Người cha 10 năm vượt biên tìm tung tích con gái

Phóng sự - Khám pháThứ Tư, 27/02/2013 09:02:00 +07:00

Năm nào ông cũng đi, hễ có tiền là ông vượt biên. Một mình lang thang trên đất khách quê người, làm đủ mọi việc với hy vọng tìm thấy con gái...

Hơn 9 năm trời đằng đẵng, kể từ ngày đứa con gái 14 tuổi của ông bị lừa bán sang Trung Quốc, những cuộc tìm kiếm tốn công sức và tiền bạc của người cha đều không mang lại kết quả. Nhưng ông không chịu dừng lại.


Năm nào ông cũng đi, hễ có tiền là ông vượt biên. Một mình lang thang trên đất khách quê người, làm đủ mọi việc với hy vọng tìm thấy con gái...

Trong chuyến công tác mới đây ở huyện miền núi Hữu Lũng, Lạng Sơn, chúng tôi được người dân kể về câu chuyện một người cha hơn 9 năm vượt biên tìm đứa con gái bị bán sang Trung Quốc.

Vượt qua những con đường gồ ghề, lởm chởm đá, nhiều chỗ phải xuống dắt bộ, cuối cùng chúng tôi cũng có mặt tại nhà ông Ban Văn Mình, trú tại xóm Đồng Sinh, xã Tân Lập, huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn) - người cha vĩ đại trong câu chuyện.

Ông Mình kể lại quá trình hơn 9 năm vượt biên tìm con trong vô vọng 

Gian nan tìm con mất tích

Chuyện xảy ra đã gần 20 năm, nhưng ông Mình vẫn còn nhớ như in ngày con gái mình - Ban Thị Hoạt (lúc đó mới 14 tuổi) bị bạn lừa bán sang Trung Quốc. Đó là ngày 29.11.1993, trời mưa phùn, gió bấc và rét cắt da, cắt thịt.

“Đó là cái hôm tôi mang tiền cưới sang nhà gái giao cho ông thông gia, do xa quá mà toàn đi bộ nên mất gần hai ngày” (Người Nùng ở Lạng Sơn có phong tục thách cưới, khi hai bên gia đình nói chuyện cưới xin thì giao tiền là khâu cuối cùng).

Giao tiền xong, đang trên đường về gần đến nhà thì có người hỏi: Tìm được con Hoạt chưa ông Mình? Chẳng hiểu chuyện gì đang xảy ra, tôi hỏi lại mới biết từ đêm qua, con Hoạt đi đâu không trở về nhà, mọi người đang đi tìm”.

Nghe tin dữ, ông vội vàng chạy về thì thấy trong nhà có nhiều người tập trung, lòng ai cũng như lửa đốt. Không kịp nghỉ ngơi, ông Mình gọi hết con cháu về họp gia đình, phân công công việc cho từng người rồi đi báo công an cụm, công an huyện.

Xong xuôi đâu đó, ông vơ vội hai bộ quần áo lên thành phố Lạng Sơn, đi đến những huyện có cửa khẩu thông thương với Trung Quốc để gõ cửa các cơ quan chức năng, nhờ kiểm tra những đối tượng lưu trú trên địa bàn các xã gần biên giới, đồng thời nhờ hải quan cửa khẩu lưu ý giúp những đối tượng xuất cảnh.
Tấm hình chị Hoạt 
Sau quá trình tự điều tra, ông Mình phát hiện người lừa bán con gái của mình là Huệ - một người làm thuê trong xã mà ông vẫn thường xuyên gặp. Sau này khi bị bắt, Huệ mới khai nhận chỉ giả vờ đi làm thuê để tiếp xúc với các cô gái trẻ trên địa bàn, lừa bán sang Trung Quốc lấy tiền. Biết hôm ấy ông Mình đi vắng, Huệ đã bám theo khi Hoạt lùa trâu ra đồng.

Sau một lúc thủ thỉ đủ chuyện, Huệ hỏi Hoạt có thích sang Trung Quốc chơi không? Huệ bảo, bên đấy vui lắm, sang bên đó chơi vài hôm rồi về. Mới 14 tuổi, Hoạt chưa bao giờ sang làng khác chơi chứ đừng nói là đi đâu xa nên dễ dàng nghe lời Huệ.

Huệ đưa Hoạt lên đến huyện Lộc Bình thì bán cho người khác lấy tiền và một mình quay lại. Đối tượng Huệ sau đó đã phải chịu sự trừng phạt nghiêm khắc của pháp luật.

Hiểu rõ đầu đuôi câu chuyện, qua người quen, ông Mình được biết ở ngay bên kia biên giới có nơi tập trung các cô gái trẻ Việt Nam được đưa sang để chờ người đến mua. Cậy người này, nhờ người kia, ông cũng lân la vào được những “ổ chứa người” để tìm con gái mình.

Giữa hàng chục đôi mắt xa lạ, ông cố gắng tìm lấy một ánh mắt thân quen nhưng rồi đành thất vọng ra về. Trước khi đi vào “hang ổ” của bọn buôn người, ông đã không ít lần nhận được lời cảnh báo về sự nguy hiểm đến tính mạng, nhưng vì đứa con nên ông bỏ ngoài tai.

Câu chuyện của ông Mình bị đứt quãng nhiều lần vì những cảm xúc từ mấy chục năm trước ùa về. Giọt nước mắt của người cha lại rơi: “Đấy là những ngày tháng không thể nào quên, đến chết tôi vẫn nhớ!”.

Rồi ông kể tiếp: “Đi đến cả chục nhà chứa của người Trung Quốc mà vẫn không thấy con mình đâu, tôi quay về Việt Nam tiếp tục tìm ở những khu vực gần biên giới nhưng cũng vô vọng và chỉ nhận được những cái lắc đầu của các cơ quan chức năng”.

10 năm vô vọng

Sau khi quyết định bán con trâu duy nhất và cũng là tài sản giá trị nhất của gia đình được gần 4 triệu đồng, ông Mình lại tiếp tục hành trình vượt biên với hy vọng sẽ tìm được con.

Sau một thời gian tìm kiếm vô vọng, tiền lại hết, một lần nữa ông phải lê tấm thân gầy guộc, già nua đi làm thuê nơi xứ người. Cứ thế, ngày lại ngày, tối thì làm việc cật lực, ngày thì ông Mình lại đi khắp các ngóc ngách hỏi về tung tích con gái. Gần 10 năm trôi qua, kết quả vẫn chỉ là con số không.

Gần hai tháng trời rong ruổi ở cả Trung Quốc và Việt Nam tìm con nhưng ông đành ra về trong sự thất vọng não nề. Ông gầy hẳn đi sau chuỗi ngày lặn lội.

Thế nhưng, không từ bỏ niềm hy vọng, năm nào ông cũng bán trâu, bán bò, vay mượn thêm tiền sang Trung Quốc tìm con. Ông nhờ những người Việt lấy chồng bên đó hỏi xem có thấy ai tên Hoạt ở Lạng Sơn không thì báo cho ông biết.
Chị Hoạt cùng bố mẹ (ở giữa, hàng dưới cùng) và người thân trong lần về thăm quê sau gần 10 năm xa cách 
Đến năm 1998, ông Mình nhận được tin có cô gái tên Hoạt lấy chồng và đang sinh sống bên Trung Quốc. Không biết có chính xác là con mình hay không nhưng ông vẫn lặn lội lên đường.

Trong người chỉ có 5 triệu đồng, đổi ra tiền Trung Quốc chẳng được bao nhiêu, ông theo người quen tìm đến địa chỉ đã biết, nhưng… không phải con ông.

Hết tiền, ông đành bán chiếc đồng hồ đeo tay và ở lại làm thuê gần tháng trời để kiếm tiền mua vé xe về. Năm 2001, ông lại sang Trung Quốc làm thuê để hỏi tin tức của con gái nhưng tất cả đều bặt vô âm tín. Mỗi lần đi là một lần thất vọng đối với ông và gia đình.

Bức thư bất ngờ

Sau hơn 9 năm kể từ ngày con gái bị lừa bán sang Trung Quốc (năm 1998), ông Mình vẫn có một niềm tin mãnh liệt là sẽ tìm thấy con gái. Do mỗi lần đi tìm con, ông Mình phải mang theo một số tiền lớn nên của cải trong nhà lần lượt đội nón ra đi. Vô vọng, không kết quả, ông quyết định về quê làm lụng tích cóp thêm và chờ thông tin mới về Hoạt để tiếp tục hành trình.

Những tháng ngày trông ngóng tin tức của con, vợ chồng ông Mình chỉ biết cầu nguyện cho con bình an vô sự. Phần vì nhớ thương con, phần vì căm phẫn, hai vợ chồng tiều tụy đi trông thấy.

Nhiều người đã khuyên ông đừng bỏ công vô ích, không cẩn thận còn mất mạng bên kia biên giới. Nhưng ông vẫn làm tròn bổn phận của một người cha dành cho đứa con mà ông yêu thương, nuôi nấng.

Ngỡ tưởng cha con họ sẽ không bao giờ được gặp lại nhau thì bỗng dưng một ngày cuối thu năm 2002, ông nhận được một lá thư từ Trung Quốc. Ông phân vân mở ra đọc thì thấy đó là thư của con gái mình. Quá bất ngờ, ông nhảy cẫng lên như một đứa trẻ và chạy đi gọi vợ: “Bà ơi, có tin tức về con mình rồi này!”.

“Tôi còn nhớ như in, sáng đó tôi vừa đi làm đồng về thì anh cán bộ xã đi ngang qua nhà gọi nhận thư từ Trung Quốc. Lúc đầu tôi cứ ngỡ họ gửi nhầm vì gia đình tôi có quen ai bên đó đâu, có chăng chỉ là những người tôi từng gặp trong hành trình tìm con nhưng họ làm gì biết địa chỉ mà gửi thư. Đến khi mở ra thì tôi mới biết đó chính là thư của con gái mình” - ông Mình nhớ lại.

Trong thư, ngoài những lời hỏi thăm sức khỏe cha mẹ và anh chị em trong gia đình, chị Hoạt còn cho biết đã lấy chồng, có con và hiện đang sống cùng gia đình chồng ở tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).

Lập tức thông tin về lá thư của con ông Mình gửi về từ Trung Quốc lan rộng khắp làng. Cả xã thuần nông vốn yên bình nay rộn rã bình luận, chia vui cùng ông bà. Sau khi nhận được thư của con, ông đi nhờ thầy nho và những người biết tiếng Hán trong vùng dựa vào dấu bưu điện dịch địa chỉ nhưng các thầy cũng đành chịu.

Dù chưa biết địa chỉ cụ thể nhưng gia đình vẫn bàn nhau chạy vạy, vay mượn tiền cho ông sang Trung Quốc thăm con. Do trong thư chị Hoạt không ghi rõ địa chỉ nên khi đến khu vực đó hỏi mãi cũng chẳng ai biết.

Nhiều ngày trời, ông mang tấm hình chụp chân dung đứa con gái hỏi khắp vùng nhưng đều không có kết quả. Thế nhưng, dường như ông trời không nỡ phụ tấm lòng của người cha tội nghiệp, như một định mệnh, ông đã tìm được con gái từ một sự tình cờ.

Cuộc hội ngộ sau 10 năm xa cách

Tiền mang đi tìm con dần hết, ông Mình cứ ngỡ lại một lần nữa thất bại trở về trong tuyệt vọng. Đi qua một cánh đồng, gặp người đàn ông chăn trâu, theo thói quen, ông đưa tấm hình của Hoạt ra hỏi.

Người đàn ông nhìn tấm hình rồi quay sang nhìn ông Mình, một lúc sau ông ta dẫn ông Mình đi về phía làng. “Mới đến cổng tôi nhìn thấy con gái mình đang cầm chổi quét thềm. Nhìn thấy tôi, nó chạy lại ôm chầm lấy khóc nức nở. Đúng là cái Hoạt, nó đang đứng trước mặt tôi đây mà…” - ông Mình rớm nước mắt khi nhớ lại giây phút cha con gặp nhau sau gần 10 năm xa cách.

Qua trò chuyện, ông Mình mới biết người đàn ông dẫn ông về chính là chồng của Hoạt. Rồi Hoạt kể lại rằng, sau khi theo Huệ trốn sang Trung Quốc, cô bị bán cho người đàn ông này làm vợ. Hiện họ đã có với nhau hai đứa con.

Gần 10 năm đi tìm con khắp nơi, tuổi ông như đã già hơn gấp đôi số năm đằng đẵng ấy. Giờ gặp lại, thấy con đã yên bề gia thất, thành thạo tiếng bản địa và quen với cuộc sống mới, ông cũng yên tâm phần nào.

Ông Mình xin gia đình nhà chồng cho phép Hoạt về thăm mẹ 1 tháng rồi quay lại. Họ đồng ý, điều đó đã làm ông cảm động chảy nước mắt.

Ông gục xuống khóc trước mặt những người xa lạ. Hoạt về thăm gia đình rồi lại khăn gói trở lại Trung Quốc. Ngày con gái quay lại nhà chồng, ông và vợ đều khóc. Nhưng biết làm sao được, số phận của con gái ông như thế. Ông chỉ hy vọng Hoạt lấy được người chồng tốt và có một cuộc sống hạnh phúc là ông mừng rồi.

Ông Mình nghẹn lời: “Gia đình tôi vẫn còn phúc và may mắn lắm, nó bị bán và ép lấy chồng nơi đất khách nhưng lại biết viết thư về nên mới tìm lại được. Chứ có nhiều ông bố, bà mẹ mất con mà cả đời không có cơ may gặp lại".

TheoNông thôn ngày nay
Bình luận
vtcnews.vn