Ngôi sao kỳ quái chưa từng thấy cách Trái đất 15.000 năm ánh sáng

Khám pháThứ Tư, 03/02/2021 14:32:19 +07:00
(VTC News) -

Các nhà thiên văn học phát hiện một sao từ độc đáo cách Trái đất 15.000 năm ánh sáng, hoạt động hết sức kỳ lạ.

Sao từ là một dạng của sao neutron - tàn dư của các sao khổng lồ chết trong vụ nổ siêu tân tinh. Điểm khác biệt của sao từ với các sao neutron khác là nó tạo ra từ trường cực mạnh.

Sao từ Swift J1818.0–1607 được phát hiện vào năm 2020 nhờ kính viễn vọng tại Đài thiên văn Neil Gehrels Swift. 

Ngôi sao kỳ quái chưa từng thấy cách Trái đất 15.000 năm ánh sáng - 1

Hình ảnh mô phỏng về Swift J1818.0–1607. (Ảnh: OzGrav)

Swift J1818.0–1607 là một trong khoảng 30 sao từ được phát hiện trong Dải Ngân hà cho tới nay.

Các nhà nghiên cứu phát hiện Swift cũng phát ra sóng vô tuyến, hoạt động như một sao xung (nhánh khác của sao neutron), phát ra chùm tia bức xạ mạnh mẽ từ các cực của mình. 

Trong 8 lần quan sát Swift trong thời gian 5 tháng, các nhà thiên văn nhận thấy các xung vô tuyến của sao từ này thay đổi đáng kể. Swift hoạt động như một sao xung vào tháng 5. Tới tháng 6, nó nhấp nháy nhưng khá yếu. Đến tháng 7, hoạt động của nó hội đủ cả tính chất của sao xung và sao từ. Swift chuyển sang trạng thái giống sao từ hơn vào tháng 8. 

Hành vi kỳ lạ này của Swift khiến các nhà nghiên cứu nghi ngờ nó có thể là mối liên hệ bị thiếu giữa các sao từ và sao xung. 

"Hành vi kỳ lạ này chưa từng được quan sát trước đây", tác giả chính của nghiên cứu, Marcus Lower đến từ Đại học Swinburne cho biết. 

Hiện tại, các nhà nghiên cứu đang đặt giả thiết về một trạng thái tiến hóa sao mới có thể xảy ra mà loài người chưa từng nhìn thấy. Họ vẫn đang tìm cách xác nhận giả thiết này thông qua các quan sát trực tiếp về một sao từ tương tự. Nhưng nhóm nghiên cứu cũng không loại trừ khả năng Swift có thể chỉ là một kẻ ngoại lai dị biệt. 

Diệu Hoa(Nguồn: RT)
Bình luận
vtcnews.vn