Người đầu tiên đề xuất cấm xe máy: Từ 'ngọn' chắc chắn thất bại

Thời sựThứ Ba, 12/08/2014 11:37:00 +07:00

(VTC News) - Người đầu tiên đề xuất cấm xe máy ở Việt Nam 20 năm trước đã có những chia sẻ về "vấn nạn" đang khiến các nhà chức trách đau đầu.

(VTC News) - Người đầu tiên đề xuất cấm xe máy ở Việt Nam 20 năm trước đã có những chia sẻ về "vấn nạn" đang khiến các nhà chức trách đau đầu.

Lộ trình hạn chế, cấm xe máy trong thời điểm này đang khiến người dân lo lắng hơn bao giờ hết. Nhưng trên thực tế, từ khi có đề xuất này, phương tiện xe gắn máy không những không thuyên giảm mà phát triển ồ ạt hơn, làm thay đổi môi trường giao thông các thành phố lớn trên cả nước, đặc biệt là ở TP.HCM.

Ông Phạm Chánh Trực - nguyên phó chủ tịch UBND TP.HCM - người đầu tiên đề xuất cấm xe máy cách đây 20 năm 

Để dư luận có cái nhìn rõ hơn về vấn đề này, phóng viên VTC News đã có cuộc phỏng vấn ông Phạm Chánh Trực – nguyên phó chủ tịch UBND TP.HCM – người đầu tiên có đề xuất hạn chế, cấm xe máy cách đây đã 20 năm.

- Thưa ông, việc cấm xe gắn máy đang khiến dư luận quan ngại vì có thể ảnh hưởng đến đời sống của người dân, trong khi TP.HCM, do còn nhiều vướng mắc nên chưa thể phủ sóng được phương tiện công cộng. Từng là lãnh đạo thành phố, ông nhìn nhận như thế nào về lộ trình hạn chế, cấm xe gắn máy mà ông đã đề xuất?

 

Tôi nhận thấy rằng, nước Mỹ đã biết trước được tương lai nên nghĩ mình cũng phải làm dự án metro như ở Los Angeles. Sau đó, khi tôi quay lại Thái Lan cũng thấy họ xây metro để khắc phục tình trạng ách tắc giao thông ở Băng Cốc.

Ông Phạm Chánh Trực
 
Thật ra, 20 năm trước, khi còn là phó chủ tịch UBND TP.HCM tôi có đề nghị chuyện này nhưng không làm được. Sau này, khi xe máy phát triển ồ ạt khiến tình hình càng thêm lún sâu, nan giải hơn. Trước đây còn dễ, giờ thì khó lắm nhưng chưa phải là bế tắc. 

Vấn đề của thành phố hiện nay không chỉ là xe máy, quá tải về giao thông mà quá tải đủ thứ, đó là vấn đề phải có quyết sách chung của quốc gia. Trung ương vẫn xác định thành phố là của cả nước nên phải tính trong mối quan hệ chung cả vùng và trên cả nước.

Về lộ trình hạn chế, cấm xe gắn máy phải đi sâu vào nguồn gốc của vấn đề, tại sao lại có vấn đề này? Đây là vấn đề phổ biến ở nước ta từ nền sản xuất nhỏ đi lên, làm ăn sinh sống của bà con là lao động tự do, lao động tư nhân nên rất đông người hiện nay sử dụng xe máy để sinh nhai, đó cũng là điều dễ hiểu. 

Nước ta đang công nghiệp hóa nông nghiệp, 60% là lao động và dân cư nông nghiệp nên dẫn đến việc lao động tự do thường tập trung về những nơi có công nghiệp dịch vụ để tìm kiếm việc làm.

Ngoài ra, TP.HCM là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước nên thu hút lực lượng lao động về đây rất đông, đặc biệt là lao động ở Đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh miền Trung và kể cả lao động đến từ các tỉnh phía Bắc.

-  20 năm trước xe máy còn chưa phát triển ồ ạt như hiện nay, vì sao lúc đó ông lại có đề xuất cấm xe máy?

Năm 1994, tôi sang Thái Lan và nhìn thấy cảnh kẹt xe ô tô kinh khủng quá. Tôi có gặp ông thị trưởng Bangkok lúc bấy giờ để hỏi về tình hình giao thông của họ. Khi nghe ông thị trưởng nói, nước họ đang đầu tư hơn 8 tỷ đô la để cải tiến giao thông ở thủ đô, tôi đã nhận ra tương lai của thành phố.

Ông Phạm Chánh Trực: 'Muốn hạn chế, cấm xe máy trước hết phải giải quyết cái gốc trước, nếu giải quyết phần ngọn thì không thực hiện được' 
 
Tôi cũng không hiểu tại sao xe buýt lại sụt giảm nhanh đến thế, mãi đến sau năm 1990 mới phục hồi được 3.000 chiếc, đây là số xe buýt có từ trước giải phóng. Đến nay, dù xe buýt được cải thiện nhưng vẫn rất chậm chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân.

- Thời điểm 20 năm trước, khi ông và một số lãnh đạo thành phố đề xuất cấm xe gắn máy thì nhận được phản ứng như thế nào từ Thành ủy cũng như dư luận? 

Chúng tôi đã bàn bạc chuyện này trong nhiều cuộc họp Thường vụ Thành ủy nhưng khi triển khai thì liên quan đến ngân sách. Thời điểm đó chúng ta vừa đổi mới, lạm phát, khủng hoảng kinh tế… nên ngân sách Nhà nước rất yếu. Vấn đề này còn là chủ trương của Trung ương nên chưa thực hiện được.  

Cũng trong năm 1994, khi qua Los Angeles (Mỹ), tôi thấy người ta xây đường sắt metro, tôi hỏi các vị lãnh đạo thành phố tại sao lại làm thế này. Mấy ông nói, trước đây đường quy hoạch chỉ dành cho ô tô, nhưng gần đây phương tiện phát triển tràn ngập nên phải thực hiện dự án. 

Đến xem, tôi kinh ngạc khi thấy con đường lớn bị đào sâu xuống lòng đất, hai bên là những dãy nhà chọc trời nhưng họ vẫn phải gia cố đào đất để làm metro. Tôi nhận thấy rằng, nước Mỹ đã biết trước được tương lai nên nghĩ mình cũng phải làm dự án metro như ở Los Angeles. Sau đó, khi tôi quay lại Thái Lan cũng thấy họ xây metro để khắc phục tình trạng ách tắc giao thông ở Băng Cốc.

- Theo ông, với tình hình hiện nay, chúng ta cần phải làm gì để ngăn chặn, đẩy lùi sự phát triển, thống trị của xe gắn máy?

Đó là là cái gốc của vấn đề, phải giải quyết cái gốc trước, còn giải quyết phần ngọn không thì không ra đâu. Trước đây, đã có nhiều đợt xe gắn máy ồ ạt nhập vào thành phố như xe Honda đời cũ, sau đó thì xe máy Trung Quốc và bây giờ xe máy của các hãng sản xuất, lắp ráp ngày càng nhiều. 

Cho nên phải giải quyết cái gốc trước, tức là chúng ta phải bố trí lại lực lượng sản xuất chứ không nên để lao động từ các tỉnh miền Tây, miền Trung… ồ ạt vào thành phố. 

Chẳng hạn, Đồng bằng sông Cửu Long thì phải có chủ trương phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp, công nghiệp chế biến nông sản - thủy hải sản và các loại dịch vụ đi theo. Còn ở miền Trung phải phát triển nhiều doanh nghiệp, xí nghiệp… để thu hút lực lượng lao động ở lại làm việc tại đó. 

Nếu ở các tỉnh miền Trung có nhà máy, xí nghiệp thì người ta ở lại làm việc chứ đi ra ngoài làm gì cho tốn kém, còn chịu cảnh xa gia đình. Nhưng điều kiện để người ta ở tại chỗ sản xuất chính là vấn đề giao thông. Bởi vì hàng hóa vật tư, nguyên vật liệu… phải được lưu thông dễ dàng, chi phí thấp và nhanh chóng, hành khách đi lại thuận tiện thì mới giữ được lao động ở quê hương khi có việc làm.

Chúng ta có đường sắt Bắc – Nam nhưng hiện nay nó rất cũ kỹ, tốc độ chậm, khổ đường nhỏ không vận tải nặng và nhanh được, hành khách đi lại cũng rất bất tiện. Đường sắt hiện đại vận tải khối lượng lớn hàng hóa và hành khách hơn là đường bộ.

Riêng tại TP.HCM, cần phải chú trọng xây dựng thành phố vệ tinh, thí dụ như Thủ Đức, Củ Chi… không chỉ sản xuất thôi mà phải có văn hóa, giải trí, bệnh viện, trường học… cải thiện chất lượng sống thì dân mới không tập trung vào trung tâm thành phố nhiều. 

- Cá nhân ông có đóng góp gì cho cho ý tưởng chưa thành hiện thực này?

Theo tôi, thành phố phải có chủ trương sửa sang lại đường phố cho gọn gàng, không để tình trạng lấn chiếm lòng lề đường làm ảnh hưởng đến giao thông đô thị. Những người đi xe máy vì quá dễ dàng đậu xe mua hàng hóa trên lề đường, tạo thói quen nên ai cũng thích đi xe máy.

Còn những người buôn gánh bán bưng, xe đẩy thì cho phép hoạt động nhưng phải có nơi, có tuyến chứ không thể họp chợ ngay trên lề đường. Cái này phải làm thật cương quyết, nếu cần thành phố phải lấy đất công để giải quyết cho họp chợ. 

Bên cạnh đó, thành phố phải làm biển báo giao thông (như đèn xanh, đèn đỏ…) đầy đủ, đường phố phải được củng cố, rà soát lại cho xanh – sạch – đẹp.

Cuối cùng là phải bổ sung luật lệ giao thông và phải có biện pháp kinh tế như phí môi trường, khí thải, khí độc, ví dụ như phải đóng thuế trên mỗi lít xăng (đi càng nhiều thì chịu nhiều). Không chỉ xe máy mà kể cả xe ô tô, phải đánh thuế cao một chút thì người ta mới giảm đi xe máy vì có xe buýt, metro đi rồi mà không phải đóng thuế.

Phải có lộ trình giảm dần người dân đi xe gắn máy, cũng như động viên người dân tham gia phong trào đi xe công cộng, xe đạp, trong đó công chức phải có quy định bắt buộc để làm gương.

- Xin cảm ơn ông!

Sỹ Hưng (thực hiện)
Bình luận
vtcnews.vn