Người đàn bà Hà Nội bị quyến rũ bởi… ngựa bạch Tây Tạng

Phóng sự - Khám pháThứ Hai, 08/11/2010 06:00:00 +07:00

(VTC News) - Chị Hằng đã bị loài ngựa bạch Tây Tạng, với bộ lông trắng như bông, đôi mắt đỏ lòm như đốm lửa về đêm quyến rũ.

(VTC News) - Chị Hằng đã bị loài ngựa bạch Tây Tạng, với bộ lông trắng như bông, đôi mắt đỏ lòm như đốm lửa về đêm quyến rũ.

Nêu ý tưởng nuôi ngựa, chị Nguyễn Thị Hằng nhận được sự động viên của các chú, các bác, là những giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư hàng đầu của Hội Thú y Việt Nam. Những người nghiên cứu nhiều năm về con ngựa đều nhận thấy nuôi ngựa vừa dễ, lại cho hiệu quả kinh tế cao.

Người nâng đỡ chị Hằng nhiều nhất là bác sĩ Hoàng Triều – ủy viên Thường vụ BCH Trung ương Hội Thú y Việt Nam. Ông đã cung cấp nhiều tài liệu về con ngựa cho chị Hằng, rồi trực tiếp giúp chị từ việc chọn con giống, kỹ thuật nuôi dưỡng, trị bệnh, thậm chí là nấu cao.

Chị Hằng và khách tham quan thích thú chụp hình cùng ngựa bạch. 

Những ngày đi tìm ngựa thật gian nan, song mang lại cho chị Hằng nhiều kinh nghiệm bổ ích. Chị cùng bác sĩ Hoàng Triều lên tận Lạng Sơn, Cao Bằng, vào các làng bản xa xôi để tìm giống ngựa tốt. Chính trong những ngày ở Lạng Sơn, Cao Bằng, chị đã được tận mắt loài ngựa bạch Tây Tạng tuyệt đẹp. Chị đã bị loài ngựa trắng như bông, với đôi mắt đỏ lòm như đốm lửa về đêm này quyến rũ.

Loài ngựa bạch Tây Tạng đã được nông dân vùng Lạng Sơn, Cao Bằng nhập về nuôi dưỡng, nhân giống, song thành công rất ít. Có vẻ như loài ngựa này không hợp với khí hậu Việt Nam.

Ngoài việc nuôi ngựa đỏ, ngựa kim thuần chủng của Việt Nam, thì chị tập trung nghiên cứu về con ngựa bạch Tây Tạng. Chị nhận thấy đây là loài vật thuộc dạng quý hiếm. Theo các tài liệu cổ của Trung Quốc, xưa kia, con ngựa bạch Tây Tạng là thứ dùng để cống nạp triều đình, là món ăn bổ dưỡng của vua chúa. Ngựa bạch Tây Tạng sống trên độ cao trên 3.000m, ăn các loại thảo dược quý, trong đó có loại cỏ sinh đông trùng hạ thảo, nên thịt, xương đều có giá trị cực cao. Cao xương ngựa bạch là thực phẩm cực tốt, chỉ đứng sau cao hổ. Huyết thanh ngựa bạch là phương thuốc quý, phổi ngựa bạch là thần được trị ho, hen suyễn. Thậm chí, những viên sỏi trong dạ dày ngựa bạch cũng có tác dụng chữa co giật, điên cuồng, động kinh…

Công nhân chăm sóc ngựa bạch. 

Biết chuyện chị Hằng có ý định nuôi ngựa bạch Tây Tạng, không ít người đã cười nhạo. Nuôi con gà, con vịt còn chẳng thành công, nói gì nuôi loài ngựa có xuất xứ từ tận đẩu tận đâu. Loài ngựa vốn sống trên độ cao 3.000m đến 5.000m, ở vùng quanh năm lạnh giá, lại ăn những cây cỏ đặc trưng như những vị thuốc, thì làm sao có thể phù hợp với khí hậu nóng ẩm, đồng bằng như ở bãi sông Hồng?

Ở nước ta đã có không ít gương thất bại khi nuôi loài ngựa này. Một thời, người nổi tiếng và đình đám nhất là Bác sĩ Nguyễn Hữu Trọng. Ông đã lập dự án, xin cả ngàn ha rừng trên vùng Yên Lập (Phú Thọ) để nuôi ngựa bạch Tây Tạng. Vùng đất này có độ dốc cao, khí hậu lạnh, nhiều cây cỏ quý làm nguồn thức ăn. Tuy nhiên, dự án đã không thành công khi việc nhân giống thất bại, loài ngựa bạch rất chậm lớn.
 

Rồi một doanh nghiệp có tên V.C., kinh doanh cao nổi tiếng ở Việt Nam, mà nhắc đến tên hầu như ai cũng biết, cũng đã thất bại trong việc nhân giống, nuôi dưỡng loài ngựa này. Để có cao bán ra thị trường, doanh nghiệp này phải săn lùng từng con ngựa trong các làng bản, đặt mua từ Trung Quốc. Không có trại nuôi ngựa, ai mà biết được nguồn gốc của loại cao quảng cáo rùm beng này từ đâu đến.

Thậm chí, trại ngựa Bá Vân ở Thái Nguyên của Nhà nước, nơi các “chuyên gia ngựa” hàng đầu Việt Nam đã dày tâm nghiên cứu, nuôi dưỡng theo phương pháp rất khoa học con ngựa bạch, song cũng thất bại. Sau 5 năm nghiên cứu, thực nghiệm bằng ngân sách Nhà nước, các nhà khoa học đã kết luận tỉ lệ sinh sản thành công của ngựa cái chỉ đạt 20%. Như vậy là thất bại nặng nề rồi.

Loài ngựa bạch Tây Tạng rất dễ nuôi vì chúng háu ăn. 

Mặc dù bị mọi người can ngăn, song chị Hằng vẫn có niềm tin son sắt vào con ngựa bạch Tây Tạng. Chị bảo, những việc khó luôn có ma lực cuốn hút chị.
Ngựa bạch Tây Tạng sống trên độ cao 3.000m - 5.000m so với mặt nước biển, ăn những loại thảo dược quý như cỏ sinh đông trùng hạ thảo, ăn nấm linh chi mọc trên phân dê, nên mọi thứ của con ngựa đều biến thành những biệt dược hiếm có ở đời. Bởi thế, hàng ngàn năm nay, Tây Tạng vẫn là nguồn cung cấp ngựa bạch chủ yếu cho Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Triều Tiên, Đài Loan… Người ta dùng ngựa bạch làm thực phẩm, thực phẩm chức năng, chế biến các vị thuốc quý cho người giàu sử dụng.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Trọng

Thế rồi, một thân một mình chị Hằng lặn lội lên vùng rừng núi Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai lùng mua ngựa bạch thuần chủng của Tây Tạng. Những năm 2006-2007, ngựa đỏ, ngựa kim chỉ vài triệu đồng một con, song ngựa bạch Tây Tạng có giá 50 đến 60 triệu đồng. Chị phải cầm cố nhà cửa, vay nợ khắp nơi để săn lùng loài ngựa này.

Tuy nhiên, thời điểm đó, loài ngựa bạch thuần chủng Tây Tạng ở nước ta rất hiếm. Do đó, chị Hằng phải lặn lội sang tận Tây Tạng chọn giống, rồi vận chuyển trên chặng đường 5.000km về Việt Nam. Dặm trường thân nữ vất vả, khổ cực cũng không ngăn được đam mê của chị.

Những ngày đầu, việc nuôi ngựa bạch Tây Tạng rất khó khăn. Đàn đầu tiên chị mang về gồm 10 con. Sau một tháng nuôi dưỡng thì chết mất 9. Trâu bò gà lợn chết thì đem chôn, nhưng ngựa chết thì vẫn lấy được xương nấu cao, thiệt hại không đáng kể.

Qua quá trình nghiên cứu, tìm hiểu, chị thấy loài ngựa tuy rất khỏe, song đã mắc bệnh là rất dễ chết. Vì chúng rất khỏe, nên khi mắc bệnh, chúng vẫn ăn uống, đi lại, chạy nhảy bình thường, do đó người nuôi không phát hiện ra. Khi bệnh nặng, chúng sẽ đột ngột ngã quỵ và chết.

Chú ngựa bạch mới sinh. 

Vì loài ngựa ruột thẳng, nên căn bệnh đau bụng là nguy hiểm nhất. Khi nó đau bụng thì việc đơn giản nhất là ngừng cho ăn, tiêm thuốc liều cao. Đợi đến khi nó khỏe hẳn, mới cho ăn từ từ. Phần lớn người nuôi ngựa lầm tưởng bệnh đau bụng của ngựa là cảm, nên càng bồi dưỡng cho ăn nhiều hơn. Khi con ngựa đang đau bụng mà ăn vào, bụng càng trướng to và chết càng nhanh.

Ngoài ra, con ngựa hay mắc bệnh nhiễm trùng máu. Da ngựa mỏng, nếu xước là bị dòi bọ tấn công dẫn đến nhiễm trùng máu, rất dễ chết. Mỗi năm chỉ cần tiêm phòng 1-2 lần là đảm bảo an toàn.

Khắc phục được 2 căn bệnh là đau bụng và nhiễm trùng máu, thì việc nuôi ngựa bạch rất dễ dàng.


Còn tiếp…

Phạm Ngọc Dương



 Mọi lúc, mọi nơi mỗi người trong chúng ta đều có thể lập tức giúp đỡ được cho đồng bào miền Trung.

Nhắn tin theo cú pháp đơn giản UHgửi 1405 (10.000đ/tin) hoặc UH gửi 1409 (18.000đ/tin) của Cổng thông tin nhân đạo quốc gia là bạn đã hành động thiết thực để cứu trợ đồng bào miền Trung ruột thịt.


Bình luận
vtcnews.vn