Chuyện bốn phương

Người hơn 30 năm giữ lửa đèn trung thu truyền thống độc nhất phố núi

Thứ Năm, 08/09/2022 06:30:00 +07:00

(VTC News) - Hơn 30 năm, ông Từ Tiến Huy miệt mài với từng thanh tre, mảnh giấy để tạo ra những chiếc đèn ông sao phục vụ các em nhỏ trong dịp Tết Trung thu.

Video:  Người hơn 30 năm giữ lửa đèn trung thu truyền thống độc nhất phố núi

“Tôi không nhớ mình đã làm được bao nhiêu cái đèn, chỉ biết rằng tôi có thể dành cả ngày chỉ để quanh quẩn với mớ giấy màu, những thanh tre. Tôi giữ nghề một phần vì thú chơi, phần vì muốn duy trì những nét đẹp truyền thống cho con cháu”, ông Từ Tiến Huy (68 tuổi, phường Diên Hồng, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai) tâm sự.

30 năm giữ lửa

Căn nhà nhỏ của ông Huy những ngày sát Tết Trung thu được trang hoàng bởi những chiếc đèn lớn nhỏ rực rỡ sắc màu. Bên góc nhà, ông Huy đang cặm cụi chỉnh sửa rồi lại sắp xếp mấy cái đèn ông sao ngăn nắp, đúng vị trí. Gần 70 tuổi, người đàn ông này đã có hơn 30 năm làm đèn Trung thu.

Người hơn 30 năm giữ lửa đèn trung thu truyền thống độc nhất phố núi - 1

Ông Huy có hơn 30 năm làm đèn trung thu truyền thống. 

Đôi tay thoăn thoắt dán những miếng giấy màu, ông Huy hào hứng kể về cơ duyên gắn bó với nghề. Ông cho biết, năm 1992, ông nghỉ hưu ở cơ quan và cùng vợ mở một quán tạp hóa nhỏ để buôn bán. Hễ cứ đến Tết Trung thu thấy vợ lấy nhiều đồ chơi về bán mà chẳng có lồng đèn truyền thống, có chăng là những chiếc lồng đèn rất nhỏ làm sẵn và được nhập ở tỉnh khác.

Cũng từ đó làm ông gợi nhớ thời thơ ấu của mình. Thời ấy, đứa trẻ nào có chiếc đèn ông sao là cả bọn xúm đông xúm đỏ vào cùng chơi. Lúc ấy sao mà vui sướng và hãnh diện biết mấy. Thấy vậy ông đã tự tay làm dăm ba chiếc đèn ông sao rồi treo trước cửa nhà. Bất ngờ thay, những chiếc đèn ông sao mà ông làm được rất nhiều em nhỏ yêu thích và chả mấy chốc bán sạch.

“Hồi mới bén duyên với nghề, tôi đã tự mua vật liệu về làm, rồi tự thiết kế mẫu chiếc lồng đèn ông sao đủ loại có đường kính từ 0,8m – 1,6m. Sau khi làm xong, tôi bèn treo trước nhà và không ngờ những chiếc đèn lồng của mình được nhiều trẻ em yêu thích, hỏi mua. Cũng từ đó, cứ mùa Tết Trung thu nào, tôi cũng làm lồng đèn ông sao, cá chép, thuyền, con gà để bán”, ông Huy nói với giọng đầy tự hào.

Người hơn 30 năm giữ lửa đèn trung thu truyền thống độc nhất phố núi - 2

Theo ông Huy, quy trình làm ra một chiếc đèn lồng đòi hỏi nhiều bước và sự tỉ mỉ trong từng khâu.

Ông Huy bắt đầu vào công việc từ đầu tháng 6 âm lịch để kịp giao cho các trường học, khu phố và cho các cháu vui chơi dịp Tết Trung thu. Theo ông Huy, mọi nguyên liệu để làm đèn lồng đã được chuẩn bị từ nhiều tháng trước. Nào tre, nào trúc, giấy kiếng, khung tre đèn ông sao được ông để la liệt khắp trong nhà, ngoài sân.

Để hoàn thiện được một chiếc đèn ông sao phải trải qua rất nhiều công đoạn như vót tre, dựng khung, cắt dán giấy trang trí…song theo ông, khó nhất là dựng khung.

Quy trình làm ra một chiếc đèn lồng đòi hỏi sự tỉ mỉ trong từng khâu. Trước hết, là chẻ tre hoặc trúc để làm khung sườn mẫu, công đoạn này quan trọng nhất, bởi lồng đèn có đẹp và cân đối hay không cũng nhờ bộ sườn. 

Bên cạnh đó, công đoạn dán giấy cũng rất quan trọng, để có chiếc lồng đèn đẹp cần phải khéo léo khi căng giấy dán để không bị rách. Ngoài ra, để kiểu dáng lồng đèn vừa đẹp thì phải tuân thủ mức độ an toàn khi thắp nến lên bên trong được đảm bảo.

Người hơn 30 năm giữ lửa đèn trung thu truyền thống độc nhất phố núi - 3

Những chiếc đèn lồng đa sắc màu trang hoàng trong ngôi nhà của ông Huy.

“Hành nghề hơn 30 năm, tôi thấy công việc này cần rất nhiều thời gian và sự tỉ mỉ, nếu không đam mê, yêu thích thì khó có thể làm được. Đồng thời, người thợ cần phải sáng tạo trong nét vẽ, đường vẽ phải dứt khoát, thanh thoát, phối màu hài hòa thì lồng đèn mới toát lên vẻ đẹp được”, ông Huy nói.

Mong thế hệ sau đừng bỏ nghề

Mỗi ngày ông làm tới 10-12 tiếng đồng hồ, có khi mải miết đến quên cả ăn trưa. Vì làm một mình nên một ngày ông chỉ làm được 2-3 chiếc đèn ông sao cỡ vừa. Còn đối với những chiếc lồng đèn có đường kính từ 0,8m trở lên, được ông hoàn thành trong vòng 2 ngày.

Ngoài đèn ông sao truyền thống, ông Huy còn nhận làm thêm đèn Trung thu với đủ hình thù, từ logo trường học, đèn hình cá chép,...Mỗi chiếc đèn ông làm ra đều được cả người lớn và trẻ con rất thích thú.

Trung bình mỗi mùa Trung thu, gia đình ông Huy hoàn thành trên dưới 200 lồng đèn ông sao và lồng đèn lớn. Những lồng đèn lớn nhỏ ông tự làm, có giá dao động từ 10.000 – 1.000.000 đồng/chiếc tùy theo kích thước, hình thù khách đặt.

Người hơn 30 năm giữ lửa đèn trung thu truyền thống độc nhất phố núi - 4

 

"Dù có khó khăn như thế nào, gia đình tôi vẫn cố gắng bám nghề, vẫn miệt mài ngày đêm “thắp sáng” những chiếc đèn Trung thu truyền thống với mong muốn gìn giữ những giá trị văn hóa dân gian."

Ông Từ Tiến Huy

Ông Huy cho hay cứ mỗi mùa trung thu, những chiếc lồng đèn điện tử và đầy màu sắc được bày bán khắp nơi, số lượng lồng đèn truyền thống cũng vì thế mà giảm dần theo từng năm. Thế nhưng đối với ông, đèn ông sao truyền thống mang ý nghĩa đặc biệt. Nó vừa là biểu tượng cho ngôi sao năm cánh trên quốc kỳ, vừa thể hiện cho ước muốn hòa bình của người Việt Nam.

Ông Huy là người độc nhất ở TP Pleiku còn làm lồng đèn thủ công để bán. Cũng vì thế, trải qua nhiều thăng trầm ông Huy càng muốn giữ nghề và phát triển hơn nữa. 

Ông tâm sự: “Ở thế hệ trước, người làm đèn Trung thu rất nhiều, trẻ con cũng thích đồ chơi truyền thống hơn, nhưng đến nay, đồ chơi ngoại tràn lan, mẫu mã phong phú, nhiều kiểu dáng thu hút hơn nên sản phẩm truyền thống có phần bị lãng quên. Thế nhưng, tôi vẫn không nản lòng mà quyết giữ nghề để đem lại niềm vui an toàn, ý nghĩa cho con trẻ".

Người hơn 30 năm giữ lửa đèn trung thu truyền thống độc nhất phố núi - 5

Ngoài là kế mưu sinh, ông Huy còn muốn thế sau không để nghề làm đèn lồng truyền thống bị mai một.

Ngoài kế mưu sinh, đây còn là tâm nguyện của ông Huy khi muốn thế hệ trẻ có cơ hội tiếp cận với đồ chơi dân gian và giữ nghề truyền thống của dân tộc đang đứng trước nguy cơ mai một.

Ông Huy rất vui khi thời gian gần đây số lượng người tìm đến đặt mua đèn ông sao truyền thống hơn. Đây là niềm vui, hạnh phúc lớn nhất của ông vì người dân Việt Nam không quay lưng lại với đồ chơi dân gian truyền thống, cũng là động lực để ông tiếp tục gìn giữ và truyền lại niềm đam mê làm đèn kéo quân cho con trẻ.

"Dù có khó khăn như thế nào, gia đình tôi vẫn cố gắng bám nghề, vẫn miệt mài ngày đêm “thắp sáng” những chiếc đèn Trung thu truyền thống với mong muốn gìn giữ những giá trị văn hóa dân gian", ông Huy giãi bày.

HIỀN MAI
Bình luận
vtcnews.vn