Người đàn ông với 'cánh tay vàng’ cứu sống 2,4 triệu trẻ em

Sức khỏeThứ Tư, 16/05/2018 07:32:00 +07:00

Ở tuổi 81, ông James Harrison - "người đàn ông có cánh tay vàng" hiến máu cứu 2,4 triệu trẻ em chính thức "về hưu" hôm 11/5 sau lần hiến máu cuối cùng trong suốt 60 năm qua.

Theo truyền thống Úc, hầu hết mỗi người khi nghỉ hưu sẽ được tặng một chiếc đồng hồ để ghi nhận một thời cống hiến của họ nhưng James Harrison xứng đáng hơn thế. Theo Hội nhóm hiến máu - Australian Red Cross Blood Service, ông đã cứu mạng sống của hơn 2,4 triệu trẻ em Úc.

harrison1

 Ngày 11/5, Harrison thực hiện lần hiến máu cuối cùng trong suốt 60 năm qua.

Máu của Harrison đặc biệt, tạo ra kháng thể chống lại bệnh

Máu của Harrison có các kháng thể cực mạnh được sử dụng để phát triển một loại thuốc được gọi là Anti-D, giúp chống lại bệnh Rhesus. Bệnh này là tình trạng máu của người mẹ tấn công các tế bào máu của thai nhi. Trong trường hợp xấu nhất, nó có thể dẫn đến tổn thương não hoặc khiến thai nhi ngừng phát triển.

Tình trạng này xảy ra khi một người phụ nữ mang thai có nhóm máu Rh(-) và em bé trong bụng lại có nhóm máu Rh(+), được thừa hưởng từ người cha.

Nếu người mẹ nhạy cảm với máu Rh+ của con mình, cơ thể người mẹ có thể sản xuất ra kháng thể phá hủy các tế bào máu "ngoại lai" của em bé. Điều đó sẽ tác động trực tiếp tới sức khỏe, tính mạng của em bé.

Tuy nhiên, các bác sĩ phát hiện ra có thể ngăn chặn tình trạng này bằng cách tiêm cho phụ nữ mang thai một loại thuốc chế biến từ huyết tương mang kháng thể hiếm. Và máu chứa kháng thể của ông Harrison có thể sử dụng để tạo ra thuốc kháng Anti-D.

Ông Harrison đã có 10 năm hiến máu. Sau đó, ông chuyển sang hiến huyết tương để cứu giúp người. 

Các bác sĩ không hiểu lý do tại sao Harrison có loại máu hiếm hoi như vậy. Mỗi túi máu đều quý giá nhưng máu của James đặc biệt phi thường khi có thể tạo ra loại thuốc cứu sống được nhiều đứa trẻ ngay từ khi còn ở trong bụng mẹ. 

harrison

 Việc hiến máu của ông Harríson đã cứu sống hơn 2,4 triệu trẻ em.

Con gái của Harrison cũng được tiêm vắc-xin Anti-D

“Kết quả là cháu trai thứ hai của tôi đã được sinh ra khỏe mạnh”, ông Harrison nói, “Bạn cảm thấy thật hữu ích khi cứu được một mạng sống và khi bạn cứu được nhiều hơn nữa, điều đó thật tuyệt vời”.

Theo các quan chức Úc, việc phát hiện ra các kháng thể của Harrison là một sự thay đổi tuyệt vời. "Ở Úc, cho đến khoảng năm 1967, có hàng ngàn em bé chết mỗi năm, các bác sĩ không biết tại sao và nó thật khủng khiếp. Nhiều phụ nữ bị sẩy thai và trẻ sơ sinh bị tổn thương não", bà Jemma Falkenmire chia sẻ với CNN vào năm 2015.

“Úc là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới phát hiện ra một người hiến máu chứa kháng thể chống bệnh Rezut, điều này thực sự mang tính cách mạng vào thời điểm đó”.

Hơn hai triệu người được sinh ra khỏe mạnh nhờ Harrison, ông được coi là một anh hùng dân tộc ở Úc. Ông đã giành được nhiều giải thưởng cho sự tâm huyết của mình, bao gồm Huy chương của Order of Australia, một trong những danh hiệu uy tín nhất của đất nước.

Harrison khiêm tốn nói: “Mọi người cứ ồ lên, bạn đã làm điều này, điều kia hoặc bạn là một anh hùng nhưng đó là việc tôi có thể làm. Đó là một trong những khả năng của tôi. Có lẽ, tài năng duy nhất của tôi là một người hiến máu".

Video: Dân Pháp xếp hàng dài chờ hiến máu sau thảm kịch khủng bố

Thu Nga
Bình luận
vtcnews.vn