Người dân tập trung về trụ sở xã phản đối trại nuôi lợn

Thời sựThứ Ba, 03/10/2017 22:33:00 +07:00

Cho rằng trại nuôi lợn công nghiệp gây ô nhiễm, người dân xã Yên Tâm (Thanh Hoá) kéo về UBND xã yêu cầu di dời trại này.

Ngày 3/10, hàng trăm người dân ở các thôn Yên Trường, Mỹ Hòa (xã Yên Tâm, huyện Yên Định, Thanh Hoá) tiếp tục kéo về trụ sở UBND xã để gây sức ép đòi chính quyền dừng ngay hoạt động chăn nuôi, di chuyển đàn lợn của một trang trại trên địa bàn.

Doanh nghiệp bị phản ứng là Công ty TNHH Phát triển nông nghiệp sinh thái Phú Thắng – Chi nhánh Mỹ Hoà.

Theo người dân, trang trại của doanh nghiệp Phú Thắng từng nhiều lần xả thải bẩn khiến môi trường quanh vùng bị ô nhiễm nặng nguồn nước và không khí. Từng bị phản đối, buộc dừng hoạt động nhưng gần đây, chủ trang trại lại lén lút vận chuyển lợn về chăn nuôi khiến bà con bức xúc.

2

 Ngày 3/10, hàng trăm người dân tập trung về UBND xã Yên Tâm phản đối trại lợn gây ô nhiễm. 

“Ai cũng nơm nớp vấn nạn ô nhiễm, cuộc sống đảo lộn”, nông dân tên Liên nói và cho hay người dân đề nghị chính quyền can thiệp, sớm di chuyển đàn lợn đi nơi khác.

Trước áp lực từ người dân, hôm nay, Chủ tịch UBND huyện Yên Định Lưu Vũ Lâm dẫn đầu đoàn công tác phối hợp với các ngành liên quan tổ chức buổi đối thoại tìm hướng giải quyết vụ việc. Lực lượng công an cũng được điều động để ổn định tình hình.

Tại buổi đối thoại, hầu hết ý kiến nhân dân đều bức xúc vì Công ty Phú Thắng nuôi lợn trở lại. “Không biết họ đưa lợn về lúc nào, mãi đến khi nghe mùi hôi thối và tiếng lợn con kêu chúng tôi mới phát hiện được”, một người dân nói và đề nghị, chính quyền cần có một lời hứa dứt khoát.

Ông Lưu Vũ Lâm giải thích, việc dừng hoạt động trang trại vượt quá thẩm quyền của huyện nên cơ quan này cần xin ý kiến UBND tỉnh và các ngành liên quan. “Huyện đang tìm phương án di chuyển trang trại đi nơi khác song chưa bố trí được vị trí và quỹ đất phù hợp. Kinh phí hỗ trợ doanh nghiệp cũng cần tính toán để đảm bảo quyền lợi nhà đầu tư và cân đối ngân sách”, ông Lâm nói.

Buổi đối thoại kết thúc song các bên chưa đi đến thống nhất cuối cùng. Người dân yêu cầu lãnh đạo tỉnh về địa phương đối thoại với dân, nếu không họ sẽ tiếp tục tập trung phản đối.

Đại diện Công ty Phú Thắng, ông Đặng Hữu Phách cho biết, sau sự cố môi trường hai năm trước, doanh nghiệp đã cải tạo chuồng trại, xây dựng hệ thống xử lý môi trường đạt chuẩn và được các cơ quan quản lý chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi.

1

 Những năm trước, người dân từng nhiều lần dựng lều vây trang trại nuôi lợn công nghiệp của Cty P.N.T. 

“Chúng tôi không xả thải ra môi trường”, ông Phách nói và cho hay, doanh nghiệp hiện gặp nhiều khó khăn do đầu tư vào trang trại khoản tiền lớn.

Ông Phách khẳng định, nếu địa phương bố trí quỹ đất và có phương án hỗ trợ tài chính, đền bù hợp lý, công ty sẽ chấp nhận di chuyển đi nơi khác. “Nguyện vọng của chúng tôi là muốn được tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất và có giải pháp thân thiện môi trường”, ông Phách nói thêm.

Công ty TNHH Phát triển nông nghiệp sinh thái Phú Thắng – Chi nhánh Mỹ Hoà tiền thân là Công ty TNHH P.N.T được UBND tỉnh Thanh Hoá cấp phép hoạt động trên quy mô 9 héc ta với vốn đầu tư hơn 23 tỷ đồng. Trang trại đi vào hoạt động từ năm 2009 với quy mô đăng ký 1.200 lợn nái giống. Tuy nhiên, sau đó công ty này cơi nới, mở rộng trang trại nuôi thêm gần 5.000 lợn thương phẩm khiến tình trạng quá tải, ô nhiễm xảy ra nghiêm trọng.

Doanh nghiệp này từng nhiều lần bị người dân phản ứng dữ dội. Năm 2014, sau khi bị người dân lập lán vây trang trại, không cho chở thức ăn vào bên trong, doanh nghiệp đã dừng toàn bộ hoạt động nuôi heo thương phẩm và chỉ giữ lại đàn heo nái. Nhưng đến cuối tháng 10 cùng năm, người dân lại căng băng rôn, vây trụ sở xã phản đối buộc nhà chức trách di chuyển đàn lợn, dừng hoạt động chăn nuôi tại đây.

Hiện trang trại này nuôi gần 150 lợn nái, gà công nghiệp và trồng cây ăn quả.

Video: Trường mầm non ở Hà Tĩnh bị 3 trang trại lợn bủa vây 

(Nguồn: VnExpress )
Bình luận
vtcnews.vn