn bộ số tiền tiết kiệm để mua ô tô, đăng ký chạy Grap. Gần cả năm nay, số cuốc xe tôi nhận chỉ đếm trên đầu ngón tay. Bây giờ, tôi đã tạm dừng công việc này và tiếp tục trải qua những tháng ngày thất nghiệp", Hùng ngậm ngùi giãi bày.

THANH BA
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp