'Ngôi làng' lấy chồng châu Phi ở Phú Thọ: Những thân phận buồn bã

Phóng sự - Khám pháChủ Nhật, 25/10/2015 06:22:00 +07:00

Nhớ chồng lính lê dương, bà buồn chán rồi sinh bệnh tâm thần, cứ lang thang đến các chợ để xin ăn.

(VTC News) - Nhớ chồng, bà buồn chán rồi sinh bệnh tâm thần, cứ lang thang đến các chợ để xin ăn...

Kỳ 2 (kỳ cuối): Những thân phận buồn bã

Xuyên qua thung lũng lúa chín vàng óng của Trung tâm Bảo trợ Xã hội Phú Thọ (xã Yên Kiện, Đoan Hùng, Phú Thọ), sang sườn núi bên kia là nhà bà Nguyễn Thị Tuệ. Khi tôi đến, bà Tuệ đang chuẩn bị lên vườn chè cắt cỏ.

Bà bảo, tính bà hay làm nên không ngồi một chỗ mãi được. Đã ở tuổi 75, song trông bà vẫn rất trẻ, da hồng hào, chỉ tội mắt kém, nhìn cái gì cũng chỉ một màu đục nhờ.

Tôi nhắc đến chuyện xưa, bà buồn bã ngồi thừ ra. Quê bà Tuệ ở xã Minh Khai, Từ Liêm, Hà Nội. Hồi nhỏ, nhà rất nghèo nên phải đi ở cho một gia đình giàu có ở Hà Nội.

18 tuổi, Tuệ phổng phao, xinh đẹp. Ông chủ nhà quen một lính lê dương người Marốc tên là Mohamet Balasa mắt nâu, cao to nên đã giới thiệu cho Tuệ. Khi đó, Balasa đang làm trong một công trường ở Cầu Diễn.

Cưới xong, hai người đưa nhau về nông trường Việt Phi 1 làm công nhân để sinh sống.

Bà Tuệ
Bà Tuệ 
Năm 1961, Tuệ sinh bé Xuân, còn có tên là Hailiba và năm 1962 tiếp tục sinh bé Mai, còn gọi là Tamo.

Ngày đó, do có nhiều tài lẻ nên Balasa thường xuyên được các cán bộ ở Bộ Nội vụ mời xuống Hà Nội quay phim giúp hoặc tham gia trận bóng.

Một lần, khi đội bóng của Balasa thắng, được thưởng một món tiền kha khá, anh đã mời bạn bè đi nhậu một bữa túy lúy. Lúc về nhà đi qua cầu phao, do say rượu nên ngã xuống suối chết.

Giữa lúc tưởng như tuyệt vọng, chồng chết khi vừa sinh, một nách nuôi hai con nhỏ, thì người bạn thân nhất của Balasa là Mohamet Haimet nắm tay chị bảo: "Thôi, chị đừng buồn nữa, anh ấy chết thì tôi kế vào nuôi hai cháu cho chị đỡ khổ". Trong hoàn cảnh ấy, bà Tuệ chỉ còn biết gật đầu đồng ý.

Chiến tranh ác liệt, nông trường chuyển đi đâu, Haimet cũng theo đó. Anh chăm sóc chị như chị như vợ mình, chăm nuôi bé Xuân và Mai như con mình đẻ ra.

Hồi còn ở nông trường Việt Phi 1 dưới Ba Vì thì còn kiếm được đôi chút do đi làm thuê ở dưới Hà Nội, từ khi chuyển lên nông trường Việt Phi 2 trên Yên Bái thì khốn khó mọi bề.

Thương vợ bạn, Haimet làm đủ mọi việc từ cuốc đất, trồng ngô, trồng sắn, vào rừng lấy măng, đào củ mài... Cũng chính từ tình thương yêu vô bờ bến ấy mà năm 1968 chị Tuệ đồng ý cưới Haimet. Cuộc sống hạnh phúc, anh chị liên tục sinh thêm bé Dung, bé Đào và bé Thắng.

Năm 1971, từng đoàn lính lê dương lên máy bay về nước, Haimet cũng mong mỏi được trở về quê hương sau 20 năm trời xa cách.

Trước khi lên máy bay, anh ôm chị Tuệ vào lòng bảo: "Khi nào có điều kiện anh sẽ đón em sang. Nhớ chờ anh nhé!". Anh bế theo bé Đào (còn gọi là Doda) về nước.

Những năm ở Nông trường Việt Phi 2, Haimet liên tục thư từ và gửi tiền vàng về cho mấy mẹ con sinh sống. Tuy nhiên, từ khi Nông trường Việt Phi 2 giải thể, mẹ con chuyển về Làng Xã Hội ở Đoan Hùng thì không thấy liên lạc gì nữa, có thể do thất lạc địa chỉ, cũng có thể ông Haimet không còn trên đời này.

Bà vẫn nhớ như in lời hứa của ông trước lúc lên máy bay và đêm đêm bà vẫn mơ thấy ông. Chiều chiều, bà lại ngóng đôi mắt đục mờ sang phía trời Tây mong ông về và mang theo cả Doda cho bà.

Vợ chồng anh Thắng, con út của bà Tuệ
Vợ chồng anh Thắng, con út của bà Tuệ 
Ai cũng bảo, ông ấy về mãi trời Tây, đâu còn nhớ đến cái xứ sở xa xôi này nữa, nhưng bao nhiêu năm nay, một mình bà ở vậy nuôi 4 người con trưởng thành và vẫn ngập tràn hy vọng gặp lại ông. Mấy người con lai của bà đều đẹp trai, xinh gái, cao to, mắt xanh hun hút.

Chị Xuân lấy chồng ở mãi Hà Nội, chị Mai thì lấy chồng trên thị xã Hà Giang, làm ăn buôn bán cũng khấm khá. Chị Dung xây dựng gia đình trên Yên Bái, còn anh Thắng lái ô tô và lấy vợ ở mãi thành phố Hạ Long.

Được biết, năm 1969, nơi đây là trại Tự Lập, thuộc Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an), là nơi cải tạo những đối tượng như gái mại dâm, nghiện ngập, lưu manh, trộm cắp.

Năm 1976, trại Tự Lập chuyển thành Làng Xã Hội, là nơi tập trung, nuôi dưỡng những người vợ, con của lính lê dương bị chồng bỏ rơi hoặc chồng chết trong chiến tranh. Khi đó, nơi đây tập trung đến 300 người vợ lính lê dương cùng cả ngàn đứa con lai.

Sau một thời gian được nuôi dưỡng, giáo dục và có khả năng tự lập, những người vợ lính lê dương tìm cách về quê, xuất ngoại hoặc đi tìm cuộc sống mới ở những vùng khác.

5 người vợ lính lê dương cùng với những người con lai không có chốn nương thân nào khác thì được Làng Xã Hội tạo điều kiện bằng cách chia đất đai cho để sản xuất, sinh sống.

Năm 2004, Làng Xã Hội được đổi tên thành Trung tâm Bảo trợ Xã hội tỉnh Phú Thọ, là nơi nuôi dưỡng người già cô đơn, không nơi nương tựa.

Những người như bà Mùi, bà Tuệ không thuộc diện được nuôi dưỡng, nhưng với chính sách nhân đạo của Nhà nước, bà Tuệ, bà Mùi, vẫn được cấp một gian nhà và tiền ăn hàng tháng.

Con cái bà Mùi và bà Tuệ đều đã có cuộc sống riêng, ai cũng muốn đón bà về chăm cháu, nhưng với hai bà, Trung tâm Bảo trợ Xã hội này đã có quá nhiều kỉ niệm, không thể rời xa được.

Bà Lan và Canaleo
Bà Lan và Canaleo  
 
Trước đây, những người từng là vợ, con của hàng binh thường bị người đời dè bỉu, khinh ghét. Tôi và một số chị em may mắn được Làng Xã Hội cưu mang, nên tôi đã coi đây như gia đình của mình rồi.
 
Bà Mùi bảo: "Trước đây, những người từng là vợ, con của hàng binh thường bị người đời dè bỉu, khinh ghét, không biết làm cách nào để sống. Tôi và một số chị em may mắn được Làng Xã Hội cưu mang, nên tôi đã coi đây như gia đình của mình rồi. Mình sống được nhờ nơi đây thì chết cũng phải ở đây thôi".


Chiều xuống như nhanh hơn dưới thung lũng Yên Kiện. Bà Mùi dắt bà Tuệ mù lòa lò dò từng bước đi ra phía bờ suối Sóc Đăng để thắp hương cho bà Lan và bà Quý.

Bà Quý cũng lấy chồng người Marốc và sinh được một cô con gái đặt tên là Lepbia. Hồi chồng về nước, ông ấy mang theo cô con gái duy nhất và hứa sẽ quay về Việt Nam đưa bà sang đoàn tụ.

Nhưng hơn 30 năm nay, ông ấy và đứa con duy nhất vẫn bặt tin. Bà Quý nhớ chồng, nhớ con đến u uất, rồi sinh bệnh tâm thần.

Mỗi lúc lên cơn, bà đi lang thang dọc con suối Sóc Đăng, rồi bà lăn xuống suối chết. Đến 2 ngày sau người ta mới tìm thấy xác đem chôn.

Thân phận bà Lan cũng buồn không kém. Bà Lấy chồng người Italia tên là Canaleo và sinh được 5 người con. Tuy nhiên, nỗi đau liên tiếp giáng xuống đầu bà khi 2 người con chết vì bệnh.

Hồi nghe tin chồng sắp được về nước, bà cũng thấy vui vì được theo chồng. Tuy nhiên, Chính phủ Italia quy định, phải ly dị vợ thì mới được về nước.

Ông ấy đã ly dị bà để về nước và rồi từ bấy đến nay không thấy liên lạc gì. Bà phải sống mấy chục năm trời trong đau khổ, dằn vặt, và rồi năm 2004, bà đã ra đi trong mỏi mòn chờ chồng.

Ở đây, tôi còn được nghe chuyện về bà N. Bà N. khốn khổ quá thể. Bà lấy chồng là lính lê dương mấy năm trời mà không có được mụn con. Chồng bà đã bỏ về Marốc, không mang theo bà. Nhớ chồng, bà buồn chán rồi sinh bệnh tâm thần, cứ lang thang đến các chợ để xin ăn...

Phong Bình
Bình luận
vtcnews.vn