Ngôi làng 40 năm mới được hưởng niềm vui Tết độc lập

Thời sựChủ Nhật, 02/09/2012 11:10:00 +07:00

(VTC News) – Hơn 40 Tết độc lập của Tổ quốc, người làng Vân năm nay mới được hưởng không khí này.

(VTC News) – Hơn 40 Tết độc lập của Tổ quốc, người làng Vân năm nay mới được hưởng không khí này.

Ngày 25/8/2012 vừa qua là ngày đánh dấu mốc son lịch sử của thôn Hòa Vân (Hòa Hiệp Bắc, Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng) khi cả làng dời về ở hẳn trong phố sau gần nửa thế kỷ sống cô lập như một ốc đảo ở làng bên kia phố.

Trong gần 45 cái Tết Độc Lập của nước Việt Nam, người làng Vân chỉ biết côi cút ngóng vọng niềm vui chung đất nước từ ốc đảo Hansen. Từ khi đất nước chưa thông nhất cho đến khi hòa bình lập lại đã 37 năm, nay họ mới thực sự cảm nhận niềm vui của con dân đất Việt đón mừng Tết Độc Lập trong lòng thành phố trẻ Đà Nẵng.

Chúng tôi gặp lại ông Nguyễn Văn Xứng (Trưởng ban Mặt trận thôn Hòa Vân (cũ), khi ông còn khua mấy nhát chổi cuối cùng trước căn nhà trong dãy nhà mới mẻ, khang trang sạch sẽ mà ông và mọi người mới chuyển đến.

Sau cái bắt tay thật chặt, ông lôi ghế mời tôi ngồi và bắt đầu kể niềm vui của người làng khi vào ở trong dãy liền kề chưa đầy tuần. Vui, thỏa mãn, an tâm,… là tất cả những mỹ mà người dân ở đây nói về nơi ở mới.


Cộc sống của người dân thôn Hòa Vân hiện nay đã "thay da đổi thịt" bằng những dãy nhà liên kề mới, 

“Sáng nay khi còn tinh mơ, ông Bí thư phường đã đến đánh thức mọi người trong dãy dậy, cầm chổi, xẻng, cuốc để dọn dẹp lại khu liền kề sạch sẽ, ngăn nắp lại. Chính ông ấy cầm chổi cùng tôi quét các lối của các dãy nhà. Cả làng không ai bảo ai, ùa ra cùng làm, cắm cờ Tổ quốc để cùng đón lễ Quốc Khánh”, ông Xứng kể.

Làng được thành lập từ năm 1968. Nguyên sơ của nó là làng của tập thể gần 70 bệnh nhân phong được đưa ra đây sống từ năm 1968 để tránh sự “nhìn ngó” của người đời khi mà quan niệm về căn bệnh này còn hà khắc.

Kể từ đó, những con người cùng cảnh ngộ đến từ muôn phương này cùng nhau về sống nơi đây. Rồi họ gắn bó với nhau, nhiều người đã nên vợ nên chồng và cuộc sống cứ thế tiếp diễn để dần dần nơi đây trở thành cái gọi là ngôi làng.


Quá trình phát triển cuộc sống trong cái ốc đảo ấy, từ mấy chục hộ dần phát triển đến những năm đầu thập niên thứ 2 của thế kỷ XXI đã có 134 hộ với 325 khẩu; số những người đầu tiên ra làng từ năm 1968 đến nay chỉ còn khoảng vài chục người. Cuộc sống của người dân trong làng cơ bản là đánh bắt cá, bên cạnh có trồng ít lúa ven chân núi, chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Hằng ngày, công việc chính của người Hòa Vân là ra biên đánh bắt cá 

Ông Trần Hữu Đức (nguyên trưởng thôn làng Vân) cho biết, cuộc sống bà con nơi đây quanh năm, ngoài những người được hưởng chế độ trợ cấp xã hội của Nhà nước, còn lại thì vẫn phải trông chờ vào con tôm, con cá đánh bắt từ biển thôi. Nhưng cuộc sống ở đây yên bình và thanh thản. Người dân trong làng gần gũi, đoàn kết, tắt lửa tối đèn có nhau.

Có một điều, con đường về Hòa Vân hồi trước là một thách thức rất lớn vì là đường biển dập dềnh sóng nước hoặc đường rừng cheo leo vách núi. Cũng chính sự hiểm trở và cô lập ấy nên Hòa Vân suốt ngần ấy năm trời vẫn mãi là ốc đảo sống gần như tách biệt với thế giới bên ngoài.

Ước mơ hòa nhập cộng đồng, từ năm 1998 đã le lói nhưng rồi phụt tắt sau đó theo những nỗi niềm khôn nguôi của người làng. “Giờ thì thành hiện thực rồi, chứ không phải là ước vọng, trong mơ nữa".

Ban đầu khi mới nghe sẽ chuyển đi, rồi đến giờ chuyển đi ai cũng bùi ngùi, chộn rộn. Nhưng rồi lãnh đạo thành phố, quận, phường đến nơi động viên, an ủi và làm công tác tư tưởng cho người làng thông suốt.

"Khi vào ở nhà mới khang trang, sạch đẹp như thế này. Có sống cả đời ở ngoài kia chúng tôi cũng không dám mơ đến ngôi nhà như thế này", nhiều người dân tâm sự.


"Hiện thôn Hòa Vân đã có 9 hộ trong diện được bốc lô đất riêng, sau khi vào ở tạm nhà liền kề đã xin thành phố cho chuyển ở lại nhà liền kề chứ không bốc lô nữa. Được chính quyền thành phố quan tâm đặc biệt, chúng tôi mới có ngày hạnh phúc hôm nay, niềm vui này sẽ còn âm ỷ mãi trong lòng mỗi người”, ông Xứng vui mừng kể.

Có thể nói, ông Xứng là cái kho sử sống của làng Vân, với trí nhớ tuyệt với dù đã bước qua tuổi 75, không thể không ngạc nhiên trước câu chuyện ông kể về làng, đếm từng tên, tuổi của người làng.

“Vào ở nhà mới, ai cũng thích, cũng yên lòng và an tâm lắm. Nhà nước cho gạo, một bếp ga, quạt điện, giường nằm, bộ bàn ghế inox và còn hứa sẽ tiếp tục hỗ trợ để người dân an lòng với cuộc sống mới.


Ở đây có trạm y tế, tổ dân phòng, an ninh đảm bảo nên không có gì phải lăn tăn về cuộc sống mới. Tuy vậy, về lâu dài sẽ ra sao, công ăn việc làm cho lớp trẻ vẫn còn âu lo lắm”, ông Nguyễn Văn Xứng băn khoăn.

Cuộc sống người Hòa Vân đã bước sang trang mới. Giờ đây không còn nơm nớp âu lo mỗi lần đi thuyền vượt Bãi Hẳm đầy âu lo với cuộn xoáy nuốt người. Không còn còng lưng leo núi, vượt rừng để lên đường đèo rồi thả dốc để về phố. Không còn cảnh sống một nhà 2 quê đối với các gia đình có con em học ở trong phố.

Nhìn dãy cờ Tổ quốc phất phơ trong nắng sớm ở dãy nhà liên kề, người làng Vân (bây giờ là tổ 14, P.Hòa Hiệp Nam, Q.Liên Chiểu) đang nô nức đón cái Tết Độc lập (Quốc Khánh) đầu tiên trong phố.

Linh Linh

Bình luận
vtcnews.vn