Người dân phải ra ngoài mua thuốc trong danh mục BHYT, Sở Y tế TP.HCM nói gì?

Tin tứcThứ Ba, 24/05/2022 15:24:54 +07:00
(VTC News) -

Sở Y tế TP.HCM vừa phản hồi thông tin bệnh nhân có BHYT tới khám, điều trị ở Bệnh viện TP Thủ Đức nhưng vẫn phải ra ngoài mua thuốc trong danh mục BHYT.

Ngày 24/5, đại diện Sở Y tế TP.HCM cho biết, Ban Giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức đã báo cáo và làm rõ thông tin phản ánh bệnh nhân có thẻ BHYT vẫn phải ra ngoài mua thuốc tại bệnh viện này.

Theo báo cáo, ngay sau giai đoạn giãn cách vì dịch COVID-19, số bệnh nhân có thẻ BHYT đến khám và điều trị tại bệnh viện này tăng từ 80% đến hơn 100% so với giai đoạn dịch bệnh bùng phát.

Người dân phải ra ngoài mua thuốc trong danh mục BHYT, Sở Y tế TP.HCM nói gì? - 1

Bệnh viện TP Thủ Đức.

Cụ thể, trong tháng 8/2021, bệnh nhân BHYT khám ngoại trú chỉ khoảng 28.048 lượt, đến tháng 4/2022 con số này đã tăng lên 75.459 lượt.

Trong khi đó, gói thầu mua sắm thuốc năm 2020 - 2021 của Bệnh viện TP Thủ Đức đã kết thúc vào ngày 29/12/2021. Thời điểm này, tình hình cung ứng thuốc cho bệnh viện gặp một số khó khăn như số lượng người bệnh đến bệnh viện khám tăng nhanh vào đầu năm 2022 khiến cho một số mặt hàng thuốc không đủ đáp ứng; dịch COVID-19 kéo dài trong năm 2021 - 2022 làm ảnh hưởng đến công tác đặt hàng mua sắm thuốc của bệnh viện; một số công ty không cung ứng đủ theo nhu cầu của bệnh viện.

Để khắc phục những khó khăn trên, trong quá trình đấu thầu thuốc rộng rãi năm 2022, Ban Giám đốc Bệnh viện đã chủ động thực hiện bổ sung nguồn thuốc cho công tác khám, chữa bệnh bằng hình thức mua sắm trực tiếp cho đến khi có kết quả đấu thầu năm 2022.

Đến ngày 14/4/2022, bệnh viện đã có kết quả đấu thầu bổ sung bằng hình thức mua sắm trực tiếp, đảm bảo cung ứng đầy đủ thuốc đáp ứng nhu cầu điều trị, đảm bảo người bệnh có thẻ BHYT không phải mua thuốc ngoài đối với thuốc nằm trong danh mục BHYT thanh toán.

Sở Y tế TP.HCM đã đề nghị giám đốc các cơ sở khám chữa bệnh cần rút kinh nghiệm chung. Yêu cầu các đơn vị chủ động rà soát và triển khai công tác mua sắm thuốc, vật tư y tế đúng theo quy định, đảm bảo đủ số lượng và kịp thời nhằm không làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người tham gia BHYT.

Theo phản ánh của chị T.H. (ngụ phường Tăng Nhơn Phú B, TP Thủ Đức), từ tháng 12/2021, người nhà chị điều trị ung thư tại Bệnh viện TP Thủ Đức, cũng là nơi đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu.

Bác sĩ tiến hành hóa trị đợt 1 với đơn 5 loại thuốc, tuy nhiên Bệnh viện TP Thủ Đức chỉ có 1 loại. Số thuốc còn lại phải tự tìm mua bên ngoài ở các nhà thuốc tư nhân khu vực Bệnh viện Ung bướu TP.HCM.

Chị H. đã phản ánh sự việc lên Ban Giám đốc Bệnh viện và được giải thích do khó khăn trong nguồn cung ứng. Lãnh đạo bệnh viện mong bệnh nhân thông cảm hoặc nếu có nhu cầu, sẽ tạo mọi điều kiện để bệnh nhân được chuyển viện lên tuyến cao hơn.

Trước đó, bệnh nhân ghép thận có BHYT phản ánh Bệnh viện Chợ Rẫy hết thuốc ức chế miễn dịch - chống thải ghép, họ phải ra ngoài mua và tự chi trả. Các thuốc gồm Advagraf 5 mg và Advagraf 1 mg; Advagraf 0,5 mg; Cellcept 500 mg.

Đây là những thuốc đắt tiền, có giá từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng/viên, thuộc danh mục BHYT. Những loại thuốc này thuộc danh mục đấu thầu quốc gia nhưng chưa đàm phán được giá và đã giao về cho các bệnh viện đấu thầu, tuy nhiên, vẫn không kịp cho bệnh nhân.

Đến ngày 6/5, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết đã khắc phục tình trạng thiếu thuốc, đảm bảo cung ứng cho người bệnh BHYT. Nguyên nhân thiếu thuốc được cho là chậm trễ trong khâu đàm phán giá khi triển khai đấu thầu thuốc tập trung quốc gia.

Hoàng Thọ
Bình luận
vtcnews.vn