Người giời trồng 'cây thuốc giấu' và sự thực về tên núi Ngọc Linh

Phóng sự - Khám pháThứ Hai, 22/06/2015 06:50:00 +07:00

Việc phát hiện sâm Ngọc Linh quá nổi tiếng, nên người ta gọi luôn quả núi vốn tên Ngọc Lĩnh đó thành núi Ngọc Linh.

(VTC News) - Việc phát hiện sâm Ngọc Linh quá nổi tiếng, nên người ta gọi luôn quả núi vốn tên Ngọc Lĩnh đó thành núi Ngọc Linh.


Kỳ 4 (Kỳ cuối): "Cây thuốc giấu" và sự thật núi Ngọc Linh

Những ngày cuối cùng của cuộc điều tra sâm, thì một sự cố rất nguy hiểm xảy ra với nhóm tìm dược liệu của dược sĩ Đào Kim Long. Khi ông cùng ông Giang đang đi dọc suối, thì gặp một cô gái dân tộc Xê Đăng một cách bất chợt.

Thấy hai người đàn ông mặc áo giải phóng, cứ lò dò đi dọc suối, lưng đeo súng, thì cô gái sững sờ, tròn mắt nhìn. Sau này, hai người mới biết, lúc đó cô gái tưởng hai ông là biệt kích của Ngụy.

Cô gái hỏi đi đâu, ông Giang vui miệng trêu: "Tao đi bắn chim". Cô gái chỉ tay bảo: "Cái cây đằng kia nhiều chim lắm". Khi hai ông đang nhìn về phía cái cây do cô gái chỉ, thì cô gái này trốn mất tiêu.

Không ngờ, lát sau, hàng trăm người, với súng ống, cung nỏ bao vây, tóm sống hai người lạ, râu ria chả khác gì thổ phỉ. Dân bản thu súng, trói nghiến hai người, dong về bản.

Dược sĩ Đào Kim Long trong lần trở lại núi Ngọc Linh. Ảnh nhân vật cung cấp

Cái bản đó nằm giữa rừng, nhà cửa uy nghi, với cái đầu bò tót to tướng dựng ở đầu bản trông rất sợ hãi. Ông Long chợt dựng tóc gáy, nhớ lại những chuyện nhà khoa học, khám phá lạc vào bộ tộc ăn thịt người giữa rừng già Amazon.

Lát sau, trưởng bản đến. Nhìn hai người bị trói nghiến giữa khoảnh sân rộng, trưởng bản nói lớn: "Ta biết hai người này mà. Ta đã gặp rồi. Nó lên núi tìm cây thuốc chứ không phải biệt kích đâu". Trưởng bản nói xong, thì mọi người tranh nhau gỡ trói cho ông Long và ông Giang.

Cảm tạ ơn cứu mạng của ông trưởng bản nọ, dược sĩ Long đã lấy từ ba lô ra mấy củ sâm tặng cho ông ta. Ông Long dặn kỹ: "Khi nào mệt, ốm, thì chúng mày nhổ củ thuốc này dùng, có thể nhai, nấu ăn, hoặc vắt nước uống. Tuy nhiên, chúng mày phải giấu kỹ cây thuốc, không được kể ra ngoài đâu nhé. Nếu chúng mày mà tiết lộ ra ngoài sẽ bị giết đấy".

Nghe ông Long dọa vậy, những người Xê Đăng ở bản này đã gọi cây thuốc đó là "cây thuốc giấu", tức là phải giấu kín. Đó cũng là tên địa phương của loài cây này, mà các dân tộc sống quanh dãy Ngọc Linh sau này vẫn gọi cho đến tận bây giờ.

Hồi năm 2003, quay lại khảo sát vùng Ngọc Linh, qua vùng đồng bào Xê Đăng, đồng bào cứ chạy theo ông biếu sâm. Họ đồn ầm lên rằng, dược sĩ Long là người giời xuống núi Ngọc Linh trồng cây thuốc giấu, giờ ông mới hạ giới để thăm lại vườn sâm do ông gieo trồng!

Dược sĩ Đào Kim Long 

Trong chuyến thăm lại núi Ngọc Linh đó, đồng bào biếu ông tới 4kg sâm. Những người tặng sâm cho ông, ông đều tặng lại tiền, có người nhất định không lấy tiền của ông.

Lúc sau, mọi người xuống núi, chờ mãi mới thấy ông, lại mang theo mấy kg sâm lúc lỉu trong ba lô. Ai cũng nghĩ sâm Ngọc Linh hiếm lắm, đã tuyệt chủng rồi, không ngờ ông vẫn lấy được sâm. Ông còn trêu rằng: "Ta là người phát hiện được sâm Ngọc Linh, ở đâu có sâm thì ta đều biết chứ".

Ngoài chuyện cây thuốc giấu, tên dân gian của sâm Ngọc Linh, có nguồn gốc liên quan đến chuyện dược sĩ Long nói chuyện với trưởng bản người Xê Đăng, thì chuyện đổi tên núi Ngọc Linh cũng liên quan đến dược sĩ Long, mà ít người biết đến.

Dược sĩ Long - ngoài cùng bên phải cùng các học trò, đồng nghiệp tại vườn sâm Ngọc Linh. Ảnh nhân vật cung cấp 

Trước đó, ngọn núi này có tên là Ngọc Lĩnh. Lĩnh theo tiếng Hán có nghĩa là núi lớn. Có nhiều ngọn núi lớn có chữ Lĩnh kèm theo, như Tây Côn Lĩnh ở Hà Giang, hay Tây Phong Lĩnh ở Trung Quốc…

Hồi viết báo cáo về sâm Panax vừa phát hiện, dược sĩ Đào Kim Long gọi nó với nhiều tên, trong đó có sâm Ngọc Linh, sâm K5 và tên khoa học là Panax articulatus Kim Long Đào.

Sâm K5 có nghĩa là sâm Khu 5, còn tên sâm Ngọc Linh là do ông đặt ra, cốt để giấu địa danh đó đi, nhằm bảo tồn nguồn sâm. Tuy nhiên, sau này, sự việc phát hiện sâm Ngọc Linh quá nổi tiếng, nên người ta gọi luôn quả núi vốn tên Ngọc Lĩnh đó thành núi Ngọc Linh.


Nhận điện mật của đồng chí Võ Chí Công, nhóm dược sĩ Long lập tức lên đường ra Ban Dân y Khu 5, nằm ở Nam Trà My. Hành trình ra Khu 5 khẩn cấp cực kỳ vất vả, nhọc nhằn, thậm chí nhiều lần suýt mất mạng.

Sau lần thoát chết dưới làn mưa đạn vì trúng phục kích của địch, thì ông Long súy mất mạng vì cọp.

Hôm đó, đi mãi không thấy nhà cửa, nhóm ông Long dựng lều ở rừng trúc, bên bờ sông Tranh, thuộc huyện Nam Trà My (Quảng Nam). Buổi chiều, có người dân tộc đi qua, bảo khu này có nhiều hổ, không nên ở, tuy nhiên, phải cuốc bộ cả tiếng nữa mới đến bản, mà đã mệt lắm rồi, nên ông Long quyết định dựng lều ngủ.

Nhớ lời dọa của người dân tộc, ông cùng mọi người chặt 36 cây trúc, cắm vòng quanh lều. Cắm xong, thấy không yên tâm, ông chặt thêm 36 cây nữa. Hổ vồ mồi thường nhảy lên cao chụp xuống, nên rất sợ cọc, không dám tấn công.

Đêm cuối tháng trăng sáng nhờ nhờ, thì mọi người đi ngủ. Ông Giang ôm khẩu AK, ông Long cầm khẩu K54 và khẩu Cạc-bin kê lên bụng.

Ông Long bên bình rượu sâm Ngọc Linh 

Đang ngủ say, dược sĩ Long bỗng giật mình tỉnh giấc bởi mùi thối xực vào mũi. Mở mắt, nhìn ra ngoài hàng rào trúc, thấy con hổ to tướng như con nghé đang ngồi chồm hỗm, dãi nhỏ một đống to như cái thúng úp. Nó cứ ngó ngược, ngó xuôi, dường như đang nghĩ cánh vồ mồi.

Vì nhóm ông Long nằm tráo đầu đuôi, nên nó không biết vồ từ đâu. Ông Long lấy khẩu K54 đã lên đạn trước, nhằm lúc nó quay đầu đi hướng khác rồi bắn một phát, để nó chạy đi theo quán tính. Phát đạn không trúng, con hổ chạy mất tiêu.

Dược sĩ Long bảo, cũng may mà bắn không trúng, chứ nếu nó bị thương, nó điên tiết xông vào vồ thì dễ mất mạng. Đêm đó, ba người ngồi dựa vào nhau chờ trời sáng, không dám ngủ nữa.

Hôm sau, dược sĩ Long bỗng sốt rét, run cầm cập. Đồ ăn thì hết. Lúc qua sông, thấy nhiều cá quá, còn quả lựu đạn, ông liền thả xuống sông.

Lựu đạn nổ, con cá chép dài đến 1m nổi bềnh lên. Ông nhảy xuống ôm con cá, thì bị nước cuốn, trôi xuống hạ nguồn tới mấy km. Ông bị dòng nước quăng xuống thác khá sâu. May mà dưới thác không có đá, nên sống sót.

Ông Hoạt và ông Giang chạy xuống cuối nguồn, thì thấy ông Long đang ngồi trên mỏm tảng đá. Nhìn thấy ông Long, hai ông cười nắc nẻ.

Ông Giang và ông Hoạt tin rằng ông Long đã chết, nhưng cứ chạy dọc sông để tìm xác. Trong lúc tìm kiếm ông Long, hai ông còn bàn bạc ghi lại địa điểm, để sau này đất nước thống nhất, sẽ đề nghị xây đài tưởng niệm người tìm ra sâm ở bên bờ sông Tranh!

Nhóm dược sĩ Long ở lại một bản nhỏ bên bờ sông Tranh, vài hôm sau khỏi ốm, thì tiếp tục lên đường. Về đến Khu 5, thì ông Võ Chí Công đã có mặt để nghe báo cáo tại Ban Dân y, là một cái lán nhỏ, ngồi ghế tre.

Ông Long mang theo một ba lô sâm Ngọc Linh đã phơi khô, cùng một tập tài liệu mà ông ghi chép, nghiên cứu. Ông Võ Chí Công nhấm thử sâm bảo có mùi sâm, nhưng vị hơi đắng. Dược sĩ Long bảo: "Vị đắng, nhưng ngọt hậu, chứng tỏ là sâm quý. Em ăn thử là em biết".

Ngay trong buổi họp đó, ông Võ Chí Công đã ra lệnh trồng sâm ở khắp nơi, cả đồng bằng để cung cấp cho bộ đội bồi dưỡng. Tuy nhiên, ông Long bảo: "Báo cáo thủ trưởng là không trồng được rộng rãi, vì đưa ra khỏi chỗ nó sinh trưởng vài mét có khi đã chết rồi".

Sau buổi đó, dược sĩ Long được thưởng lớn, phần thưởng là chiếc đài hỏng, vì có công phát hiện ra sâm quý.
Ngày 8/6/1973, tại văn phòng Ban Dân y Khu 5 dược sĩ Đào Kim Long, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu sâm Ngọc Linh đã nêu rõ đặc điểm hình thái, sinh thái học, quần thể, thảm thực vật, khả năng thích nghi, cách phát tán, khả năng tái sinh của cây nhân sâm này, kèm theo báo cáo có các tiêu bản mẫu cây ép khô, ảnh chụp và 3 kg sâm đã phơi khô.

Dược sĩ Đào Kim Long đã đặt tên khoa học của cây sâm Ngọc Linh này là Panax articulatus KL Dao (trong kháng chiến để giữ bí mật nên thường gọi là Sâm K5), hay Panax articulatus Kim Long Đào theo tên người phát hiện.

12 năm sau, tên Nhân sâm Việt Nam và tên khoa học là Panax vietnamesis Ha et Grushv, họ Ngũ gia Araliaceae, được công bố tại Viện Thực vật Kamarov (Liên Xô cũ) năm 1985, do Hà Thị Dụng và I.V.Grushvistky đặt tên. Áp dụng Quy tắc quốc tế về danh pháp thực vật công bố năm 1994 (ICBN - Tokyo code), điều 1, mục 3 phần C, danh pháp khoa học của sâm Ngọc Linh có thể được nối tên của người thứ hai công bố với tên người thứ nhất qua chữ ex, và khi đó tên khoa học của cây nhân sâm Ngọc Linh được viết hợp pháp theo luật quốc tế hiện nay sẽ phải là Panax articulatus KL Dao (1973) ex Ha et Grushv (1985).

Từ năm 1973 đến nay, đã có nhiều cơ quan, nhà khoa học trong và ngoài nước nghiên cứu về sâm Ngọc Linh, và gần 50 nghiên cứu sinh đã bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ, tiến sĩ từ các công trình nghiên cứu về loài cây quý hiếm này.

Theo đánh giá của Nguyễn Minh Đức, Võ Duy Huấn trong nǎm 1994 thì từ sâm Ngọc Linh đã chiết được 50 hợp chất, xác định cấu trúc hóa học cho thấy 26 hợp chất có cấu trúc đã biết (thường thấy ở sâm Triều Tiên, sâm Mỹ, sâm Nhật) và 24 saponin pammaran có cấu trúc mới không bắt gặp tại các loại sâm khác trên thế giới.

Sâm Ngọc Linh chứa chủ yếu các saponin triterpen, nhưng cũng là một trong những cây sâm có hàm lượng saponin khung pammaran cao nhất (khoảng 12-15%) và số lượng saponin nhiều nhất so với các loài khác của chi Panax. Ngoài ra trong sâm Ngọc Linh còn có 14 axit béo, 16 axit amin (trong đó có 8 axit amin không thay thế được) và 18 nguyên tố đa lượng, vi lượng. Những kết quả nghiên cứu mới nhất bổ sung thêm danh sách saponin và axit amin dài hơn nữa.

Theo tiến sĩ Nguyễn Bá Hoạt, cán bộ Viện Dược liệu thì về mặt hóa học, thân rễ và rễ củ sâm Ngọc Linh hiện nay (2007) đã phân lập được 52 saponin trong đó 26 sanopin thường thấy ở sâm Triều Tiên, sâm Mỹ, sâm Nhật. Trong lá và cọng đã phân lập được 19 saponin pammaran, trong đó có 8 saponin có cấu trúc mới.


Phạm Ngọc Dương
Bình luận
vtcnews.vn