Người không nổi tiếng

Tổng hợpThứ Sáu, 16/11/2012 08:50:00 +07:00

Những cuộc vui ở Đài Truyền hình KTS VTC như ca hát, hội nghị đình đám, hội thi… tôi hay gặp một anh chàng trắng trẻo nhỏ con nhưng thư sinh vác chiếc Canon ...

Những cuộc vui ở Đài Truyền hình KTS VTC như ca hát, hội nghị đình đám, hội thi… tôi hay gặp một anh chàng trắng trẻo nhỏ con nhưng thư sinh vác chiếc Canon ống kính rời lướt đi lượn lại ngó nghiêng và chỉnh ngắm chụp hình.

Gặp nhau ở những nơi ấy thấy tôi cũng lăng xăng tay máy thì cùng mỉm cười thay cho một câu chào rồi ai việc nấy. Lần xuống Hạ Long 3 ngày cả Đài tham gia một festival lớn anh chàng còn lăng xăng hơn “át” cả hình ảnh tôi, bởi máy của anh to đùng có gương chập kêu loách xoách có ống kính tê-lê khủng nên “oách” hơn tôi dùng chiếc máy bán chuyên.

 
Cho tới một hôm máy tính kiểm tra của hội đồng nghiệm thu “treo”, lại rơi vào máy tôi đang xem, cô thư ký hội đồng phôn đi đâu đó. Một lúc sau có một chàng trai tới tay cầm chiếc tuốc-nơ-vít và vài chiếc đĩa CDROM hỏi cô thư ký “Máy nào dở quẻ đấy em?” Té ra là anh chàng “chụp ảnh”. Chúng tôi chào nhau cùng cười. Nếu không có sự cố máy móc thì tôi cứ nghĩ anh chàng là nhân viên văn phòng kiêm quản lý các hoạt động văn hóa của Đài.

Sơn Hải – kỹ sư điện tử viễn thông dân Bách Khoa, anh thuộc con số của Trung tâm kỹ thuật, chức danh chính là phó phòng tổng hợp, chức danh cũng chính nữa là phụ trách sửa chữa và bảo dưỡng toàn bộ thiết bị kỹ thuật của Trung tâm kỹ thuật và của Đài. Công việc không nhỏ. Máy móc nằm suốt bảy tầng. Chỉ một mình anh.

 
Vậy là chúng tôi quen nhau kỹ hơn. Thân hơn. Vỡ lẽ anh học với con trai tôi cùng khoa cùng lò “bách khoa”. Vỡ lẽ thêm nhà anh chỉ cách nhà tôi một “thôi đường” chạy bộ thể thao buổi sáng từ Hàm Tử Quan qua đê vào Bờ hồ Hoàn Kiếm theo phố Lò Sũ vào Hàng Dầu.

Phạm Sơn Hải có một phòng làm việc kiêm xưởng sửa chữa tít tầng 7. Nói là xưởng cho oai chứ nó giống một nơi chứa đồ cũ linh tinh. Tôi ghé vào thăm anh ở nơi đó làm anh lúng túng. Vì lộn xộn. Tôi xoa dịu anh, rằng thư phòng của tôi làm việc xong cũng để bừa, không chỉ bản thảo sách tra cứu lại có cả bút vẽ, sơn, toan màu mè ống nước ống dầu nhếch nhác. T

hu dọn để sau đó lại bầy tốn thời gian. Căn xưởng của Sơn Hải cũng thế. Một hai chiếc camera tháo tung, vài chiếc đầu DVCAM mở lộ ruột. Những bảng mạch điện tử mổ móc ra tơi tả. Máy hút bụi, vài chiếc mỏ hàn, cuộn thiếc, nhựa thông cùng đồng hồ đo kiểm và một vài dụng cụ tháo lắp khác nữa. Những chiếc mô-ni tơ (monitor) cũ mèm. Vài chiếc khay sắt đựng linh kiện cũ, mới.

Ốc vít và những đoạn dây điện nhỏ nhiều màu vê thành bối. Cô Thư ký Tòa soạn Tạp chí THS ở phòng đối diện thấy tôi ở đó chạy ào sang “nịnh” Sơn Hải, rằng khi nào chuyển về 23 Lạc Trung Tạp chí xin được ở gần phòng anh Sơn Hải, máy móc chúng em hỏng hóc gì còn có anh động tay cho. Sơn Hải là người kiệm cười mà cũng không nhịn được cười. Có lẽ kiếp sau tôi sẽ học điện tử viễn thông hơn là học viết lách để được các cô gái nịnh.

 
Có lần tôi nói chuyện với Giám đốc Trung tâm kỹ thuật Phan Tiến Dũng, thì biết hệ thống thiết bị của Đài có từ năm 2006. Mỗi năm được bổ sung các thiết bị mới công nghệ mới đáp ứng yêu cầu sản xuất chương trình truyền hình ngày một tăng kênh tăng thời lượng, từ SD đến HD, lại từ sản xuất tiền kỳ đến hậu kỳ, truyền dẫn phát sóng của một đài truyền hình kỹ thuật số đầu tiên của cả nước, vật liệu cũng có sức bền hạn định của nó, thành thử công việc bảo dưỡng định kỳ nhằm kéo dài tuổi thọ là ưu tiên số 1.

Rồi thì điều kiện môi trường khí hậu, thao tác sai của kỹ thuật viên đôi khi gây những hư hỏng và lỗi lặt vặt phải sửa chữa không phải ít. Sơn Hải “gánh” công việc ấy không nhẹ nhõm gì.

Máy móc công nghệ cao bây giờ hỏng hóc gì là thay cả bảng mạch. Đã qua cái thời kỳ lò dò sơ đồ mạch điện, đo kiểm từng linh kiện, nhổ ra rồi hàn nối thay thế, vặt linh kiện này cắm vá vào chỗ kia. Bởi chỉ cần xác định máy hỏng bảng mạch nào thì thay ngay bảng mạch ấy hoặc thay thế tạm bằng bộ máy khác để bảo đảm toàn hệ thống hoạt động liên tục không được phép dừng chờ.

 
Thế nhưng một hay vài cái linh kiện “chết” mà thay cả một bảng mạch thì lãng phí quá. Bởi thế cái xưởng của Sơn Hải mới chứa toàn đồ cũ thải, để anh tận thu những thứ chưa “phế” trong “đống” tàn. Nơi xưởng anh làm việc vẫn còn mấy cái đầu DVCAM, mặc dù toàn hệ thống kỹ thuật của Đài từ khâu tiền kỳ đến hậu kỳ không còn sử dụng băng từ, dựng phi tuyến (dựng máy tính) thay cho dựng tuyến tính (dựng bàn cơ VTR), xuất các sản phẩm ra dạng file kể cả đưa vào Sơ-vơ (Server) phát sóng, lưu trữ dữ liệu. Thế nhưng vẫn còn nhiều tư liệu ở dạng băng từ vẫn cần sửa chữa phục hồi các đầu đọc băng.

Tôi còn mấy cái đầu đọc băng VHS vừa rồi “chết”. Đem ra hiệu sửa. Họ cười rúc rích, nói rằng bác phải chờ em đi sưu tầm xem ai còn đồ cũ này “móc” mấy con linh kiện phù hợp máy của bác mới mong nó “sống” lại được. Phải chờ lâu đấy tùy thuộc có “tầm” được hay không vì nó đã là rác thải. Cũng bởi tư liệu của tôi cũng còn nằm trong VHS nên cần cứu nó sống. Tôi chia sẻ với Sơn Hải.

Bảo dưỡng định kỳ tất cả các thiết bị cố định tới lưu động, từ hệ thống tổng khống chế đến truyền dẫn phát sóng của một đài truyền hình làm tôi liên tưởng đến đội ngũ các bác sĩ y tế cộng đồng định kỳ phun thuốc tẩy trùng phòng chống dịch bệnh thường xuyên giữ gìn môi trường trong sạch cho toàn dân luôn khỏe mạnh. Cái máy móc cũng thế. Của bền tại người. Lại giống như đội sơn cầu Long Biên. Gõ rỉ sơn lót sơn phủ từ đầu cầu bên này qua đầu cầu bên kia xong quay lại là vừa một chu kỳ một năm bắt đầu đầu cầu bên này lại rỉ sét.

Nói thế chứ đâu Sơn Hải chỉ có bảo dưỡng và sửa chữ thiết bị truyền hình. Cái việc chính nữa anh phải làm là quản lý phòng tổng hợp của Trung tâm kỹ thuật. Công việc tổng hợp là không có tên, không định danh. Tổng hợp văn bản giấy tờ, nhân sự, tình hình hoạt động kỹ thuật của Trung tâm. Tổng hợp kiểm kê đầu thiết bị, tình trạng máy móc.

Tổng hợp những yêu cầu về trang thiết bị cũng như cập nhật thông tin công nghệ mới để có thể đề xuất kế hoạch hoặc dự án nâng cấp, cải tạo và thay thế. Tất nhiên trong trường hợp này cần có một hội đồng thẩm định nhưng anh vẫn là người nắm và thu thập thông tin cơ bản. Tôi được biết trước đây anh đã từng là kỹ thuật viên tham gia việc sản xuất chương trình từ tiền kỳ đến hậu kỳ, lắp đặt và khai thác các hệ thống thiết bị của Đài, đâu đâu cũng có mặt, việc gì cũng đến tay.

Đang chuyện cùng nhau lại có người đưa phiếu điều động máy quay phim đột xuất. Thì ra anh còn có việc con mọn này là phân máy quay theo lịch đăng ký của các kênh.

Xem truyền hình không phải ai tham gia làm nên sản phẩm phát sóng cũng được ghi tên lên bảng chữ nơi cuối phim. Có tên ghi ở nơi ấy thì được nhiều người biết tới. Đến hóa trang làm hậu kỳ cũng có danh xưng. Nhưng không ai biết tới người làm công việc bảo dưỡng và sửa chữa thiết bị mà trong công việc sản xuất chương trình không có anh ta thì “bất thành phim”.

Ngay như tôi bây giờ mới biết chân dung Sơn Hải. Tôi lại liên tưởng đến bác sĩ vệ sinh dịch tễ. Trừ dịch bệnh mang lại sức khỏe cho trăm nghìn người một vùng chẳng ai biết đấy là đâu. Nhưng một bác sĩ ngoại khoa mổ một ca tim cứu được một mạng người thì truyền thông cho cả nước biết tới như một thành tựu.

Tôi nói đùa với Sơn Hải, ở đài truyền hình cậu là người… “không nổi tiếng”.

Trà San Tuyết

        

     

Bình luận
vtcnews.vn