Người có tiếng phách trạng nguyên

Tổng hợpThứ Bảy, 02/10/2010 08:05:00 +07:00

Vì ngưỡng mộ một chữ “tài” mà ông đã tặng cho “đệ nhất ca trù” Thăng Long - đào nương Phó Thị Kim Đức danh xưng "người có tiếng phách trạng nguyên"

Giới am tường nghệ thuật ca trù, khó ai vượt qua được cái bóng của nhà thơ Ngô Linh Ngọc. Ông làm thơ, sành hát cô đầu, vững âm luật, đặc biệt điêu luyện, tinh tế đủ năm phép trống giục, sáu phép trống chầu. Và cũng chính ông là người vì ngưỡng mộ một chữ “tài” mà tặng cho “đệ nhất ca trù” Thăng Long - đào nương Phó Thị Kim Đức danh xưng “người có tiếng phách trạng nguyên”…

 

 

Cuối năm 2006, nhóm ca trù Tràng An của NSƯT Phó Thị Kim Đức và các học trò chính thức “trình làng”. Những người trót mê đắm thứ nghệ thuật tao nhã, đậm chất hàn lâm bác học này có cơ hội quý giá được sống lại không gian ca quán thủa xưa, được thưởng thức lại những Thét nhạc, Tì bà hành, Bắc phản… chân xác như chính vốn cổ mà cha ông để lại. Và được nghe lại tiếng phách trạng nguyên độc nhất vô nhị của ca nương từng hai thập kỷ “giấu hình, ẩn bóng”.

 Thủa ấu thơ nhọc nhằn sênh phách

 Được sinh ra, nuôi dưỡng trong một bầu không khí đậm đặc chất ca trù, Phó Thị Kim Đức là con gái yêu của nghệ nhân Phó Đình Ổn – một quản ca của giáo phường danh tiếng, một kép đàn tài danh bậc nhất đất Hà thành. Dòng tộc của bà còn nổi tiếng với những cái tên nghệ nhân Phó Thị Yến, kép đàn Phó Đình Kỳ, ca nương Phó Thị Kim Ngọc… Giọng ca được nhà văn Nguyễn Tuân dành cho lời ngợi khen hiếm hoi, “sau này cháu sẽ trở thành một đào nương có tiếng đấy” đã từng hòa quyện cùng tên tuổi nổi đình đám Quách Thị Hồ trên sân khấu Nhà hát Lớn ngay trong Tuần lễ Vàng để quyên góp cho Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa còn non trẻ. Tiếng phách Trạng nguyên đã sánh bước cùng Đàm Mộng Hoàn - gương mặt nổi bật nhất ca quán phố cô đầu Khâm Thiên để cùng cất lên những ca từ, thanh âm có sức quyến rũ ma mị của “Ngày tháng thanh nhàn”, “Kiếp nhân sinh” (Nguyễn Công Trứ), “Hơn nhau một chữ thì”, “Nhân sinh thấm thoắt” (Cao Bá Quát)... Hay “Hỏi phỗng đá”, “Duyên nợ” của Nguyễn Khuyến, “Gặp đào Hồng đào Tuyết”, “Hương Sơn phong cảnh” nổi tiếng của Dương Khuê… Khách quen dập dìu, khách mới nghe danh tìm tới. Ồn ào những lời ngâm ngợi, tán dương. Trân trọng cũng có mà quyến luyến chờ mong chút tình ca nương -  cô đầu với thi nhân - quan viên cũng không hiếm.

Theo nhà thơ Ngô Linh Ngọc, “ca trù thực chất là hát thơ tròn vành, rõ chữ, sắc tay, hay nhịp. Đào nương phải cảm được ý thơ, tình thơ để nhả chữ, gõ phách truyền cảm tới người nghe”. Còn với tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, “để thành một đào nương thực thụ phải có rất nhiều tố chất. Ngay cả một người có chất giọng đẹp, lại được rèn cặp kỹ lưỡng bởi một đào nương già, mà không có khả năng cảm nhận văn chương, không bắt được “nhãn tự” của bài thơ thì cũng khó mà hát cho hay được”.

Con đường đến với cái đích – nghe qua tưởng đơn giản - ấy là một quá trình khổ luyện rất lâu dài. Sinh năm 1931, ngày Hà Nội ngàn tuổi thì bà Kim Đức cũng tròn bát thập. Ngược dòng thời gian từ buổi học đầu tiên khi vừa tròn bảy tuổi, vậy là bà đã song hành cùng nghệ thuật hàn lâm này hơn bảy chục năm trời.

Người truyền dạy cho cô bé Kim Đức những tiếng rục, tiếng phách, những luyến láy ca từ, những “hồng hồng tuyết tuyết” “ứ hự” đầu tiên chính là cụ thân sinh Phó Đình Ổn, một kép đàn giỏi cả Hán văn lẫn Pháp văn. Vốn con nhà nòi, lại được hít thở bầu không khí thấm đẫm nghệ thuật ca trù từ khi mới lọt lòng, Kim Đức ngay từ buổi đầu đã tỏ ra rất có năng khiếu.

Bà bồi hồi nhớ lại, “ông cụ ép tôi học hành khiếp thật. Ngày tám tiếng ngồi xếp bằng trên phản, chỉ trừ khi ăn ngủ. Đầu tiên là luyện gõ phách. Bởi phách là xương sống của ca trù. Một tiếng đàn là một tiếng phách, một tiếng phách là một tiếng hát. Phách ca trù khác hẳn các loại bộ gõ thông thường vì phải đánh kép. Mới học chỉ gõ được tay trái. Có năng khiếu, lại cộng thêm nhiều năm tháng khổ luyện mới đánh được cả tay phải. Học tỉ mỉ từ cách cầm lá phách, cách nâng lên đặt xuống. Luyện đến lúc đánh đều hai tay như một, lại vê phách được lâu và tạo được những tổ hợp thanh âm phong phú, phức tạp. Luyện tới khi gõ được tiếng phách chuẩn, thẩm thấu được tiếng phách của chính mình để tiếng hát hòa quyện với tiếng đàn, tiếng đàn nâng bước nhịp gõ. Tiếng phách trạng nguyên mà tôi kỳ công khổ luyện được, giải thích nôm na là như thế đấy”.       

Chịu sự uốn nắn, truyền nghề kỹ lưỡng từng li từng tí như thế tới sáu bảy năm, Kim Đức mới có thể theo cha và anh ngang dọc khắp các ca quán phố Khâm Thiên, như một đào nương thực thụ. Phố cô đầu ngày ấy hội tụ những giọng hát hàng đầu từ tứ xứ đổ về. Bà bảo, “có lẽ tôi là đào nương Hà thành duy nhất hát ở Khâm Thiên”.

Thưởng thức ca trù gọi là “nghe hát”, chứ không phải là “xem hát”. Đào nương  ngồi yên gần như bất động trong suốt cuộc hát trên một mảnh chiếu cạp điều, với vẻ mặt bình thản, đoan trang. Chỉ một cỗ phách tre đặt trước mặt và “đối thoại” với khách nghe, bằng giọng hát và tiếng phách có hồn của mình.  

Ngày xưa, thú vui ả đào rất tao nhã. Bao giờ cũng thế, đào nương và kép đàn vẫn là chủ trò. Người cầm trống chầu thường là các bậc trí thức, những người có chữ nghĩa, trình độ văn học đủ để đặt lời cho các bài hát. Nghệ sĩ biểu diễn phải có tài mới được mời. Mỗi chầu hát kéo dài vài ba tiếng. Ca nương, kép đàn chỉ trông vào tiền thưởng của khách là chủ yếu. Vì thế, không có “vàng thau lẫn lộn”, chỉ người thực tài mới sống được cùng với nghiệp ca trù. Sau này hát cô đầu “biến chất” dần, bởi Tây cấp môn bài tràn lan, gái nhảy, đào rượu mở ca quán bừa phứa khiến thú chơi tinh tế này bị ảnh hưởng, bị số đông dành cho cái nhìn chẳng mấy thiện cảm.

 
    Và hai chục năm lui về ở ẩn

 Mang nỗi buồn bị lãng quên, bị nhìn nhận lệch lạc ấy, hòa bình trở lại cũng đánh dấu mốc bà không còn song hành với nghệ thuật ca trù. Trường ca kịch dân tộc mời nghệ sĩ Kim Đức đi học lớp giáo sinh. Rồi bà chuyển sang học chèo, do cụ Cả Tam truyền dạy. Rồi bà đầu quân về Đài tiếng nói VN. Và trở thành một nghệ sĩ chuyên hát chèo, ngâm thơ. Chất giọng mượt mà, sang trọng dần trở nên quen thuộc với thính giả, tiếc là không phải qua nghệ thuật ca trù.

Nhiều lần được đón vào Phủ Chủ tịch ngâm thơ, thể hiện những làn điệu chèo cho Bác nghe. Rồi liên miên những buổi biểu diễn chào mừng, phục vụ các đoàn khách quốc tế. Đời người ca nương tài hoa một thủa trôi đi bình lặng như thế, cho đến ngày bà chính thức rời Đài, về hưu vào năm 1983. Rồi ca trù dần được phục hồi. Rồi giáo phường, ca quán, câu lạc bộ ca trù lại đua nhau thành lập. Nhưng bà vẫn tránh xa nơi sẵn sàng chi rất nhiều tiền để có được tiếng hát Kim Đức, không chịu thỏa hiệp đặt chân tới  chốn bon chen ca trù, thật giả lẫn lộn. Những thế hệ trẻ đi sau, chẳng mấy người còn biết đến một giọng ca, nhịp phách tài hoa. Và danh hiệu NSUT mà bà có được, cũng là nhờ những năm tháng gắn bó với chèo.

Nhưng “đã mang cái nghiệp vào thân”, dòng chảy ca trù vẫn âm thầm trong huyết quản không cho phép bà buông xuôi.  Đau đáu nỗi niềm lưu giữ một nghệ thuật ca trù nguyên bản, không bị lai tạp, bà kiên quyết nói “không” với những khóa đào tạo vỏn vẹn vài ba tháng, những buổi diễn trên sân khấu cùng không hiếm ca nương hát còn sai lời, lạc phách. Cho dù khoản thù lao hứa hẹn rất hậu hĩnh. Cho dù đồng lương hưu ít ỏi chỉ giúp bà gói gém một cách đạm bạc cuộc sống thường ngày.  

Chuyến đi hát phá lệ duy nhất, bà dành trọn ba năm trường ngao du qua  hơn chục quốc gia, đảm đương tiếng hát ca trù chủ đạo theo nhịp phách tre tự gõ đúng khổ cho Cánh đồng âm nhạc, Khúc cầu nguyện, Thế đấy, thế đấy… cùng vở múa đương đại Hạn hán và cơn mưa do biên đạo Ea Sola Thủy dày công dàn dựng.  Rất coi trọng thần thái và hình thức khi biểu diễn, bà luôn cho rằng,”cách ăn mặc cũng thể hiện chính xác con người ca nương và giúp nâng bước sự tinh tế, sang trọng của nghệ thuật ca trù. Ngày xưa tôi đi hát, trang phục luôn là nhung, là gấm và đến bây giờ cũng vậy”. Chính vì vậy, trong khi các diễn viên của Hạn hán và cơn mưa giản dị một màu áo nông chân chất thì mình đào nương Kim Đức vẫn áo dài nhung, cổ đeo chuỗi hạt quý phái.  Vẫn giọng hát tròn vành, rõ chữ và tiếng phách chắc tay, hay nhịp khiến bạn bè quốc tế vô cùng ấn tượng.  

 Truyền nghề - truyền tâm

 Ca trù là hát thơ đủ thể - lục bát, bảy chữ và cả thơ tự do. Ca nương phải tu từ, nhả chữ, khi thì non đi một tí, lúc già lên một tẹo, làm sao ký âm chính xác cho đặng. Thế nên cứ phải dạy truyền khẩu, một thầy một trò, miệt mài năm này qua năm khác. “Tôi vẫn muốn làm theo nguyện vọng của tiền nhân, phải giữ gìn cho đúng, cho chuẩn chứ không làm tùy tiện. Vì thế, tôi chọn đi theo một lối riêng. Tôi không dạy nhiều người, chỉ thu nhận vài học trò, và dạy cho thật cẩn thận, để ca trù phải chuẩn xác, như nó vốn từng có” – bà tâm sự. 

Sợ những tinh hoa rồi sẽ ngày một thất truyền, NSUT Kim Đức đã dàn dựng lại điệu múa Bài bông, vốn nằm trong hệ thống các bản múa của nghệ thuật ca trù. Nó thường được sử dụng trong dịp đại lễ của chốn giáo phường hoặc nơi cửa đình, khi hát thờ phục vụ lễ hội và mang nặng tính lễ nghi.  Bà cũng đã hoàn tất bộ giáo trình về ca trù, nơi tập trung những kinh nghiệm và kiến thức một đời tôi tích lũy. Bắt đầu thực hiện từ năm 1999, dạy tới đâu thì tổ chức quay, thu thanh và biên soạn tới đó. Học trò của bà, sau nhiều năm học hỏi giờ đều là những cái tên được biết tới như NSUT Đặng Công Hưng, NSƯT Đoàn Thanh Bình, cặp vợ chồng Nguyễn Văn Hải – Nguyễn Thị Bạch Dương…

Thành lập địa chỉ văn hóa Ca trù Tràng An, bà muốn nhóm cũng như một gia đình. Mọi người đến với nhau để chia sẻ, để cùng nhau luyện nghề, giữ nghề và giúp thăng hoa hơn nữa những tinh túy của bộ môn nghệ thuật mà bà đã giành cả cuộc đời chắt lọc. Bằng giọng ca vàng và tiếng phách trạng nguyên vang danh một thủa. Và trên hết, bằng cả con tim.

 Học trò Nguyễn Thị Thùy Dương nói về người thầy – đào nương Phó Thị Kim Đức

 “Sau những thăng trầm của nghề, có thể nói đến giờ nghệ sĩ  Kim Đức đã đi trọn vẹn đến cuối con đường trải nghiệm của đời mình với nghệ thuật ca trù. Người nghệ sĩ luôn sống bằng hai con người, con người của đời sống thường nhật và con người của nghệ thuật. Theo năm tháng, tôi cảm nhận được con người nghệ thuật trong bà cứ ngày ngày dần thay thế cho con người của những lo toan, đó là cuộc sống của những tiếng đàn, tiếng phách.. những ký ức hào hoa về một Hà Nội khi xưa.

Bà sống bằng nghệ thuật, sống bằng ký ức và tồn tại trong những khắc khoải về nghề tổ ca trù. Nhiều lúc vẩn vơ suy nghĩ về bà, tôi tự hỏi: Như thế nào là một người nghệ sĩ lớn? Tôi nhớ lại, trong cách dạy bà luôn suy nghĩ để tôi vận dụng các kỹ thuật đó dựa trên từng sắc thái, con người riêng của mình. Và tôi chợt hiểu ra, một người nghệ sĩ lớn là biết tạo ra thêm những nghệ sĩ khác để họ sẽ tiếp bước con đường nghệ thuật của mình”.

Hồ Cúc Phương

Bình luận