Ngôi làng duy nhất Việt Nam có số nhà…

Tổng hợpThứ Tư, 25/08/2010 08:00:00 +07:00

Ai cũng có cái lý của họ. Chỉ biết rằng, những ngôi nhà cổ hàng vài trăm tuổi trong làng Cự Đà được đánh số ghi tên như những ngôi nhà hiện đại giữa phố…

Có lẽ, không ở đâu trên đất nước Việt Nam lại có một ngôi làng như thế: nhà nào cũng có biển, có số, rạch ròi và hiện đại như phố. Cán bộ xã bảo: đó là cách quản lý hành chính của chính quyền địa phương: nhà làm trên đất hợp pháp, đất ở thì được đánh số; nhà không hợp pháp, cơi nới, lấn chiếm hay đất sử dụng sai mục đích… thì không có số! Người già thì bảo: ấy là vì đất Cự Đà có truyền thống từ hàng thế kỷ trước. Ai cũng có cái lý của họ. Chỉ biết rằng, những ngôi nhà cổ hàng vài trăm tuổi trong làng Cự Đà được đánh số ghi tên như những ngôi nhà hiện đại giữa phố…

 

Phố giữa… làng Cự cổ

Trong ba làng Khúc Thuỷ, Khe Tang, Cự Đà của xã Cự Khê (Thanh Oai-Hà Tây), Cự Đà là làng có tuổi đời và tuổi nghề lâu năm nhất, ước tính cũng tới 4-5 trăm tuổi.  Con sông Nhuệ chạy xuyên qua làng đã hình thành nên một kiến trúc làng theo hình xương cá. Nó kẻ một trục dọc “ép” con đường làng chạy đua với mình: tất tật các ngõ xóm đều từ đó mà hình thành. Theo thuyết phong thuỷ, làng ở địa thế thuận lợi: nhất cận thị, nhị cận giang. Từ làng ra đất Kẻ chợ còn gần hơn ra trung tâm huyện lị Hà Đông cũ. Điều độc đáo dễ nhận thấy, đó là những ngôi nhà cổ hàng vài trăm năm tuổi vẫn còn giữ được những nét nguyên sơ cũ. Nó là dấu tích cho thấy một thời sầm uất và giàu có không kém gì đất kinh kỳ của một làng nông thôn vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Vài thế kỷ trước, do có con sông Nhuệ làm “hậu thuẫn”, các thương lái đều tập kết hàng tại Cự Đà. Các mặt hàng muối, vải, sợi, bông, gạo, thóc… đều cấp tập đổ lên bến Cóc. Sự buôn bán ngày càng ăn nên làm ra, người ta “đổ tiền” về Cự Đà để xây nhà, dựng cửa làm chốn nghỉ chân, tiếp khách trong những ngày giỗ lạt. Cho nên, thảy nhà cửa nơi đây khi đó đều cho thấy sự “chơi ngông” của những người “máu mặt”. Có người gọi làng là “làng doanh nhân”, bởi ngay từ thế kỷ 19-20 đã có những nhà buôn thành đạt, “xây nhà nghỉ” ở làng, lại kéo được cả đường dây điện về thắp sáng từ năm 1929. Có thể kể đến tên tuổi như các cụ Cự Phách, Cự Doanh, cự Đạt… Những người già cho rằng: bà Cự Chân và thân phụ, cụ Cử Doanh, có thể được ví là tổ nghề dệt kim của cả nước. Hàng loạt cơ sở sản xuất, xưởng dệt may của cụ Cự Doanh được lập nên ở phố Hàng Quạt (Hà Nội). Người Cự Đà đi làm ăn thập phương, mỗi năm hết tết đến mới trở lại quê cùng với những tài sản kếch xù kiếm được từ việc làm ăn buôn bán. Thảy mọi việc trông coi, chăm sóc nhà cửa đều do người ở, con sen coi sóc. Cho nên, cũng không phải không có lý khi ông trưởng thôn Vũ Văn Tuấn nhận định: những người dân gốc Cự Đà hiện tại chỉ khoảng 30%, bởi đại đa số đó là những người làm thuê làm mướn cho nhà giàu, do không có điều kiện, vốn… để ra ngoài bươn chải nên phải ở lại làng. Ông còn đưa ra những con số khá thú vị: Năm 1999 xã thống kê, người Cự Đà sống tại Hà Nội lên đến 1000 hộ; 288 hộ sống ở tỉnh lị Hà Đông… và tới gần 70% người Cự Đà dời quê đi buôn bán. Trải bao vật đổi sao dời, sau cách mạng, một bộ phận không nhỏ các thương nhân đều chuyển đi nơi khác; những ngôi nhà họ dựng nên cũng từ đó mà sang tên đổi chủ. Song, đó là chính sách phân phối tài sản từ địa chủ cho dân cày chứ tịnh không có cái sự mua bán bằng tiền, bằng bạc. Hàng chục thế hệ đã cùng sinh sống trong những ngôi nhà cổ kính như thế!

Cự Đà hiện có hơn 400 nóc nhà được đánh số thứ tự. Theo chính quyền địa phương, việc đánh số nhà được thực hiện từ năm 1993. Mỗi xóm, ngõ đều bắt đầu bằng một chiếc cổng vòm cổ kính. Nhưng, việc đánh số nhà tại Cự Đà có từ năm 1929. khi đó, làng có 290 nóc. Đến nay, việc đánh số nhà chỉ là việc giữ nguyên nếp cũ, chỉ gắn thêm biển cho những ngôi nhà mới. Chỉ những nhà làm trên đất thổ cư, hợp pháp mới được làng ghi số, treo biển. Còn những nhà mới phát sinh trên đất trồng trọt, lấn chiếm, bất hợp pháp, cơi nới đều không được may mắn ghi tên. “Bắt chước” Cự Đà, từ năm 2003, Khúc Thuỷ cũng gắn số nhà cho các hộ trong làng. Thành thử, về làng mà ngỡ như đang ở giữa phố. Khách lạ đến hỏi nhà ai, chỉ cần nhìn số nhà là tìm được đích danh thân chủ.

Qua chiếc cổng vòm cổ kính của xóm Đồng Nhân Cát, chúng tôi tìm đến số nhà 11- nhà của ông Trịnh Thế Sủng. Ông Sủng đi vắng. Chỉ có bà cụ 70 tuổi đang tỉ mẩn ngồi nhặt lá cây đem phơi. Ngôi nhà của cụ đã ngót hai trăm tuổi và là ngôi nhà cổ duy nhất còn lại của làng. Nó được dựng bằng gỗ xoan đào theo kiểu “7 tiền 7 hậu, cửa võng bức bàn” (cửa trước cửa sau đều có 7 cây cột) từ năm 1864. Trước, tổ tiên các cụ có cả một khu nhà rộng liền thành một khối, nhà trên, nhà dưới, nhà chái, nhà ngang… Mỗi khu cách nhau bằng một chiếc cổng vòm có cánh. Ông cụ thân sinh cũng là một tay cự phú, có hàng trăm mẫu ruộng bạt ngàn trải khắp xuống Đa sỹ, Văn Phú,Tó… Rồi cái sản nghiệp ấy cũng theo những thú chơi cô đầu, ả đào, hút xách mà tan tành hết. Có những lần cao hứng, cụ thuê cô đào cùng mình rong ruổi dọc con sông Nhuệ để thoả chí đàn ca. Ấy là câu chuyện được cụ bà Sủng tìm lại trong ký ức để kể với chúng tôi. Những gì cụ để lại cho con cháu là ngôi nhà “đại khoa” 5 gian với 35 cây cột gỗ xoan với lối kiến trúc mang đậm phong cách thời Nguyễn. Những nét khắc chạm tinh vi trên xà, cột, vách gỗ dường như càng trải qua thời gian mưa nắng, cái tinh tuý của kiến trúc thuần Việt càng được “cô” lại! Trong cái dáng ngồi suy tư của cụ bà trước hiên nhà, nắng chiều chênh chếch hắt trên nền gạch Bát Tràng màu da vải như vẽ lại cái không khí cổ kính buồn của vài trăm năm trước. “Khi tôi về làm dâu, các cụ đã dựng được cả  một khu nhà liền khối như thế. Hàng chục thế hệ nhà tôi đều từ đây mà ra cả. Cái mộng gỗ của nó khít tới mức, nhét chiếc tăm cũng không lọt!”. Bà cụ chẹp miệng. “Nhà tôi, từ lúc làm đến giờ chưa thay đổi gì sất. Có chăng chỉ vài lần đảo ngói. Mà cái ngói di này, dài, bền chắc. Nó cấm có suy suyển vị trí một viên.”.

 

Những ngôi nhà “đồng niên” như nhà cụ ước chừng còn hơn chục nóc. Còn nếu kể đến những nhà còn nguyên kiến trúc nhà cổ thì Cự Đà còn ngót trăm cái. Bên cạnh những ngôi nhà Việt cổ, Cự Đà có 30-40 nhà tây hai tầng theo kiến trúc Pháp. Ngôi nhà của ông Đinh Văn Tường mua lại 25 năm trước, nguyên là dinh thự của cụ Tư Bàng, cũng là một cự phú lúc bấy giờ. Biệt thự hai tầng này đã ngót 100 tuổi. Chủ nhân của nó chắc hẳn là người “kỹ tính” đã chọn cho nó một vị trí khá đẹp: nhà đứng đầu ngõ An Lạc, hai mặt giáp đường làng và ngõ xóm, lại quay ra mặt sông Nhuệ hứng gió trời. Tường hoa, bậu cửa… đều đã lên màu rêu xám. Những phù điêu, hoạ tiết phương Tây đắp nổi vẫn còn nguyên ở tầng một. Năm 1947, tại biệt thự này, tự vệ chiến đấu Hà Nội đã quyết tử chống lại 200 lính lê dương Pháp. Đi dọc con đường làng Cự Đà ngỡ như mình đang sống giữa xã hội Vịêt thuở trước. Làng còn giữ được nguyên các cổng vòm vào xóm. Xưa, đến giờ giới nghiêm, hai cánh cửa gỗ được đóng chốt, cài then, đảm bảo “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Thi thoảng, có đoạn đường còn lát gạch xếp nghiêng kẻ chỉ. Hai chiếc cột hình con cóc vẫn đứng ở bến cũ. Nó là nơi để thuyền bè cột dây neo đâu, hay đặt chiếc đèn hoa kỳ làm mốc cho những phu, cu-ly bốc dỡ hàng nhìn theo đó mà ghé thuyền vào ăn hàng, đặt mối…

 

Đêm nằm mơ… phố

Quỹ đất ngày càng thu hẹp trong khi con người ngày càng gia tăng. Theo đó, những ngôi nhà cổ cũng không chịu nổi sức ép ấy! Thế hệ sau lớn lên dựng vợ gả chống, cái không gian cũ không thể phù hợp với những nhu cầu mới. Ban đầu, người ta phải ngăn ô, chia gian hệt như những ô trong tủ thuốc bắc. Rồi, một vài nhà cắt ra vài gian xây mới, chồng tầng, làm nhà trần để có thêm diện tích. Nhà nào có điều kiện thì dỡ hẳn ra xây mới. Cho nên, bộ mặt Cự Đà bây giờ hết sức ngổn ngang, bừa bộn. Nhà cổ xen lẫn nhà hiện đại. Cả làng tựa như một công trường xây dựng. Bên cạnh những nóc nhà lợp ngói di đều tăm tắp nảy nòi ra những ngôi nhà tầng lừng lững.

Người Cự Đà không phải không nhận thức được giá trị của những ngôi nhà cổ, song với họ, nhu cầu cuộc sống hiện tai buộc nhiều người phải đành lòng phá bỏ, làm mới hay cơi nới thêm diện tích. Ông trưởng thôn cứ chép miệng tiếc rẻ: “Các anh chị đến Cự Đà vài năm trước sẽ nhìn thấy cả một quần thể nhà cổ, đường làng, ngõ xóm đều được lát gạch bổ cau!”. Rồi ông lại lắc đầu quầy quậy: “Biết làm sao được. Cự Đà là làng nghề. Hầu hết cả làng đều làm miến, làm tương. Không có chỗ phơi miến, người ta phải phá nhà cũ làm nhà trần lấy nơi phơi miến. Năm ngoái, ngôi nhà ngót ba trăm tuổi của  cụ Hai Chiếu đã bị phá bỏ. Nó là ngôi nhà cổ duy nhất được làm từ thời Lê. Cũng như thế, những chiếc cổng làng khi trước còn có cánh cổng gỗ hẳn hoi, nay để tiện cho việc những chiếc xe bò, xe thồ vận chuyển miến, vận chuyển lúa trong những mùa vụ, người ta phải phá bỏ nó đi. Vô hình chung, những cái cổ xưa còn lại cứ rơi rớt dần.

Anh Tuấn chỉ cho tôi xem đôi cá cóc trên bến khi xưa. Nó đứng “nép” vào góc khuất của chiếc cột điện. Con đường làng lát gạch nghiêng đã được bê tông hoá. Đó là một lẽ tất yếu. Nhưng bên cạnh nó, dòng sông Nhuệ đang có nguy cơ đổi màu cho dòng nước. Tôi chợt nhớ đến tiếng xuýt xoa cụ bà tên Sủng: “Giời ạ! Bây giờ có ai ăn nước sông nữa đâu. Người làng ai cũng phải làm giếng khơi, giếng khoan cả. Chú có ngửi thấy cái mùi khẳn khẳn nồng nặc ấy không? Đấy, chất thải của nghề làm miến, làm tương đấy!”. Rồi bà lại lẩn thẩn vun vén mấy chiếc lá tươi nằm còng queo trên sân gạch. Sau lưng bà, một ngôi nhà mái bằng còn nguyên mùi vữa. Trên đó, ngang dọc những chiếc sào chồng lên nhau để phơi miến. “Năm ngoái, nó cũng là ngôi nhà cổ ngót trăm tuổi đấy!”

Cự Đà là một trong những địa danh được đưa vào trong lịch trình tham quan du lịch của Sở du lịch tỉnh Hà Tây. Thế nhưng, nó chỉ mới được ghi nhận ở khía cạnh tiềm năng làng nghề cổ truyền, còn về mặt văn hoá, sự có mặt của những ngôi nhà Việt cổ hay những biệt thự làm theo kiến trúc Pháp dường như chưa được khai thác mấy. Ông Tuấn cho biết: mỗi năm có vài đoàn nghiên cứu, khi thì Viện Sử học, lúc là Viên Hán Nôm cùng với cán bộ của Sở Du lịch tỉnh, Phòng du lịch huyên về Cự Đà khảo sát. Những ngôi nhà cổ đã được ghi vào danh sách. Thế nhưng, Cự Đà vẫn chờ đợi mà chẳng có hồi âm. Ban văn hoá của xã, chính quyền địa phương cũng có nhiều dự định lắm, nhưng vẫn “chưa đâu vào đâu” cả. ấy là chưa tính đến nguy cơ Cự Đà gần  ngay đất Kẻ Chợ, qua khỏi địa phận Tó là đã bước chân sang đất Hà Thành. Khi Thủ đô mở rộng tốc độ đô thị hoá, giá đất mỗi ngày mỗi lên, không ít người đã chặc lưỡi mà cắt một phần chuyển nhượng. Thành ra, những ngôi nhà cổ có thể bền gan cùng năm tháng, nhưng cũng không thể ngăn áp lực từ sự “tàn phá”, dù là vô thức của con người.

Vài năm trước, người ta đã chứng kiến sự kêu cứu từ những ngôi nhà cổ Huế, Hội An… Chính quyền các địa phương trên đã “có sáng kiến” để người dân có thể sinh sống được bằng việc kinh doanh dịch vụ du lịch cho khách tham quan những ngôi nhà cổ của mình mà vẫn không động cham, phá bỏ kết cấu cũng như kiến trúc của nó. Bao giờ và khi nào Cự Đà có được “mùa xuân” như thế?

Có thể, người ta còn đang lấn bấn trong việc thảo ra một dự án để bảo tồn nhà cổ Cự Đà. Nhưng nếu cứ theo chiều hướng này, khi những ngôi nhà cổ được nhớ đến thì nó đã không còn tồn tại. Cả Cự Đà đang phập phồng hy vọng và mòn mỏi chờ đợi điều ấy!

Di Linh

Bình luận
vtcnews.vn