Người chịu khát…

Tổng hợpThứ Bảy, 04/09/2010 11:27:00 +07:00

Có tiếng hát Mông già nua đột ngột cất lên trong đêm lạnh. Nghe trong tiếng hát, có mùi rượu sán lùng vương vãi chảy.

Có tiếng hát Mông già nua đột ngột cất lên trong đêm lạnh. Nghe trong tiếng hát, có mùi rượu sán lùng vương vãi chảy. Si bảo: đấy là tiếng hát của bà Pao. Tiếng hát của người đàn bà H’Mông góa bụa say rượu. Chục năm rồi, ông Pao ngã núi, bỏ bà Pao một mình ngơ ngác giữa chợ, ngơ ngác giữa Lồ Suổi Tùng hoang hoải buồn. Ông Pao bỏ tiếng hát một mình giữa chợ “Người có người yêu, người đi thổi khèn môi, khèn lá. Ta không có người yêu, ta đi uống rượu”.

 

 

Em xúng xính trong bộ váy trắng, chợt nổi bật giữa vườn cải mèo trổ hoa vàng ruộm. Cái vườn cải ấy, nó già rồi, lên ngồng thẳng đứng, và đắng đót ra hạt làm giống cho mùa tới. Em bồn chồn như một con bướm trắng, tinh khôi giữa bản Mông, hệt như một con ngài vừa mới thoát kén…

 

Đằng xa. Trong nắng chiều hanh vàng. Váy áo Mèo phơi nắng trên những mỏm đá, tựa hồ những con bướm ma bị chết cứng, không nhổ được vòi ra khỏi cái nhụy đầy cám dỗ... Những đứa trẻ người dân tộc vẫn mải miết và kiên nhẫn bám chân khách du lịch, Tây có, ta có… hòng mong bán được một món đồ thổ cẩm, có khi chỉ là cái dây đeo cổ tay 2-3 ngàn đồng… Đằng xa nữa, dãy Phanxipăng chềnh ềnh án ngữ, và thách thức, và mai mỉa… Nó không biết, dưới chân của mình, có một nỗi buồn tuổi 17 của một cô gái H’mông, đang tan chảy, như những con suối ngầm luồn lách trong khe đá… Không ai biết, có một trái tim thiếu nữ Mông 17, đang thổn thức…

 

“Anh lên thì tìm em ở bản Cát Cát. Bản gần thôi. Hỏi Si…”… Câu cuối cùng cụt ngủn, rồi ngắt lịm trên màn hình vi tính, như một hòn đá người ta thả từ trên cao xuống lòng sông, hay là một vực núi nào đó, để dò độ cao, đo độ sâu hun hút… Hì hụi ghi chép mấy cái địa danh, cái tên riêng vào cuốn sổ nhỏ, nhét dưới mãi đáy ba lô, dưới lỉnh kỉnh máy ảnh, đồ nghề, vỉ thuốc chống sốt rét rừng, hộp dầu gió…

 

Con tàu vặn mình răng rắc, giống như một thanh niên trẻ mỗi sớm thức dậy, vặn mình cho xương cốt kêu giòn tan… Những toa xe bị giãn ra, khi chiếc đầu máy rúc lên hồi còi tru tréo, hằn học, báo hiệu rời ga… Những đầu ô vun vút qua cửa kính. Gió lùa mênh mông. Hơi hướng thị thành nhợt nhạt dần theo ánh đèn nê-ông phố thị hắt cố qua tấm lưới chắn đan hình mắt cáo… Tấm lưới ấy, là sáng kiến của một nhân viên nhà tàu nào đấy, để cản trẻ con hai bên đường ném đá lên tàu, cũng là cản gió, cản mưa, và cản sự va đập để khỏi làm vỡ tấm kính cửa đục ố, hoen rỉ vì mưa nắng ám muội lên lớp thủy tinh đùng đục… Dưới bóng tối, mọi chỗ đều giống nhau cả. Chỉ có điều, những khoảng không rộng lớn như dòng sông, cánh đồng nơi con tàu đi qua thì là một màu đen kít, đen sậm, còn những khu dân cư thì bóng đêm ấy loãng hơn, thi thoảng có một vài ánh điện đêm hời hợt và cô độc hắt lên võ vàng…

 

Nghe đồn nơi ấy có cô nàng xinh đẹp, anh chàng hóa họa mi cất bước ra đi…

 

“Si ngồi trên đỉnh núi kìa…”. Nụ cười vàng choé vì có chiếc răng bọc đồng - một phong tục ghi nhận những cô gái vừa bước sang tuổi thiếu nữ của người Mông. Mùa Thị Khu, cô gái Mông tôi gặp trên trạm y tế cộng đồng của bản Cát Cát, nói như reo trong hơi thở dồn vì phải vượt qua một chặng đường trèo dốc. Gió núi như phục kích từ đâu, chợt ùa ra làm rối tung mái tóc được cột thành một bó dầy của Khu. Mấy cọng tóc đỏ như râu ngô của Khu ùa sang mặt tôi, mang theo mùi mồ hôi nồng nồng, ngai ngái. Bất giác, Khu cúi xuống, tay nhặt vội những tua gai của bông cỏ may bám trên váy. Có mấy hạt đất vàng úa cũng bám trên váy. Một đầu của mảnh lụa đen bó chân tuột ra từ bao giờ. “Anh lên với Si đi. Em về dỡ nốt vườn cải…”. Không đợi tôi trả lời. Khu chạy như tuột dốc về phía bản. Đầu mảnh lụa bó chân sổ tung, phất phơ bay. Bắp chân màu đồng hun chợt thảng thốt lộ, hằn lên những vết thít của dải lụa bó chân. Khu vẫn mải miết ngược lại con đường vừa đi, mau mắn và rắn chắc...

 

Si không xuống chợ. Chỉ một mình Si ngồi trên đỉnh núi. Chỉ một mình Si nhìn những bóng người lặng lẽ, lúc ẩn, lúc ló rạng… Sau lưng Si là đỉnh Phanxipăng. Trước mắt Si là rừng sa mu ngút ngàn… Ngọn núi ngàn tuổi. Rừng sa mu trăm tuổi. Còn Si…

 

Bản Cát Cát gọi Si là “con hoạ mi của bản”. Nó bắt nguồn từ nguyên cớ: Si xinh đẹp nhất bản, hát hay, múa giỏi nhất bản. Si nói tiếng Anh cũng giỏi như nói tiếng Kinh, dù Si không vẽ được cái chữ tiếng Anh ấy như thế nào. Năm nay Si 17 tuổi, cái tuổi mà lẽ ra, Si đã bị bắt vợ từ mấy năm trước. 17 tuổi. Một lần duy nhất Si được xuống thành phố Lào Cai, cách bản của Si 30 cây số, theo anh trai đi mua thuốc diệt sâu phá giàn su su. Vốn tiếng Anh, Si có được từ cách học truyền miệng, từ những năm Si còn mang hàng thổ cẩm bán cho khách Tây. Có đến mấy năm, Si không đi bán hàng rong nữa. Em phụ giúp chị Mị bán hàng ở khu nhà thuỷ điện cũ. Học hết cấp 2, Si nghỉ học. Bố bảo: “làm con gái, học ngần ấy cái chữ là đủ rồi”. Anh Chứ đã ra ở riêng. Anh mua được cái xe máy Tàu, mới trả được một nửa tiền. Một nửa còn lại, hẹn với chủ bán xe người Kinh, mùa thu hoạch su su tới trả nốt. Chị Mị cũng ra ở riêng. Dưới Si còn 5 em nữa. Si thành người lớn nhất nhà. Thế thì Si phải nghỉ học, để đi nương, và để cho thằng người trai nó bắt vợ… Thế thì Si nghỉ học…

 

Si tham gia đội văn nghệ của bản được mấy năm rồi. Đội văn nghệ ấy, khi nào có đoàn khách muốn được nghe biểu diễn, Si sẽ lại xúng xính váy áo dân tộc mới, thoa son, đánh phấn… Nhưng, ít đoàn có nhu cầu được nghe những bài hát dân tộc, được xem những điệu múa dân tộc. Các khách sạn lớn dưới phố huyện, nảy ra sáng kiến tổ chức buổi biểu diễn văn nghệ vào tối thứ 6 hàng tuần, biểu diễn miễn phí cho khách du lịch… Một đêm diễn, Si được trả 15 ngàn. Gần đây, trên phố huyện, người ta mở vài ba quán Internet. Si cũng học cách vào internet. Trong “list” danh sách bạn bè của Si, có nhiều cái tên nước ngoài. Si nói chuyện với họ bằng tiếng Anh. Vài ba chữ. Chào hỏi. Nếu nói chuyện, Si nói được nhanh hơn. Thổ âm H’mông, cùng với giọng trầm, ấm, Si nói tiếng Anh hay và nhanh như người ngoại quốc. Si cao dong dỏng. Sống mũi Si cao, thẳng. Làn da trắng. Khuôn mặt trái xoan. Đôi mắt hơi hơi xếch. Và, suối tóc của Si màu hung hung, như màu tóc của thiếu nữ nước ngoài. Si là thiếu nữ đẹp nhất bản Cát Cát.

 

Nhiều người trong bản bảo, Si có dòng máu người nước ngoài. Có nhiều cô gái người Dao, cũng có nét nhang nhác của Si. Nhưng, Si ở bản Mông Sa Pả. Si xinh đẹp hơn hẳn. Rực rỡ như một bông hoa rừng. Si khác những cô gái người Mông khác. Khác mái tóc dầy, nặng bình bịch của Khu. Dù Si vẫn đi nương, vẫn đi lấy măng rừng, vẫn chặt ống nứa về cho mẹ làm cơm lam bán cho khách… 17 năm trước, mẹ của Si hay đưa những người khách nước ngoài đi thăm bản…

 

 

Đêm. Gió thông thốc thổi. Đỉnh Phanxipăng thành một khối đen lịm nơi chân trời. Sương móc xộc lên từ dưới thung lũng, đùn kín dốc Cầu Mây, rồi dần dần gặm nhấm cả con đường. Chỉ còn nghe thấy tiếng nói chứ không còn nhìn thấy mặt người. Từ lúc thung lũng Lồ Suối Tủng được đổi tên thành Sa Pa. Rồi từ lúc Sa Pa trở thành một trung tâm du lịch đẹp nhất của miền Bắc, làng bản của Si đã thay đổi nhiều lắm. Mọi người bỗng nhiên có thêm một thói quen, ấy là xuống chợ. Xuống, chỉ để xem người. Xuống chợ, còn để kiếm tiền. Có ai chĩa máy ảnh về phía mình, liền đứng dậy: cho tiền đi! Trẻ con lích chích đi theo khách du lịch, nằng nặc bán những thứ hàng kỷ niệm lắt nhắt… Xưa, rừng sa mu ăn ra mãi phía quảng trường lớn. Những hàng thông cũng vi vút sát nhà thờ. Bây giờ, khách sạn, nhà nghỉ đã lan gần về phía đầu bản của Si. Bản Cát Cát được người ta làm những con đường bằng bậc xi măng lên xuống, dài, sâu hun hút… Nhà của Si cũng trở thành một thứ để người ta nhìn vào bằng ánh mắt tò mò, soi mói… Trước, cả tuần, già trẻ trai gái rủ nhau đi nương. Đến phiên chợ tình, trai gái các bản nghe tiếng khèn lại rủ nhau ra tìm bạn. Một tuần có một ngày tụ họp. Nhìn thấy cái mặt là thấy vui rồi. Giờ, ngày nào cũng có mặt ở huyện. Nhìn thấy nhau, chán. Không còn thời gian để con trai tập khèn, con gái tập xoè. Ai cũng đi bán hàng. Ai cũng đi rạc chân trên con đường cũ, đổ bậc bê tông. Có người, một ngày đi qua nhà mình mấy bận mà không vào được, vì còn theo khách…

 

Ánh đèn dầu lom tom. Mùi dầu hoả trong đêm thơm phức. Mùi trứng nướng khen khét ngậy. Má Si đỏ lựng.Rượu sán lùng phưng phức đầy. Phưng phức cay. Thiếu nữ Mông chìm trong hơi men ngây ngất. Bát rượu sếnh sáng đầy. Đôi mắt đẹp ngân ngấn nước. Tôi nhớ đến những lằn chân hằn lên bởi mảnh vải sa tanh đen dùng để bó chân của Khu lúc ban chiều. Hai bắp chân non thiếu nữ của Si cũng bị bó thít. Đôi dép quai hậu bằng nhựa cứng ôm đôi chân mảnh khảnh. Si bó chân năm 8 tuổi. Gần 10 năm rồi, cái dây bó chân vẫn quấn chặt, không bỏ ra được. Bà Si. Mẹ Si. Chị Mị. Các em gái của Si, ai cũng bó chân. Tất cả đàn bà, con gái người H’mông đều bó chân. Cũng như tất cả đàn bà, con gái H’mông đều cam chịu bị bắt chồng.

 

Si nói với tôi về thung lũng Lồ Suối Tủng. Về những đứa trẻ con ngày ngày theo khách du lịch bán những món đồ bé nhỏ. Một ngày, nếu không bán được cái nào, chúng sẽ phải nhịn đói. Dọc đường vào các điểm du lịch, những đứa trẻ, gái có, trai có, khuôn mặt ngơ ngác buồn, lúc nào cũng như ngái ngủ. Nhiều đứa trẻ con bị nghiện. Si nói về những người khách, vội vàng đến, vội vàng đi. Những lượt khách đến rồi đi. Bản làng lúc đầy ăm ắp người. Lúc vắng hoắt hoe, thưa thớt. Có đến chục năm nay, bản vẫn thế. Khi bản Cát Cát của Si được đưa vào danh sách các điểm du lịch, chỉ có con đường vào bản được đổ bê tông là mới. Những nếp nhà vẫn cũ kỹ, đen đúa, cóc cách. Một tấm chăn thổ cẩm, mẹ và Si hì hụi dệt mất một mùa rẫy, bán được hơn một trăm ngàn. Khách du lịch bảo: không phải thổ cẩm người Mông, thổ cẩm Trung Quốc. Chiếc chăn lạnh thêm, ẩm mốc thêm theo mỗi mùa trăng. Chiếc chăn chiên trong phòng con gái của Si thì mỗi ngày mỗi cũ… Gương mặt Si đườm đượm buồn. Nỗi buồn thường trực của một cô gái mới lớn. Nỗi buồn như có từ cơn gió từ vách núi ngàn năm rồi, phả vào gương mặt trái xoan xinh xẻo của Si, hằn lên trong rãnh miệng mỗi khi Si cười…

 

Chàng trai đầu tiên mang đến cho Si tình yêu, là một anh chàng sinh viên người kinh. Anh đến từ một nơi xa lắc. Anh kể cho Si nghe về cánh đồng quê anh thẳng tắp, mênh mông rộng, không có những quả núi nhấp nhổm án ngữ tầm nhìn… Hết thời gian của mùa hè tình nguyện, anh sinh viên trở về xuôi, mang theo một trái tim non bấy vừa mởi rung lên những cảm nhận đầu đời. Anh bảo, mùa xuân anh sẽ lên, cùng Si đi chơi hội ném pao, anh học cách thổi khèn, học điệu nhảy lạ lùng của chàng trai Mông vừa khèn vừa lò cò như dẫm phải than bỏng… Mùa xuân qua. Mùa hè qua. Cô gái bản Cát Cát bốn mùa trong lòng có băng tuyết…

 

“Nếu người yêu đi lấy chồng, anh có buồn không?”… Đêm. Gió lạnh hơn. Sương cũng nặng hơn. “Em phải buồn hai năm cơ…”. Si nói về cậu trai cùng lớp học. Cậu trai ở Sa Pả, ngày nào cũng lặn lội cả chục cây số đường rừng, đến bản của Si, chỉ mong được nhìn thấy nụ cười buồn của cô thiếu nữ vừa có mùa hè phá tan đám tuyết lạnh vẫn đóng băng trong lòng Si. Cậu trai không biết khèn mời gọi Si nhẩy, cho đêm núi bớt lạnh, cho khuôn mặt bớt căng lên vì gió rét. Nhưng cậu trai lội bộ 10 cây số. Nhẫn nại. Ngày nào cũng lần theo những bậc bê tông, nhìn Si qua kẽ vách…

 

Bỏ những ngày nhẫn nại 10 cây số, cậu trai đi bắt vợ. Cô gái ấy không xinh bằng Si. Không biết múa dẻo, hát hay như Si. Nhà cô ở cùng bản. Cậu trai không phải chín núi mười đèo mới nhìn thấy nụ cười của Si nữa…

 

Có tiếng hát Mông già nua đột ngột cất lên trong đêm lạnh. Nghe trong tiếng hát, có mùi rượu sán lùng vương vãi chảy. Si bảo: đấy là tiếng hát của bà Pao. Tiếng hát của người đàn bà H’mông góa bụa say rượu. Chục năm rồi, ông Pao ngã núi, bỏ bà Pao một mình ngơ ngác giữa chợ, ngơ ngác giữa Lồ Suổi Tùng hoang hoải buồn. Ông Pao bỏ tiếng hát một mình giữa chợ… “Người có người yêu, người đi thổi khèn môi, khèn lá. Ta không có người yêu, ta đi uống rượu…”….

 

“Bây giờ ngồi với anh ở đây, nhưng chỉ lát nữa thôi, trên đường đi về, có bọn trai nào bắt em làm vợ, em cũng phải chịu thôi…”.  Tiếng Si vang vang như tiếng gió vọng vào vách núi. Trước, bố Si cũng bắt mẹ Si trong một ngày hội xuân. Ngày hội ấy, cũng là ngày hội cuối cùng trong đời con gái của mẹ. Nó cũng là ngày khởi đầu của mấy chục năm ròng rã, mẹ Si quẩn quanh trong ngôi nhà mái lợp bằng những lát gỗ lởm chởm, luẩn quẩn quanh mảnh nương, luẩn quẩn quanh con đường đổ những bậc bê tông dẫn vào những bản du lịch… Si cũng sẽ giống mẹ. Si cũng sẽ giống biết bao những người H’mông khác, sinh ra bị Giàng bắt làm thân con gái…

 

Những đoàn người lũ lượt đi và về Sa Pa. Mỗi người đều muốn một lần được cảm cái hơi lạnh từ phương Bắc lọt qua khe núi Hoàng Liên, mà nhen lên chút tình của những ngày trăng mật hạnh phúc… Biết bao đôi lứa vừa nên duyên chồng vợ, chọn Sa Pa làm điểm khởi đầu cho một cuộc đời mới. Người ta đến, rồi người ta đi. Người ta nhìn đỉnh Phanxipăng bằng ánh mắt thèm khát của khát vọng chinh phục… Những mưu toan ấy, hình như làm cho Sa Pa mỗi ngày càng thêm buồn tẻ… Hạnh phúc, giống như một bát nước đầy, người này uống, thì người kia nhịn. Tôi biết, cô gái H’mông tên Si vừa nhẩn nha ghé chân vào cuộc thiếu nữ, là người chịu khát…

 

Tôi biết, dưới chân Phanxipăng đêm nay, có một nỗi buồn trong trẻo chảy tràn qua bát rượu. Nỗi buồn tuổi 17. Và trong số những đứa trẻ, những em gái người H’mông tôi gặp, có duy nhất một nỗi buồn mang tên Si, bị đè dưới chân dãy Hoàng Liên, giống như Tề thiên đại thánh bị Phật tổ giam nghìn năm dưới chân núi…

 

Hình như, Sa Pa buồn xo lại…

Di Linh

Bình luận
vtcnews.vn