Chuyện xưa chép lại

Người cựu binh Vị Xuyên có tấm lòng Bồ Tát

Thứ Tư, 27/07/2022 06:45:00 +07:00

(VTC News) - Canh cánh trong lòng khi hàng ngàn liệt sỹ đang nằm lại nơi "đỉnh cao thung sâu", ông Cù Văn Thanh xin nghỉ hưu sớm để thực hiện những chuyến đi tri ân đồng đội.

Một ngày giữa tháng 7, trong căn nhà 5 tầng khang trang ở ngõ 47 Nguyễn Khoái, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội, ông Cù Văn Thanh cẩn thận kiểm lại gần chục thùng hàng, bao gồm quần áo, giày dép mới… Ông bảo đó là quà của những nhà hảo tâm gửi để tặng cho bà con nghèo vùng biên giới Hà Giang.

“Qua nhiều lần giúp bà con Hà Giang nơi chiến trường xưa, nhiều người quen ở Hà Nội và một số tỉnh lân cận cũng muốn góp sức, họ gửi quà hoặc tiền mặt để mình chủ động mua. Tôi phụ trách luôn việc chia quà, đóng gói, sau đó liên hệ điểm tặng, thuê ô tô chở lên”, ông Thanh nói.

Đầu tháng 8 tới, người cựu chiến binh từng 5 năm tham gia mặt trận Vị Xuyên sẽ thực hiện chuyến đi lên thôn Nặm Ngặt (xã Thanh Thuỷ, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang) để trao quà cho gần 60 hộ gia đình khó khăn nơi địa đầu Tổ quốc.

"Nặm Ngặt là vùng sâu, vùng xa, giáp cột mốc 259, rất vất vả. Tôi vẫn đang vận động thêm vài nhà tài trợ để có nhiều phần quà, động viên bà con sống giáp đường biên, nơi mà trước kia những người chiến binh từng chiến đấu bảo vệ chủ quyền của đất nước. Mỗi lần nhận quà tài trợ hay mua đồ, tôi rất cẩn trọng với mặt hàng thực phẩm, phải luôn đảm bảo chất lượng, an toàn. Gặp phải đồ giả, bà con ăn mà xảy ra ốm đau, bệnh tật thì rất ảnh hưởng sức khỏe và uy tín của những cựu chiến binh", ông Thanh bộc bạch.

Người cựu binh Vị Xuyên có tấm lòng Bồ Tát - 1

Ông Thanh (bên phải) thường xuyên tổ chức các hoạt động thiện nguyện, trao quà cho bà con vùng biên giới Hà Giang.

Đau đáu nỗi nhớ Vị Xuyên

Cựu chiến binh Cù Văn Thanh sinh năm 1966, nguyên là chiến sỹ C5-D2-E141-F312. Ông Thanh nhập ngũ tháng 2/1985, đóng quân tại Thái Nguyên. Cuối năm 1985, khi chiến sự diễn ra ác liệt tại Vị Xuyên, đơn vị từ quân đoàn 1 hành quân tăng cường phòng ngự tại khu vực Thanh Thuỷ, nhận nhiệm vụ vận tải chiến trường.

“Tôi và các đồng đội thuộc tiểu đội vận tải nhận cơm nắm, cơm sấy, nước, dầu hoả… từ ngã ba Thanh Thuỷ chuyển đến khu 4 hầm. Tuyến vận tải này phục vụ trực tiếp tới chiến hào chiến đấu. Đường vận tải chỉ 2 km nhưng toàn dốc cao, lại ngoằn ngoèo, đi trên đá lởm chởm. Nhiều đoạn như treo trên vách đá. Pháo địch thường xuyên bắn chặn nên chỉ hoạt động vào ban đêm, mỗi đêm chỉ đi được một chuyến”, ông Thanh kể.

Ngoài vận chuyển lương thực, thực phẩm, ông Thanh và đồng đội còn có nhiệm vụ đưa các chiến sĩ bị thương, chiến sĩ hy sinh về căn cứ.

“Điều đau lòng, ám ảnh nhất của một người lính vận tải là sau khi  chuyển hàng xong, về phải mang theo đồng đội. Anh em hy sinh, không đem ra được ngay, nếu mất ban ngày thì phải đợi đến tối, có khi đợi vài ba ngày. Vết thương hở, máu tươi, bắt đầu phân huỷ, có mùi, mấy anh em vận tải phải bôi cao sao vàng lên mũi để đưa đồng đội ra làng Pinh.

Chúng tôi đặt đồng đội nằm trên võng, vừa đi vừa khấn 'Quê ơi quê, phù hộ độ trì cho chúng tôi được đưa quê về quê nhà'. Chúng tôi, thường gọi nhau bằng tiếng quê ơi' thân thương”, ông Thanh chia sẻ.

Trận chiến ác liệt đến mức trong ký ức của người đàn ông này là những tiếng nổ đinh tai nhức óc và hình ảnh đồng đội bị trúng đạn nằm ở những điểm cao, khi ông tải lương thực lên. Ông Thanh nói, lúc đó, pháo địch bắn sang dày đặc, cả một quả đồi bị bạt hẳn đi, những núi đá bị nung chảy thành vôi. 

"Hàng trăm nghìn tấn đạn pháo đã đổ xuống mặt trận Vị Xuyên, hơn 4.000 cán bộ, chiến sĩ, đồng bào ta đã anh dũng hy sinh mà phần lớn trong số họ mới trên dưới 20 tuổi. Hàng trăm thôn bản bị xóa sạch. Hàng nghìn héc ta ruộng vườn, đồi núi bị cày xới, đầy bom mìn, vật nổ…", ông Thanh nói mà giọng như nghẹn lại.

Tháng 4/1988, ông Thanh được rút khỏi mặt trận Vị Xuyên, trở về Hà Nội và gia nhập lực lượng Thanh niên xung kích thuộc Thành đoàn Hà Nội. Tháng 7/2003, ông chuyển về cơ quan Thanh tra Giao thông TP Hà Nội.

“Sau chiến tranh, mỗi người một nơi, mỗi người một công việc. Phần bận bịu lo cho cuộc sống, phần không có phương tiện thông tin liên lạc nên một thời gian dài anh em không có tin tức của nhau. Nhưng, điều mà ai cũng canh cánh trong lòng, đó là hàng ngàn đồng đội đang nằm lại ở đỉnh cao, thung sâu của mảnh đất Vị Xuyên.

Đến khoảng tháng 7/2014, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã mời đại diện các cựu chiến binh tham gia mặt trận Vị Xuyên đến gặp mặt tại Phủ Chủ tịch. Cuộc gặp với Chủ tịch nước đã thắp lên trong trái tim những người lính năm xưa nhiều dự định”, ông Thanh bộc bạch.

Được sự kết nối của Ban liên lạc mặt trận Vị Xuyên - Hà Giang, đầu năm 2015, ông Thanh trở lại chiến trường xưa sau gần 30 năm. Kể từ đó, một năm ít nhất 4 lần vào các ngày 12/7, 27/7, 22/12 và Tết âm lịch, ông Thanh theo ô tô khách Hà Nội – Hà Giang lên thắp hương cho các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh tại Nghĩa trang Quốc gia Vị Xuyên và Nhà tưởng niệm trên điểm cao 468 (huyện Thanh Thuỷ), cùng đó là tặng quà cho bà con nhân dân vùng biên.

“Năm 2015, tôi đang công tác tại Thanh tra Giao thông TP Hà Nội, mỗi lần xin nghỉ để đi Vị Xuyên thì lại mất thi đua. Có thể nếu rơi vào trường hợp người khác sẽ xảy ra việc xích mích giữa vợ chồng, còn tôi may mắn khi vợ hiểu được những day dứt, mong muốn tri ân đồng đội đã ngã xuống”, ông Thanh nói.

Người cựu binh kể, sau quãng thời gian chứng kiến ông vất vả giờ hành chính thì làm việc cơ quan, hết giờ lại đi khắp Hà Nội xin tài trợ để tổ chức các chương trình thiện nguyện, vợ đã khuyên ông nghỉ hưu sớm.

“Khi vợ gợi ý, tôi không hề đắn đo, có lẽ nghỉ hưu trước tuổi là quyết định chóng vánh nhất của cuộc đời tôi. Tôi viết đơn xin nghỉ hưu từ tháng 4/2019 và có quyết định chính thức của cơ quan ngày 31/8/2019”, ông Thanh nhớ lại.

Sau khi nghỉ hưu, ông dành phần lớn thời gian cho các hoạt động hướng về Hà Giang: “Không chỉ gợi ý và tán thành việc tôi nghỉ hưu, vợ còn là người đồng hành trong các chuyến thăm viếng đồng đội và tặng quà cho bà con nơi chiến trường xưa. Vợ chồng tôi kết hợp cùng nhóm anh chị Nhà 9 (nhóm gồm 9 gia đình cựu chiến binh thuộc Sư đoàn 312, 313, 314, 356) đi tặng bà con cái chăn, chiếc phích, những bộ quần áo ấm, đôi dép cho các cháu thiếu nhi… Nhìn bà con, các cháu bé ôm khư khư quà tặng, tôi thấy vui, thanh thản và hứa với bản thân phải giúp họ nhiều hơn nữa. Tôi sẽ đi, sẽ tri ân đồng đội, tri ân người dân nơi chiến trường xưa cho đến khi sức cùng, lực kiệt”.

Người cựu binh Vị Xuyên có tấm lòng Bồ Tát - 2

 

Tôi sẽ đi, sẽ tri ân đồng đội, tri ân người dân nơi chiến trường xưa cho đến khi sức cùng, lực kiệt.

Ông Cù Văn Thanh

Trong suốt 8 năm, ông Thanh trở lại Hà Giang gần 50 lần, nhưng mỗi chuyến đi lại mang cảm xúc khác nhau.

"Chắc chắn không thể nhớ nổi chi tiết của từng chuyến đi, nhưng tôi sẽ không bao giờ quên những ngày đầu tháng 2/2015, lần đầu tiên trở lại Vị Xuyên – Hà Giang sau gần 30 năm, trở lại nơi tôi và đồng đội đã giữ gìn từng tấc đất cho Tổ quốc”, ông Thanh xúc động nói.

Lần đầu về lại chiến trường xưa

Ngày 5/2/2015, ông Cù Văn Thanh khoác lên mình bộ quần áo bộ đội kiểu xuân hè vải gabadin, gắn quân hàm thượng sỹ, trên vai là chiếc bình đựng hoa huệ, hương sào (loại hương trầm thơm dài 1 m). Ông rời nhà từ lúc 4h30 sáng, đích đến là bến xe Mỹ Đình để bắt chuyến xe lên Hà Giang, trở về với chiến trường Vị Xuyên sau gần 30 năm.

Người cựu binh Vị Xuyên có tấm lòng Bồ Tát - 3

Hành trang ông Thanh mang theo khi lên Hà Giang thăm đồng đội luôn có chiếc bình đựng hoa huệ, hương sào được mua tại Hà Nội. (Ảnh chụp ngày 6/2/2015).

Sau gần 7 tiếng di chuyển, 13h30, xe dừng tại Bến xe khách Hà Giang. Ông Thanh bắt xe ôm về nhà khách Hà An nằm trên đường Trần Hưng Đạo, TP Hà Giang. 

Đón vị khách từ Hà Nội là cô Trần Thị Chiên - Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Công an tỉnh Hà Giang - người chuyên giúp đỡ, kết nối các cựu chiến binh quay trở lại mặt trận Vị Xuyên. Sau đó, nhiều cựu chiến binh khác quê ở Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Tuyên Quang, Nghệ An… cũng có mặt.

“Chúng ta ở đây thật sự là những người may mắn, còn sống, được trở về với gia đình. Và hôm nay, sau gần 30 năm, chúng ta trở lại đây, thăm lại chiến trường xưa”, ông Thanh nói rồi ôm từng đồng đội, mắt rưng rưng.

Cả buổi chiều tối hôm đó, họ kể lại câu chuyện về những buổi đêm ra điểm cứ, đơi đặt kho hậu cần của đơn vị để nhận hàng, theo mệnh lệnh đi từng tiểu đội, gùi gạo muối, dầu hoả đi vào các chốt H1, H2, H3, H4 là điểm tiền tiêu. Rồi câu chuyện đồng đội chia nhau miếng cơm nắm, cốc trà chốt…

6h sáng hôm sau, đoàn gồm 15 người di chuyển bằng ô tô vào Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên, cách TP Hà Giang khoảng 20 km.

Tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên, ông Thanh lấy 30 bông hoa huệ mang lên từ Hà Nội đặt lên bàn thờ nhà tiếp linh, 30 bông dâng ra đài độc lập, cùng với đó là các lễ vật như hoa quả, bánh kẹo, thuốc lào, thuốc lá, gạo muối lương khô, mì tôm, chỉ khâu, tổ tôm, tú lơ khơ, giấy viết thư, bút bi, phong bì, báo giấy (báo Nhân Dân, Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội Mới)… 

Người cựu binh Vị Xuyên có tấm lòng Bồ Tát - 4

Đồ lễ ông Thanh chuẩn bị cho các liệt sỹ có cả những tờ báo.

Dâng lễ, thắp hương cho từng ngôi mộ, chẳng ai bảo ai, những lời hát trong bài "Đồng đội ơi" - bài hát truyền thống của những người lính tại chiến trường Vị Xuyên - vang lên cùng những tiếng nấc: “Tôi gọi mãi sao đồng đội không thưa/Mưa cứ rơi gió cứ gào cứ thét/Mà cứ thẳng hàng ngang hàng dọc/Hết giặc rồi sao không dậy mà vui…”.

“Mấy chục năm rồi đồng đội ơi, giờ đây chúng tôi mới vào được. Chúng ta là những người chiến binh, cùng chung một chiến hào, gìn giữ từng tấc đất nơi địa đầu Tổ quốc. Chúng tôi may mắn được trở về sau cuộc chiến, và giờ chúng tôi có mặt ở đây. Chúng tôi hứa sẽ làm những gì tốt đẹp nhất để tri ân đồng đội, để vơi đi nỗi đau của những vợ, con, cha mẹ của các đồng đội đã hy sinh. Chúng tôi mong muốn sớm tìm được những đồng đội còn nằm sâu trong đất đá, trả lại tên cho các anh, đưa các anh về với nơi được sinh ra và lớn lên. Quê hương luôn vẫy gọi để đón các anh về.

Dâng lên gói thuốc, bộ bài, chiếc bút, phong thư bởi trong thâm tâm chúng tôi luôn nghĩ các anh vẫn tồn tại ở đây. Có cả những tờ báo số ra mới nhất, thứ mà chúng ta không có trong quãng thời gian chiến tranh gian khổ. Tôi nhớ mãi tờ báo cùng đồng đội đọc đi đọc lại trong suốt 2 năm”, ông Thanh nghẹn ngào nói.

Rời Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên, đoàn cựu chiến binh đến với Đài hương 468 thuộc xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên. Đường đến Vị Xuyên đi lại rất vất vả, ô tô không thể vào tận nơi, đoàn phải mượn xe máy của người dân để di chuyển.

Người cựu binh Vị Xuyên có tấm lòng Bồ Tát - 5

Đường vào Vị Xuyên nhỏ hẹp, nhiều điểm lầy lội, phải di chuyển bằng xe máy. (Ảnh chụp ngày 6/2/2015).

Gọi là đường nhưng có những đoạn thực chỉ là lối mòn men theo sườn núi vừa đủ cho hai xe máy tránh nhau. Không những thế, nó lại quanh co, khúc khuỷu lắm ổ gà, ổ voi. Có những đoạn đi qua khe núi, không phân biệt được đâu là lòng suối, đâu là đường đi.

Trong khói hương nghi ngút tại Đài hương 468, ông Nguyễn Xuân Tiến (quê Ninh Bình) kể lại những ngày đêm oanh liệt của quân và dân ta chống trả những đợt mưa bom, bão đạn của quân thù.

“Đêm 11 rạng ngày 2/7/1984, trời Hà Giang mưa lâm râm. Đơn vị nhận được lệnh tấn công giành điểm cao, đẩy lùi quân giặc. Men theo các đường giao thông hào mà quân ta bí mật đào được, hàng trăm chiến sỹ rời vị trí, tiếp cận các tọa độ nằm trong kế hoạch, 772, 468, 685, đồi Cô Ích, điểm cao 233, 400…

Các điểm cao hầu hết địa hình là núi đá, triền núi dựng đứng, đá tai mèo đâm lên tua tủa. Ở những điểm núi đá tai mèo, không đào được công sự, anh em phải lấy bao tải đựng cát rồi phủ lên trên để làm đệm… Quân Trung Quốc từ các điểm cao nã đạn pháo như trút về quân ta. Chỉ trong 1 ngày, 600 chiến sĩ hy sinh. Cũng từ đó, 12/7 trở thành ngày giỗ trận của Sư đoàn 356”, ông Tiến nghẹn ngào kể.

Sau lễ dâng hương tại Đài hương 468, đoàn cựu chiến binh chia tay và hẹn nhau dịp sớm nhất trở lại Vị Xuyên.

Trên chuyến xe từ Hà Giang trở về Hà Nội, ông Cù Văn Thanh đau đáu nghĩ về đồng đội đã hy sinh, về hình ảnh bà con khu vực xã Thanh Thuỷ, Hà Giang bỏ nhà, trâu bò, ruộng đất… để đi sơ tán.

Khi cuộc sống tạm ổn, ông Thanh dành toàn bộ tiền lương của mình, đồng thời vận động đồng chí, đồng đội tổ chức các hoạt động tri ân cho linh hồn các liệt sỹ, tri ân bà con nhân dân nơi chiến trường xưa.

Nhiều năm qua, với ông Cù Văn Thanh, nỗi đau vẫn dai dẳng khi hàng ngàn đồng đội ngã xuống vẫn nằm rải rác khắp các mỏm núi ở chiến trường Vị Xuyên. Ông Thanh coi việc tri ân đồng đội là trách nhiệm, giúp đỡ người dân nơi chiến trường xưa là góp công sức duy trì khẩu hiệu "Ở đâu dân khó, ở đó có bộ đội".

Anh Văn
Bình luận
vtcnews.vn