Người đàn ông 3 vợ 15 con, 13 tuổi làm bố

Sức khỏeThứ Bảy, 16/02/2013 12:11:00 +07:00

Ở bản Bún (Tân Xuân, Mộc Châu, Sơn La) chẳng ai là không biết đến Mùa A Tu. Ông nổi tiếng là người đa tình có tới 3 bà vợ và 15 đứa con.

Ở bản Bún (Tân Xuân, Mộc Châu, Sơn La) chẳng ai là không biết đến Mùa A Tu. Ông nổi tiếng là người đa tình có tới 3 bà vợ và 15 đứa con.

Lấy vợ từ năm 12 tuổi

Một chiều mùa đông lạnh giá, khi lang thang trên những cung đường đang rực rỡ sắc trắng tinh khôi của hoa mận ở Mộc Châu, tôi tình cờ nghe được câu chuyện về người đàn ông có 3 vợ và có tới 15 đứa con. Ấy là ông Mùa A Tu (SN 1958, ở bản Bún, Tân Xuân, Mộc Châu, Sơn La), nhiều người vẫn gọi ông là người đàn ông “đa tình” nhất cái xứ Mộc Châu tươi đẹp.

Vợ và con của người đàn ông đa tình Mùa A Tu 

Từ trung tâm của thị trấn Mộc Châu, vượt qua những con đường ngoằn nghèo, uốn lượn với những con dốc nối nhau dài thăm thẳm, sau hơn 2 tiếng đồng hồ, tôi cũng đến được nơi ở của ông Mùa A Tu. Bản Láy như một góc đã bị thế giới lãng quên, nơi đây vẫn còn nguyên vẹn những nét hoang sơ của núi rừng Tây Bắc.

Những nóc nhà sàn thấp lè tè, chìm khuất dưới những tán cây rậm rạp, thấp thoáng bóng những người dân tộc đang miệt mài địu gò trên lưng lên nương làm rẫy. Một vài đứa trẻ ăn mặc mỏng manh giữa trời giá lạnh đang tụ tập cùng nhau chơi trên phiến đá to nằm chình ình ngay giữa bản. Tôi bước đến trước căn nhà sàn của Mùa A Tu, đã thấy lố nhố một tốp toàn phụ nữ và trẻ em.

Có lẽ vì rất ít khi được gặp khách lạ nên họ tỏ ra hết sức ngỡ ngàng. Hỏi ra mới biết trong số đó có 2 bà vợ và 7 người con của ông Mùa A tu đang ngồi quây quần bên nhau để may vá đồ dùng cho mùa đông.

Trong số đó còn có cả bà Hà Thị Sai (80 tuổi) mẹ của Mùa A Tu. Thấy có người tìm, bà Sai dù đã bước qua cái tuổi “thất thập cổ lai hi” vẫn nhanh nhẹn rảo bước đi gọi con trai đang sang nhà bạn chơi ở cách đó không xa.


Trong căn nhà sàn đơn sơ, Mùa A Tu châm lửa ở bếp để xua đi cái giá lạnh của mùa đông. Tủm tỉm cười khi kể về “chiến tích” 3 vợ và 15 đứa con của mình, ông Tu bảo rằng, ông vốn sinh ra ở xã Tà Xùa, Bắc Yên, Sơn La, tới năm 12 tuổi, bố mẹ đã tính đến chuyện cưới xin cho ông và người vợ đầu tiên là bà Thào Thị Chi, ở xã kế bên.

Khi ấy, vợ của Mùa A Tu cũng mới chỉ 15 tuổi. Do còn quá trẻ nên sau khi thành hôn, Mùa A Tu chưa biết làm lụng gì cả, chỉ biết rằng, lấy vợ về thì có người đi làm nương cùng, cho bố mẹ đỡ vất vả.

1 năm sau đó, Mùa A Tu chính thức làm bố khi mới 13 tuổi, vợ sinh hạ một cô con gái đầu lòng, rồi tiếp sau đó, đều đặn mỗi năm, vợ chồng Mùa A Tu lại đón nhận thêm một thành viên mới. Tuy nhiên, sau khi đẻ đến đứa thứ 5 vẫn là con gái, Mùa A Tu bảo vợ không đẻ nữa vì biết vợ khó sinh được con trai.


Lấy 3 vợ đẻ 15 đứa con

Ngặt một điều là theo phong tục của người dân tộc Mông, không có con trai để nối dõi, thờ cúng tổ tiên là một điều hết sức cấm kị, bởi vậy nên không chỉ Mùa A Tu mà ngay cả vợ ông là Thào Thị Chi lúc nào cũng canh cánh nỗi lo về con cái.

Tới năm 1984, hai vợ chồng ông cùng 5 con gái chuyển về bản Láy để định cư, tại đây, ông Tu đã có cuộc gặp gỡ với bà Thào Thị Mỗ.

Chỉ sau một lần gặp mặt, hai người đã bén duyên và thầm thương trộm nhớ nhau. Hiểu được việc cần thiết có con trai, lại thêm biết được bụng dạ chồng, chẳng để chồng phải mở lời, bà vợ cả Thào Thị Chi đã chủ động đi hỏi vợ hai cho chồng.


Lúc kể đến đây, tôi quay sang trò chuyện với bà Chi, bà cười bảo rằng, người Mông từ bao đời nay nếu không sinh được con trai thì có tội với ông bà, tổ tiên lắm.

"Mình không sinh được con trai thì phải đi kéo vợ khác về cho chồng... Việc kéo vợ cũng chả khó khăn gì, cùng là đàn bà sang nói chuyện với nhau, tôi hỏi cô Mỗ có đồng ý về ở cùng tôi và ông Tu không, cô ấy gật đầu, vậy là hôm sau dọn dẹp để chuyển sang nhà, hôm đó nhà tôi làm mâm cơm để đón người mới, mọi việc cũng chỉ đơn giản như vậy thôi”, bà Chi giãi bày.


May mắn, sau khi lấy thêm vợ hai, bà Thào Thị Mỗ đã sinh hạ được cho ông Mùa A Tu đứa con trai đầu lòng, đặt tên là Mùa A Sênh. Ngày cậu bé Sênh ra đời, ông Tu sung sướng liền giết trâu, làm lễ tế cúng tổ tiền rồi mời họ hàng đến để ăn mừng.

Những năm sau đó, bà Thào Thị Mỗ tiếp tục sinh cho ông Tu thêm 4 cô con gái và cũng giống như người vợ cả, ông Tu và vợ hai cũng sinh được 5 người con. Từ lúc đó, ông Tu đã nổi tiếng trong vùng vì nhiều con nhất.


Vẫn chưa dừng lại ở đó, câu chuyện của người đàn ông đa tình ở Mộc châu tiếp tục được truyền tai nhau khắp bản Láy khi ông Tu lại bén duyên với một người đàn bà từng được mệnh danh là “hoa khôi” của bản Láy là bà Sồng Thị Xồng. Bà Xồng vốn là một phụ nữ có nhan sắc nổi tiếng, nhưng vì “kén cá chọn canh”, cuối cùng quá lứa, lỡ thì đành ở vậy. T

rong lần gặp nhau khi đi làm trên nương, thấy vẻ đẹp mặn mà của bà Xồng, ông Mùa A Tu không kìm được lòng, hỏi bà Xồng rằng: “Về ở chung một nhà với tôi cho vui”. Câu nói thật thà mà chứa chan tình cảm của A Tu khiến bà Xồng vui vẻ chấp thuận. Vậy là từ ấy, căn nhà của Mùa A Tu có thêm thành viên mới.


Đặc biệt, chẳng kém cạnh hai vợ lớn, cô vợ út Sồng Thị Xồng cũng đẻ cho Mùa A Tu 5 đứa con (3 trai, 2 gái) khiến gia đình ông có tới 15 người con. Hiện tại ông Tu cũng đã có 7 đứa cháu, con gái lớn của ông năm nay cũng đã ngoài 40 tuổi và cũng sinh sống ngay gần nhà ông A Tu.

Nhiều vợ nhưng mái nhà êm ấm

Tâm sự về “bí kíp” lấy lòng phụ nữ, ông Mùa A Tu vui vẻ bảo, chả có gì khó khăn đâu, quan trọng là ở cách nói của mình thôi, cứ nói chuyện chân thành, vui vẻ là các cô ấy thích chứ dù có nhiều trâu, nhiều tiền trong nhà cũng chưa chắc đã lấy lòng các cô được đâu.
Mùa A Tu lấy vợ từ năm 12 tuổi và làm bố năm 13 tuổi 

Đặc biệt về cách để giữ cho gia đình êm ấm khi có tới 3 người vợ và 15 đứa con, ông Tu chia sẻ: “Mình cứ sống sao cho công bằng, không bênh ai, chê ai cả, người nào có lỗi thì cũng chỉ nhẹ nhàng chỉ bảo. Chuyện tình cảm cũng vậy, cứ san sẻ đều ra là các bà ấy đều vui để cảm thấy không ai bị hắt hủi.

Từng ấy năm sống trong nhà, chưa bao giờ có tiếng cãi vã cả, bởi vậy mà chính quyền xã ở đây cũng tạo điều kiện cho tôi, cũng có vài người trong bản chỉ có hai vợ thôi nhưng cũng không ở được vì suốt ngày to tiếng”.


Bà hàng xóm nhà ông Mùa A Tu là Thào Thị Nhĩ cũng hết sức khâm phục ông Tu: “Ở cạnh nhà ông ấy mấy chục năm nay, có bao giờ thấy trong nhà lục đục gì đâu, sáng nào chẳng thấy mấy bà vợ ông ấy cùng nhau lên nương đi làm rồi lại về nhà cùng nhau nấu nướng, giặt giũ, cuộc sống hết sức hạnh phúc. Chúng tôi ở đây đều khâm phục ông Mùa A Tu lắm”.

Vì đông con nhiều cháu quá nên đến chính bản thân Mùa A Tu cũng chẳng nhớ nổi hết tên của chúng. Ngay cả khi tôi bảo ông kiểm đếm ra, ông đành phải nhờ đến mấy bà vợ và con cái tới hỗ trợ.

Thấy nhà đông con, đông cháu như vậy, tôi hỏi ông A Tu có khi nào nhà thiếu thốn, vợ và con cháu phải nhịn đói không, ông A Tu cười lớn bảo rằng: “Chẳng khi nào đói cả, lúc nào cũng đầy thóc trong nhà, mấy bà vợ tôi siêng lắm, lại mát tay nữa, trồng gì được nấy. Mấy đứa con lớn cũng chăm chỉ nên không bao giờ lo thiếu cái ăn, cái mặc”.


Cũng vì nhiều người quá, đại gia đình ông Mùa A Tu đã gần 30 người nên ông phải thuê người dựng thêm một căn nhà sàn khác để có thêm không gian sống cho các thành viên.

Về việc ông Mùa A Tu lấy nhiều vợ, ông Đinh Công Quán, Chủ tịch xã Tân Xuân cho biết rằng: “Chúng tôi cũng có nhiều lần tuyên truyền với ông ấy rằng nên giữ đúng nếp sống một vợ một chồng thôi nhưng ông Tu bảo rằng các bà vợ đều thương ông ấy rồi tự nguyện đến ở cùng.

Thêm nữa vì gia đình ông Tu chẳng bao giờ xảy ra mâu thuẫn gây ảnh hưởng đến hàng xóm láng giềng nên chính quyền địa phương cũng chỉ nhắc nhở chứ không xử phạt”.


Tôi định rời khỏi bản Bún vào lúc sương chiều vừa giăng nhưng ông Mùa A Tu tha thiết giữ lại để cùng ông ăn một bữa cơm tối với sự góp mặt đông đủ cả gia đình. Khó thể khước từ, tôi đành thuận theo ý ông A Tu và biết rằng sẽ có một đêm say trong men của rượu ngô bản Láy…

Theo Mặc Phong – Kinh Vân/ Infonet
Bình luận
vtcnews.vn