Người Anh lựa chọn rời EU

Thế giớiThứ Sáu, 24/06/2016 11:49:00 +07:00

Với phần lớn số phiếu đã được kiểm trong cuộc trưng cầu dân ý ở Anh, số người ủng hộ Anh rời Liên minh châu Âu cao hơn số người muốn nước này ở lại EU.

Sáng 24/6, nhiều điểm bỏ phiếu tại Anh đã công bố kết quả của cuộc trưng cầu dân ý lịch sử. Với 27 địa phương chưa kiểm phiếu, kết quả cuộc trưng cầu dân ý lịch sử ở Anh nghiêng về phe ủng hộ Brexit (Anh rời khỏi EU). Theo thống kê của BBC, 15,6 triệu người ủng hộ Anh rời EU trong khi 14,5 triệu người chọn việc ở lại với khối.

Quá trình quyết định xem Anh vẫn là một thành viên của Liên minh châu Âu (EU) hay rời khỏi tổ chức gồm 28 thành viên, vẫn thường được gọi là Brexit. 

Trong bối cảnh số người ủng hộ Brexit chiếm đa số, đồng bảng Anh đã trượt giá mạnh mẽ so với đồng USD, kỷ lục sau 31 năm. Lần đầu tiên kể từ năm 1985, một bảng Anh chỉ đổi được chưa đầy 1,35 USD. 

 Số người ủng hộ Brexit cao hơn so với lượng người muốn nước Anh ở lại EU

Căng thẳng gia tăng ở Vương quốc Anh trước cuộc trưng cầu dân ý lịch sử cho kết quả đa số người dân ủng hộ rời EU và tương lai chính trị của vị thủ tướng ủng hộ "ở lại", ông David Cameron, bị lung lay.

Boris Johnson, lãnh đạo phe ủng hộ Anh rời EU, cho rằng ngày 23/6 sẽ là ngày độc lập của nước Anh. Trước đó, Hillary Benn, quan chức phụ trách ngoại giao của phe đối lập Anh, cho rằng, Thủ tướng David Cameron nên từ chức nếu người dân Anh chọn Brexit.

Trước kết quả trưng cầu Stephen Crabb, Bộ trưởng phụ trách việc làm và lương hưu, nhận định chính phủ Anh đã thất bại trong việc truyền thông điệp tới tầng lớp lao động da trắng. Tuy nhiên, ông Crabb vẫn khẳng định việc ông Cameron tiếp tục đảm trách cương vị thủ tướng là “hoàn toàn cần thiết”.

Đồng bảng rớt giá, chứng khoán chao đảo

Trong khi đó, thị trường chứng khoán châu Á đang chịu tác động mạnh từ kết quả bỏ phiếu ở nước Anh. Các công ty tài chính Anh ở Hong Kong như HSBC, Standard Chartered cũng đang chịu ảnh hưởng. Ngoài ra, giá trị đồng bảng đã sụt giảm 11% sau khi kết quả kiểm phiếu cho thấy đa số người dân muốn Anh rời EU.

Nhân viên kiểm phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý ở Sunderland

Nhân viên kiểm phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý ở Sunderland

Chỉ số Nikkei của Nhật Bản đã giảm 7%, tương đương 1.100 điểm sau khi kết quả trưng cầu dân ý tại Anh được công bố. Đây là sự sụt giảm tồi tệ nhất kể từ thảm họa hạt nhân 11/3/2011 tại nhà máy điện Fukushima sau thảm họa kép ập vào miền đông nước Nhật.

Thông tin nước Anh chọn rời EU gây ra tình trạng bàng hoàng ở nhiều thành phố. Những tín hiệu tích cực trong việc Anh ở lại EU khiến các chỉ số chứng khoán tăng mạnh trong ngày hôm qua. Tuy nhiên, các nhà đầu tư đang phải đối mặt với viễn cảnh bán tháo cổ phiếu sau kết quả trưng cầu dân ý lịch sử ở Anh.

Trước đó, sau khi 75/382 khu vực kiểm phiếu công bố kết quả, tỷ lệ bỏ phiếu rời EU là 51,3%, trong khi tỷ lệ ủng hộ ở lại là 48,7%. Trong khi trước cuộc trưng cầu, theo tính toán của J.P. Morgan, nhóm ủng hộ "ở lại" được cho là sẽ giành chiến thắng, với kết quả phân tích dự đoán là 66,8%, trong khi tỷ lệ ủng hộ "rời đi" là 33,2%.

Các điểm bỏ phiếu ở Anh mở cửa từ lúc 13h ngày 23/6 và kết thúc hoạt động vào 3h ngày 24/6 (giờ Hà Nội). Cử tri lựa chọn giữa hai đáp án cho câu hỏi duy nhất: "Anh nên tiếp tục là thành viên Liên minh châu Âu hay rời EU". 

Một người dân cầm tấm biển ủng hộ việc Anh ở lại EU

Một người dân cầm tấm biển ủng hộ việc Anh ở lại EU

Cuộc trưng cầu lịch sử

Theo Ủy ban bầu cử Anh, số lượng người đã đăng ký tham gia bỏ phiếu đạt mức kỷ lục: gần 46,5 triệu người. Đây là lần thứ 3 trong lịch sử mà Anh tổ chức trưng cầu dân ý.

Cuộc bỏ phiếu lần này diễn ra sau 4 tháng đấu tranh quyết liệt giữa những nhóm muốn "rời" và "ở lại" EU. Cả thế giới đều theo dõi diễn biến cuộc trưng cầu dân ý có thể dẫn đến việc Anh "dứt tình" với Liên minh châu Âu sau 43 năm gắn bó.

Theo New York Times, những người ủng hộ Brexit cho rằng trong 4 thập kỷ qua, EU đã thay đổi quá nhiều về quy mô và ngày càng quan liêu, khiến tầm ảnh hưởng và chủ quyền của Anh bị suy giảm. Họ cho rằng nước Anh đang bị “kìm hãm” bởi EU khi liên minh áp đặt quá nhiều quy định về kinh doanh hay như Anh đổ nhiều tiền vào khối này mà chỉ được nhận lại chút ít. Họ cũng muốn Anh giành lại quyền kiểm soát các đường biên giới, giảm số lượng người tới đây sống hoặc làm việc.

Trong khi đó, Thủ tướng Anh David Cameron là người dẫn đầu phong trào “ở lại”, bên cạnh các thành viên Công đảng, đảng Dân chủ tự do và đảng Quốc gia Scotland.

Họ lập luận Anh là một quốc đảo với diện tích không lớn nên cần là một phần của khối các quốc gia gắn kết. Qua đó, Anh sẽ có mối liên kết an ninh và tầm ảnh hưởng thực sự trên thế giới.

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn