Người biểu tình Thái Lan rút lui

Thời sự quốc tếThứ Bảy, 17/10/2020 10:58:07 +07:00

Nhà tổ chức đêm qua tuyên bố kết thúc cuộc biểu tình trong ngày ở Bangkok, sau khi cảnh sát triển khai vòi rồng để giải tán đám đông.

"Chấm dứt biểu tình", thông điệp được gửi từ một thành viên ban tổ chức phong trào biểu tình đêm 16/10 cho hay. Đến 19h30 hôm qua, hầu hết đám đông đã rời khỏi giao lộ Pathumwan ở Bangkok, sau khi các lãnh đạo biểu tình yêu cầu họ về nhà và chuẩn bị cho sự kiện tiếp theo.

Họ tuyên bố sẽ tổ chức một cuộc biểu tình khác vào hôm nay, nhưng đang giữ bí mật về địa điểm.

Động thái diễn ra sau khi khi hàng trăm cảnh sát chống bạo động được triển khai để đối phó hơn 2.000 người biểu tình ở thủ đô Bangkok vào chiều tối qua. Cảnh sát kêu gọi người dân về nhà, nếu không sẽ bị trấn áp bằng vòi rồng. Tuy nhiên, hàng trăm người biểu tình đã chặn một đoạn đường, hát quốc ca Thái Lan và yêu cầu cảnh sát "rời đi".

Cảnh sát chống bạo động sau đó sử dụng vòi rồng chĩa về phía người biểu tình, khiến nhiều người dùng ô để chống đỡ, một số ném chai nhựa vào cảnh sát. Đám đông sau đó nhanh chóng được giải tán, song nhiều người khẳng định sẽ còn tiếp tục xuống đường. Theo một bệnh viện tại Bangkok, 4 cảnh sát và một người biểu tình bị thương.

Người biểu tình Thái Lan rút lui - 1

Biểu tình ở Thủ đô Bangkok, Thái Lan. (Ảnh: AP)

"Chính phủ đang sử dụng bạo lực để giải tán phong trào của người dân", Tattep Ruangprapaikitseree, một trong những người lãnh đạo cuộc biểu tình, nói. "Tôi phải đấu tranh cho tương lai của mình", Pin, sinh viên 22 tuổi, cho hay.

Tòa án quận Pathumwan đã phát lệnh bắt 12 người biểu tình vì vi phạm sắc lệnh khẩn cấp. Thủ tướng Prayuth Chan-ocha cho biết, ông sẽ không loại trừ việc áp lệnh giới nghiêm ở thủ đô nếu tình hình vẫn không ổn định.

Giới chức cho biết những người biểu tình bị bắt sẽ được đưa đến văn phòng Cảnh sát Tuần tra Biên giới khu vực 1 ở tỉnh Pathum Thani, nơi một số thủ lĩnh biểu tình đang bị giữ.

Thủ tướng Prayuth hôm 15/10 ban sắc lệnh khẩn cấp cấm tụ tập trên 4 người, song khoảng 10.000 người đã phớt lờ biện pháp này và biểu tình tới đêm cùng ngày, bất chấp nỗ lực giải tán của cảnh sát.

Người biểu tình cáo buộc ông Prayuth, người lên nắm quyền sau cuộc đảo chính quân sự năm 2014, đã thao túng cuộc bầu cử năm ngoái để tiếp tục giữ quyền lực. Tuy nhiên, Thủ tướng Thái Lan cho biết cuộc bầu cử đã diễn ra công bằng và khẳng định sẽ không từ chức.

Đám đông còn đưa ra một số yêu cầu khác, như thay thế bản hiến pháp do chính quyền quân sự soạn thảo hiện nay; cải cách chế độ quân chủ, vốn bị cáo buộc giúp quân đội mở rộng tầm ảnh hưởng chính trị trong nhiều thập kỷ. Người biểu tình cũng đề nghị hoàng gia minh bạch hơn về hồ sơ tài chính, trong bối cảnh nền kinh tế đất nước lao dốc vì COVID-19.

Các cuộc biểu tình phần lớn diễn ra trong hòa bình. Sự cố cụ thể duy nhất mà chính phủ viện dẫn để áp dụng các biện pháp khẩn cấp, dẫn tới lệnh bắt hai người biểu tình, là việc đám đông vây quanh xe chở Hoàng hậu Suthida và la ó. Tuy nhiên, giới chức cho hay các cuộc biểu tình đang gây tổn hại kinh tế và an ninh quốc gia.

Cảnh sát hôm qua cho biết hai người đàn ông sẽ bị truy tố với tội danh "âm mưu hãm hại Hoàng hậu", sau khi họ tham gia nhóm biểu tình vây quanh xe chở Hoàng hậu Suthida. Cả hai có thể đối mặt án tù chung thân theo điều luật trừng phạt bất kỳ "hành động bạo lực chống lại hoàng hậu hoặc sự tự do của bà" vốn đã không được áp dụng suốt hàng chục năm nay, thậm chí có thể bị kết án tử hình nếu giới chức cho rằng tính mạng của Hoàng hậu bị đe dọa

(Nguồn: VnExpress )
Bình luận
vtcnews.vn