Ngôi trường trăm tuổi ở Cần Thơ cần xây mới

Giáo dụcThứ Hai, 13/07/2015 09:36:00 +07:00

Nhiều ý kiến của lãnh đạo các đơn vị ở Thành phố Cần Thơ cho rằng dù rất yêu mến ngôi trường trăm tuổi THPT Châu Văn Liêm nhưng việc xây mới là cần

(VTC News) – Nhiều ý kiến của lãnh đạo các đơn vị ở Thành phố Cần Thơ cho rằng dù rất yêu mến ngôi trường trăm tuổi THPT Châu Văn Liêm nhưng việc xây mới là cần thiết.

THPT Châu Văn Liêm, TP Cần Thơ được biết đến một ngôi trường mang đậm nét kiến trúc Pháp đầu thế kỷ 20. Trong những ngày qua, câu chuyện trùng tu hay xây mới Trường THPT Châu Văn Liêm (TP Cần Thơ) đang được dư luận bàn tán xôn xao.
THPT Châu Văn Liêm (Cần Thơ) đã xuống cấp nghiêm trọng
THPT Châu Văn Liêm (Cần Thơ) đã xuống cấp nghiêm trọng 
Sau lắng nghe ý kiến dư luận, Sở Giáo dục và Đào tạo Cần Thơ cũng đã có văn bản gửi UBND Thành phố Cần Thơ chỉ rõ ra các  lần sửa chữa trường THPT Châu Văn Liêm và lý do cần phải xây mới ngôi trường này để đảm bảo an toàn cho các thầy cô và các em học sinh.

Ông Trần Trọng Khiếm, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Cần Thơ cho biết năm 1987, Pháp gửi văn bản thông báo các hạng mục công trình Trường THPT Châu Văn Liêm do Pháp xây dựng đã hết thời hạn sử dụng (xây dựng từ năm 1917).

Năm 1989-1990, trường THPT Châu Văn Liêm được nâng cấp cải tạo, xây dựng đơn nguyên hành lang của dãy nhà học giữa (dãy số 2) và dãy nhà học phía đường Ngô Quyền (dãy số 3), để sử dụng thuận lợi các phòng học trên tầng lầu.

Năm 1991-1992, trường được xây dựng khối 3 phòng học vi tính (một trệt, hai lầu) phía đường Võ Thị Sáu.
THPT Châu Văn Liêm, Cần Thơ
THPT Châu Văn Liêm đã được duy tu, sửa chữa nhiều lần 
Năm 1994-1995, trường THPT Châu Văn Liêm được tháo dỡ toàn bộ mái ngói, gỗ mái và thay mới, sửa chữa toàn bộ phần mái nhà của 4 dãy nhà học (xây từ thời Pháp).

Năm 1998, trường được sửa chữa mái khối nhà hiệu bộ (Văn phòng Ban giám hiệu, phía đường Ngô Quyền); sửa chữa toàn bộ mái ngói hành lang tầng trệt của các dãy nhà học.

Năm 2001-2002, trường tiếp tục được sửa chữa 2 dãy nhà phía đường Trương Định và Võ Thị Sáu (2 dãy nhà này: số 5 và số 6, xây dựng từ thời Mỹ); thiết kế và xây dựng mới khối phòng học thí nghiệm-hội trường, khối nhà hòa âm.

Từ năm 2002 đến 2012, để duy trì hoạt động, các dãy phòng được sửa chữa nhỏ, chủ yếu là phần mái ngói.

“Như vậy, trải qua nhiều giai đoạn, Trường THPT Châu Văn Liêm được xây dựng với các kiến trúc khác nhau: của Pháp (có 5 khối nhà, gồm 3 dãy nhà chính, dãy phòng học tiếng Pháp và khu hiệu bộ); của Mỹ (có 2 khối nhà mỗi khối có 8 phòng học đối xứng nhau ) và từ sau năm 1975 xây thêm 3 khối nhà (khối 3 phòng học vi tính, khối phòng học thí nghiệm-hội trường, khối nhà hòa âm)”, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo TP Cần Thơ khẳng định.

Như vậy, có thể thấy rằng trong những năm gần đây, trường THPT Châu Văn Liêm đã được duy tu, sửa chữa rất nhiều lần nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho học sinh và giáo viên.
THPT Châu Văn Liêm, Cần Thơ
Các cột chịu lực có nhiều vết rạn nứt  

Trước đó, Sở Xây dựng đã có công văn khẳng định: “Công trình đã vượt niên hạn sử dụng, không đảm bảo an toàn chịu lực; vì vậy để đảm bảo cho tính mạng con người, Sở Xây dựng yêu cầu không sử dụng công trình này làm công tác giảng dạy và khẩn trương di dời đến địa điểm khác nhằm tránh những rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra”.

Xung quanh vấn đề này, một kỹ sư xây dựng giàu kinh nghiệm tại Hà Nội và đã có thời gian thực tế khảo sát tại trường THPT Châu Văn Liêm (Cần Thơ) cho rằng nên xây mới ngôi trường này dựa trên kiến trúc cũ là quyết định đúng của Lãnh Đạo TP. Cần Thơ vì để đảm bảo an toàn tính mạng cho học sinh, giáo viên.

Việc xây mới trường THPT Châu Văn Liêm sẽ đảm bảo chất lượng giảng dạy và học tập xứng danh với ngôi trường có bề dày lịch sử.

Vị kỹ sư này phân tích rằng, cao độ hiện hữu của trường THPT Châu Văn Liêm (Cần Thơ) rất thấp. Mỗi lần mưa hay tới mùa nước lên, toàn bộ khuôn viên trường đều bị ngập úng ở mức cao rất kho khăn cho việc dạy và học.

Không những vậy do chất liệu xây dựng của trường xuống cấp nên độ lưu giữ và hút ẩm, giữ ẩm của vật liệu rất cao dẫn đến nấm mốc rất khó chịu.

Vì thế, nếu cải tạo trùng tu để nhà trường hoạt động được bắt buộc phải nâng cốt cao độ hoàn thiện của trường lên gần 1m.

Như vậy, khi gia tải thêm cho toàn bộ công trình và khuôn viên trường thì kết cấu nền móng hiện hữu khó lòng chịu được và không ổn định.Trong khi khu vực miền Tây là vùng đất rất yếu lại càng khó khăn hơn.
thpt châu văn liêm cần thơ
Nhiều bức tường của trường THPT Châu Văn Liêm đã mục rũa, ẩm mốc 
Bên cạnh đó, công trình trường THPT Châu Văn Liêm có tuổi thọ gần 100 tuổi nhưng không phải công trình được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia. Đây chỉ là một ngôi trường có kiến trúc cổ được Pháp xây dựng vào đầu thế kỷ 20.Việc tiến hành xây mới hoàn toàn dựa theo các quy định của luật xây dựng hiện hành.

Nếu duy tu, sửa chữa trường THPT Châu Văn Liêm thì bắt buộc phải thay thế toàn bộ mái, kèo, cửa vì bị mục và hư hỏng nặng không biết sập xuống khi nào.

Ngoài ra, trần lầu 1 của trường cũng đã mục hết, tường, trần tầng trệt nứt nẻ, cột lún gãy, nền tầng trệt ẩm thấp, nền lầu 1 bong tróc. Cốt cao độ thấp, cửa gỗ mục nát….

“Vậy nếu duy tu sửa chữa có phải không khác gì thay thế và đập phá hết. Chỉ để lại phần khung không đảm bảo chất lượng như vậy có hiệu quả bằng xây mới nhưng giữ nguyên bản theo kiến trúc cũ không”, vị kỹ sư này phân tích.
thpt châu văn liêm
Tính mạng của học sinh bị đe dọa bất cứ lúc nào với những mái trần, cột kèo đã mục 

Việc chất lượng công trình không đảm bảo khi trùng tu sẽ là hiểm họa đối với tính mạng của hàng nghìn học sinh, giáo viên tại mái trường này.

“Nếu việc trùng tu không đạt kết quả. Khi xảy ra sự cố đe dọa đến tính mạng của học sinh thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm?”, vị chuyên gia đặt câu hỏi.

Thậm chí, khi chưa có những hậu quả đáng tiếc xảy ra nhưng do cốt hiện hữu của trường thấp, dẫn tới ẩm thấp, không khí không được thông thoáng cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của các thầy cô và các em học sinh.

Người trong cuộc nói gì?

Trao đổi với báo chí, cô Trần Thị Lụa - Hiệu trưởng Trường THPT Châu Văn Liêm (Cần Thơ) cho biết nhà trường đã họp với phụ huynh học sinh để xin ý kiến về việc này.

 Nhiều người tiếc nuối khi phải phá dỡ trường nhưng đều nhìn nhận là trường xuống cấp, gây nguy hiểm khi sử dụng nên đã tán đồng việc xây mới.

“Mùa khô thì thầy và trò còn đỡ chứ vào mùa mưa rất nguy hiểm và nước đọng đổ dồn vào trường vì chung quanh trường cả bốn tuyến đường đều nâng cấp cao hơn nền sân trường”, cô Lụa nói.
thpt châu văn liêm, cần thơ
Dù rất yêu mến ngôi trường, nhưng giáo viên và học sinh trường THPT Châu Văn Liêm vẫn rất lo lắng khi trường đã xuống cấp trầm trọng

Cô Lụa cho biết thêm: "Dãy phòng học thứ 2 của trường đã đóng cửa khoảng 6 năm nay, do mái ngói, đòn tay đã hư hỏng, xuất hiện nhiều vứt nứt tường. Năm học qua, nhà trường đã kiến nghị và được Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đầu tư kinh phí sửa chữa, giải quyết tạm thời phòng lớp cho các lớp. Còn dãy phòng học cuối (cặp đường Xô Viết Nghệ Tĩnh) cũng bị đóng cửa nhiều năm nay nhưng không thể sửa chữa được, do mái ngói, sàn, vách nhà xuống cấp quá nặng. Chúng tôi rất mong thành phố sớm có giải pháp xây dựng Trường THPT Châu Văn Liêm, nhưng đảm bảo giữ nguyên kiến trúc cổ xưa".

Bà Võ Thị Hồng Ánh - Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cựu học sinh trường THPT Châu Văn Liêm cũng chia sẻ:  “Dù là học sinh cũ của trường nhưng tôi không vì ký ức đẹp mà quên đi trách nhiệm đảm bảo sự an toàn cho các thầy cô và học sinh hôm nay cũng như trong tương lai”.
THPT Châu Văn Liêm, Cần Thơ
Phối cảnh trường THPT Châu Văn Liêm khi được xây mới. Ngôi trường này sẽ được giữ nguyên kiến trúc cũ 

Tại kỳ họp HĐND TP Cần Thơ sáng 10/7, chủ tịch UBND TP Cần Thơ Lê Hùng Dũng đã có giải trình trước các đại biểu HĐND về việc xây mới trường “trăm tuổi” THPT Châu Văn Liêm.

Ông Dũng chia sẻ: “Vừa qua dư luận đặt ra nhiều vấn đề, thường trực UBND TP lắng nghe ý kiến của dư luận, nhưng về quản lý nhà nước chúng tôi rất băn khoăn. Pháp thông báo hết hạn sử dụng, cơ quan chuyên môn nói không nên sử dụng, phải xây mới. Chúng tôi đứng mặt quản lý nhà nước phải xây mới chứ nếu để xảy ra sập hay có sự cố gì thì ai chịu trách nhiệm, chủ tịch, bí thư, người đứng đầu thành phố chịu chứ không phải ngành giáo dục chịu”.


Minh Đức (tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn