Người Hà Nội giận dữ với văn hóa xe buýt

Thời sựThứ Ba, 25/10/2011 06:36:00 +07:00

(VTC News) – Sự việc lái, phụ xe buýt bắt hành khách phải quỳ đã thổi bùng lên ngọn lửa bức xúc vốn âm ỉ bấy lâu nay của người dân.

(VTC News) – Sự việc lái, phụ xe buýt mang BKS 30K – 1550, chạy tuyến 34 (Mỹ Đình – Gia Lâm) đánh chửi, bắt hành khách phải quỳ xin mở cửa khi đòi xuống xe, đã thổi bùng lên ngọn lửa bức xúc vốn âm ỉ bấy lâu của người dân đối với loại phương tiện công cộng này.

Có mặt tại một số điểm xe buýt lớn ở Hà Nội như điểm trung chuyển Cầu Giấy, Long Biên, Mỹ Đình, siêu thị BigC… vào sáng 24/10, chúng tôi ghi nhận được những bức xúc của người dân.

“Đó là hành động côn đồ, không thể chấp nhận được, vụ việc xảy ra khiến tôi rất bất bình. Đây là hành vi vô văn hoá, tôi đề nghị các cơ quan chức năng phải xử lý nghiêm, thậm chí đưa ra truy tố trước pháp luật” - Bạn Nguyễn Minh Hạnh (SV năm 4, Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết.

   
Bà Hồ Thanh Quỳnh, Linh Đàm, Hà Nội. 
Cùng quan điểm với bạn Hạnh, bạn Lê Thị Liên (SV năm 1, Trường Cao đẳng Công nghiệp Việt Đức) thể hiện thái độ phản đối hành động của lái, phụ xe trong vụ việc.

Bạn cũng cho biết, dù gặp nhiều lái phụ, xe có thái độ không tốt, hay bỏ bến, o ép hành khách khi lên xuống nhưng không thể tin nổi việc lái, phụ xe lại có thể đối xử tệ với khách hàng như vậy. “Phải đuổi việc và truy tố lái, phụ xe này” – Liên nói.


Là một người thường xuyên sử dụng xe buýt để đi lại, bà Hồ Thanh Quỳnh (Linh Đàm, Hà Nội) cũng tỏ ra bất bình: “Đây là hành vi vô văn hoá, phạm pháp”. Theo lời bà, đây không phải là sự việc đầu tiên, trước đó, bà từng chứng kiến cảnh phụ xe đạp thẳng vào mặt hành khách khi người này đang chuẩn bị lên xe.

Chung quan điểm phải xử lý nghiêm lái, phụ xe trong vụ việc, ông Nguyễn Văn Viết (Vĩnh Phúc, công tác ở Hà Nội) lên tiếng phản đối: “Hành động làm nhục, đánh người là vi phạm pháp luật, nên phải được xử lý theo pháp luật. Yêu cầu lãnh đạo công ty xe buýt phải có lời xin lỗi đầu tiên đến nạn nhân qua các phương tiện thông tin đại chúng, lời xin lỗi đó phải gắn liền với trách nhiệm”.

Theo ông Viết, việc một người đi sai địa điểm là hết sức bình thường, nhân viên xe buýt “cần hướng dẫn cho khách tử tế, chứ sao lại có thể làm nhục và hành hung người ta như vậy được?”.

   

Anh Đào Văn Sơn, Giám đốc bán hàng Công ty cổ phần Vina Linh Anh. 
Ông Viết cũng cho rằng, cái sai ở đây không chỉ là sai ở lái, phụ xe mà còn sai ở những người tuyển dụng lái, phụ xe đó vào. Theo ông, nhân viên xe buýt hiện nay chỉ có 10 – 20% có thái độ lịch sự, còn lại thì còn thiếu văn hoá. “Khách hàng nhiều khi bị thiệt nhưng người ta không nói, vì nói ra không  giải quyết được gì, cốt lõi phải được giải quyết từ khâu đào tạo, tuyển dụng con người”.

Anh Đào Văn Sơn, Giám đốc bán hàng Công ty cổ phần Vina Linh Anh (184, Thái Thịnh), một người thường xuyên sử dụng loại phương tiện công cộng này cũng hết sức bức xúc. Theo anh, tăng cường xe buýt để giảm thiểu lưu thông bằng xe máy, do đó phải hình thành văn hoá đi xe buýt, thế mà hiện nay trên các tuyến xe đều ngược lại, tình trạng nói tục, mắng chửi khách hàng kèm theo đó là những biểu hiện côn đồ diễn ra phổ biến.

“Yêu cầu lái, phụ xe buýt phải cư xử có văn hoá, dù đúng hay sai cũng phải có sự giải thích cặn kẽ, rõ ràng. Nếu khách hàng sai, người ta sẵn sàng xin lỗi, nhưng với thái độ làm nhục, hành hung khách thì phải phạt. Đối với xí nghiệp xe buýt, đòi hỏi phải đào tạo lái, phụ xe bài bản” – anh Sơn nói.

   
Bạn Nguyễn Minh Hạnh, sinh năm 4, Đại học Bách Khoa Hà Nội.  
Tỏ ra thông cảm với đặc trưng nghề nghiệp của các lái, phụ xe buýt, bà Vũ Thị Đoan (Nguyễn Phong Sắc, Cầu Giấy) cho rằng, trong điều kiện đường Hà Nội rất bé, mật độ tham gia giao thông lớn, việc điều khiển một chiếc xe công kềnh, luồn lách để đón trả khách cũng khó khăn, “nếu như hành khách ai cũng nhầm đường, cứ đòi xuống xe thì lái, phụ xe cũng bị ức chế”.

Do đó, bà Đoan cho ý kiến là phải xem xét sự việc một cách khách quan, nhìn từ hai phía. “Theo tôi, lỗi đầu tiên phải thuộc về hành khách đó, không tự nhiên lái, phụ xe lại bắt quỳ, rồi đánh hành khách. Mình đi nhầm thì đến bến mình xuống, để xảy ra sự việc, chắc chắn còn có nguyên nhân khác”.

Tuy vậy, bà Đoan cũng khẳng định, việc làm nhục và hành hung người khác là điều “không thể chấp nhận được”.

Chiều ngày 23/10, Phó giám đốc Xí nghiệp xe điện Hà Nội Trần Quốc Quân cho biết, đã đình chỉ công tác đối với lái xe Đỗ Hữu Long và nhân viên bán vé Nguyễn Chí Thanh làm việc trên xe buýt số 34 mang BKS 30K – 1550. Tuy nhiên, phản ánh với chúng tôi, đa số người dân cho rằng mức phạt đó còn quá nhẹ, phải đưa ra truy tố trước pháp luật để răn đe những lái, phụ xe khác.

Nguyễn Dũng

Bình luận
vtcnews.vn