Ngủ trưa nhiều khiến trẻ em chậm phát triển

Đời sốngThứ Năm, 04/01/2018 13:35:00 +07:00

Sau khi xem xét hành vi ngủ trưa nhiều, các nhà khoa học thấy rằng chúng có liên quan đến việc chậm phát triển, bệnh béo phì cũng như những vấn đề về tâm lý.

Người Việt thường có thói quen ngủ trưa. Đặc biệt với trẻ em, ngủ trưa càng là thói quen mà cha mẹ muốn con mình thực hiện hàng ngày. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh thường phải vật lộn để cho trẻ ngủ trưa, bên cạnh vô vàn những công việc chăm sóc khác như tắm cho trẻ, cho trẻ ăn hay chơi với trẻ. Chỉ đến khi trẻ ngủ thì bạn mới có thể được nghỉ ngơi đôi chút, vậy nên cha mẹ rất thích cho con ngủ trưa càng nhiều càng tốt.

Nếu bạn đang là những người làm cha làm mẹ, hàng ngày phải nghĩ cách cho con lên giường ngủ vào mỗi trưa, thì một nghiên cứu dưới đây có thể sẽ làm thay đổi suy nghĩ của bạn.

Nghiên cứu cho thấy, ngủ trưa chỉ thực sự cần thiết cho trẻ dưới 2 tuổi. Sau độ tuổi này, việc ngủ trưa có thể ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ của bé nhà bạn vào ban đêm. Bên cạnh đó, nó cũng tác động đến hành vi, nhận thức lẫn sức khỏe thể chất. Đây đều là những điều không hề tốt một chút nào cho trẻ nhỏ.

Video: Vì sao không ngủ trưa quá 40 phút?

Vậy bạn có nên ép trẻ tiếp tục ngủ trưa nữa không?

Các nhà khoa học đề xuất bạn không nên bắt trẻ đi ngủ trưa khi bé trên 2 tuổi. Sau độ tuổi này, trẻ bắt đầu ngủ nhiều nhất vào ban đêm. Trẻ từ 3 đến 5 tuổi có nhu cầu ngủ từ 10 đến 13 giờ mỗi đêm. Do đó, nghiên cứu cho rằng ngủ trưa nhiều vào ban ngày có thể làm giảm chất lượng giấc ngủ của trẻ nhỏ.

Các nhà khoa học sau đó cũng đã xem xét hành vi ngủ trưa nhiều và thấy chúng có liên quan đến việc chậm phát triển, bệnh béo phì cũng như những vấn đề về tâm lý.

Có sẽ khác biệt giữa ngủ ngày và ngủ đêm

Nhóm nghiên cứu tại Đại học Công nghệ Queensland đã khảo sát việc ngủ trưa tại các trung tâm chăm sóc trẻ em và đặt ra câu hỏi, liệu trẻ có thực sự cần ngủ trưa hay không.

Giáo sư Karen Thorpe cũng cho biết từ khi hai tuổi trở đi, trẻ em có thể tự điều chỉnh giấc ngủ của mình. Vậy nên ép buộc chúng ngủ trưa trong ngày có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ ban đêm giá trị hơn.

Giáo sư Thorpe chia sẻ: "Cha mẹ không cần sợ trẻ không được ngủ trưa sẽ mệt mỏi hay cần phải cân bằng giữa ngủ đêm và ngủ ngày. Nếu làm vậy, trẻ sẽ ngủ ngày nhiều hơn và tự động ngủ ít đi vào ban đêm. Một khi trẻ đã ngủ quá nhiều, giấc ngủ ban đêm của trẻ sẽ bị ảnh hưởng và làm trẻ mất ngủ.”

Giấc ngủ ban đêm mới thực sự là giấc ngủ có giá trị và cần đủ chất lượng cũng như thời lượng để bảo vệ sức khỏe. Hãy để trẻ đi ngủ sớm và có một giấc ngủ đủ vào ban đêm, hơn là cố gắng ép trẻ ngủ trưa nhé các bậc cha mẹ.

Thùy Trang
Bình luận
vtcnews.vn