Người Hà Tây cũ đang bị 'phân biệt đối xử'?

Thời sựThứ Bảy, 06/04/2013 08:00:00 +07:00

Sáp nhập đã 5 năm, nhưng đến nay người dân ở một số địa bàn thuộc tỉnh Hà Tây cũ vẫn phải chịu mức phí đi xe buýt cao hơn nhiều so với người dân ở nội thành.

Sáp nhập vào TP. Hà Nội đã 5 năm, nhưng đến nay người dân trên một số địa bàn thuộc tỉnh Hà Tây cũ vẫn phải chịu mức phí đi xe buýt cao hơn nhiều so với người dân ở nội thành Hà Nội.

Cũng là công dân Hà Nội, cũng được tiếng là người Thủ đô, thế nhưng đã gần 5 năm nay những người dân thuộc thị xã Sơn Tây vẫn phải chịu mức phí xe buýt cao hơn khoảng 3 lần, so với mức phí người dân nội đô chi trả.

Giá vé cho một lần đi từ Sơn Tây đến Hà Nội là 22.000 đồng, nhưng cũng cùng một khoảng cách tuyến xe buýt từ Hà Nội đi Bắc Ninh hay từ Long Biên đi Phố Nỉ, giá chỉ 7.000 đồng.

Trong khi đó, hành khách đi xe phổ biến là người có thu nhập thấp và sinh viên. Sự chênh lệch đáng kể về giá vé xe buýt trên các tuyến đường khác nhau, đang gây nhiều bức xúc cho người dân.


Ông Chu Tiến Đạt, hành khách đi xe buýt, cho biết: “Cùng là người Hà Nội, cùng sống trong nội thành mà lại có giá nọ giá kia, tôi thấy rất thắc mắc”.

Anh Khuất Văn Trọng, một người dân Hà Nội cũng tỏ ra khá bức xúc: “Tôi thấy giá vé thật không công bằng. Nếu mọi người đi từ Mỹ Đình - Phúc Thọ với giá chỉ 7.000 đồng, trong khi đó giá vé đi Mỹ Đình - Sơn Tây lại lên tới 22.000 đồng. Điều đáng nói là cung đường Mỹ Đình - Sơn Tây chỉ dài hơn cung đường Mỹ Đình - Phúc Thọ vài km”.

Sáp nhập vào TP. Hà Nội đã 5 năm, nhưng đến nay người dân trên một số địa bàn thuộc tỉnh Hà Tây cũ vẫn phải chịu mức phí đi xe buýt cao hơn nhiều so với người dân ở nội thành Hà Nội. 

Trước những thắc mắc trên của người dân, nhóm phóng viên đã tới gặp ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm quản lý điều hành giao thông đô thị Hà Nội.

Câu trả lời chúng tôi nhận được là “Năm 2008, sau khi mở rộng địa giới hành chính, các tuyến trước đây thuộc huyện Hà Tây cũ và một số tuyến chạy kế cận nối Hà Nội và Hà Tây trở thành tuyến nội đô thuộc Hà Nội. Phương án hợp nhất đã được thành phố phê duyệt. Tôi hi vọng trong quý 2 hoặc quý 3 năm nay, chúng ta sẽ có những tuyến đầu tiên của hệ thống cũ được đưa vào sử dụng”, ông Hải nói.


Đã 5 năm, Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội, nhưng sự khác biệt đến thời điểm này vẫn chưa được giải quyết. Lời hứa "đến quí 3" đang mang lại cho người đi xe buýt trên tuyến đường này nhiều hy vọng.

Trong lúc chờ đợi cho đến quý 3, nhiều hành khách đặc biệt là sinh viên đành sử dụng phương án chuyển xe liên tục, để tận dụng tối đa các tuyến đường được trợ giá. Mất thêm thời gian, công sức nhưng bù lại họ sẽ tiết kiệm được từ vài nghìn cho đến cả chục nghìn đồng.

Tuy nhiên, người lớn tuổi, người già về hưu, một số đối tượng cũng thường xuyên phải sử dụng xe buýt lại không có sức để lên xe, xuống xe liên tục như vậy. Vì vậy, mọi người chỉ còn mỗi cách là chờ đợi: Bao giờ cho đến quý 3 để đề xuất trợ giá được thực hiện như đã hứa?

Theo VTV News

Bình luận
vtcnews.vn