Người đàn ông khiếm thị xúc động lần đầu gõ được tên mình trên máy tính

Chân dungThứ Tư, 21/09/2022 11:13:27 +07:00
(VTC News) -

Dù tuổi cao và mất thị lực nhưng ông Thanh Liêm vẫn quyết tâm học máy tính để làm gương cho con cháu.

Ông Nguyễn Thanh Liêm (55 tuổi, trú quận Thanh Xuân, Hà Nội) đặt đôi tay lên bàn phím máy tính và dò tìm phím ở hàng thứ 4 từ trên xuống, vị trí số 10 từ trái sang,... Sau một hồi ông đã có thể gõ được chữ “Liêm”.

“Tôi chưa từng dám mơ đến việc mình có thể sử dụng máy tính, lại gõ được cả tên mình như vậy”, người đàn ông khiếm thị U60 chia sẻ.

Ông Liêm đang tham gia lớp học máy tính dành cho người khiếm thị, tổ chức bởi Hội người mù quận Thanh Xuân. Đến nay, sau 6 buổi học, ông có thể nhớ vị trí một số chữ cái trên bàn phím, nhớ các tổ hợp phím để bật trình đọc màn hình.

Ông làm điều này vì muốn lan toả tinh thần học tập đến các con, các cháu. Ông mong con cháu của mình dù ở độ tuổi nào cũng sẽ không ngừng học hỏi, cố gắng và vượt qua nghịch cảnh.

Người đàn ông khiếm thị xúc động lần đầu gõ được tên mình trên máy tính - 1
Người đàn ông khiếm thị xúc động lần đầu gõ được tên mình trên máy tính - 2

Ông Thanh Liêm tham gia lớp học máy vi tính do Hội người mù quận Thanh Xuân tổ chức. (Ảnh: Hoài Anh)

Ngồi kế bên ông Liêm, Đoàn Hải Ninh (28 tuổi) cũng vừa hoàn thành xong bài tập gõ tên. Dù trình đọc màn hình cho thấy Ninh gõ sai một số chữ, song cô gái khiếm thị vẫn cảm thấy vui vì khả năng học máy tính cải thiện qua từng buổi học.

“Lần đầu tiếp xúc với máy tính, tôi lo lắng không biết liệu mình có thể nhớ được vị trí của tất cả các phím hay không. Bây giờ thì tôi đã có thể tự tin hơn rất nhiều”, Ninh chia sẻ và ước một ngày nào đó có thể gõ được toàn bộ bài hát về gia đình mà cô yêu thích.

Thầy giáo khiếm thị Nguyễn Trung Thái - giáo viên dạy Công nghệ Thông tin của Hội người mù Thành phố Hà Nội cho biết, khoá học sẽ diễn ra trong 36 buổi. Những buổi đầu, học viên sẽ được làm quen bàn phím máy tính, về trình đọc màn hình dành cho người khiếm thị và các tính năng nâng cao.

“Các học viên trong lớp đều tiếp thu tốt, nhưng do mỗi người mỗi điều kiện kinh tế khác nhau nên không phải ai cũng có máy tính để ôn tập ở nhà. Có lẽ đây là khó khăn lớn nhất", thầy Thái chia sẻ.

Để học viên nhớ bài, thầy Thái thường kiểm tra và dành thời gian ôn luyện bài cũ vào mỗi đầu buổi học. Lớp học diễn ra vào sáng các ngày Thứ 2,4,6 từ 8h15 đến 11h kém 15.

Người đàn ông khiếm thị xúc động lần đầu gõ được tên mình trên máy tính - 3

Các thành viên Hội người mù quận Thanh Xuân tham gia lớp học. (Ảnh: Hoài Anh)

Người đàn ông khiếm thị xúc động lần đầu gõ được tên mình trên máy tính - 4

Những dòng chữ đầu tiên của Hải Ninh trên máy vi tính. (Ảnh: Hoài Anh)

Ông Nguyễn Tiến Thành - Chủ tịch Hội Người mù quận Thanh Xuân cho biết, đây là lớp học nằm trong chuỗi hoạt động giúp hội viên tiếp cận với công nghệ thông tin - trước đó là lớp học điện thoại thông minh.

“Nhờ có sự hỗ trợ của Quỹ từ thiện LE, chúng tôi mới đủ các trang thiết bị để tổ chức lớp học. Mong rằng các hội viên có thể sử dụng những kiến thức tin học đã được học để phục vụ công việc học tập và lao động. Đây cũng là bước đệm giúp các hội viên nâng cao tinh thần hòa nhập với cộng đồng, xã hội”, ông Thành nói.

Sau khi kết thúc 36 buổi học, Hội sẽ lựa chọn ra những nhân tố có khả năng để tiếp tục đào tạo nâng cao. Từ đó, các hội viên có thể dạy lại khiến thức cơ bản về công nghệ thông tin cho những người hội viên mới.

HOÀI ANH
Bình luận
vtcnews.vn