Ngọn lửa chữ T đêm Tây Bắc và thất bại cay đắng của CIA

Phóng sự - Khám pháThứ Năm, 02/02/2012 06:03:00 +07:00

(VTC News) - Ba tên Vy Văn Sình, Lò Văn On, Đinh Công Thạch giương súng bắn xối xả nên đã bị các trinh sát nổ súng tiêu diệt.

(VTC News) - Ba tên Vy Văn Sình, Lò Văn On, Đinh Công Thạch giương súng bắn xối xả vào lực lượng của ta nên đã bị các trinh sát nổ súng tiêu diệt. 7 tên bị bắt sống, hai tên là Phan Tuấn Sơn và Hoàng Anh Tuấn trốn thoát trong làn đạn dày đặc.

Trong căn nhà với những đồ đạc phủ bụi bên con đường Lò Văn Giá, nguyên Phó giám đốc Công an tỉnh Sơn La Nguyễn Xuân Thục xúc động nhớ lại những ngày luồn rừng, vượt thác, đấu mưu, đấu trí với những toán gián điệp biệt kích được CIA đào tạo bài bản, trang bị vũ khí hiện đại, hệ thống liên lạc tối tân.

Cho đến bây giờ ông cũng không thể nào lý giải được rằng, tại sao lực lượng công an non trẻ, trang bị lạc hậu, phương tiện đi lại là cuốc bộ trong rừng, chỉ với 4 tổ, vẻn vẹn 20 người mà đã phối hợp với các lực lượng khác để tóm gọn tới 72 tên biệt kích gian manh, xảo quyệt trên địa bàn Sơn La và Điện Biên.

Ông Nguyễn Tuấn kể chuyện tóm toán Bear. 

Có được sự thành công ngoài sức tưởng tượng đó là sự dũng cảm, mưu trí, khôn khéo và cả sự gian khổ của một cuộc sống triền miên không biết đến ngày tháng trong rừng. Vụ tóm gọn toán Bear là thành công rất lớn mà những "hùm xám" núi rừng Tây Bắc như Nguyễn Xuân Thục, Nguyễn Tuấn, Lò Văn Niện còn nhớ rõ.

Giữa năm 1964, qua việc sử dụng gián điệp biệt kích liên lạc với cơ quan đầu não ở Sài Gòn, các tổ chống biệt kích khu vực Sơn La biết được rằng, sắp tới sẽ có một nhóm biệt kích 12 tên, gồm Phan Tuấn Sơn, Hoàng Anh Tuấn (dân tộc Kinh), Linh Văn Đa, La Văn Gioỏng (dân tộc Thổ), Đàm Văn Liên, Vy Văn Sình, Lô Viết San (dân tộc Tày), Lò Văn On, Se Khìu Sáng (Thái đen, Sơn La), Đinh Viết Lợi, Đinh Công Thạch, Bùi Văn Chính (dân tộc Mường), do Phan Tuấn Sơn làm trưởng toán, nhảy xuống miền Bắc Việt Nam.

Biệt kích dù do Mỹ đào tạo. Ảnh tư liệu. 

Toán này sẽ thả các thùng nhựa chứa hàng hóa, lương thực, thực phẩm, chăn màn, thuốc men, máy điện đàm, súng ống, đạn dược... phục vụ cho công tác tuyên truyền phản động lâu dài, móc nối với các toán khác để đánh phá trên quy mô lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc.

Đầu tháng 10-1964, toán Leaper, gồm 8 người, do chính Phan Tuấn Sơn đào tạo đã bị mất tích ngay khi đặt chân xuống rừng núi miền Bắc, do vậy, là một con cáo già, gã rất thận trọng. Tuy nhiên, nhảy ở đâu, địa điểm nào, gã không thể quyết định được.

Đấu súng

11-12-1964, khoảng cuối tháng 10 âm lịch, lúc 7 giờ tối, toán Bear lên chiếc phi cơ Caribou đen thùi lũi từ Nha Trang bay thẳng hướng Thái Lan, cùng với Đại úy Dũng và một cố vấn Mỹ. Ngay lập tức toán Bear được chuyển sang chiếc DC6B, không sơn phù hiệu, phi hành đoàn toàn là người Mỹ. Lúc này, Đại úy Dũng mới thông báo cho toán Bear kế hoạch mang tên OP34A phải triển khai.

Đò trên sông Đà. 

11 giờ đêm, máy bay cất cánh khỏi sân bay U Ta Pao, nhằm hướng Tây Bắc Việt Nam, theo tọa độ đã được thám báo cung cấp. Điểm nhảy dù sẽ là một địa danh của Mộc Châu, cách biên giới Lào 17 km...

Ở Mộc Châu, đêm cuối tháng, không trăng sao, toàn bộ lực lượng công an chống biệt kích đã sẵn sàng vào cuộc. Ngoài ra, còn có lực lượng quân đội, dân quân hùng hậu rải khắp các cánh rừng Mộc Châu.

Trên dãy Pha Luông sát biên giới Lào, các trinh sát xếp hỏa châu trên mặt đất thành hình chữ "T". Theo mật hiệu, ngọn lửa hình chữ "T" có nghĩa là an toàn, còn chữ "V" thì có nghĩa: "Biến ngay". Ám hiệu này được đưa ra trước khi máy bay cất cánh ít phút.

1 giờ 15 phút sáng, tiếng máy bay ầm ì lượn lờ quanh vùng trời Mộc Châu. Hỏa Châu bùng bùng phát lửa xanh lè. Từ trên cao nhìn xuống thấy rõ hình chữ T sáng rực. Tiếng máy “pin-cơ” phát ra xèn xẹt.

Dãy Pha Luông ở Mộc Châu. 

Nhận được tín hiệu, máy bay hạ thấp dần độ cao. Do cẩn thận nên Phan Tuấn Sơn quy định mỗi người nhảy một nơi, sau đó sẽ tìm nhau qua máy dò sóng.

Sơn và Tuấn điều khiển dù cách xa chữ T vài km để thăm dò tình hình nên thoát được vòng vây dày đặc của lực lượng công an, bộ đội, dân quân.

Ba tên Vy Văn Sình, Lò Văn On, Đinh Công Thạch giương súng bắn xối xả vào lực lượng của ta nên đã bị các trinh sát nổ súng tiêu diệt. 7 tên bị bắt sống, hai tên là Phan Tuấn Sơn và Hoàng Anh Tuấn trốn thoát trong làn đạn dày đặc.

Việc Phan Tuấn Sơn và Hoàng Anh Tuấn trốn thoát sẽ gây bất lợi lớn cho ta. Cũng may là bản đồ, điện đàm đã bị ta thu hết, nên tạm thời chúng sẽ không liên lạc được với tổ chức.

Tuy nhiên, từ chỗ chúng nhảy dù đến biên giới Lào chỉ có 17 km, nếu chúng vượt qua dãy núi Pha Luông thì sẽ rất khó truy kích. Do vậy, các trinh sát tinh nhuệ nhất được tung vào các cánh rừng chằng chịt lá han để lần tìm dấu vết hai tên biệt kích.

Sau 4 ngày truy kích, lực lượng công an nhận được một thông tin quý giá: một cháu bé người Mông khi đi chăn trâu phát hiện vườn sắn bị nhổ mất chục gốc, lại nhìn thấy khói bốc lên ở trong một cánh rừng.

Xác định có thể hai tên biệt kích chưa rời khỏi lãnh thổ Việt Nam, các trinh sát phối hợp với du kích địa phương tạo thành nhiều mũi lần về phía cháu bé người Mông kể.

Khi các trinh sát tiếp cận vườn sắn thì thấy tên Tuấn đang nhổ sắn, còn tên Sơn ôm súng ngồi gác. Hai nòng súng lạnh ngắt gí vào cổ khiến chúng không kịp trở tay.

Nhân dân các bản nghe tin công an bắt được biệt kích nhảy dù kéo đến xem đông như hội. Ai cũng yêu cầu xử bắn tại chỗ, tuy nhiên, các trinh sát đã áp giải chúng mất hút vào rừng thẳm để tiếp tục làm mồi nhử, câu thêm nhiều toán gián điệp biệt kích, với vô vàn lương thực, thực phẩm, súng ống, điện đàm nữa...

Hy sinh thầm lặng

Nhớ lại những ngày ăn rừng ngủ thác truy bắt biệt kích, ông Thục, ông Tuấn, ông Niện, những "hùm xám" của núi rừng Tây Bắc một thời không khỏi bồi hồi khi nghĩ đến những người đồng chí cùng mình sát cánh mấy tháng trời trong rừng đã hy sinh.

Năm 1966, tổ chống biệt kích do "hùm xám" Hà Yêu phụ trách đã tóm gọn nhóm biệt kích nhảy dù xuống xã Pắc Ma, huyện Sông Mã sau mấy tháng trời câu nhử.

Sau khi trói gô chúng lại, anh em bỏ lán vào rừng họp hành. Không ngờ, hai tên báo vụ này tìm cách tháo được dây trói, trộm súng rồi đốt lán trại.

Khi anh em lao vào đống lửa cứu tài liệu cơ yếu thì bị hai tên lao từ chỗ phục kích ra nhả đạn xối xả. Một đồng chí báo vụ do Bộ cử xuống và một đồng chí bộ đội vũ trang hy sinh tại chỗ.

Sau khi bắn chết hai người, chúng tìm đường trốn sang Lào. Trên đường đi, chúng còn bắn chết một em bé trông nương chỉ vì em nhìn thấy chúng.

Các trinh sát của ta vượt rừng, trèo núi đuổi theo ngày đêm không nghỉ. Truy kích đến Mường Lèo thì gặp hai tên nấp ở bãi cỏ gianh, mọc cao quá đầu.

Các trinh sát bao vây bốn phía, kêu gọi chúng ra hàng, nhưng chúng đáp lại bằng những loạt đạn vang rền. Ta thả chó nghiệp vụ lùa chúng ra thì chúng bắn chết cả chó.

Mấy tiếng trôi qua, hai tên vẫn điên cuồng cố thủ trong bãi gianh rộng mênh mông. Nếu đêm xuống thì chúng sẽ lẩn mất, thậm chí có thể sát hại anh em. Cuối cùng ta phải ném lựu đạn để tiêu diệt.

Đường vào bản Hin Pén trên dãy Pha Luông. 

Năm 1967, khi hoạt động ở Sông Mã (Sơn La), cũng có 2 đồng chí công an phải bỏ mạng chốn rừng xanh núi đỏ.

Một đồng chí lao vào tóm tên biệt kích khi hắn vừa chạm chân xuống đất. Tưởng hắn hàng, nhưng chỉ một giây lơ là, hắn rút súng ngắn bắn anh gục ngã.

Một đồng chí là quân cơ yếu của Bộ cử lên phối hợp với các tổ chống biệt kích ở Sơn La cũng hy sinh anh dũng. Hôm ấy, anh đang trông chừng tên biệt kích nấu cơm, thì bị hắn cướp súng bỏ chạy. Anh đuổi theo hòng bắt sống thì bị hắn bắn chết.

Mặc dù cùng nhai ngô sống, sắn sống, ngủ chung lán, chung chăn suốt mấy tháng trời, nhưng vì nhiệm vụ bí mật nên không ai biết những đồng chí đã hy sinh vì nhiệm vụ đó tên là gì? Quê quán ở đâu? Sự hy sinh, lòng quả cảm đó chỉ có núi rừng Tây Bắc mới biết được.

Nhưng, sự hy sinh của các anh không phải là vô nghĩa. Đã có mấy trăm tên gián điệp biệt kích bị bắt và bị tiêu diệt. Sự thắng lợi của các chuyên án đã giáng một đòn nặng vào âm mưu thâm độc của cơ quan tình báo Mỹ và tay sai.

Sau này, chính CIA đã nói toạc ý đồ rằng tiến hành chiến tranh gián điệp biệt kích ở Việt Nam để rút kinh nghiệm phá hoại các nước trong thế giới thứ ba và cả các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu.

Nhưng CIA đã chuốc lấy thất bại nặng nề trước lực lượng công an Bắc Việt Nam còn rất non trẻ. Sự thất bại cay đắng đến mức cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ Kissinger phải chua chát báo cáo với Nhà Trắng: "Quốc sách hoạt động gián điệp biệt kích phá hoại Bắc Việt Nam đã hoàn toàn phá sản".
 Từ năm 1961 đến năm 1965, lực lượng An ninh đã bắt 56 toán thâm nhập bằng đường không gồm 353 tên, thu hàng chục tấn vũ khí tối tân, phương tiện thông tin liên lạc hiện đại, thuốc chữa bệnh, lương thực, thực phẩm. Suốt 5 năm đấu tranh, lực lượng An ninh không để địch gây ra một vụ phá hoại nào, không để một điệp viên nào móc nối thành công với cơ sở của chúng ở trong nội địa…

Phạm Ngọc Dương
Bình luận
vtcnews.vn