Người dân quá khích xuống đường gây rối: Quan chức Quốc hội lên tiếng

Thời sựThứ Hai, 11/06/2018 13:11:00 +07:00

Bà Nguyễn Thanh Hải - Trưởng ban Dân nguyện của Thường vụ Quốc hội đã lên tiếng trước việc người dân một số tỉnh bị kích động xuống đường gây rối.

Video: Người dân quá khích xuống đường gây rối: Quan chức Quốc hội lên tiếng

Sáng 11/6, trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội, bà Nguyễn Thanh Hải - Trưởng ban Dân nguyện của Thường vụ Quốc hội cho rằng Quốc hội, Chính phủ đã lắng nghe ý kiến của cử tri, nhân dân và đã lùi thời gian thông qua Luật Đặc khu. Tuy nhiên, nếu một số người dân vẫn còn bị kích động để xuống đường gây rối thì đó là động cơ không trong sáng.

- Sáng 11/6, các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết tạm dừng thông qua Luật Đặc khu ở kỳ họp này, thưa bà?

Là Trưởng ban dân nguyện, thời gian qua, tôi đã tiếp thu rất nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri liên quan đến dự án luật này. Thường vụ quốc hội cũng hết sức thận trọng, lắng nghe, cân nhắc nhiều mặt và hôm nay đã có báo cáo với Quốc hội để có xem xét, đã lùi thời hạn thông qua Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc với sự nhất trí cao trên 80%.

Điều đó thể hiện các đại biểu quốc hội đã lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người dân và các hoạt động của quốc hội cũng đã được người dân quan tâm và cũng đã nêu ý kiến của mình.

Có thể nói, việc người dân quan tâm đến các vấn đề quốc hội đang thảo luận, đặc biệt là những bộ luật có ảnh hưởng tới vấn đề phát triển kinh tế xã hội trong thời gian tới là điều hết sức tự nhiên và thể hiện trách nhiệm của công dân đối với sự phát triển của đất nước. 

Việc thể hiện sự quan tâm này có thể phản ánh qua nhiều kênh như phản ánh kiến nghị, tiếp xúc cử tri, qua các phương tiện thông tin đại chúng khác để bày tỏ nguyện vọng của mình. Tôi khẳng định Quốc hội, các đại biểu Quốc hội không có khoảng cách với cử tri, người dân.

Việc tiếp thu phản ánh của cử tri và chọn cân nhắc xem xét kiến nghị này để báo cáo với Quốc hội lùi dự thảo luật là để đáp ứng mong muốn nguyện vọng của cử tri.

Ngay sau khi bấm nút thông qua vào lúc đầu giờ, ngay giờ giải lao lúc 9h30 tôi nhận được nhiều tin nhắn của cử tri bày tỏ sự đồng tình cao và đánh giá cao các đại biểu Quốc hội và Quốc hội đã lắng nghe ý kiến của cử tri.

dan qua khich

 Một số người dân quá khích kéo ra quốc lộ 1 chặn xe, ném đá tại Phan Rí (Bình Thuận).

- Tuy nhiên, ngày hôm qua 11/6, nhiều người dân ở các tỉnh phía Nam đã bị quá khích khi xuống đường tụ tập đông người gây cản trở giao thông, đập phá cơ sở vật chất của UBND tỉnh Bình Thuận, thưa bà?

Có thể nói việc thể hiện nguyện vọng, mong muốn, kiến nghị đề xuất của công dân với công tác điều hành của Chính phủ, với hoạt động của Quốc hội, chương trình nội dung Quốc hội đang bàn thảo là nguyện vọng chính đáng.

Tuy nhiên, hình thức thể hiện nguyện vọng đó được Đảng, Nhà nước quy định qua nhiều kênh như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đoàn thể, ngoài ra người dân có thể gửi trực tiếp ý kiến lên đại biểu Quốc hội do mình bầu ra, hoặc cơ quan dân nguyện – cơ quan lắng nghe tiếp thu ý kiến, nguyện vọng chính đáng của người dân để truyền tải tới Quốc hội, tới cơ quan có trách nhiệm.

Việc thể hiện mong muốn nguyện vọng là chính đáng nhưng hình thức biểu hiện không nên gây ảnh hưởng đến hoạt động thông thường như cản trở giao thông, ùn tắc nghiêm trọng ở một số địa bàn như sân bay Tân Sơn Nhất khiến nhiều hành khách lỡ chuyến bay.

- Bà có nói đại biểu và cử tri không có khoảng cách vậy Thường vụ Quốc hội có bất ngờ với hành động quá khích của người dân?

Tôi cũng nhấn mạnh cử tri và đại biểu không có khoảng cách. Chúng tôi thường xuyên có trao đổi liên lạc với cử tri, cử tri hoàn toàn có thể bày tỏ nguyện vọng của mình thông qua kênh với đại biểu Quốc hội, và các cơ quan của Quốc hội.

Chính phủ và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã có sự phối hợp chặt chẽ. Chính phủ đã phát đi thông cáo từ 3h và Uỷ ban Thường vụ cũng đã đưa thông tin từ sáng 9/6.

IMG_3992

 

Sau thông báo này, không có lý gì người dân lại bày tỏ như ngày hôm qua. Nếu còn có phản ứng thì đó là động cơ không trong sáng.

Bà Nguyễn Thanh Hải

Điều đó thể hiện đã có sự lường trước và mong muốn cử tri nắm bắt thông tin để dừng những hoạt động gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân, tuy nhiên, thông tin đến với người dân còn chậm, có thể sự phối hợp vào cuộc của chính quyền địa phương các cấp, đánh giá mức độ sự việc không ở mức độ quan trọng, do đó việc triển khai để đưa thông tin cần thiết đến cử tri còn chưa nhanh, đầy đủ nên xảy ra một số sự việc đáng tiếc.

Hôm nay, mặc dù phiên họp Quốc hội là bàn về luật khác nhưng đã dành thời lượng khoảng 20 phút đầu giờ để trao đổi về vấn đề này và cũng là lời tuyên bố với cử tri để người dân cả nước lắng nghe, thông báo chính danh cho cử tri được biết. Sau thông báo này, không có lý gì người dân lại bày tỏ như ngày hôm qua. Nếu còn có phản ứng thì đó là động cơ không trong sáng.

- Qua sự việc này, các cơ quan chức năng, đặc biệt là cơ quan dân nguyện của Quốc hội cần phải thay đổi thế nào để đáp ứng yêu cầu lắng nghe những ý kiến của cử tri, nhân dân?

Qua việc này chúng tôi cũng cần phải đẩy mạnh hơn nữa việc lắng nghe ý kiến người dân để đáp ứng hết nguyện vọng mong mỏi của cử tri, tránh trường hợp xảy ra thời gian qua là có việc người dân bày tỏ nguyện vọng nhưng ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt hàng ngày. Đây là vấn đề chúng ta đặt ra trong thời gian tới.

- Chúng ta có rất nhiều kênh tiếp nhận thông tin nhưng người dân vẫn cứ chọn cách thể hiện sự quá khích bằng việc xuống đường gây rối, thưa bà?

Tôi đánh giá các kênh tiếp nhận ý kiến của cử tri rất nhiều, nhưng tuy nhiên nó còn có thể là chưa thực sự hiệu quả như mong muốn. Việc lắng nghe tiếp thu ý kiến của người dân trong thời gian tới cần tiếp tục cải tiến, đổi mới sao cho thực sự hiệu quả.

- Nhiều ý kiến cho rằng sự việc xảy ra ngày hôm qua là do chúng ta chưa có Luật biểu tình. Chúng ta cần phải trở lại vấn đề này như thế nào?

Dự thảo Luật Biểu tình được quan tâm và soạn thảo nhưng do chất lượng dự thảo luật chưa được như mong muốn nên chưa được đưa ra trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Tôi thấy tất cả vấn đề này là nhu cầu của người dân, thực hiện theo quy định của Hiến pháp đã quy định rất rõ việc này.

Việc xây dựng dự thảo luật, trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, trình Quốc hội thông qua đây là việc hiện thực hóa quy định của Hiến pháp sẽ được thực hiện nhưng phải đảm bảo chất lượng.

Trong thời gian qua các tổ chức rất quan tâm vấn đề này đang hoàn thiện để đảm bảo chất lượng của dự thảo luật, đáp ứng đúng nguyện vọng của người dân, đảm bảo thể chế hóa và hiện thực hóa quan điểm của hiến pháp một cách chính xác nhất.

Video: Người dân nhiều địa phương bị kích động, xuống đường gây rối

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn