Người dân phản ứng dữ dội, tại sao KSB vẫn ‘cố đấm ăn xôi’ ở mỏ đá Tân Đông Hiệp?

Kinh tếChủ Nhật, 04/11/2018 15:16:00 +07:00

Bất chấp việc người dân phản ứng gay gắt về việc nổ mìn ở mỏ đá Tân Đông Hiệp, KSB viện lý do vì mong muốn đóng góp cho ngân sách của tỉnh Bình Dương nên tiếp tục khai thác, thế nhưng thực tế hoạt động kinh doanh của KSB cho thấy, mỏ đá Tân Đông Hiệp chính là “gà đẻ trứng vàng” cho doanh nghiệp này.

“Gà đẻ trứng vàng”

Trong báo cáo tài chính quý 3/2018 của Công ty khoáng sản Bình Dương (KSB), doanh thu của KSB đạt 181 tỷ đồng, giảm 21% so với quý 3/2017 (229 tỷ đồng), dẫn đến lợi nhuận sau thuế của KSB chỉ đạt hơn 15 tỷ đồng, giảm tới 67% so với cùng kỳ (hơn 47 tỷ đồng).

Doanh thu và lợi nhuận quý 3/2018 giảm khiến lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm 2018 của KSB chỉ còn 105,7 tỷ đồng, giảm 44,9% so với cùng kỳ (191,6 tỷ đồng).

Một trong những lý do được KSB đưa ra cho việc sụt giảm lợi nhuận là vì sản lượng khai thác đá ở quý 3/2018 giảm so với cùng kỳ, vì đến ngày 4/9/2018, mỏ đá Tân Đông Hiệp (thị xã Dĩ An, Bình Dương) mới được cấp phép trở lại.

Được biết, trong cơ cấu doanh thu năm 2017 của KSB, mỏ đá Tân Đông Hiệp đã có đóng góp hơn 500 tỷ đồng. Từ đó có thể thấy, mỏ đá Tân Đông Hiệp chính là “gà đẻ trứng vàng” cho KSB. Việc gia hạn khai thác mỏ đá này sẽ có ảnh hưởng đến các biên lợi nhuận, tăng trưởng dài hạn của KSB từ năm 2018 – 2019.

doanhthuksb

Doanh thu và lợi nhuận quý 3/2018 ghi nhận sự sụt giảm nghiêm trọng so với cùng kỳ. 

Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn VTC News, đại diện KSB lại cho rằng lợi nhuận thu được từ mỏ đá thực chất không cao và việc tiếp tục duy trì mỏ đá là mong muốn đóng góp cho ngân sách của tỉnh Bình Dương.

Trong khi đó, đại diện Sở TNMT tỉnh Bình Dương từng cho biết, bình quân mỗi năm, ngân sách địa phương thu được từ các mỏ khai thác khoáng sản như thế này chỉ vài chục tỷ đồng. Con số này thực chất không cao so lợi nhuận của các doanh nghiệp thu về từ việc khai thác khoáng sản.

Cùng với đà phát triển của hoạt động xây dựng tại các khu vực TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, đặc biệt là dự án xây dựng sân bay Long Thành sắp tới, nhu cầu tiêu thụ đá xây dựng của các tỉnh Đông Nam Bộ là rất lớn.

KSB hiện là một trong những doanh nghiệp đang đứng đầu về năng lực khai thác đá xây dựng với trữ lượng hàng chục triệu m3 mỗi năm. Với chất lượng đá thuộc loại tốt nhất hiện nay, đá tại Tân Đông Hiệp có giá bán rất cao, không dễ dàng gì KSB lại dễ dàng buông tha cho “mỏ vàng” này.

Bất chấp phản ứng, liên tục xin gia hạn khai thác

Theo quy hoạch khoáng sản tỉnh Bình Dương trước đây, các mỏ đá khu vực thị xã Dĩ An được khai thác đến cos-100m và đến hết năm 2015. Sau đó, các mỏ phải thực hiện việc cải tạo và đóng cửa mỏ. Tuy nhiên, từ đó đến nay việc khai thác đá ở mỏ Tân Đông Hiệp vẫn nhiều lần được gia hạn.

Cụ thể, năm 2015, Tân Đông Hiệp được tiếp tục gia hạn khai thác đến hết ngày 31/12/2017 và xuống đến cos -120m. Sau đó, các doanh nghiệp tại mỏ Tân Đông Hiệp tiếp tục xin phép gia hạn vì “trữ lượng đá còn nhiều”. Vừa qua, tỉnh Bình Dương tiếp tục gia hạn cho KSB khai thác đến hết năm 2019 và từ cos -120m xuống đến cos -150m.

moda

Bên trong mỏ đá Tân Đông Hiệp. 

Như vậy, rõ ràng KSB đã đặt tham vọng khai thác triệt để, tận thu mỏ đá Tân Đông Hiệp với trữ lượng cực kỳ lớn.

Điều đáng nói là từ nhiều năm nay, hoạt động khai thác đá tại đây đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân và để lại hậu quả về môi trường vô cùng nặng nề.

Trước đó, thông tin từ Sở TNMT tỉnh Bình Dương cho biết kết quả lấy ý kiến người dân trong vùng chịu ảnh hưởng của mỏ đá để gia hạn thời gian khai thác mỏ thì có nhiều hộ dân mong muốn các mỏ đá ngưng hoạt động càng sớm càng tốt.

Thế nhưng, chỉ một thời gian sau, Sở TNMT cho biết khai thác mỏ đá đã được sự ủng hộ của người dân, thực tế theo ghi nhận của PV thì không phải như vậy.

Mỏ nằm trong khu vực có tốc độ phát triển đô thị rất nhanh, hiện tại dân cư sinh sống sát mỏ đá đông đúc nên việc tiếp tục khai thác xuống sâu, kéo dài thời gian hoạt động mỏ gặp sự phản đối gay gắt của người dân.

tandonghiep 3

Người dân chỉ những vết nứt toạc trong ngôi nhà mới xây bên cạnh mỏ đá. 

Bất chấp sự phản ứng này, Ban Quản lý mỏ Tân Đông Hiệp vẫn đứng ra thương lượng với một số lượng nhỏ người dân thuộc địa phận Bình Dương để hỗ trợ tiền ô nhiễm môi trường hàng tháng. Trong khi đó, người dân chịu ảnh hưởng trực tiếp ở Đồng Nai thì trắng tay và luôn phải sống chung với ô nhiễm, nguy hiểm do hoạt động nổ mìn liên tục bên trong cụm mỏ đá.

Chắc chắn quá trình nổ mìn để khai thác đá liên tục để kịp tiến độ hết hạn vào cuối năm 2019 sẽ để lại hậu quả nặng nề, không dễ dàng khắc phục với môi trường tự nhiên và cuộc sống an cư của người dân.

Khi PV đặt câu hỏi phương án sử dụng hồ đá sau khi ngừng khai thác mỏ Tân Đông Hiệp, đại diện KSB cho biết sẽ sử dụng vào mục đích bất động sản, xây dựng khu thương mại. Tuy nhiên, thực tế thế nào vẫn đang là dấu hỏi lớn chỉ KSB mới biết.

Tân Nguyên
Bình luận
vtcnews.vn