Người chứng kiến kể phút công an triệt phá xưởng sản xuất ma túy của người Trung Quốc ở Kon Tum

Pháp luậtThứ Tư, 11/09/2019 16:15:00 +07:00

Trong 7 người Trung Quốc có mặt tại xưởng ma túy ở Kon Tum vào thời điểm công an khám xét, có 3 người đang trực tiếp sản xuất, 4 người nằm ngủ gần đó.

Ông Tạ Ngọc Hạnh - Tổ trưởng Tổ dân phố 3B, trị trấn Đắk Hà, huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum - là người duy nhất được cơ quan chức năng mời tham gia chứng kiến việc khám xét tại Công ty TNHH xuất nhập khẩu Đồng An Viên, nơi bị phát hiện là xưởng sản xuất ma túy.

Chia sẻ với VTC News ngày 11/9, ông Hạnh cho biết, khoảng 6h ngày 6/8, công an mời ông lên tham gia chứng kiến việc khám xét tại công ty trên. 

ma-tuy7675

Lực lượng công an khám xét tại công ty sản xuất ma túy có người Trung Quốc. 

Ông Hạnh kể: "Lúc tôi đến xưởng thì đã có hàng trăm chiến sỹ công an thực hiện nhiệm vụ. Khu xưởng được thiết kế hình chữ L, rộng hàng nghìn m2, xung quanh quây kín bằng tôn, ra vào bằng hai cổng trước và sau. Công an ập vào thì bắt giữ 7 người Trung Quốc, trong đó 2 người khoảng 40 tuổi và những người còn lại đều ngoài 50 tuổi". 

"Trong nhóm người bị bắt, có 3 người đang trực tiếp sản xuất, 4 người nằm ngủ cách nơi sản xuất chỉ hơn 10m. Lực lượng chức năng kiểm tra giấy tờ tùy thân, 4 người này đã đăng ký tạm trú với công an địa phương bằng các tên giả, 3 người còn lại chưa đăng ký", ông Hạnh nhớ lại. 

ma-tuy-3 3

Nhóm người Trung Quốc bị bắt giữ tại công ty Xuất nhập khẩu Đồng An Viên ở Kon Tum.

Ông Tạ Ngọc Hạnh nói thêm, sau khi bắt giữ nhóm người trên, lực lượng chức năng kiểm tra kho hàng. Mất nhiều giờ kiểm đếm, họ ghi nhận trong kho có 52 thùng phuy loại 250 lít và hàng trăm can nhựa loại 20 lít, nhiều xô nhựa đựng dung dịch lỏng, chất bột màu trắng là tiền chất để sản xuất ma túy đá.

Sau khi chứng kiến sự việc, ký vào 160 giấy ghi nhận, đến 17h30 cùng ngày, tôi được cơ quan chức năng cho về”, ông Hạnh cho biết.

Một người dân sống gần Công ty Xuất nhập khẩu Đồng An Viên cho hay: "Công ty này trước là cơ sở chế biến gỗ nằm trong làng nghề truyền thống huyện Đăk Hà. Sau đó, nguồn gỗ cạn kiệt nên họ sang nhượng cho một người khác làm chủ".

Người này cũng cho biết, chủ mới cho nhân viên dựng tôn che kín xung quanh nhà máy. Cổng công ty luôn đóng chặt, chỉ mở khi có xe ra vào.

ĐẠI DƯƠNG - BÌNH ĐỊNH
Bình luận
vtcnews.vn