Người đảng viên 30 năm ‘cõng’ điện qua núi

Đời sốngThứ Sáu, 27/08/2021 13:04:42 +07:00
(VTC News) -

30 năm công tác, gắn bó vùng đất địa đầu Tổ quốc, Hoàng Văn Thiện miệt mài cùng tập thể Công ty Điện lực Hà Giang “cõng” điện về tận các bản làng vùng sâu, vùng xa.

Hà Giang được tách ra từ tỉnh Hà Tuyên năm 1991, khi đó điện lưới quốc gia chưa tới, năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội thiếu thốn. Cả tỉnh chỉ có đôi ba trạm thủy điện nhỏ và máy phát điện Diezen. Khát vọng đưa điện lên vùng cao, vùng sâu, vùng xa không chỉ để thắp sáng quê hương mà còn là động lực thúc đẩy kinh tế trang trại, kinh tế hàng hóa phát triển; là trăn trở của bao thế hệ cán bộ lãnh đạo tỉnh Hà Giang nói riêng và ngành điện nói chung.

Đưa điện từ miền xuôi lên miền ngược

Năm 1991, kỹ sư Hoàng Văn Thiện nhận công tác và đảm đương chức Phó phòng đầu tư tại Công ty Điện lực Hà Giang. Điều anh trăn trở là làm sao xây dựng được cơ sở hạ tầng của ngành điện trên vùng đất còn hoang sơ và khó khăn này.

Người đảng viên 30 năm ‘cõng’ điện qua núi - 1

Hoàng Văn Thiện (ngoài cùng bên trái) - người đảng viên 30 năm ‘cõng’ điện qua núi.

Anh kể: “Tôi đã đi dọc gần 300 km vùng biên giới giáp với Trung Quốc. Ban đêm bên mình thì tối đen, còn các thị trấn, các xã bên nước láng giềng thì ánh điện bừng sáng. Tôi suy nghĩ nếu không đưa được điện lưới quốc gia lên thì không bao giờ có thể thay đổi được đời sống, kinh tế của người dân nơi này”.

Từ nỗi trăn trở thường trực, kỹ sư Hoàng Văn Thiện xây dựng đề án “Đưa điện lưới quốc gia lên Hà Giang”.

Không đưa được điện lưới quốc gia lên thì không bao giờ có thể thay đổi được đời sống, kinh tế của người dân nơi này.

Là một tỉnh nghèo, nhưng năm 1994, trước sức thuyết phục của người kỹ sư trẻ, lãnh đạo tỉnh Hà Giang đã đồng tâm hợp lực cùng Công ty điện lực kéo điện dưới xuôi lên. Một đường chì đỏ trên bản đồ Điện lực Hà Giang được vạch ra. Đó là đường dây 110 kv đầu tiên kéo điện quốc gia từ Yên Bái lên khắp các huyện của tỉnh.

“Quý lắm, dù là một tỉnh nghèo nhưng Hà Giang đã quyết chi 8 tỷ đồng để đầu tư một trạm biến áp. Đây có thể coi là quyết định táo bạo mang tính đột phá ...” – Hoàng Văn Thiện chia sẻ.

Ngay khi đề án được phê duyệt, anh Thiện cùng anh em công nhân lăn lội lên các xã vùng cao thiết kế, tổ chức thi công đường dây hạ áp để nhanh chóng đưa nguồn điện lưới quốc gia đến các xã vùng cao.

Ông Nguyễn Phúc Vinh - nguyên Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Bắc cho hay: “Thời điểm ấy, Hoàng Văn Thiện không quản ngại khó khăn, có những đợt đi công tác 5-7 ngày để cùng anh em đưa điện lên núi. Hồi đó, đi tới một xã ở Mèo Vạc - Đồng Văn mất cả mấy ngày đường. Cả ngành điện lực của tỉnh chỉ có vài ba xe U-oat cũ nát. Nhưng vì có niềm tin mang điện thắp sáng biên cương nên Hoàng Văn Thiện mới say mê công việc này đến như vậy”.

“Cõng” điện băng rừng, vượt suối

Nhờ người đảng viên lăn lộn với công việc “cõng” điện lên núi, sau 5 năm (1994-1999), Hà Giang đã trở thành tỉnh đầu tiên trong 6 tỉnh biên giới phía Bắc đạt 100% số xã có điện lưới quốc gia (195/195 xã). Có được thành công đó không hề dễ dàng gì trong điều kiện kinh tế còn khó khăn, nguồn lực của trung ương và địa phương còn eo hẹp.

Người đảng viên 30 năm ‘cõng’ điện qua núi - 2

Hà Giang đã trở thành tỉnh đầu tiên trong 6 tỉnh biên giới phía Bắc đạt 100% số xã có điện lưới quốc gia.

“Một người lo bằng kho người làm” - thật đúng với thực tiễn ở tỉnh Hà Giang. Hoàng Văn Thiện đã tập hợp đội ngũ, biết tranh thủ sự đồng lòng, giúp đỡ của trung ương, địa phương; biết động viên khích lệ anh em vì nguồn điện cho tỉnh.

Đến nay tiềm lực của Điện lực Hà Giang khá vững chắc với 5 trạm biến áp 110 kv, 2900 km đường dây trung thế; 2800 km đường dây hạ thế…

“Cả Hà Giang nằm trên cao nguyên đá, rừng, núi, sông, suối trập trùng…, đưa bất cứ vật gì lên núi cao cũng đều khó khăn, vất vả. Song, chúng tôi được dân tin yêu, động viên, thậm chí chung tay tham gia ngày công đưa trạm biến áp lên núi cao, đưa đường dây băng rừng vượt suối…”, anh Thiện bồi hồi nhớ lại.

Nhắc đến kỷ niệm sâu sắc nhất trong những năm tháng công tác tại điện lực Hà Giang, Hoàng Văn Thiện kể: “ Đó là kỷ niệm đưa điện về xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn. Khi ánh điện bừng sáng, bà con các dân tộc reo hò vang cả một vùng biên cương của Tổ quốc”.

Bây giờ, nhờ điện phủ khắp các bản làng, đời sống của bà con vùng cực Bắc Tổ quốc đã vơi bớt khó khăn, nhọc nhằn. Một bộ phận người dân đã có “của ăn của để”. Nhờ có điện, các nhà máy - xí nghiệp chế biến nông lâm sản đã cho ra đời nhiều sản phẩm hàng hóa có giá trị cao như: Chè, nước trái cây, ớt sấy, bột nghệ… Không ít mặt hàng đã được xuất khẩu.

Tỉnh miền núi làm chủ công nghệ 4.0

Là người đứng đầu Công ty Điện lực Hà Giang, kỹ sư Hoàng Văn Thiện luôn chú tâm đến việc đổi mới công nghệ để làm chủ hoàn toàn công tác vận hành quản lý lưới điện. Anh cũng chính là người chủ trương xây dựng trung tâm quản lý vận hành lưới điện.

Người đảng viên 30 năm ‘cõng’ điện qua núi - 3

Là người đứng đầu Công ty Điện lực Hà Giang, anh Hoàng Văn Thiện luôn chú tâm đến việc đổi mới công nghệ để làm chủ hoàn toàn công tác vận hành quản lý lưới điện.

“Với gần 5.000 km đường dây, nếu không có hệ thống giám sát và vận hành thì không thể nào quản lý nổi vì lưới điện trải rộng khắp núi cao vực sâu. Từ ngày đưa trung tâm vận hành và quản lý lưới điện vào hoạt động, cán bộ ngành điện Hà Giang chỉ cần ngồi ở trung tâm và có thể đóng cắt điện ở khắp các trạm trên địa bàn tỉnh”, anh Thiện chia sẻ.

Hiện tại, ở Hà Giang, công nghệ 4.0 đã đi vào tận ngõ ngách của đời sống làm việc của cán bộ - công nhân viên ngành điện. Việc phục vụ người dân từ đó cũng thuận lợi hơn, nhanh hơn. Ngoài ra, các khâu trong thủ tục hành chính cũng được giải quyết rút ngắn thời gian.

Nếu ngày trước, việc cung cấp điện (cấp giấy phép) phải mất 5-6 ngày thì nay chỉ còn 2 ngày. Đặc biệt, khách hàng có thể được cung cấp ngay dịch vụ mà không phải đi lại nhiều lần. Nhờ cách làm đó mà Công ty Điện lực Hà Giang đã giải quyết cho hàng chục ngàn hồ sơ – hợp đồng trong năm, giảm phiền hà cho người dân.

Trong bức thư gửi về Công ty Điện lực Hà Giang, Sùng Mí Lử - Chủ tịch xã Sín Cái, huyện Mèo Vạc, viết: “Mơ ước của bà con các dân tộc nơi địa đầu Tổ quốc đã thành hiện thực. Ánh sáng của Đảng đã về giúp cho nhân dân cải thiện cuộc sống. Có điện, có máy bơm, máy xay xát chạy, sản xuất nông phẩm hàng hóa có chất lượng cao. Có điện người dân được xem vô tuyến truyền hình, đời sống văn hóa được cải thiện và nâng cao…”.

Là người cũng có 30 năm gắn bó với Hà Giang, anh Trần Văn Hòa - nguyên Giám đốc Sở KH&ĐT, nhận xét: “Hoàng Văn Thiện tuy là người dân tộc Tày nhưng rất am hiểu địa bàn và đồng bào các dân tộc trong tỉnh. Tôi được biết, lãnh đạo tỉnh từng dự kiến đưa đồng chí Thiện qua làm lãnh đạo sở, ngành; ngành điện cũng có ý định chuyển đồng chí về công tác ở Hà Nội nhưng Thiện vẫn một mực ở lại Điện lực Hà Giang để được cống hiến cho sự phát triển của Hà Giang”.

Chia tay chúng tôi, anh Hoàng Văn Thiện lại tức tốc đi kiểm tra việc cung cấp điện cho 15 chốt, trạm biên phòng ở vùng biên Hà Giang. Nhìn chiếc xe hai cầu lao đi, hút dần trong khói bụi, tôi càng cảm nhận rõ quyết tâm, nghị lực của người đảng viên dành cả đời mình cho sự nghiệp “cõng” điện qua…núi.

THỊNH HƯNG
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp