Ngư dân kể chuyện cứu tàu Malaysia trong cơn sinh tử

Thời sựThứ Bảy, 11/06/2011 01:01:00 +07:00

(VTC News) – Trên phao, có một người đàn ông rất to lớn nằm bất tỉnh và một người nhỏ con hơn dáng vẻ mệt mỏi, nước mắt đầm đìa quỳ lạy xin được cứu...

(VTC News) – Đã hơn 1 tuần kể từ ngày cứu hộ và đưa 10 thủy thủ trên tàu Malaysia bị cướp biển tấn công vào bờ an toàn, thuyền trưởng Bùi Quang Mông (SN 1970) ở xã Phổ An, huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi), chủ tàu cá QNg98676-TS, vẫn không khỏi hồi hộp khi nhớ lại khoảnh khắc đáng nhớ này.

Chiều 9/6, sau khi đón nhận những bó hoa tươi thắm cùng bằng khen và phần thưởng mà Tỉnh ủy Quảng Ngãi trao tặng, ông Mông đã kể lại những phút giây lịch sử trong quảng đời gần 20 năm bám biển của mình.

Thuyền trưởng Bùi Quang Mông được tôn vinh vì nghĩa cử cao đẹp của mình 

“Sáng hôm đó (ngày 2/6), chúng tôi cho thuyền tiến gần về đảo Tiên Nữ, thuộc Quần đảo Trường Sa, để tìm luồng cá. Bất chợt, chúng tôi phát hiện thấp thoáng đằng xa một chiếc phao cứu sinh rất to (đường kính khoảng 5m), đang trôi về phía mình, nhưng trên phao không có gì”.

"Thấy chiếc phao lớn, chúng tôi phán đoán đây có thể là phao của một tàu lớn hoặc tàu hàng nào đó bị nạn. Biết chuyện chẳng lành, tôi quyết định cho tàu tăng tốc, chạy ngược hướng nước để tìm dấu vết.

Chạy được khoảng 4 hải lý chỉ trong vòng chưa đầy 30 phút, chúng tôi phát hiện có ánh sáng trắng chói về phía tàu mình. Tôi đánh bánh lái cho tàu chạy chệnh hướng né luồng ánh sáng nhưng ánh sáng kia lại chiếu theo tàu chúng tôi".

“Biết có người cầu cứu, tôi yêu cầu một bạn thuyền lên trên cabin cao, cầm ống nhòm quan sát về hướng có luồng sáng rọi tới thì phát hiện có một cái phao cứu sinh khác tương tự cái phao lúc đầu”, ông Mông hồi hộp kể.

Tôi tiếp tục nhấn ga cho thuyền lướt tới gần thì phát hiện trên phao có một người đàn ông rất to lớn nằm bất tỉnh và một người nhỏ con hơn ngồi trên phao đang quỳ lạy xin được cứu. Tiến lại gần hơn, chúng tôi còn thấy 8 người khác đang bám xung quanh chiếc phao đã bắt đầu xẹp hơi, tay ngấm nước nhiều ngày đã sưng vù.

 Ông Mông như sống lại phút giây vật lộn cứu người giữa biển khơi

Nói đoạn, ông Mông nhấp ngụm nước, lấy tay áo quệt giọt mồ hôi đang lăn trên trán, trông rất căng thẳng như đang sống lại khoảnh khắc cứu người đầy hiểm nguy giữa đại dương mênh mông.

“Thấy tình thế khẩn cấp, tôi yêu cầu các bạn thuyền trên tàu bỏ 2 thuyền thúng xuống biển, rồi chia thành 2 đội, một đội dưới thúng, một đội trên thuyền phối hợp cứu người. Đồng thời 3 ngư dân lặn giỏi lặn xuống sâu để nâng những thủy thủ bị nạn từ dưới nước lên thuyền thúng”.

Do các thủy thủ bị nạn có thể hình rất to lớn nặng nề nên phải mất hơn  30 phút đánh vật với sóng biển, 14 ngư dân người Quảng Ngãi mới đưa hết được 10 thủy thủ (7 người quốc tịch Indonesia, 3 người Myanmar) gặp nạn lên thuyền an toàn.

“Lên đến tàu, đã số họ đều mệt rã, nằm vật trên sàn tàu. Người bị thương nặng nhất là một người đàn ông to lớn, sau này mới biết là thuyền trưởng của tàu, bị một vết cắt ở cổ, 2 chân bị đánh sưng phù không thể cử động được”, ông Mông nhớ lại.

Chốc chốc có người tỉnh dậy, nước mắt đầm đìa, quỳ thụp xuống, lạy cảm ơn chúng tôi bằng ngôn ngữ riêng của nước họ. Chúng tôi nhanh chóng hô hấp nhân tạo, khi thấy ai dần hồi phục là nhỏ nước từng giọt cho họ uống. Anh nuôi trên tàu nhanh chóng nấu cháo để cho họ ăn.

 Thuyền trưởng không cầm được nước mắt khi nhớ lại những kỷ niệm với thủy thủ nước bạn

“Họ rất đói, ai cũng muốn ăn nhiều, nhưng tui cản lại chỉ cho họ ăn từng ít một vì sợ họ bị sốc”.

Đến sáng hôm sau, hầu hết mọi người đều đã tỉnh, chỉ còn thuyền trưởng tàu bạn là còn rất đau đớn vì bị nhiều vết thương rất nặng, nếu không được chữa trị kịp thời nguy cơ tử vong là rất cao.

Trong khi đó, sau mấy ngày đánh bắt, trên tàu QNg 98676-TScủa thuyền trưởng Bùi Quang Mông chỉ mới bắt được hơn 1 tấn cá, nhưng đứng trước hoàn cảnh nguy kịch của đồng nghiệp, ông Mông quyết định bỏ chuyến biển, tất tốc cho tàu về lại đất liền trước khi quá muộn.

"Tính ra tiền tổn (chi phí lương thực, nhiên liệu...) phải mất đến 200 triệu cho chuyến đi, nhưng vì mạng sống của các thủy thủ nước bạn tôi không ngần ngại cho thuyền quay về”, thuyền trưởng Mông chia sẻ.

Suốt 2 ngày lênh đênh trên biển quay về đất liền, do lương thực thực phẩm trên  tàu dần cạn kiệt vì có khách đột xuất, thuyền của ông Mông phải cập tàu các ngư dân khác đánh bắt gần đó để mượn thêm 50kg gạo đãi khách. Ngoài ra, thuyền ông cũng phải mượn thêm 300 lít dầu để chạy máy vì trong lúc khẩn cấp cứu người, chiếc thuyền luôn trong tình trạng chạy “hết ga hết số” nên thiếu nhiên liệu. 

 "Từ điển" của thuyền trưởng Mông để giao tiếp với thủy thủ nước bạn 

“Sống cùng nhau trên tàu nhưng do bất đồng ngôn ngữ, chúng tôi phải nói chuyện với nhau bằng tay. Do đó, tui đã nảy ra sáng kiến, mỗi lần nói chuyện, tôi lại lấy tờ giấy ghi lại phát âm của họ để lần sau khi cần nói gì chúng tôi sẽ nói âm đó là họ hiểu”, ông Mông dí dỏm.

Chỉ 3 ngày ngắn ngủi sống cùng nhau trên tàu, nhường cơm sẻ áo cho nhau, giao tiếp với nhau bằng thứ ngôn ngữ nghĩa tình, 24 thuyền viên 3 nước đã thân với nhau như anh em. Sáng 5/6, khi tàu cập cảng Nha Trang (Khánh Hòa), 10 thủy thủ nước bạn đã lên bờ an toàn, họ ngậm ngùi chia tay nhau trong đầm đìa nước mắt.

 Thuyền trưởng Mông và thuyền trưởng tàu bạn chia tay nhau trong không khí đầy cảm động

Sau chuyến biển lịch sử, tàu cá của ông Mông phải neo lại cảng Nha Trang, các bạn thuyền về quê nghỉ ăn Mùng 5/5, còn ông Mông phải lặn lội ra Đà Nẵng mua thiết bị về để sửa chữa tàu vì sau chuyến hải trình chạy ráo riết tàu ông đã hư hỏng một số bộ phận quan trọng.

Đến khi trở lại quê nhà, được chính quyền địa phương tôn vinh vì nghĩa cử cao đẹp của mình và các thuyền viên trên tàu, ông Mông vẫn rất rất bình thản: “Việc tôi làm cũng hết sức bình thường thôi. Tôi nghĩ, đã là người Việt Nam, ai trong hoàn cảnh đó cũng sẽ hành động như tôi”.

Nghĩa Bình


Bình luận
vtcnews.vn