Người đàn ông mù xây… nhà nghỉ

Phóng sự - Khám pháThứ Tư, 12/01/2011 06:00:00 +07:00

(VTC News) - Không ngờ, câu nói thô lỗ của cô gái đi đường lại khai mở đầu óc anh chàng Liên mù lòa. Từ câu nói đó, anh đã nảy ra ý tưởng xây dựng nhà nghỉ.

(VTC News) - Không ngờ, câu nói thô lỗ của cô gái đi đường lại khai mở đầu óc anh chàng Nguyễn Văn Liên mù lòa.


Kỳ 2: Ý tưởng chắc ăn

Một hôm, đang lần mò cuốc bộ từ Hội Chữ thập đỏ huyện Ninh Giang về nhà, một đôi trai gái dừng xe hỏi: “Gần đây có nhà nghỉ nào không anh?”. Anh Nguyễn Văn Liên gỡ cặp kính đen ra bảo: “Tôi bị mù, có nhìn thấy gì đâu mà biết”. Cô nàng cằn nhằn: “Đúng là chỗ quê mùa, đi mãi không tìm được nhà nghỉ”. Rồi họ rồ ga phóng mất.

Không ngờ, câu nói thô lỗ của cô gái nọ lại khai mở đầu óc anh chàng Nguyễn Văn Liên mù lòa.

Ngay đêm ấy, anh dặn vợ ngày mai không đi làm nữa, mà chở anh đi tìm… nhà nghỉ. Chị Thu bảo: “Gớm, muốn sinh con thì ở nhà chả được, việc gì phải bày vẽ khách sạn với nhà nghỉ”. Anh Liên nghe vợ mắng yêu, chỉ tủm tỉm cười.

Ngôi nhà nghỉ mang tên ghép của vợ chồng anh Liên và chị Thu. 

Không hiểu ông chồng mù lại có ý tưởng quái gở gì, nhưng chị Thu luôn tin chồng và làm theo ý của anh. Sớm hôm sau, chị nhằm hướng thị trấn Ninh Giang để đi, vì thị trấn Ninh Giang thiếu gì nhà nghỉ và khách sạn. Tuy nhiên, anh Liên không đồng ý đi theo hướng ấy. Anh bảo: “Em cứ chở anh đi hết các xã ở phía Tây huyện Ninh Giang, đến tận Gia Lộc, hễ thấy nhà nghỉ hay khách sạn nào thì vào”.

Đường đến thị trấn Ninh Giang không xa mấy, lại lắm nhà nghỉ thì không đi, ông chồng mù của chị Thu lại cứ đòi đi quanh mấy xã nghèo chiêm trũng thì tìm đâu ra nhà nghỉ. Đi hết cả ngày, qua gần chục xã, hỏi mỏi cả mồm, mà không tìm được cái nhà nghỉ nào, dù xập xệ nhất ở phía Tây huyện Ninh Giang.

Đêm hôm ấy, khi đã về nhà, anh Liên tuyên bố với vợ: “Anh đã nghĩ ra cách làm giàu rồi em ạ. Cách này không cần phải mắt sáng, cũng chẳng phải vất vả nhọc nhằn, mà cứ từ từ hưởng lợi. Anh sẽ xây một cái nhà nghỉ”.

Nghe anh chồng mù đề xuất xây nhà nghỉ, chị Thu cũng choáng. Tuy nhiên, rõ ràng ý tưởng của anh rất tốt và cơ hội thành công rất cao, bởi cả vùng rộng lớn phía Tây của huyện Ninh Giang không có cái nhà nghỉ nào.

Ngôi nhà nghỉ trị giá 1 tỉ đồng của anh Liên mù ở xã Hoàng Hanh. 

Có ý tưởng rồi, chị Thu lại chở chồng đi tìm địa điểm hợp lý để xây dựng nhà nghỉ. Anh Liên đã quyết định mua một miếng đất ở xã Đức Xương thuộc huyện Gia Lộc, cách xã An Đức, nơi anh sinh sống không xa lắm.

Mặc dù mảnh đất không nằm ở nơi trung tâm đô hội nhưng lại nằm ở mặt tỉnh lộ 20B, chỗ giao nhau giữa những cung đường đi huyện Ninh Giang, Gia Lộc và Thanh Miện. Như vậy, nếu xây dựng nhà nghỉ ở khu vực này, khách ở những xã quanh vùng sẽ tìm đến nhà nghỉ hoặc khách lỡ đường cũng sẽ nghỉ ở đây.

Nghĩ là làm, năm 2008, anh Liên mù dồn hết vốn liếng, vay mượn thêm, rồi tiến hành khởi công xây dựng nhà nghỉ bình dân trị giá gần tỉ bạc. Quả đúng như mong đợi, khách đến nghỉ rất đông. Để đáp ứng nhu cầu người nghèo cần chỗ nghỉ, anh tiếp tục xây dựng dãy nhà cấp bốn trên phần đất thừa phía sau ngôi nhà nghỉ này.

Công việc kinh doanh nhà nghỉ rất thành công, nên đến cuối năm 2009, anh Liên lại tiếp tục dồn tiền, vay mượn thêm để đầu tư xây dựng một ngôi nhà nghỉ mới trị giá 1 tỷ đồng ở xã Hoàng Hanh, thuộc huyện Ninh Giang.

Ngôi nhà nghỉ này cao 3 tầng, có 11 phòng ở tầng 2 và tầng 3. Tầng 1 là nơi vợ chồng, con cái anh ăn ở, sinh hoạt.

Chị Thu quản lý ngôi nhà nghỉ ở xã Hoàng Hanh. 

Vậy là, chỉ trong 2 năm, anh chàng mù Nguyễn Văn Liên đã trở thành ông chủ của hai ngôi nhà nghỉ bình dân. Mặc dù lượng tài sản như vậy không phải là lớn, song anh Liên mù đã trở thành “đại gia” ở vùng quê nghèo chiêm trũng này. Với hai ngôi nhà nghỉ, dù gia đình tiêu pha thoải mái, mỗi tháng vợ chồng anh vẫn để ra được 30-40 triệu đồng.

Điều lạ là, anh chàng mù Nguyễn Văn Liên đã là trụ cột của đại gia đình từ nhiều năm nay. Anh chị em của anh Liên, kể cả những người mắt sáng, khỏe mạnh bình thường đều nghèo khổ. Anh Liên đã xây dựng cho bà chị cả, bị mù bẩm sinh một ngôi nhà mái bằng khang trang, chu cấp nuôi dưỡng chị đầy đủ. Người chị bị dị tật ở miệng cũng từng lấy chồng, nhưng chồng chết vì ung thư. Thương chị ở nhà dột nát, năm ngoái, anh Liên cũng đã đập bỏ ngôi nhà cũ, dựng lại cho chị một ngôi nhà mái bằng chắc chắn.

Dù bị mù lòa, song anh Liên làm việc chẳng kém gì người mắt sáng. 

Trong cuộc đời làm báo, tôi đã gặp hàng trăm người khiếm thị có nghị lực kiên cường, vươn lên trong cuộc sống, tuy nhiên, hầu hết trong số họ chỉ có thể kiếm sống bằng những công việc đơn giản như tẩm quất, chẻ tăm, làm chổi đót hoặc những công việc thủ công thô sơ… Nhưng anh Liên là trường hợp đặc biệt. Anh bảo: “Theo quan niệm của tôi, người mù không phải khiếm khuyết ở mắt, mà khiếm khuyết ở não. Người mù chỉ không nhìn thấy những thứ trước mắt, chứ suy nghĩ, phán đoán đâu có kém người mắt sáng. Nếu không dùng bộ não, chỉ trông vào đôi tay khéo léo, thì chỉ thành một anh thợ lành nghề, chứ không thể làm giàu được”.

Với quan niệm như thế, anh Liên luôn bắt bộ não của mình vận động, suy nghĩ. Anh chịu khó nghe đài, học hỏi từ những nhân vật trên truyền hình, nghe những âm thanh xung quanh mình, để chắt lọc lấy kinh nghiệm và tìm đường sáng tạo riêng.

Còn tiếp…

Đặng Toan
Bình luận
vtcnews.vn