Ngũ Cung đạo nhạc: Chỉ thừa nhận một "sơ suất" nhỏ

Tổng hợpThứ Hai, 22/03/2010 06:20:00 +07:00

(VTC News) – Đó là đoạn intro trong bài Lồng ngực tối, giống với ở một ca khúc của Nga. Tuy nhiên, Ngũ Cung nói đoạn nhạc này họ được một người bạn tặng!

(VTC News)Một nghi án đạo nhạc đang làm nóng cộng đồng mạng là trường hợp Ngũ cung với một số ca khúc trong album “Ngũ Cung – 365000". Trong lúc dân nghiền rock tiếp tục có rất nhiều ý kiến xung quanh sự việc này thì vài nhạc sỹ cũng đưa ra nhận xét riêng, hầu hết đều khẳng định Ngũ Cung "có vấn đề". Tuy nhiên, trả lời chính thức với VTC News, nhóm nhạc chỉ thừa nhận "một đoạn intro trong ca khúc Lồng ngực tối là bị giống một ca khúc nước ngoài khác"!


Sự việc bắt đầu được chú ý khi ngày 12/3, tại diễn đàn aeguitar (www.aeguitar.org) đưa ra nghi vấn về việc đạo nhạc của nhóm Ngũ cung (rock band Hà Nội có nhiều ca khúc gây được chú ý như Cướp vợ, tục lệ người H'mông, Giã cốm đêm trăng...) và ngay lập tức thu hút được sự quan tâm của đông đảo các fan rock. Số trang bình luận của cư dân mạng về topic này tăng rất nhanh. Họ đưa ra nghi vấn về một số sáng tác của nhóm này đạo từ các tác phẩm nước ngoài như: Lồng ngực tối, 365000, Be U, Cướp vợ - Tục lệ người H'mông.

Sau nghi nghe và đối chiếu, một số nhạc sỹ như Dương Thụ, Phương Uyên cũng đưa ra ý kiến của mình với trường hợp các tác phẩm trên của Ngũ cung trên báo Tuổi trẻ.

Nhạc sỹ Dương Thụ cho biết: “Trong sáng tác âm nhạc, ý nhạc là quan trọng nhất, còn lại chỉ là sự phát triển và những xử lý kỹ thuật. Người viết không đủ tài thường bắt chước vì họ không đủ khả năng để tự nghĩ ra một cái gì đó. Tệ nhất của sự bắt chước là ăn cắp ý nhạc thể hiện qua việc sao chép giai điệu bài hát, câu solo của nhạc cụ (cái này lộ liễu, rất dễ nhận ra) và trong việc "cóp" ý tưởng, nội dung ca từ. Ðây coi như là một việc làm "lậu", ăn cắp bản quyền mà thủ phạm do không ý thức được vẫn làm một cách hồn nhiên".

Tất nhiên ngoài những cái giống, Ngũ Cung vẫn có những cái của mình, vẫn là một ban nhạc có "gu" tốt, cũng ham muốn làm nghệ thuật. Nhưng làm nghệ thuật đồng nghĩa với sáng tạo. Phẩm chất căn bản của người sáng tạo chính là sự phủ định cực đoan với cái cũ, với sự giống. Người sáng tạo vô cùng xấu hổ khi nhận ra những cái mình làm lại giống của người khác.

Quả thật Ngũ Cung nếu muốn làm nghệ thuật nên hiểu điều này, bằng không thì cứ tự nhiên, mọi xìcăngđan đều rất có lợi cho việc bán đĩa, bởi tai tiếng đối với người không tự trọng cũng "tốt" như sự nổi tiếng vậy.

Đồng thời, ông cũng khẳng định, "Sự nổi tiếng có thể mở đường cho sự tai tiếng, bởi vì không ai muốn trở thành "người hâm mộ bị lừa dối".

Nhạc sỹ Phương Uyên cũng thẳng thắn bày tỏ quan điểm: "Với ba ca khúc Lồng ngực tối, Cướp vợ và 365.000 thì rõ ràng quá giống ở câu mở đầu, nhịp phách lẫn hợp âm của bài hòa tấu guitar của gibsonworlddemise, bài Name dropping của Steve Morse và Stockholm syndrome của Muse, chỉ có giai điệu là khác.

Một bản nhạc rock quan trọng nhất là câu cú của guitar. Chính câu guitar đó thể hiện đẳng cấp của người sáng tác và biểu diễn chúng. Câu guitar là sườn, là bố cục chính trong một ca khúc rock. Và nếu như đã lấy câu guitar đó làm sườn thì trống và bass... cũng phải đánh dựa trên câu guitar để phát triển, không thể khác đi được. Vì vậy nếu đã “mượn ý tưởng” của câu guitar để dẫn dắt vào ca khúc thì những phần còn lại khó tránh chuyện giống y chang.

Với Be U, Live wave thì không có cơ sở để cho rằng Ngũ Cung đã “mượn ý tưởng”. Nghe qua cũng có nét tương đồng với Girlfriend của Avril Lavigne, Around the world của Red Hot Chili Peppers nhưng đó là cái tương đồng ở thể loại, ở cách phối mà thôi".

Một độc giả là fan trung thành của Rock và có nhiều năm lăn lộn cùng với rock Việt (giấu tên) khi trao đổi với VTC News khẳng định nhóm Ngũ cung đã đạo nhạc. “Ngoài phần ca từ có thể do sự hợp tác với một số người khác thì phần nhạc khí trong một band rock, chơi ở vị trí nào sẽ viết cho mình câu nhạc ở vị trí đó. Vì vậy, xảy ra sự việc như với Ngũ cung có thể nói trách nhiệm lớn nhất ở người chơi guitar vẫn tự xưng là sáng tác chính. Tôi không nghĩ phải dùng cụm từ “việc được gọi là đạo nhạc nữa mà đấy là đạo. Trường hợp của Ngũ cung giống như album Diamond Noir của Hồ Quỳnh Hương, kiểu đạo nhạc giống nhau. Rất buồn cười là Ngũ cung phát biểu những chứng cứ trên forum aeguitar không đáng tin cậy thì họ cũng dẫn những phát biểu và "định nghĩa đạo nhạc" ở một forum khác. Tức là không dựa trên một tư liệu có tính chính thống nào cả. Như vậy thì chẳng khác gì tự vả vào mặt. Nực cười lắm!" - Độc giả này bình luận.

Ban nhạc Ngũ cung. 

Dưới đây là phần phát ngôn chính thống từ ban nhạc Ngũ cung về vấn đề đạo nhạc của nhóm đang làm nóng dư luận trong thời gian vừa qua. Anh Bùi Thanh Hải quản lý của nhóm lý giải, với trường hợp ca khúc Lồng ngực tối là do nhóm đã sử dụng một đoạn intro của một người bạn tặng cho nhóm mà không kiểm tra lại xem nó có giống một ca khúc nào khác không. Đó là lý do dẫn đến các luồng dư luận gần đây. Với những trường hợp khác, ban nhạc này phủ nhận đã "đạo nhạc" và đưa ra những chứng cứ hoặc không bình luận. Ban nhạc cũng cho biết sẽ cẩn trọng những sáng tác mới của mình.

- Cho đến giờ, thông tin cho rằng Ngũ cung đạo nhạc vẫn đang là mối quan tâm của không chỉ rock fan. Ban nhạc nghĩ thế nào trước luồng dư luận này?

- Đây không phải là lần đầu tiên Ngũ Cung phải đối mặt với những thông tin kiểu như vậy trên một số diễn đàn không chính thức kể từ thời điểm chúng tôi phát hành Album “Ngũ Cung – 365000” ngày 18/07/2009. Đã là dư luận thì nó sẽ có nhiều chiều, nhiều ý kiến cho một vấn đề và đặc biệt những vấn đề nó liên quan đến những người của công chúng song hành cùng với những hoạt động nghệ thuật của họ. 

- Nhạc sỹ Phương Uyên cho rằng “Lồng ngực tối, Cướp vợ và 365.000 quá giống ở câu mở đầu, nhịp phách lẫn hợp âm của bài hòa tấu guitar của Gibsonworlddemise, bài Name dropping của Steve Morse và Stockholm syndrome của Muse”. Nhạc sỹ này cũng cho rằng “Một bản nhạc rock quan trọng nhất là câu cú của guitar nên mượn ý tưởng của câu guitar để dẫn dắt vào ca khúc thì những phần còn lại khó tránh chuyện giống y chang”. Anh và ban nhạc nói gì về nhận định này?

- Là một ban nhạc trẻ, trong các sáng tác của Ngũ Cung thì điểm nổi bật là phần nhạc Ngũ Cung chịu  ảnh hưởng từ các bậc tiền bối của làng nhạc rock thế giới như Pink Floyd, Ozzy Osbourne, Dream Theatre, Zakk Wylde, Queen, Tool… và đặc biệt là những âm hưởng nhạc dân tộc của các dân tộc vùng núi phía bắc như tiếng khèn, sáo mèo… , ngoài ra Ngũ Cung đã từng hợp tác với các nhạc sỹ như Trần Tuấn Long, Trần Thanh Phương, Nguyễn Vĩnh Tiến, Phan Yến Hoa, Richard Steven Pavelec II (đệ nhị) (hay còn gọi là Riki)… cho các sáng tác của mình. Những người thầy, người bạn đó đã giúp đỡ Ngũ Cung rất nhiều trong việc định hướng sáng tác và những ảnh hưởng nhất định trong sáng tác của mình.

Nếu chúng ta chỉ căn cứ vào màu của sáng tác, rồi một hai câu “riff guitar” hay một đoạn “intro”  ngắn “nghe thấy giống” mà kết luận luôn rằng tác phẩm đó hoàn toàn là đạo nhạc thì  Ngũ Cung xin phép không bình luận gì.

Có thể sơ suất của Ngũ Cung là chưa kể hết chi tiết quá trình làm bài Lồng ngực tối khi ý tưởng kết hợp sáng tác dưới sự giúp đỡ của bạn bè và đặc biệt là phần lời được anh Nguyễn Vĩnh Tiến làm tặng sau khi Ngũ Cung đã hoàn thiện phần nhạc. Khi hoàn thiện xong phần giai điệu (melodies) cho tác phẩm có chất ballad này đầu năm 2008, lúc Ngũ Cung đang tìm cách sáng tác đoạn mở đầu cho nó phù hợp thì được một người bạn của ban nhạc đã chơi thử cho nghe đoạn nhạc “intro” mà mọi người cho là giống đoạn clip trên mạng của một tác giả người Nga trên các diễn đàn bằng keyboard, thậm chí người bạn đó còn chép note ra trên phần mềm “guitar pro” và để Ngũ Cung ghép thử với đoạn giai điệu đã có của mình. Thời điểm đó có thể sơ xuất của ban nhạc đã không kiểm tra kỹ nguồn gốc đoạn “intro” đó với ý nghĩ “Đó là của bạn mình!” và đã phát triển kết hợp với đoạn intro cùng với giai điệu tạo thành tác phẩm Lồng Ngực Tối.

Ngũ Cung không có ý định thanh minh nhiều cho sự việc này vì nó đã và sẽ ảnh hưởng đến uy tín không chỉ của Ngũ Cung mà còn của nhiều người khác nữa. Đó thực sự là bài học cho một ban nhạc trẻ như Ngũ Cung khi đã đạt được những vị trí nhất định trong lòng người hâm mộ và khi dư luận lên tiếng và đó cũng là cơ hội để Ngũ Cung chứng minh năng lực sáng tạo của mình bằng cách là các bạn sẽ thấy một “Lồng Ngực Tối” hoàn toàn khác với những gì mà Ngũ Cung đã thể hiện trong Album 365000.

Nếu thực sự những chuyện “lùm xùm” như vừa rồi mà làm mất lòng tin của khán giả, người hâm mộ đối với Ngũ Cung thì Ngũ Cung xin chính thức nói lời xin lỗi về sự cố này. Điều đó thể hiện ngày càng có nhiều người quan tâm và ủng hộ Ngũ Cung hơn, song hành cùng với Ngũ Cung trên con đường sáng tạo nghệ thuật. Nói gì thì nói, xét về tổng thế Lồng Ngực Tối vẫn là một tác phẩm nhạc hoàn chỉnh.

Còn theo đối với bài Cướp vợ, Tục lệ người Mông, Ngũ Cung sáng tác từ năm 2007 để tham dự cuộc thi ROCK YOUR PASSION và chính thức tham gia Album ROCK THE NATION rồi đến Album riêng của ban nhạc Ngũ Cung – 365000 vào ngày 18/07/2010. Bài Name Dropping của Steve Morse xuất hiện cùng với Album phát hành vào ngày 06/10/2009 có đoạn intro đầu mà có nhiều ý kiến cho rằng giống nhau thì Ngũ Cung cũng không có ý kiến gì thêm về bài này.

Ngũ Cung biểu diễn trên sân khấu. 
- Trong một lần trao đổi gần đây nhất, anh cho biết không đưa ra bình luận hay mổ xẻ gì về vụ việc. Tuy nhiên, đây là việc của ban nhạc, liên quan trực tiếp đến danh dự, uy tín của ban nhạc thì lý do của sự im lặng này nên được hiểu như thế nào?

- Ngũ Cung đã chính thức có ý kiến về vấn đề này trên trang web của ban nhạc tại địa chỉ www.ngucung.com

- Anh cũng nói việc nhầm lẫn khái niệm giữa đạo nhạc và ảnh hưởng và không phải ai cũng hiểu thế nào là đạo nhạc. Theo anh, thế nào mới là đạo nhạc?

- Đạo nhạc là lấy nhạc phổ (sheet music) một bản nhạc do người khác sáng tác ra, để y nguyên hoặc chỉnh sửa ít nhiều rồi bảo là mình làm.

Lấy nhạc phổ của 1 bài hát ngoại để đặt lời nhưng nếu không nhận là mình làm nhạc phổ đó thì không gọi là đạo nhạc. Tuy nhiên nếu đem phổ biến rộng rãi mà chưa được người có tác quyền đồng ý thì hành vi đó là "vi phạm tác quyền”.

- Việc ảnh hưởng từ âm nhạc thế giới dẫn đến nghi án đạo nhạc có vẻ rất phổ biến trong showbiz Việt. Một câu hỏi được đặt ra là tại sao Ngũ cung hay những nghệ sỹ khác lại không sáng tác bằng cách sáng tạo mà không dựa trên bất kỳ sự ảnh hưởng nào?

- Việt Nam không phải là nơi sản sinh ra nhạc rock. Những người chơi nhạc Rock trên thế giới nói chung và Việt nam nói riêng không thể không chịu ảnh hưởng từ các ban nhạc rock nổi tiếng, những bậc tiền bối sản sinh ra loại hình nhạc này trên thế giới. Ngay cả ở trên thế giới không có trường hay trung tâm âm nhạc nào đào tạo nhạc riêng chuyên về loại hình nhạc Rock cả. Rock nó vốn thế, kế thừa, phát huy và đầy tính hoang dại đẹp vốn có của nó. Đó là sự thật hiển nhiên! Nếu không căn cứ hay dựa trên bất kỳ sự ảnh hưởng từ nền nhạc rock nước ngoài thì làm sao có thể sáng tạo, tạo ra được những tác phẩm đúng chất rock. Nếu bạn không nghe rock, không yêu rock làm sao bạn chơi được nhạc rock.

- Hướng sáng tác sắp tới của ban nhạc sẽ đi theo hướng nào, tiếp tục kiểu đề tài khai thác nội dung dân gian hay là vấn đề khác? Lùm xùm lần này có khiến ban nhạc sẽ cẩn thận hơn trong các sáng tác sắp tới?

- Ngũ Cung vẫn tiếp tục trung kiên với mảng đề tài về cuộc sống văn hóa, tập tục đẹp của con người Tây Bắc và những đề tài về xã hội, tình yêu cuộc sống.

Tất nhiên là sau lùm xùm lần này Ngũ Cung sẽ cẩn trọng hơn trong những sáng tác của mình rồi.

Trần Lê(Thực hiện)

Bình luận
vtcnews.vn