Người đàn bà sau giọng đọc VOV khiến giặc Mỹ run sợ

Thời sựThứ Bảy, 03/09/2016 14:52:00 +07:00

Thế hệ sống qua chiến tranh chống Mỹ từng nghe “Đây là tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, Thủ đô nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”. Đó là giọng của Việt Khoa, được phong là Levitan của Việt Nam

Nếu ai đọc lịch sử chiến tranh vệ quốc của Liên Xô đều nhớ đến Yuriy Levitan. Ngày phát xít Đức (1941) tấn công Liên Xô, Levitan đã đọc bản thông báo quan trọng về cuộc chiến. Trong thời gian chiến tranh, ông đọc tin về tình hình chiến sự trên các mặt trận với giọng hùng hồn, động viên binh lính, thách thức kẻ thù.

Nguyên soái Rokossovskiy coi giọng Levitan có sức mạnh bằng một sư đoàn. Hitler coi ông là kẻ thù số 1, Stalin là kẻ thù số 2 và đã treo giải 250.000 mác cho ai lấy được đầu Levitan, vào được Moscow sẽ cắt lưỡi ông.

Thế hệ sống qua chiến tranh chống Mỹ từng nghe “Đây là tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, Thủ đô nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”. Đó là giọng của Việt Khoa, được phong là Levitan của Việt Nam. Sau mỗi trận ném bom của Mỹ là một bài bình luận nẩy lửa trên đài mà người Mỹ cũng muốn “diệt khẩu”.

Năm 1972, pháo đài bay B52 rải thảm bom xuống khu vực đài Mễ Trì và Bạch Mai, phá huỷ hai cơ sở phát sóng lớn tại Hà Nội. Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) ngừng phát sóng 9 phút. Nhưng chỉ lát sau, giọng Việt Khoa lại vang lên.

Le Thi Hop

Bà Lê Thị Hợp

Tôi quen biết gia đình còn ở phố Trương Hán Siêu do làm việc với con gái của bác ấy là Đỗ Việt Nga. Khách tới nhà được hai bác tiếp đãi ân cần, gia đình bận làm thêm, gói kẹo, bóc lạc, chúng tôi ngồi giúp, chuyện trò rất vui. Rồi cứ nghĩ, người nổi tiếng như Việt Khoa mà bà vợ phải tần tảo thế.

Nhân chuyện VOV báo in nhờ viết bài, tôi chợt nhớ ra bác gái hiện đã 90 tuổi sống ở cuối đường Hoàng Quốc Việt. Dễ đến 20 năm không gặp, thế mà mở cửa bác đã nhận ra.

Câu chuyện trở về những năm xưa ở Thanh Hóa trong kháng chiến. Chàng trai mồ côi Đỗ Trọng Thuận gặp thiếu nữ Lê Thị Hợp trong những cuộc họp mà anh Thuận đi tuyên truyền cách mạng cho hội phụ nữ Quảng Xương do chị Hợp làm chủ tịch.

Bén duyên rồi xin phép cưới, dù bên nhà gái không đồng ý do hoàn cảnh của anh Thuận nhưng họ đến với nhau không có gì cản nổi.

Năm 1951, anh Thuận được sang Liên Xô làm cho Ban tiếng Việt của đài phát thanh Moscow. Tiếng Nga không biết, anh nhận tin bằng tiếng Pháp, dịch ra rồi đọc trên đài, một mình làm mấy vai. Sau học tiếng Nga rồi được anh Quế Lâm sang giúp, công việc nhẹ hơn.

Năm 1953, chị Hợp sang Moscow và tổ chức cưới tại đây với sự chứng kiến của ông Nguyễn Lương Bằng và bạn học. Gia đình cũng được cụ Hồ thăm ở Moscowdo cụ nghe tiếng Việt Khoa khá nổi thời đó.

Các con Việt Nga, Việt Khoa lần lượt ra đời, tên được ghép với Mạc Tư Khoa, nước Nga để kỷ niệm tình thân hai nước. Việt Khoa trên VOV do bác Thuận lấy tên của cậu con trai. Năm 1959, bác gái đưa hai con về nước vì sợ ở lâu thành người Nga. Hai năm sau (1961), bác Việt Khoa về nước làm cho VOV từ thời của Giám đốc Trần Lâm.

Giữa những năm 1980, tới chơi nhà được bác Việt Khoa kể những năm tháng trong đài. Ngoài chuyện đọc tin, bình luận, bác thường để ý các tin viết có chính xác hay không. Đôi lúc bác đề nghị biên tập lại cho đúng vì tính cẩn trọng. Những cây viết hồi đó rất tự hào nếu được Việt Khoa đọc trên đài vì giọng ông thổi hồn vào bài viết, đi vào lòng người.

Bác Hợp kể, thời B52 đánh phá Hà Nội, bác Việt Khoa ở luôn bên đài, hình như có cái hầm nào đó khá an toàn bên Quán Sứ. Đợi tin tức, bình luận quan trọng, bác Việt Khoa phải đọc. Cả tuần mới về nhà một lần. Mỗi lần im tiếng bom, bác gái cứ ngóng giọng chồng, liệu ông ấy có làm sao. Nhưng đây rồi, ông ấy đây, đang nói nghĩa là không việc gì.

Thời gian cụ Hồ mất, tất cả các tin tức quan trọng, cáo phó, lời chia buồn, bình luận đều phần lớn nhờ vào ông. Việt Nga đi sơ tán ở Vĩnh Phú, đang đi với bạn trong làng bỗng nghe loa trên cây liền khoe, bố tớ nói đấy.

Gặp bác Hợp mới hiểu thêm về nỗi gian truân xuyên thế kỷ. Dù đã 90 tuổi nhưng bác vẫn nhớ các sự kiện như in. Những ngày lo từng miếng ăn cho cả nhà. Bà bảo, ông bôn sê vích lắm, lương đưa hết cho vợ. Làm thêm được chút nào ông cho vào quĩ cho tổ nói dùng chung.

Bác bươn chải lo làm thêm, từ may vá, bóc lạc, dán lọ cao, làm kẹo ngọt đi bỏ mối. Bác đùa, nhà này từng móc túi để sống, nhưng móc lương thiện, nghĩa là khâu móc thuê những cái túi lưới để lấy vài hào mỗi tối.

Việt Nga sang Bulgaria làm nghiên cứu sinh. Em bỏ rất nhiều công sức để mua hàng gửi về cho mẹ, bà bán đi và lại đánh hàng sang. Cứ thế hai mẹ con mua được đất, xây được nhà, dường như đàn bà nước này toàn phải gánh vác giang sơn.

Kể lại chuyện xưa, bà tự hào vì yêu ông, lấy nhau không có đồng xu dính túi, nhưng vẫn làm nên cơ nghiệp, giúp chồng thành đạt. Khó mà có giọng Việt Khoa nếu không có tình yêu vô bờ của người đàn bà lặng lẽ này.

Số phận không may, chồng mất năm 1990, rồi vài năm sau con trai mất, và mấy năm trước em Việt Nga cũng ra đi. Hiện bà ở với con rể và coi anh như con trai của bà.

Trước khi mất, bác Việt Khoa trăng trối, đời ông thật may mắn có bà, chỉ ân hận không nói từ đầu là ông hơn bà tới…6 tuổi. Bà cười hiền, trời ơi, tuổi tác đâu có quan trọng, chúng ta có tình yêu chắp cánh.

Thắp một nén hương cho bác và hai em đã gặp nhau ở thiên đường. Đứng lặng trong mùi hương, tôi như nghe tiếng nhạc trầm hùng “Đây là đài tiếng nói Việt Nam…”  như thời đạn bom.

Phát thanh viên Việt Khoa huyền thoại với tiếng nói có sức truyền cảm sẽ vang vọng mãi với thời gian mà phía sau là người đàn bà tần tảo như số phận đất nước này.

Nguồn: Hiệu Minh/VOV
Bình luận
vtcnews.vn