Ngôi mộ cổ ở Hải Phòng là mộ vua Mạc, mộ cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm hay mộ Hán 2.000 năm trước?

Phóng sự - Khám pháThứ Hai, 29/04/2019 06:50:00 +07:00

Sau khi Công ty Tân Phú Xuân chuyển "mộ vua", thì liên tiếp các sự kiện đồn đại kinh dị diễn ra, khiến nhiều người hoang mang, sợ hãi.

Kỳ 5 (kỳ cuối): Ngôi mộ Hán cổ khổng lồ?

Loạt bài tìm mộ cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm:

Kỳ 1: Nhà tiên tri muốn “gặp” nhà báo

Kỳ 2: Ngụy tạo chứng cứ biến quách gỗ chôn trẻ con thành cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm?

Kỳ 3: Tận mắt ngôi mộ ứng với sấm truyền?

Kỳ 4: Ly kỳ quanh “mộ vua”

Sau khi nghe những người trong dòng họ Mạc kể về quá trình Công ty Tân Phú Xuân đào ngôi mộ, rồi chuyển ra, tôi đã xác minh thêm thông tin bằng cách tìm gặp những người hiểu biết về mộ cổ trong vùng. Không khó khăn gì để gặp được anh Trịnh Văn Hoài, là người từng có nhiều kinh nghiệm trong việc đào mộ cổ.

Theo lời anh Trịnh Văn Hoài, quả núi Phụ Gia từng là một… khó báu khổng lồ, bởi đó là một nghĩa địa mộ Sở. Chuyện người dân ở vùng đất này gọi những ngôi mộ cổ trong lòng núi là mộ Sở, tức mộ của người nước Sở khá thú vị, tôi sẽ viết kỹ trong thời gian tới.

Theo anh Hoài, núi Phụ Gia có cả trăm ngôi mộ cổ. Anh từng đào bới, thu được không biết bao nhiêu cổ vật, số lượng có lẽ đến hàng ngàn món, anh bán hết cho mấy đại gia sưu tầm từ độ 20 năm trước. Anh tinh thông đến nỗi, trèo lên núi, dùng xẻng chọc chọc vào đất, là biết bên dưới lòng núi có mộ, mộ to hay nhỏ.

Ở quả núi Phụ Gia, mộ được chôn tầng tầng lớp lớp. Có 3 loại mộ cổ chính, một là mộ đất, hai là mộ gạch và 3 là mộ gỗ.

Nguyen-Binh-Khiem (6)

Theo phương pháp tâm linh, thì ngôi mộ này vừa được cho là của cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm, lại vừa được cho là của vua Mạc Đăng Dung. 

Mộ đất là loại mộ người xưa đào sâu xuống lòng đất, có thể sâu đến cả chục mét, đặt xác người chết xuống, không có quan tài gỗ, xếp đồ vật cạnh người chết, rồi lấp đất lại. Khi đào sâu xuống, sẽ lấy được đồ cổ xếp thành mặt phẳng. Xương cốt không còn, hoặc may ra chỉ thấy vệt trắng, gặp không khí là biến mất.

Loại mộ gạch thì nhiều nhất. Đó là những ngôi mộ vòm cuốn, như những đường hầm. Có ngôi mộ chỉ cách mặt đất độ 2-3m, có ngôi sâu cả chục mét. Có ngôi nhỏ, gồm 1 cuốn, có ngôi to như tòa nhà trong lòng đất. Trong mộ gạch cũng có rất nhiều đồ cổ.

Loại mộ nữa là mộ gỗ. Mộ gỗ thường ở rất sâu. Gỗ gồm những tấm lớn, thường là gỗ lim, xếp thành hình một cái cũi, như ngôi nhà. Có những ngôi mộ tốn cả trăm tấn gỗ lim. Bên trong cái cũi là quan tài chứa xương cốt. Trong quan tài và ngoài quan tài, đều có nhiều cổ vật, thậm chí vàng ngọc, vì quan niệm chia của cho người chết.

Nguyen-binh-khiem (14) 3

 Tác giả trong một ngôi mộ Hán bằng gạch ở Yên Hưng (Quảng Ninh), loại mộ có nhiều thời Bắc thuộc.

Nguyen-binh-khiem (13)

Một ngôi mộ gỗ rất lớn ở Hải Dương, được xác định là mộ Hán cổ, có tuổi trên dưới 2.000 năm. 

Sau khi Công ty Tân Phú Xuân chuyển ngôi mộ quách gỗ ra chôn, rồi gọi là mộ vua, thì liên tiếp các sự kiện đồn đại kinh dị diễn ra, khiến nhiều người hoang mang, sợ hãi. Chẳng hạn như, những người tham gia chuyển mộ, người chết, người bệnh, người tán gia bại sản, rồi xe cộ hỏng, chết máy… Điều đó càng khiến ngôi mộ này linh thiêng.

Video: Phát hiện hai tấm bia nghi liên quan đến mộ cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm

Điều thú vị, là năm 2011, khi phá quả núi Phụ Gia này lấy đất đá nghiền xi măng, thì Công ty Tiến Thành lại chạm một ngôi mộ gỗ khổng lồ, y hệt “mộ vua”, nằm cách “mộ vua” đúng 300m. Ngôi mộ này cũng sâu tới 13m, và từ mép núi phía sông vào là 63m.

Vì lời đồn kinh dị liên quan đến “mộ vua”, nên Công ty Tiến Thành không dám xâm phạm ngôi mộ này. Họ đã giữ nguyên hiện trạng, thông báo cho Bảo tàng Hải Phòng. Bảo tàng Hải Phòng đã thuê anh Hoài, anh Tiễu, anh Mạnh, anh Cao, đều là những người có kinh nghiệm đào mộ cổ, khai quật ngôi mộ này.

Nguyen-binh-khiem (10) 4

 Chiếc triện ngọc anh Hoài đào được trong mộ.

Theo mô tả của anh Hoài, thì tôi hình dung ra đó là một ngôi mộ gỗ hình cũi rất lớn, được xếp bằng gỗ lim. Trong lòng quách gỗ là quan tài hình thân cây khoét rỗng. Bên trong quan tài không còn xương cốt, nhưng có một số cổ vật như 7 chiếc mâm bồng bằng gỗ, 4 pho tượng người cách điệu bằng gỗ sơn son thếp vàng, các di vật rất nhiều như mai, đĩa, chén, lược, lọ, bình, vò, chum, bát, thạp, thìa bằng gỗ và đất nung với hoa văn trang trí chủ chủ yếu là hình tổ ong và các khắc, vạch.

Ngoài ra, còn tìm thấy một số quả cau và vết tích của những lá trầu không làm bằng gỗ...

Nguyen-binh-khiem (9) 5

 Đồ cổ anh Hoài dùng đựng tàn thuốc lá.

Mặc dù không được tận mắt cuộc đào ngôi “mộ vua” năm 2009, nhưng theo lời kể của những công nhân di chuyển, thì ngôi “mộ vua” và mộ gỗ hình cũi đào được năm 2011 là giống nhau, kích cỡ tương đương nhau. Theo anh Hoài, anh đào được khá nhiều những ngôi mộ ở gần nhau có kích cỡ tương ứng nhau, kiểu dáng giống nhau và cùng niên đại. Nhiều khả năng là mộ của chồng và vợ, đều là quan to, vua chúa, cực giàu có thời xưa.

Với kinh nghiệm từng tìm hiểu về các loại hình mộ táng xưa, tôi tin rằng, ngôi “mộ vua” là mộ gỗ hình cũi, là loại hình mộ phổ biến thời Bắc thuộc, kéo dài từ đầu công nguyên đến tận thời Trần. Những ngôi mộ gỗ to, gỗ lim phiến lớn, cũi to, quan tài to hoặc bằng thân cây, chôn theo đồ gỗ, đồ gốm, thường xuất hiện vào thời điểm đầu công nguyên.

Nguyen-binh-khiem (7) 6

 Đồ cổ thời Bắc thuộc lấy được trong mộ Hán, có rất nhiều ở nhà anh Hoài.

Mộ gỗ hình cũi xuất hiện cùng thời điểm với mộ gạch xây vòm cuốn. Những ngôi mộ đất, tức chỉ đào đất rất sâu rồi chôn xác người, có thể xuất hiện sớm hơn dạng mộ gỗ và mộ gạch.

Với những kiến thức khá cơ bản này, tôi đặt nghi vấn rằng, “mộ vua” là một ngôi mộ rất cổ, xuất hiện thời Bắc thuộc, có tuổi trên dưới 2.000 năm. So sánh với những ngôi mộ gỗ khổng lồ đào được ở vùng Hải Dương, Quảng Ninh, thì có thể phán đoán, niên đại của ngôi mộ này tới 1.800 năm. Thời điểm đầu Công nguyên, mộ gỗ hình cũi ở vùng này thường rất lớn, được xếp bằng nhiều súc gỗ lim khổng lồ. Vua Mạc Đăng Dung và cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm, mất cách nay mới hơn 400 năm, thì khó có thể là ngôi mộ này.

Thế kỷ 16, nước ta đã xuất hiện mộ xác ướp, kéo dài đến thời Nguyễn, nên có thể mộ vua Mạc Đăng Dung, hoặc cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm là mộ xác ướp, hoặc cũng có thể táng theo cách đơn sơ của người Việt.

Nguyen-binh-khiem (2) 7

Người dân xã Liên Khê chặn đường phản đối các cá nhân, doanh nghiệp phá hoại di chỉ khảo cổ. 

Tôi bày tỏ quan điểm của mình về “mộ vua” có thể là mộ Hán, thì anh Mạc Văn Trọng cho biết: “Chúng tôi không có chuyên môn sâu về khảo cổ học, chỉ biết tin vào sự chỉ dẫn của tâm linh. Ngoài ra, khu vực này là Thành Dền, là di tích rất quý của nhà Mạc, nên tất cả mọi thứ phải được bảo tồn nguyên trạng theo luật di sản. Cũng mong các cơ quan vào cuộc, trước mắt là bảo vệ những di chỉ còn sót lại. Tiếp đó, các nhà khảo cổ về nghiên cứu, khai quật ngôi mộ, để làm sáng tỏ, là điều họ Mạc chúng tôi rất mong chờ”.

Ngôi mộ này, là mộ Hán, mộ vua Mạc, hay mộ cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm, quả thực rất cần sự quan tâm của các nhà khoa học để làm sáng tỏ. Tuy nhiên, có vẻ như, nhà tiên tri Nguyễn Bỉnh Khiêm vẫn đang thử thách con cháu trong việc tìm mộ cụ.

Xem thêm video: Người phục dựng bài thuốc trị tai biến từ thời Lê

Phạm Dương Ngọc
Bình luận
vtcnews.vn