Người đi từ vùng dịch Ebola về Việt Nam sẽ bị kiểm soát y tế rất chặt

Sức khỏeThứ Tư, 06/06/2018 16:01:00 +07:00

Những người bệnh đến từ Công Gô và các quốc gia lân cận hoặc những người bệnh có tiếp xúc với người đi về từ các quốc gia trên, nếu có các triệu chứng sốt cao đột ngột, suy nhược, căng thẳng, đau cơ, nhức đầu, đau họng ... sẽ bị theo dõi y tế rất chặt thậm chí cách ly để phòng Ebola.

Ngày 6/6, Cục Quản lý Khám Chữa bệnh có công văn gửi các bệnh viện/viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế; Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Y tế các Bộ, ngành đề nghị tăng cường cảnh giác phát hiện sớm và phòng lây nhiễm bệnh do vi rút Ebola.

Công văn do ông Lương Ngọc Khuê ký ban hành cho biết, theo báo cáo của Cục Y tế Dự phòng từ đầu tháng 4/2018 - 29/5/2018 ghi nhận 58 trường hợp nghi ngờ mắc bệnh Ebola tại Công Gô, trong đó có 27 người chết vì virus chết người này. Hiện nay bệnh do vi rút Ebola chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.

1

 Ebola khiến 27 người chết ở Công Gô. (Ảnh minh họa)

Để phòng chống dịch Ebola xâm nhập vào Việt Nam, Cục Quản lý Khám - Chữa bệnh yêu cầu các đơn vị khẩn trương thực hiện và chỉ đạo các đơn vị khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc tăng cường cảnh giác, phát hiện sớm các ca bệnh xâm nhập vào Việt Nam tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Cục yêu cầu chú ý khai thác tiền sử dịch tễ những người bệnh đến từ Cộng hòa Dân chủ Công Gô và các quốc gia lân cận hoặc những người bệnh có tiếp xúc với những người đi về từ các quốc gia trên có các triệu chứng sốt cao đột ngột, suy nhược, căng thẳng, đau cơ, nhức đầu, đau họng, nôn mửa, tiêu chảy, phát ban, suy giảm chức năng gan, thận, có thể xuất huyết nội và ngoại để khám, sàng lọc, phát hiện sớm ca bệnh đầu tiên và cách ly người bệnh.

Ngoài ra, các đơn vị phải tập huấn cho các cán bộ y tế về hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh do vi rút Ebola để nắm được các triệu chứng, khai thác tiền sử dịch tễ phát hiện sớm ca bệnh.

Các bệnh viện cũng phải chuẩn bị sẵn sàng khu vực cách ly để tiếp nhận, cách ly và điều trị hỗ trợ người bệnh nghi ngờ, chuẩn bị các cơ số thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư, hóa chất diệt khuẩn, đặc biệt là phương tiện phòng hộ cá nhân để phục vụ tốt việc thu dung, cách ly, điều trị các ca bệnh nghi ngờ và phòng chống lây nhiễm trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Video: Mắc bệnh lạ, người phụ nữ bốc mùi như cá thối

Thực hiện đúng các quy định về phòng ngừa chuẩn, kiểm soát nhiễm khuẩn đã được ban hành theo Thông tư số 18/2009/TT-BYT ngày 14/10/2009 và các hướng dẫn kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám, chữa bệnh.

Phối hợp tốt giữa các cơ sở khám, chữa bệnh và cơ quan y tế dự phòng, nghiêm túc báo kịp thời các ca bệnh nghi ngờ với Trung tâm y tế dự phòng địa phương và báo cáo Bộ Y tế theo quy định tại Thông tư số 54/2015/TT-BYT ngày 28/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế để thực hiện xử lý kịp thời dịch bệnh.

Virus Ebola gây thành dịch đầu tiên trên thế giới tại Sudan năm 1976 với hơn 600 người mắc. Đại dịch hoành hành các quốc gia Trung Phi suốt từ tháng 3/2014 đến hết năm 2015.

Sau hơn 20 tháng, WHO ghi nhận 28.637 ca bệnh từ 6 nước là Liberia, Guinea, Sierra Leone, Nigeria, Mỹ và Mali. 11.315 trường hợp tử vong. Số người chết do đại dịch này cao gấp 5 lần những đợt bùng phát khác cộng lại. Đầu năm 2016, WHO công bố đại dịch Ebola kết thúc. Từ đó đến nay, thỉnh thoảng Ebola vẫn tái xuất hiện những trận dịch nhỏ ở các nước Tây Phi.

Thu Nguyên
Bình luận
vtcnews.vn