Người khai hoả 'rồng lửa' kể giây phút hạ gục B52

Thời sựThứ Hai, 17/12/2012 06:00:00 +07:00

(VTC News) - Hai “rồng lửa” xé màn đêm bay lên lao thẳng tới B52 nổ tung, một chùm lửa bùng cháy lớn và rơi xuống làng hoa Ngọc Hà.

(VTC News) - "Tôi chọn cự ly và phương pháp bắn hợp lý, sau đó ra lệnh cho sỹ quan điều khiển phóng kịp thời 2 “rồng lửa” xé màn đêm bay lên lao thẳng tới B52 nổ tung, một chùm lửa bùng cháy lớn và rơi xuống làng hoa Ngọc Hà."

Nhân kỷ niệm 40 năm chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”, được Thượng tá Phùng Đức Quang – Trung đoàn trưởng Trung đoàn 285, thuộc Sư đoàn 363 giới thiệu, chúng tôi đã tìm gặp Trung tá Phạm Văn Chắt - “tác giả” của loạt khai hỏa bắn rơi và nhấn chìm pháo đài bay B52 xuống hồ Hữu Tiệp (Hà Nội).

Trận địa tên lửa của Trung đoàn 285 - Hải Phòng - Ảnh Minh Khang 

Mặc dù đã ở tuổi 75 nhưng Trung tá Chắt vẫn còn rất minh mẫn và nhanh nhẹn. Nhớ lại những giây phút hào hùng cùng quân và dân cả nước quyết tử bảo vệ Thủ đô Hà Nội, Trung tá Chắt kể lại:

Tháng 9 năm 1967, đỉnh cao của cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của Đế quốc Mỹ ra miền Bắc lần thứ nhất. Khi Bác Hồ đến thăm Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không không quân, Người đã căn dặn: “Sớm muộn Mỹ sẽ đưa B52 ra đánh Hà Nội, các chú nhớ là trước khi Mỹ thua ở Triều Tiên nó đã hủy diệt Thủ đô Bình Nhưỡng. Ở Việt Nam, Mỹ cũng sẽ nhất định thua, nhưng nó chỉ thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”.

Thấm nhuần lời căn dặn của Bác và để có tài liệu cũng như cách đánh B52 trong nền nhiễu, trong 2 năm 1968–1969, Trung đoàn Tên lửa 238 và Trung đoàn Rađa 290 đã kéo những bộ khí tài đồ sộ, cồng kềnh hàng trăm xe các loại, vượt hàng nghìn km đường bom đạn, đèo, dốc, suối, khe vào tận Quảng Bình, Vĩnh Ninh để tìm cách đánh B52 trong nền nhiễu.

Trong những tháng năm chiến đấu ác liệt ấy, Quân chủng đã cử những đồng chí cán bộ trợ lý có trình độ của 2 phòng Khoa học Quân sự và Tham mưu Tác chiến dưới sự chỉ huy trực tiếp của đồng chí Hoàng Văn Khánh–Phó Tư lệnh Binh chủng Tên lửa cùng đơn vị tại trận địa ngày đêm thi gan với bom đạn địch để tìm ra cách đánh B52 trong nền nhiễu.

Từng dòng chữ trên trang sách đã thấm đẫm mồ hôi và máu của các anh cùng đồng đội ở đơn vị lúc bấy giờ, đã góp phần vào chiến thắng 12 ngày đêm “Hà Nội – Điện biên phủ trên không” tháng 12/1972.

Nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng xem xác B52 bị Tiểu đoàn tên lửa 72 bắn rơi trên đường Hoàng Hòa Thám - Hà Nội - Ảnh tư liệu đơn vị cung cấp 

Đêm 26/12/1972, Đế quốc Mỹ đã sử dụng 105 pháo đài bay B52 và 200 máy bay phản lực đánh thủ đô Hà Nội. Ở nội thành, chúng ta mất đi một số cơ quan, trường học, bệnh viện và cả một dãy phố Khâm Thiên; ở ngoại thành chúng ta cũng mất đi một số xã, phường.

Đêm 6/12/1972, lực lượng phòng không bảo vệ Hà Nội bắn rơi 18 máy bay Mỹ, có 6 máy bay B52 thì 4 chiếc B52 rơi tại chỗ xuống các điểm: Đình Công, Tương Mai, Đèo Khế, Sơn La.

Đêm 27/12/1972, Mỹ cho 36 máy bay B52 và 85 máy bay phản lực vào đánh hủy diệt Hà Nội.

Đêm hôm đó, lực lượng phòng không bảo vệ Hà Nội bắn rơi 7 máy bay Mỹ, trong đó có 1 chiếc B52 rơi tại chỗ trong lòng Hà Nội khi chúng chưa kịp cắt bom, do Tiểu đoàn tên lửa 72 ở trận địa Đại Chu (huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) bắn rơi.

Trước đó, Tiểu đoàn 72 ở trận địa Trung Hà (huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) đang đánh địch bảo vệ thành phố Cảng, cấp trên lệnh xuống Tiểu đoàn 72 phải hành quân gấp về chốt ở trận địa Đại Chu (huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh), dưới sự chỉ huy của Sư đoàn Phòng không 361 để đánh địch bảo vệ Thủ đô.

Xác B52 bị Tiểu đoàn tên lửa 72 bắn rơi trên đường Hoàng Hòa Thám - Hà Nội  - Ảnh Minh Khang

 
Tôi chọn cự ly và phương pháp bắn hợp lý, sau đó ra lệnh cho sỹ quan điều khiển phóng kịp thời 2 “rồng lửa” xé màn đêm bay lên lao thẳng tới B52 nổ tung.
 
Trung tá Chắt nhớ lại: “Sau khi nhận lệnh xong, với kinh nghiệm 7 năm liên tục, tôi chỉ huy đơn vị hành quân cơ động chiến đấu bắn máy bay Mỹ trên nhiều địa hình rừng núi, ven biển, đồng bằng, đã tổ chức chỉ huy đơn vị thu hồi khí tài, hành quân theo phương châm: Đi nhanh, đến đủ, trụ vững, đánh thắng, đơn vị an toàn.

Khi đến nơi, đơn vị đã nhanh chóng hiệp đồng với địa phương, triển khai khí tài xong, đồng bộ. Tôi chỉ huy kíp chiến đấu chọn đúng B52, 3 trắc thủ bám sát, chính xác, đúng, trúng mục tiêu.

Tôi chọn cự ly và phương pháp bắn hợp lý, sau đó ra lệnh cho sỹ quan điều khiển phóng kịp thời 2 “rồng lửa” xé màn đêm bay lên lao thẳng tới B52 nổ tung, một chùm lửa bùng cháy lớn và rơi xuống làng hoa Ngọc Hà đêm 27/12/1972, khi mà chúng chưa kịp cắt bom tàn phá Thủ đô lúc 23h3’ đêm 27/12/1972. Lặng im một khoảnh khắc, cả trận địa như vỡ òa hô vang: “Nó cháy rồi!”.

Sáng hôm sau, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đến tận nơi B52 rơi để thị sát. Thân B52 rơi ở hồ hồ Hữu Tiệp; đuôi và cánh rơi trên đường Hoàng Hoa Thám, vườn Bách Thảo, cạnh Phủ Chủ tịch; còn lại 2 động cơ rơi ở vườn nhà dân tổ 51, phường Ngọc Hà (Ba Đình, Hà Nội), bắt 6 tên, gồm 2 thiếu tá, 2 đại úy, 1 trung úy và 1 thượng sỹ; 4 tên còn sống, 2 tên đã chết.

Sau khi tận mắt chứng kiến, Đại Tướng khen ngợi: “Đây là trận đánh thắng B52 thật đặc biệt xuất sắc mà Tiểu đoàn 72 – Trung đoàn 285 đã thực hiện được”.

Mũ, phao, manh, dù, quần áo của giặc lái Mỹ bị bị Tiểu đoàn tên lửa 72 bắn rơi ngày 27/12/1972  - Ảnh Minh Khang

Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không là chiến công vĩ đại của thế kỷ 20, thể hiện ý chí kiên cường của dân tộc Việt Nam. Chỉ trong 12 ngày đêm, quân và dân miền Bắc đã đánh thắng cuộc tập kích chiến lược đường không bằng pháo đài bay B52 của Mỹ vào Hà Nội.

Tổng số đã bắn rơi 81 máy bay các loại, trong đó có 34 chiếc B52, thì có đến 16 máy bay B52 rơi tại chỗ, có 1 B52 rơi trong lòng Hà Nội khi chúng chưa kịp cắt bom. Trong đó có sự đóng góp lớn của Tiểu đoàn Tên lửa 72.

40 năm đã qua đi, nhưng ký ức về một thời hào hùng, oanh liệt và chiến công hiển hách ấy vẫn in đậm trong tâm trí của Trung tá Phạm Văn Chắt, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Tên lửa 72 năm xưa.  


Minh Khang

Bình luận
vtcnews.vn